Trong chiến lược giao tiếp diễn ngôn – thể loại, để thể hiện chủ thể và bức tranh thế giới, các nhà văn lựa chọn, sáng tạo ngôn ngữ nghệ thuật đặc thù, mới mẻ. Nam Cao đã tạo ra ngôn ngữ nghệ thuật mang thế giới quan và nhân sinh quan riêng. Ngôn ngữ đó chính là ngôn ngữ thế giới quan của nhà văn. Theo cách hiểu của chúng tôi, ngôn ngữ thế giới quan là hệ thống ký hiệu, là cấu trúc biểu nghĩa cảu một cộng đồng ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi để kiến tạo bức tranh thế giới qua lăng kính giá trị của nó trong giao tiếp. Truyện ngắn Chí Phèo đã xây dựng nên một thứ ngôn ngữ thế giới quan đặc biệt, riêng có để biểu đạt bức tranh thế giới phân lập kẻ bên lề và trung tâm dưới sự tác động của tính chất quần ngư tranh thực và định kiến lạnh lùng. Ngôn ngữ thế giới quan ấy góp phần tạo dựng nên nghệ thuật tự sự đặc sắc, phong cách độc đáo trong truyện ngắn của Nam Cao.
Trần thuật từ đa điểm nhìn
Trong một diễn ngôn tự sự, trần thuật là linh hồn, yếu tố cốt lõi. Nghệ thuật trần thuật gắn liền với người kể và điểm nhìn nhất định. Lựa chọn cự ly, trường nhìn gắn với tọa độ không – thời gian sẽ đem đến một góc nhìn, cách nhìn về cuộc sống và con người. Cho nên, trần thuật luôn là một thứ ngôn ngữ nghệ thuật quan trọng trong tác phẩm truyện. Với Chí Phèo, nhà văn Nam Cao đã tạo ra một lối trần thuật độc đáo, làm cơ sở tạo nên tính đối thoại đa thanh là trần thuật từ nhiều điểm nhìn qua việc di chuyển điểm nhìn liên tục từ người kể giấu mặt sang nhân vật hoặc ngược lại, từ nhân vật này qua nhân vật khác. Toàn bộ tác phẩm được kể từ điểm nhìn của người kể giấu mặt, tạo cảm giác về cái nhìn từ bên ngoài, khách quan, kể những gì trông thấy. Tuy nhiên, điểm nhìn ấy được di chuyển qua nhân vật, kể bằng lời nói hoặc dòng độc thoại nội tâm. Giữa hai điểm nhìn/ ngôi kể này có sự chuyển tiếp bằng kiểu lời trần thuật nửa trực tiếp – lời là của người kể giấu mặt nhưng điểm nhìn lại ở nhân vật. Ngay đoạn mở đầu tác phẩm sự di chuyển linh hoạt này đã được thể hiện rõ nét:
Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu chửi trời, có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: Đời là tất cả nhưng cũng chẳng là ai. Tức mình hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ: “Chắc nó trừ mình ra!”. Không ai lên tiếng cả. Tức thật! Ồ thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất! Đã thế, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng không ai ra điều. Mẹ kiếp! Thế thì có phí rượu không? Thế thì có khổ hắn không? Không biết đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn cho hắn khổ đến nông nỗi này! A ha! Phải đấy hắn cứ thế mà chửi, hắn chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo? Mà có trời biết! Hắn không biết, cả làng Vũ Đại cũng không ai biết.
Khi di chuyển điểm nhìn ta sẽ thấy sự kết hợp hài hòa, linh hoạt giữa điểm nhìn bên ngoài và bên trong, điểm nhìn của người kể đứng ngoài và điểm nhìn nhân vật, điểm nhìn toàn tri và hữu tri, khách quan và chủ quan. Cùng một sự kiện, nhân vật, ta bắt gặp nhiều cái nhìn, điểm nhìn mang theo cách đánh giá, thái độ khác nhau, đối lập, xung đột với nhau. Ngay đoạn mở đầu, nói về tiếng chửi của Chí Phèo, ta sẽ thấy cái nhìn bên ngoài của người kể giấu mặt muốn tìm hiểu tường tận bài chửi của Chí, đối tượng, mục đích cuối cùng của tiếng chửi đó là gì. Nhưng trong cái nhìn của dân làng Vũ Đại thì Chí Phèo chửi đơn thuần như một thói quen, quán tính “cứ rượu xong là chửi”, chửi như người khác say hát nghêu, không có gì đáng quan tâm hay bất ngờ. Vì thế họ im lặng, họ nghĩ “chắc nó trừ mình ra”. Còn đối với bản thân Chí Phèo tiếng chửi chất chứa cả nỗi đau, khao khát, niềm phẫn uất lẫn tuyệt vọng. Đó là nỗ lực giải trung tâm, được thừa nhận, được giao tiếp dù phải gây hấn, nhận lại sự nhục mạ.
