Hãy viết bài luận đánh giá chủ đề nội dung tư tưởng và nghệ thuật của truyện ngắn Giang
“Giang” là tác phẩm truyện ngắn viết về đề tài chiến tranh vô cùng sâu lắng, giàu suy tư và để lại nhiều lưu luyến. Hôm nay hãy cùng Hocmai360 cùng tìm hiểu đề bài Hãy viết bài luận đánh giá chủ đề nội dung tư tưởng và nghệ thuật của truyện ngắn Giang để hiểu hơn về tác phẩm này nhé!
Dàn ý viết bài luận đánh giá chủ đề nội dung tư tưởng và nghệ thuật của truyện ngắn Giang
a. Mở bài:
+ Giới thiệu tác giả , tác phẩm ( truyện ngắn Giang, tác giả Bảo Ninh)
+ Dẫn dắt vấn đề nghị luận : chủ đề nội dung tư tưởng và nghệ thuật của truyện ngắn Giang
b. Thân bài:
+ Giới thiệu nhân vật : “tôi” và “Giang”
• “Tôi” : chàng chiến sĩ trẻ được thưởng 2 ngày phép, tràn đầy sức sống, vô tư, hăng hái
• Giang: cô học trò nhỏ, là con gái của trung tá quân đội, mới từ Hà Nội lên, đầy hồn nhiên và thân thiện.
+ Truyện ngắn viết về đề tài chiến tranh – một đề tài lớn của văn học Việt Nam trong thời kỳ đánh giặc cứu nước => thể hiện rõ tư tưởng, tinh thần đánh giặc cứu nước của Bảo Ninh => tạo nên giá trị về nội dung cho truyện ngắn
+ Tình huống truyện đầy thú vị
• cuộc gặp gỡ tình cờ của “tôi” và Giang => tình dân quân tha thiết, bền chặt, sự quấn quít đầy lưu luyến đầy hồn nhiên của đôi bạn chưa đầy đôi mươi
• Sự hy sinh đầy tiếc nuối của bố Giang – vị trung tá quân đội đầy trách nhiệm và vô cùng ấm áp
=> Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện đã góp phần giúp tác giả lên án sự tàn khốc của chiến tranh, nó không chỉ đem lại những mất mát về vật chất mà còn cướp đi những giá trị tinh thần cao đẹp
c. Kết bài:
+ Cảm xúc của em về truyện ngắn Giang của tác giả Bảo Ninh.
+ Khẳng định những giá trị mà chủ đề nội dung tư tưởng và nghệ thuật đã mang lại cho truyện ngắn.
Hãy viết bài luận đánh giá chủ đề nội dung tư tưởng và nghệ thuật của truyện ngắn Giang
Tác giả Bảo Ninh tên thật là Hoàng Âu Phương, sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống giáo dục. Các tác phẩm của ông thường mang giọng văn nhẹ nhàng, điềm đạm,… Bảo Ninh đã có nhiều đóng góp cho nền văn học Việt Nam hiện đại với các tác phẩm như “Nỗi buồn chiến tranh”, “ Trai bảy chú lùn”,… và trong đó, không thể không nói đến tác phẩm truyện ngắn “Giang” được trích từ tập truyện “Bảo Ninh – những truyện ngắn”. “Giang” là một tác phẩm đặc sắc viết về cuộc sống và con người trong chiến tranh, đề cao, ngợi ca tình quân dân tha thiết, đồng thời còn phản ánh những đau thương, mất mát khôn nguôi mà chiến tranh đem lại, khiến ta càng thấy rõ hơn bức tranh hiện thực lúc bấy giờ. Không dừng lại ở đó, chủ đề nội dung và tư tưởng nghệ thuật của chính tác phẩm này cũng là chiếc chìa khóa để độc giả hiểu hơn, thấm thía hơn về nỗi đau mất mát và bức tranh tàn khốc mà chiến tranh đã vẽ nên cho quân dân ta.
