1. Thơ sinh ra từ tình cảm
Cũng như văn học, thơ ca nhản ánh cuộc sống bằng hình tượng. Nhưng hình tượng trong thơ không phải được xây nên từ óc quan sát, chiều sâu nhận thức, tư duy logic của lý trí, mà nó gắn với cảm xúc, với tâm hồn.
“Thơ là người thư kí trung thành của những trái tim” (Đuybrlay). Đến với thơ, tâm hồn ta phải được chan hòa trong thế giới cảm xúc. Thơ là cơn gió. Tâm hồn ta là mặt nước phẳng lặng và bình yên. Cơn gió thơ có đủ mạnh để làm mặt nước tâm hồn ta xao động, đó mới thực sự là thơ.
Nhưng thơ đâu phải chỉ có thế. Hơn 2000 năm trước, Trang Tử đã có một triết lý rất hay về biển cả: “Biển cả là nơi mà tất cả các nguồn nước trên thế gian này đều đi ra từ đó nhưng nó không vơi, và nó cũng là nơi đón nhận tất cả các nguồn nước nhưng nó không đầy”. Văn học cũng như những nguồn nước, đều đi ra từ biển cả cuộc đời. Hàng ngày, tiếng sóng thủy triều vẫn âm vang chuyên chở sóng biển đời thường đến với trang thơ. Những sự chuyên chở ấy có bao giờ ngừng nghỉ, cũng như mảnh đất hiện thực có bao giờ vơi đi, khi người nghệ sĩ đến đó để chở nắng gió cuộc đời tưới mát muôn cây. Thơ ca phải gắn mình vào nguồn mạch cuộc sống và nhịp nối giữa thơ với cuộc đời chính là tâm hồn, trí tuệ nhà thơ.
Người, làm thơ, bình thơ xưa và nay dã bộc lộ rất nhiều quan niệm về thơ. Có người cho thơ là “thần hứng” (Platông), là “ngọn lửa thần”, là “cơn điên loạn thần thánh”, “thơ là sự tuôn trào bộc phá những tình cảm mãnh liệt”. Thơ ca không phải thuộc về một cõi huyền nhiệm, mông lung, diệu vợi; thơ ca lại càng không phải là “một thứ nghề chơi”, là trò đùa cảm hứng. Thơ gần gũi và thân thiết biết bao, thơ gắn với cuộc đời ta đang sống, thơ phản ánh cuộc đời theo quy luật văn chương.
2. Cuộc sống bao giờ cũng là nguồn cảm hứng mênh mông bất tận của tâm hồn người nghệ sĩ
Thơ ca nói riêng và nghệ thuật nói chung bao giờ cũng đi ra từ cuộc đời, cũng lớn lên từ hiện thực và rồi từ đó cánh diều nghệ thuật sẽ nhờ gió đời mà cất cánh bay cao. Sẽ “chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép” (Chế Lan Viên); “sẽ chẳng có thơ khi người làm thơ không tìm được sợi dây giao cảm đối với cuộc đời, không tìm đến những cánh đồng phì nhiêu để từ đấy hạt giống thơ ca được ươm trồng, nảy nở.” Lục Du đời Tống người đã viết hàng trăm câu thơ, lúc sắp mất đã tâm sự với con, lời tâm sự của một hồn thơ đi trọn cuộc đời mới hiểu cái lẽ “công phu của thơ là ở ngoài thơ”.
Sức nặng của những trang thơ chính từ cuộc đời đầy nắng gió ngoài kia. Nhà thơ phải đến đó để viết lên từ thứ mực được chưng cất từ chính cuộc sống. Gắn với cuộc sống, đấy là đặc trưng thẩm mĩ của văn học, của tác phẩm văn chương mà nhịp nối là nhà văn.
Cuộc sống với những hiện tượng phong phú, phức tạp vừa là đối tượng hướng tới, vừa là nguồn mạch nuôi dưỡng văn học. Quay lưng lại với cuộc sống, mải mê với chuyện đúc chữ, luyện câu, mọi giá trị văn chương chỉ còn là kỹ xảo.
3. Cuộc sống mênh mông vô tận sẽ là nơi cung cấp chất liệu cho Thơ
“Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật” (Belinxki). Cuộc sống với hơi thở ấm nóng sẽ tô điểm cho những câu thơ, cho nghệ thuật: “Hãy nhặt lấy chữ đời mà góp nên trang” (Chế Lan Viên). Thơ ca khơi nguồn từ cuộc sống nên thơ bao giờ cũng chứa đựng bóng hình cuộc đời, bóng dáng con người. Thơ mang trong mình những buồn vui đau khổ, rạo rực đắm say. Thơ nói riêng và văn chương nói chung sẽ làm nên nhịp cầu nôi trái tim trở về với trái tim, đưa tâm hồn đi tìm những tâm hồn đồng điệu. Thơ ca là cuộc đời nhưng thơ ca không phải là những trang giấy in nguyên vẹn bóng hình cuộc sống. Hay nói như Tố Hữu: “Cuộc đời là nơi xuất phát, cũng là nơi đi tới của văn học”