Khi lựa chọn trần thuật từ nhiều điểm nhìn và di chuyển linh hoạt, nhà văn Nam Cao đã sử dụng đại từ nhân xưng trung hòa sắc thái biểu cảm, gây cảm giác lạnh lùng khi gọi bằng “hắn”, “thị”. Tuy nhiên chính những đại từ này khiến ngữ nghĩa được chuyển đổi linh hoạt thành các ngôi khác nhau trong tình huống, ngữ cảnh cụ thể. “Hắn”, “thị” là cách gọi từ bên ngoài, người khác dùng để chỉ Chí Phèo, thị Nở tự nó mang theo cái nhìn có vẻ định kiến, bề bậc của những người ở trung tâm với những kẻ bên lề, thấp kém, dị dạng với thái độ khinh thị. Còn khi lời trần thuật là lời nửa trực tiếp thì những “hắn”, “thị” lại là cách tự xưng, tự xác định vị thế của mình với người khác, với xã hội. Nó là một kiểu xưng ít định danh nhất, không bao gồm quyền năng, thái độ, hay đại diện cho điều gì. “Hắn”, “thị” trần trụi là những con người thuộc một giới, như người khác nhìn để phân biệt họ với người khác, để hiểu sự tồn tại, hiện hữu của họ chỉ có thế, những gì là bản năng, bản thể tự nhiên nhất mà khi sinh ra được trời phú. Bên cạnh các đại từ nhân xưng, Nam Cao còn dùng tên để định danh, hoặc giữ chức năng như một cách xưng hô. Khi dùng đến tên cũng là cách định danh con người mang bản chất xã hội nào đó. Tại Sao là Chí Phèo không phải là Chí? Ngay tên gọi gắn với biệt danh mà cái trung tâm, đa số dùng để gọi đánh dấu một giá trị, vị trí của con người. Từ Chí đến Chí Phèo là hai quãng đời/ cuộc đời, số phận, vị trí khác nhau. Nó không đơn thuần là tên gọi mà mang trong đó sự biến đổi của thân phận, nhân cách, tâm hồn từ đánh giá bên ngoài. Thị Nở, thị, Nở là cách gọi không hoàn toàn giống nhau mang theo những điểm nhìn, cái nhìn với cảm xúc, thái độ khác nhau.
Khi trần thuật từ nhiều điểm nhìn thì tất yếu dẫn tới sự đối thoại trong ngôn ngữ, nhất là ngôn ngữ thế giới quan. Bởi điểm nhìn, cách sử dụng ngôn ngữ để định danh, môt tả mang theo những ý niệm, quan điểm, tư tưởng, tình cảm riêng của chủ thể đó. Vì thế, cùng một nhân vật, trong các khoảng thời gian, không gian gắn với các tình huống khác nhau sẽ có những cái nhìn khác nhau, đối lập/ đối thoại bình đẳng. Tổng thể những cái nhìn đó sẽ cho người đọc một cái nhìn bao quát, tổng thể, xóa tan mọi định kiến, thấy được mọi mặt, mọi phần trong một con người. Để từ đó, mỗi nhân vật hiện lên như một con người sống, động, như con người, mang bản thể muôn thuở với những phần tốt, xấu, thiện, ác, hiền, dữ, con, người… Điển hình nhất là Chí Phèo, thị Nở. Với Chí Phèo, Bá Kiến coi hắn là tay chân, là kẻ có thể sai khiến làm mọi việc chỉ cần mềm rắn đúng lúc, chỉ cần cho vài đồng bạc uống rượu; dân làng Vũ Đại coi hắn là quỷ dữ, là kẻ gây ra đau thương nên chết cũng không tiếc; bà cô thị Nở thấy Chí Phèo là con số 0, là mối ô nhục nếu cháu bà lấy hắn; trong khi đó thị Nở thấy hắn rất hiến, thấy đáng thương và tội nghiệp, nhất là đáng yêu. Nhưng điều quan trọng và độc đáo nhất là Nam Cao không tách bạch, thấy con người rời rạc ở các trạng thái, tính cách, mà ông thường xuyên để nhân vật hiện lên trong trạng thái lưỡng tính, nước đôi, chập chờn ở hai bờ say – tỉnh, người – con, hiền – dữ, thiện – ác, đáng thương – đáng trách, nạn nhân – tội nhân… Vì thế chúng ta khó có thể trả lời một cách rạch ròi câu hỏi cho tình huống cuối cùng rằng Chí Phèo đến nhà và giết Bá Kiến trong trạng thái say hay tỉnh? Cái thế lập lờ, nước đôi ấy là là đặc điểm người nhất, mang tính phổ quát nhân loại của con người muôn thuở.
