Nghị luận 500 chữ đánh giá nội dung nghệ thuật bài Cuốc xe ôm và ổ bánh mì
Tình yêu thương giữa con người với nhau chính là chìa khóa để giúp cho cuộc sống này trở lên tốt đẹp hơn. Với chủ đề tình yêu thương trong cuộc sống, nhà văn Nguyễn Bích Loan đã mang tới truyện ngắn Cuốc xe ôm và ổ bánh mì. Sau đây là bài Nghị luận 500 chữ đánh giá nội dung nghệ thuật bài Cuốc xe ôm và ổ bánh mì, mời các bạn tham khảo.
Dàn ý Nghị luận 500 chữ đánh giá nội dung nghệ thuật bài Cuốc xe ôm và ổ bánh mì
– Mở bài:
Giới thiệu về tác phẩm
– Thân bài:
+ Nội dung chính của tác phẩm
+ Về nội dung: Đơn giản nhưng lại ẩn chứa thông điệp sâu sắc về tình người
+ Về nghệ thuật: Nghệ thuật xây dựng tình huống bất ngờ
– Kết bài:
Khái quát giá trị của tác phẩm
Nghị luận 500 chữ đánh giá nội dung nghệ thuật bài Cuốc xe ôm và ổ bánh mì
Trong nhịp sống tấp nập và vội vã xung quanh chúng ta hiện nay, ở đâu đó vẫn luôn xuất hiện những câu chuyện thật ấm áp và cảm động về tình người, giống như truyện ngắn Cuốc xe ôm và ổ bánh mì của tác giả Nguyễn Bích Loan. Đây là một câu chuyện tuy đơn giản, vô cùng ngắn nhưng lại ẩn chứa những thông điệp ý nghĩa trong cuộc sống. Làm nên thành công của truyện phải nhắc tới đầu tiên là nhờ vào nội dung và nghệ thuật vô cùng đặc sắc.
Trước tiên về nội dung của truyện, nhà văn Nguyễn Bích Loan đã xây dựng một cốt truyện thật giản dị, xoay quanh hai nhân vật không rõ tên tuổi, nguồn gốc xuất thân, chỉ biết hai người là “nó” và “anh xe ôm”. Nó bị bệnh phải “chạy thận”, ra ngoài mệt nên nhìn thấy anh xe ôm liền gọi đặt xe. Vậy mà lúc xuống xe anh không lấy tiền của nó vì nó bị bệnh. Nhân vật “nó” quyết tâm từ nay nhớ mặt anh để không đặt xe của anh nữa vì nếu đặt anh lại thương và không chịu lấy tiền. Một lần “nó” biết anh xe ôm đó từng nghiện ma túy, đi tù vài lần nên mọi người không muốn gọi xe của anh, ai không biết như nó đợt trước mới gọi thôi. Vậy là nó tìm và đặt anh chở mình cả năm luôn, anh xe ôm đồng ý nhưng chỉ lấy tiền xe bằng một ổ bánh mỳ.
Nội dung của truyện đơn giản là vậy nhưng lại để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng độc giả chúng ta vì ẩn chứa trong đó là tình yêu thương của con người. Mỗi người chúng ta đều có khiếm khuyết và sai lầm, nhưng quá khứ đã qua, hãy nhìn vào thực tại để thấy được những mặt tốt hiện tại của nhau, bao dung cho nhau hơn giống như nhân vật “nó” biết bao dung cho anh xe ôm và tạo cơ hội cho anh hòa nhập lại với cuộc sống vậy. Hay như ở anh xe ôm, chúng ta cũng thấy được tấm lòng nhân hậu của anh vẫn còn nguyên vẹn dù anh đã từng mắc sai lầm trong quá khứ. Biết không ai muốn đi xe của mình nhưng anh vẫn ngày ngày hi vọng được mọi người dần chấp nhận, anh cũng đang ở trong hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn không chịu lấy tiền của nhân vật “nó” vì thương “nó” bị bệnh. Chính nhờ tính cách tốt đẹp của hai nhân vật mà nội dung của câu chuyện trở nên thật đặc sắc.
Về nghệ thuật, nhà văn Nguyễn Bích Loan đã sử dụng thật điêu luyện nghệ thuật xây dựng tình huống truyện, tạo nên những tình huống không ngờ tới. Đó chính là tình huống hai nhân vật gặp nhau. Ở lần gặp thứ nhất, chúng ta chỉ biết “nó” là bệnh nhân phải chạy thận còn anh xe ôm là một người tốt bụng. Nhưng đến lần gặp thứ hai, nhờ vào tình huống “nó” biết về quá khứ của anh xe ôm đã khiến cho độc giả chúng ta thấy được rõ phẩm chất đáng quý hơn của cả hai nhân vật này.
Truyện ngắn Cuốc xe ôm và ổ bánh mì đã thành công lấy được sự đón nhận của độc giả. Đạt được thành công này phần lớn là nhờ vào nội dung và nghệ thuật đặc sắc đã được nhà văn Nguyễn Bích Loan xây dựng. Qua đó, chúng ta được nhận một thông điệp sâu sắc về tình người trong cuộc sống, sống là phải biết bao dung và yêu thương lẫn nhau, có như thế chúng ta mới hạnh phúc hơn.