Sự thay đổi ý nghĩa mô hình hóa phần mở đầu và kết thúc
Việc tổ chức kết cấu tác phẩm tự sự cũng là một yếu tố quan trọng của ngôn ngữ thế giới quan, nhất là phần mở đầu và kết thúc. Ở truyện ngắn Chí Phèo ta thấy rất rõ những sự gia công sáng tạo này. Tác phẩm mở đầu bằng hình ảnh hắn (Chí Phèo) vừa đi vừa chửi, cứ rượu xong là chửi. Sự xuất hiện của Chí Phèo gắn liền với tiếng chửi xác nhận một mốc thời gian cụ thể – thời điểm hiện tại. Lúc ấy Chí Phèo đã trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại, mất hết ý thức, triền miên trong những cơn say. Từ thời điểm hiện tại, người kể ngược về quá khứ truy tìm lai lịch, quá trình tha hóa, lý giải tại sao có một Chí Phèo xuất hiện ngày hôm nay như vậy. Sau khi trở về thực tại, chiều nay hắn lại chửi, những sự kiện mới tiếp diễn, tạo ra các bước ngoặt tiếp theo để đi đến kết cục cuộc đời của Chí Phèo và kết thúc tác phẩm. Việc tổ chức kết cấu như vậy sẽ làm đảo trật tự thời gian tuyến tính, dồn nén các khoảng thời gian kéo dài, đồng hiện sự kiện, tạo nên một cốt truyện diễn tiến nhanh, dồn dập, với nhiều bước ngoặt đầy kịch tính. Quan trọng hơn tỷ lệ các sự kiện trong các khoảng thời gian rất khác nhau. Quá khứ thoảng qua trong vài trang, người kể xoáy vào câu chuyện thực tại, các sự kiện đang diễn ra, nhấn vào bi kịch, thân phận bên lề và tác nhân gây ra bi kịch ấy. Ấn tượng chính là một kết cục đã rồi, không thể thay đổi, không thể vượt thoát những thành trì của định kiến và cường quyền.
Tác phẩm kết thúc bằng chi tiết: Ðột nhiên thị thấy thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa và vắng người lại qua… Nhiều người cho rằng với chi tiết kết thúc này thì Chí Phèo mang kiểu kết cấu đầu cuối tương ứng. Nhưng tôi thì lại thấy đây không phải là kiểu đầu cuối tương ứng mà chỉ là sự lặp lại chi tiết ở phần đầu. Bởi mở đầu là sự xuất hiện của Chí Phèo với tiếng chửi mà kết thúc là cái lò gạch cũ. Nó không tương ứng. Trên thực tế, hình ảnh cái lò gạch cũ bắt đầu xuất hiện từ đầu phần chính của cốt truyện, nói về xuất thân của Chí, một đứa trẻ bị bỏ rơi từ lúc chào đời trong cái váy đụp, bên cái lò gạch cũ bỏ không. Cho nên khi hình ảnh cái lò gạch cũ xuất hiện trong trí óc của thị Nở sau khi Chí Phèo chết chỉ là sự lặp lại như một điềm báo, một khả năng của thực tại sẽ kéo dài mãi mãi, không có điểm dừng. Và Chí Phèo là hiện tượng mang tính quy luật, vốn là sản phẩm của xã hội và của bản thân hắn. Cái lò gạch xác minh ngay vị trí bên lề, bị ruồng bỏ, bị đẩy ra rìa không thương tiếc của con người được sinh ra không theo mong muốn. Nó cho thấy một cái vòng luẩn quẩn của xã hội và phận người khi chưa thay đổi tận gốc, bản chất kiến trúc thượng tầng. Những số phận người lặp lại, có thể là những biến thể khác nhưng cùng bản chất khiến vấn đề đặt ra mang tầm bao quát, mang chiều sâu triết lý về quy luật vận động của cuộc sống, xã hội trong các mối quan hệ tương tác qua lại con người – xã hội, con người – người khác, con người với bản thân. Cái lò gạch cũ trở thành biểu tượng cho motip bắt đầu, tạo sinh, cái khởi nguyên. Một Chí Phèo này chết sẽ là sự khởi sinh cho biết bao Chí Phèo khác bởi đời còn những Bá Kiến thì vẫn còn Chí Phèo. Xã hội còn quần ngư tranh thực và định kiến nặng nề thì còn bi kịch của kẻ bên lề, cái khác, cái dị biệt.
Và như vậy truyện ngắn Chí Phèo đã thay đổi hoàn toàn ý nghĩa mô hình hóa phần mở đầu và kết thúc so với motip thông thường. Bởi mở đầu của tác phẩm đã là cái chung cục, là kết quả đã xong xuôi, hoàn tất, Chí Phèo vĩnh viễn đẩy ra bên lề, thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại; kết thúc mở ra những khả năng tạo sinh mới, là cái khởi nguyên. Chí Phèo chết, Bá Kiến chết nhưng những Chí Phèo, Bá Kiến khác thì vẫn còn nhiều, thậm chí tồn tại vĩnh viễn nếu không có hành động mang tính cách mạng toàn diện giải trật tự trung tâm đương thời. Truyện hết nhưng cuộc sống vẫn diễn ra, tiếp nối. Kết thúc nhưng cái ác, mầm xấu không bị tiêu diệt mà còn có thể chồi lên, nhiều hơn, tàn bạo hơn. Điều này khiến Chí Phèo mang tư duy, tính chất của một tiểu thuyết, nói tới hiện thực đang diễn ra, chưa hoàn tất, luôn luôn dang dở. Nó chính như cuộc sống, là cuộc sống luôn vận động, chuyển biến không ngừng trong từng ngóc ngách, nhất là ở những phận người cá nhân, những vấn đề thế sự và thời sự. Bởi con người, quyền sống là người, nhân tính, nhân phầm không phải chuyện của riêng thời nào, và ở phương diện nào đó thì sự tha hóa, biến dạng của con người bắt nguồn từ xa xưa, sẽ còn tiếp diễn tới mãi mãi về sau.
Thủ pháp giễu nhại được sử dụng linh hoạt, sáng tạo
Giễu nhại là một thủ pháp được dùng khá nhiều trong nghệ thuật hiện đại, không riêng gì văn học. Hội họa, âm nhạc, điện ảnh, sân khấu, sắp đặt đều có sử dụng giễu nhại như một thứ ngôn ngữ biểu đạt tư tưởng, quan niệm của tác giả. Giễu nhại trong văn chương thế giới xuất hiện khá sớm và rõ nét ở thời đại văn học đương đại. Trong văn học Việt Nam, giễu nhại có cội nguồn sơ khai từ các truyện cười, truyện tiếu lâm, những tác phẩm mang tính chất trào phúng. Đến văn học hiện đại, giễu nhại được sử dụng như một thủ pháp kiến tạo diễn ngôn. Xét về từ nguyên, giễu nhại (Parody) có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp mang ý nghĩa ban đầu là “hát sai nhạc” (Nhị Linh). Sau đó, nó được phát triển, được diễn giải với nội hàm, theo Nguyễn Hưng Quốc: giễu nhại, với tư – cách – là – một – thủ – pháp bắt chước một cách quá lố một văn bản khác đã xuất hiện từ lâu, ngay trong văn học cổ đại Hy Lạp, sau đó, vẫn thường xuyên được sử dụng trong vô số loại hình nghệ thuật khác nhau, từ kịch nghệ đến âm nhạc, hội họa, phim ảnh, và dĩ nhiên, cả văn học nữa. Như thế, bản chất của giễu nhại vừa có yếu tố giễu – cười cợt, phóng đại, vừa có yếu tố nhại – bắt chước, tạo ra phiên bản lỗi/ lố. Nó là một sự phủ định, hạ bệ, giải thiêng những gì được coi là cao cả, chuẩn mực, tôn ti, tầng bậc của uy quyền. Có rất nhiều cách giễu nhại khác nhau nhưng phổ biến là thế tục hóa, phàm tục hóa, nó tạo ra phiên bản phản lại văn bản gốc, một đối lập, hoặc thổi phồng ở những chiều kích khác, cho thấy tính lỗi thời, khôi hài. Do đó, giễu nhai sẽ là cách làm gia tăng những tầng lớp hàm ý, ẩn ý như một cách liên văn bản từ việc giải văn bản gốc.
Đọc truyện ngắn Chí Phèo, ta thấy tầng tầng lớp lớp các hình thức, cấp độ giễu nhại khác nhau được sử dụng tạo nên ngôn ngữ thế giới quan đặc sắc, kiến tạo bức tranh thế giới phân lập lề và trung tâm. Đó là giễu nhại ý thức, chuẩn mực đám đông/ cái đa số, giễu nhại lãng mạn, phản cổ tích, giải anh hùng. Ý thức đại chúng, cái đa số được phát ngôn thành định kiến, thành cái nhìn hời hợt, bảo thủ, khuôn phép, tự trói buộc tư duy và cảm xúc của con người. Điều đó thể hiện qua suy nghĩ và lời nói của bà cô thị Nở dành cho Chí Phèo. Cả Bá Kiến, một kẻ khôn róc đời tưởng nắm được thóp của Chí Phèo, có thể sai khiến và biến hắn thành công cụ phục vụ quyền lực của mình cả đời như Binh Chức cũng là sai lầm. Mọi cái nhìn đều hời hợt, chỉ thấy bên ngoài. Ý thức hệ của cái đa số, trong trung tâm hóa ra không phải đạo đức, thánh thiện, vì tiết hạnh hay cái thiện mà thực ra nó là sự thể hiện của lòng ích kỷ, đố kỵ, của lòng tham và sự ác độc. Ý thức đám đông thành định kiến nên trì trệ. Khôi hài hơn là người tỉnh táo, thông minh nhất lại là thị Nở – người mà làng Vũ Đại thấy ngẩn ngơ như người đần trong truyện cô tích. Chỉ có thị mới thấy Chí Phèo hiền, tội nghiệp, đáng thương, thấy cái khát vọng từ thiện tâm sâu thẳm, thấy thiên lương vĩnh hằng không bao giờ mất đi của hắn. Tình thương, tình yêu vô tư, thuần khiết, không toan tính khiến thị sáng suốt, không sợ Chí Phèo, mà còn gắn bó, yêu thương hắn. Và thị đã làm được điều kỳ diệu là đánh thức phần người trong Chí bị vùi lấp sau bao năm đầy đọa, làm hồi sinh tâm hồn, thiên lương của con quỷ dữ, để hắn sống như một con người. Điều này thì những người đàn bà đẹp đẽ như bà ba nhà bá Kiến cũng không thể làm được, và ngay bá Kiến cũng chẳng thể ngờ tới. Cái chết của Bá Kiến chính vì dù lọc lõi, quỷ quyết, khôn róc đời thì Bá Kiến cũng không thể biết Chí Phèo đã thay đổi, khác đi, không phải là tay chân ông có thể sai khiến hay vứt vài đồng cho uống rượu là xong. Nam Cao xây dựng thị Nở theo nguyên tắc đối lập giữa bề ngoài và bên trong, thân phận và tính cách, cảnh ngộ và tâm hồn. Ở một xã hội quần ngư tranh thực, thiếu vắng tình người thì thị Nở điềm nhiên sống, vô ưu, hồn hậu, nghĩ và làm khác người. Đã bảo là thị không giống ai, tự cho phép mình làm điều người khác không dám, như đi qua vườn nhà Chí ra sông kín nước, tiếp xúc với Chí lúc say để xin rượu, sống tình nghĩa, quan tâm, săn sóc, định lấy hắn. Vượt lên trên tất cả những gì người khác nhìn, những người tự cho mình đẹp đẽ, thông minh, đức hạnh, thị Nở sống với cái đẹp bản thể, hồn nhiên, vô tư nhất của tâm hồn không bị lòng tham, sự độc ác, đố kỵ chen vô. Thị sẵn sàng cho đi, cho không mà không nghĩ gì, không mong đáp lại. Như thế đứa con gái ba mươi tuổi chưa chót đời, bị cả làng xa lánh thực sự là một người đẹp vô ngần, rất có duyên, rất phúc hậu trong cặp mắt của Chí Phèo. Và Chính Chí Phèo mới là người tỉnh, không say, nhận ra rằng thị Nở rất có duyên, rất e lệ. Tình yêu làm cho thị có duyên, cho thị thêm đẹp, phát lộ thiên tính nữ, nét đàn bà cao cả, bao dung vốn có, nhất là khao khát yêu, được yêu, được quan tâm, săn sóc người mình yêu, mình thương. Và như thế, tư duy bầy đàn, suy nghĩ đám đông trở nên tệ hại, phi nhân, kiềm tỏa như một thứ xiềng xích, tước đoạt quyền sống, quyền tự do, quyền hạnh phúc của con người, nhất là những người tỳ vế, dị dạng ở bên lề. Với cách giễu nhại này, Nam Cao lên tiếng đòi quyền sống, quyền bình đẳng, được hưởng hạnh phúc bình thường của những cá thể, những cộng đồng thiểu số bị áp chế, chà đạp, cầm tù trong các chuẩn mực đạo đức, ý thức hệ và tư tưởng của cái trung tâm, đa số, bầy đàn. Cần tôn trọng quyền được sống, được khác biệt, như một cá thể người là vấn đề nhức nhối mà nhà văn đặt ra.
Cho nên, Chí Phèo giễu nhại chủ nghĩa lãng mạn, lý tưởng hóa theo các motip chuyện tình sến sẩm. Điều này bắt đầu từ cái nhan đề lần đầu tác phẩm được xuấy bản – “Đôi lứa xứng đôi”. Với tiêu đề này, trong bối cảnh văn học lãng mạn kiểu ngôn tình lên ngôi với các mối tình tài tử – giai nhân, hay câu chuyện lâm ly, hướng tới cái đẹp lý tưởng thì nó hướng tới tư duy của người đọc, kích thích sự hiếu kỳ, đi tìm câu chuyện tình lãng mạn đẹp như mộng. Song thực tế cái “đôi lứa xứng đôi” ấy lại là một thằng bị dân làng coi là quỷ dữ với mặt vằn dọc vằn ngang sẹo như mặt thớt và một cô gái xấu ma chê quỷ hơn khiến người ta tránh như tránh con vật rất tởm, cái môi thì nứt nẻ như bờ ruộng kỳ đại hạn, khiến chúng yêu nhau không cần đến những cái hôn. Miêu tả bối cảnh Chí Phèo gặp thị Nở rất lãng mạn, thơ mộng với ánh trăng dát vàng trên sông, những tàu chuối ưỡn mình lên hứng trăng giẫy đành đạch như hứng tình là một cách giễu nhại lãng mạn. Bởi không có thi nhân, mặc khách và bóng hồng, giai nhân nào trong đó. Không có câu chuyện tình sướt mướt, lâm ly, thề non hẹn biển, qua bão giông để đến với nhau. Chí Phèo say rượu, bứt dứt nên ra sông tắm cho đỡ nóng, đỡ ngứa, không muốn chui vào lều nóng nực. Thị Nở đi kín nước quên về vì bệnh ngủ, vì sự vô tâm và ngẩn ngơ nên không sợ gì Chí Phèo, cũng không biết dáng điệu tựa gốc chuối ngủ của mình là lả lơi. Chúng đến với nhau, quấn nhau trần trụi là bản năng con, bản năng tính dục bao năm bị đè nén. Tất cả tạo ra sự cười cợt, giễu những tư duy còn ôm mộng tưởng về các mối tình lãng mạn của tài tử giai nhân, hiệp khách người đẹp, hay ít ra cũng là chuyện tình đẹp khi còn dang dở. Tình yêu, tình nghĩa của thị Nở với Chí Phèo bắt đầu từ bản năng, xây dựng từ một sự đã rồi: Mình bỏ hắn lúc này cũng bạc. Dẫu sao cũng đã ăn nằm với nhau như vợ chồng. Tiếng vợ chồng ngường ngượng mà thinh thích. Bản năng đi trước mở đường cho ý thức, cái bị coi là thấp hèn làm cơ sở xây dựng tình cảm cao cả. Với lối tư duy này, Nam Cao đã xô đổ mọi suy nghĩ, cách tư duy muôn đời về con người, để con người được sống như con người, với bản thể nguyên sơ của mình. Đây là cái nhìn đầy nhân bản về con người.
Một khía cạnh khác của giễu nhại trong Chí Phèo là giải anh hùng. Điều đó được thể hiện trong cái nhìn của tự bản thân Chí Phèo về mình khi từ đòi được nợ của Đội Tảo cho Bá Kiến: “Anh hùng làng này cóc thằng nào bằng ta”. Hắn thấy hắn oai thêm một bậc nữa vì đã dám chống lại tất cả các thế lực đầu sỏ ở làng Vũ Đại. Mấy hôm trước hắn tới chửi, rồi rạch mặt ăn vạ ở nhà Bá Kiến, buộc Bá Kiến phải ngọt ngào, xử nhũn, rồi cho tiền thuốc thang, hôm nay đòi được nợ ở nhà Đội Tảo mà không cần đến hội đồng làm biên bản thì quả là anh hùng bậc nhất. Cái ý nghĩ anh hùng bậc nhất của Chí Phèo đích thị là một cái giễu nhại, giải anh hùng, bóc trần cái hiện thực đang diễn ra ở làng Vũ Đại, nhất là ở tầng lớp đầu sỏ, nắm quyền lực.
Bởi lẽ anh hùng trong quan niệm truyền thống là con người phi thường, chọn trời quấy nước, có lý tưởng, hoài bão lớn, hành động cao cả, quang minh chính đại, chống lại các thế lực tội ác, bạo quyền, bảo vệ người dân lương thiện, được mọi người nể phục, kính trọng. Anh hùng luôn gắn với cái lý tưởng. Thế mà trong Chí Phèo, cái sự anh hùng của hắn là gì? Là quá khứ tù tội, đi biệt khỏi làng học cái tính ương ngạnh nơi xa; là rạch mặt ăn vạ; là cướp phá, dọa nạt; là đâm chém, mưu hại, đốt nhà, tác oai tác quái cho dần làng: phá bao nhiêu cơ nghiệp, đập nát bao nhiêu cảnh yên vui, đạp đổ bao nhiêu hạnh phúc, làm chảy máu và nước mắt của bao nhiêu người lương thiện. Cái sự anh hùng của Chí Phèo được đám cường hào, nhất là Bá Kiến cổ vũ, tuy có thể không thừa nhận hắn là anh hùng bậc nhất như cách tự phong của hắn nhưng Bá Kiến ít nhất cũng xếp hắn thứ hai: thứ nhất sợ kẻ anh hùng thứ hai, sợ kẻ cố cùng liều thân. Chí Phèo không anh hùng song hắn lại liều lĩnh. Và liều lĩnh thì có thể làm bao nhiêu việc không ngờ. Cái quan niệm anh hùng đã bị làm méo mó, biến dạng, đánh đồng mọi hành động ngông cuồng, liều lĩnh, từ bản năng sức mạnh, kẻ mạnh đàn áp kẻ khác đều là anh hùng. Anh hùng nghĩa là làm cho kẻ khác phải sợ chứ không hẳn nể hay trọng. Vì thế anh hùng của làng Vũ Đại là kiểu người Chí Phèo, phục vụ cho các vây cánh cầm quyền, sẵn sàng làm việc ác, gây hại cho dân lành bất chấp phải trái, đúng sai. Anh hùng là có thể làm những việc ngang ngược do người khác sai khiến. Chí Phèo, kẻ anh hùng bậc nhất, nhì làng Vũ Đại trong mắt người dân lại là con quỷ dữ, khiến người khác phải sợ và tránh. Vậy đó là anh hùng hay phi anh hủng? Ranh giới ở đâu hay chỉ là cách định danh của quyền lực trung tâm? Cái sự đảo lộn giá trị, bản chất và lý tưởng đó đã cho thấy rõ bộ mặt của đám chức sắc ở xã hội quần ngư tranh thực, vạch trần bản chất của những thứ bề ngoài đẹp đẽ, màu mẽ, đạo đức, phẩm hạnh khi con người chỉ sống bằng phần con. Cho nên, khi muốn về làm người lương thiện, Chí Phèo cũng bị đẩy ra khỏi cái guồng máy cai trị đó, thành kẻ bên lề và sẽ bị hủy diệt.
Văn học hiện đại cũng thường sử dụng các mẫu gốc, motip trong văn học dân gian, cổ đại truyền thống để giễu nhại. Ở Chí Phèo, ta thấy một hình thức giễu nhại nữa cũng rất đặc sắc là phản cổ tích. Toàn bộ tổ chức cấu trúc truyện ngắn này không phải theo kiểu cổ tích nhưng tác phẩm có sử dụng giễu nhại motip cổ tích ở các nhân vật Chí Phèo, thị Nở và tình yêu của hai người họ. Sau khi uống rượu ở nhà Tự Lãng về, Chí Phèo gặp thị Nở, rồi sáng hôm sau hắn tỉnh, được thị Nở nấu cháo hành cho ăn, yêu thương, quan tâm, săn sóc. Tiếp nối là năm ngày hạnh phúc thị ở nhà hắn cả ngày lẫn đêm, làm hắn say thị lắm. Chính thị đã làm sống dậy những phần tốt đẹp, lương thiện, cao quý nhất của con người Chí Phèo. Chúng làm thành một cặp rất xứng đôi và định sẽ lấy nhau, xây dựng hạnh phúc của gia đình nho nhỏ chồng cuốc mướn cầy thuê, vợ dệt vải, bỏ con lợn nuôi làm vốn liếng… Đến đây thì đời Chí Phèo như bước sang trang mới. Hắn được sống trong cuộc đời khác, được hưởng hạnh phúc lần đầu trong đời biết tới. Câu chuyện đến đây đẹp như cổ tích và chỉ chờ kết thúc có hậu. Và kiểu người như Chí Phèo, thị Nở cũng thuộc một trong các motip nhân vật tiêu biểu, tình yêu điển hình của cổ tích: người đẹp và quái vật, người đẹp mang hình hài dị dạng (mang lốt). Cuối cùng thì những con người ấy sẽ hóa giải được lời nguyền, rũ bỏ cái lốt xấu xí bên ngoài, sống hạnh phúc trọn vẹn với tất cả những gì đẹp đẽ, bản thể của mình.
Tuy nhiên, Chí Phèo lại là hiện thực, mà cổ tích chỉ có trong giấc mơ hay tưởng tượng. Tác phẩm giống như một mệnh đề phản cổ tích, nhại ngôn tình lãng mạn, để kết cục trở về hiện thực trần trụi nhất. Kết thúc tác phẩm, dẫu vẻ đẹp tâm hồn khuất lấp, phần thiên lương sâu thẳm của thị Nở, Chí Phèo được đối phương phát hiện, tạo nên những sự thay đổi diệu kỳ trong bản thân họ thì trong mắt tất cả mọi người họ không hề thay đổi. Cái dị dạng, những tỳ vết vẫn còn hằn sâu, cái lốt xấu xí họ mang vĩnh viễn không rụng xuống, theo họ suốt đời. Chí Phèo vĩnh viễn là con quỷ dữ, thị Nở vẫn rất tởm vì dị dạng, ngẩn ngơ. Vỏ không thể tác để hạt chui ra, nảy mần thiện, mầm đẹp, mầm tốt lành. Cuộc tình của họ cũng tan vỡ và hạnh phúc mong manh bị hủy diệt. Không có một kết thúc có hậu nào mà chỉ toàn bi kịch, đau thương. Việc giễu nhại motip nhân vật cổ tích khiến Chí Phèo được cô đặc bởi hiện thực tàn nhẫn, khốc liệt. Và các nhân vật hiện lên như một biểu tượng điển hình, mang tính phổ quát về bi kịch nhân sinh, kiếp sống người, nhất là những con người nhỏ bé, chịu thiệt thòi bẩm sinh, bị đẩy ra bên lề, bị lăng nhục, chà đạp.
Việc sử dụng thủ pháp đối thoại tạo ra ngôn ngữ đa thanh, phức điệu theo đúng tính chất trong lý luận về tiểu thuyết mà M.Bakhtin đã đưa ra cho truyện ngắn Chí Phèo. Sự đối thoại ấy hàm chứa trong đó nhiều tiếng nói, giọng điều, nhiều cái nhìn, quan điểm, ý thức hệ, tư tưởng khác nhau. Quan trọng hơn, chính giễu nhại tạo nên tính đối thoại giữa cái hiện thực, đang diễn ra với những chuẩn mực, những tín điều mang tính vĩnh cửu. Điều đó cho thấy đời sống luôn chứa nhiều nghịch lý, cả những điều nghịch dị, éo le, đi ngược quy chuẩn hay quan niệm đã thành quy chuẩn. Chính vì vậy, tác phẩm đã khắc họa xã hội, cuộc sống, con người thành các điển hình, thật hơn cả sự thật ngoài đời, trả về bản thể như nó vốn có, như nó là thế. Nó kích động mạnh mẽ cảm xúc, suy tư, chiêm nghiệm về đời sống đương đại trong mối tương tác với hình tượng trong tác phẩm và những đối tượng bị bắt chước theo kiểu thổi phồng rất lố. Cũng vì thế Chí Phèo mang trong mình những bi hài, nụ cười và nước mắt, hạnh phúc và đắng cay của kiếp nhân sinh, những mâu thuẫn, xung đột mang tính xã hội và triết học muôn thuở.
Với ngôn ngữ và nghệ thuật tự sự độc đáo, Nam Cao đã tạo nên một thế giới nghệ thuật riêng, mang tính khái quát cao, thể hiện những vấn đề muôn thuở về cuộc sống và con người trong Chí Phèo. Do đó tác phẩm vừa mang tính hiện thực cao, vừa mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện những trăn trở của nhà văn về quyền sống, về vấn đề nhân tính, nhân phẩm của con người trong xã hội “quần ngư tranh thực” và định kiến nặng nề. Các yếu tố đặc sắc của nghệ thuật tự sự cũng mang đến một cái nhìn, một góc tiếp cận mới mẻ, mang tính khám phá, phát hiện sâu sắc về hiện thực và phận người trong hình thái xã hội đặc thù. Bên cạnh đó, việc kiến tạo ngôn ngữ chính là tạo nên mã nghệ thuật cho tác phẩm, một hình thức diễn đạt phù hợp với diễn ngôn tự sự, khiến tác phẩm như một dụ ngôn về thân phận, kết tinh tư tưởng, quan niệm nghệ thuật về con người, quan niệm thẩm mỹ độc đáo. Tất cả những điều đó đã làm nên một Chí Phèo, một mô hình cấu trúc thể loại gắn với những cách tân, sáng tạo lớn của Nam Cao về mặt nghệ thuật theo xu hướng tự sự hiện đại, mang đậm chất đối thoại, đa thanh, phức điệu.
Tác giả: Ngô Thanh Hải