Đến với truyện ngắn “Giang”, Bảo Ninh dùng ngôi kể thứ nhất, xưng “tôi” và kể lại cuộc gặp gỡ với nhân vật “Giang”, nhân vật “tôi” qua ngòi bút của Bảo Ninh hiện lên là một chàng chiến sĩ trẻ, tràn đầy sức sống, vô tư và đầy hăng hái, tác giả như luồn lách vào tâm trí của nhân vật, kể lại cuộc gặp gỡ cùng những cảm xúc, suy nghĩ đầy chân thật với Phạm Nhật Giang 10B. Không dừng lại ở đó, cái hồn của truyện ngắn còn được tác giả gửi gắm vào nhân vật Giang, ta có thể nhận thấy rất rõ điều đó qua nhan đề của tác phẩm. Giang là cô học trò 17 tuổi mới từ Hà Nội lên, là cô con gái nhỏ của trung tá, cô hồn nhiên, vui tươi và vô cùng thân thiện, đầy hiếu khách. Cuộc gặp gỡ giữa “tôi” và Giang đã tạo nên một tình huống truyện đầy ý nghĩa, thể hiện tình quân dân bền chặt, đồng thời nó cũng để lại bao tiếc nuối trong lòng độc giả bởi sự chống vánh nhưng đầy lưu luyến của đôi bạn trẻ.
Đề tài chiến tranh đã không còn quá xa lạ với các độc giả Việt Nam, đây là đề tài lớn của văn học nước nhà qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, truyện ngắn “Giang” cũng được tác giả viết về đề tài này. Đây là đề tài văn học đề cao tinh thần yêu nước, lên án tội ác của chiến tranh. Từ đó, ta thấy tư tưởng mà Bảo Ninh thể hiện qua tác phẩm rất rõ ràng. Ở tác phẩm ông nêu cao tinh thần yêu nước của tuổi trẻ, của những người thanh niên chưa đầy đôi mươi xung phong ra chiến trận, những con người tâm hồn tuy còn thơ ngây, ham chơi nhưng lại vô cùng có trách nhiệm với đất nước. Có thể nói, tác giả đã tạo nên giá trị nội dung cho tác phẩm qua việc thể hiện rõ tư tưởng, tinh thần yêu nước của mình.
Không những thế, Bảo Ninh đã rất tài tình khi xây dựng tình huống truyện là cuộc gặp gỡ chóng vánh giữa hai bạn trẻ đầy vô tư, họ chỉ vừa gặp nhưng lại như đã quen biết từ lâu, quấn quít, thân thiết. Cũng chính điều đó đã giúp tác phẩm ngợi ca tình dân quân thắm thiết, bền chặt. Đồng thời, đọc đến chi tiết bố của Giang hy sinh người đọc như thấy hụt hẫng, hụt hẫng bởi sự ra đi đầy tiếc nuối của ông – một trung tá quân đội đầy thân tình, ấm áp và cũng đầy mẫu mực, trách nhiệm với sự nghiệp nước nhà, ông còn là một người bố vô cùng yêu thương đứa con gái nhỏ của mình, đến đây, thật thấy tiếc nuối cho Giang và cho cả đất nước vì đã mất đi một người đáng kính, không dừng lại ở đó, người đọc còn hụt hẫng bởi “tôi” và Giang chưa từng gặp lại nhau sau lần tình cờ ấy, độc giả dường như cảm thấy tiếc cho mối tình mới chớm nở đã phải vụt tắt đầy xót xa. Từ những điều ấy, ta thấy rằng, nghệ thuật mà Bảo Ninh xây dựng trong cốt truyện đã góp phần lên án chiến tranh, nó không chỉ đem lại những mất mát về vật chất mà còn hủy hoại những giá trị tinh thần cao đẹp như tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình.
Dù trải qua dòng chảy khắc nghiệt của thời gian nhưng những luyến lưu mà tác phẩm truyện ngắn “Giang” mang lại bởi cuộc gặp gỡ tình cờ, chống vánh của đôi bạn trẻ vẫn còn đọng mãi trong lòng độc giả. Đồng thời, chủ đề nội dung tư tưởng và chủ đề mà Bảo Ninh xây dựng cho tác phẩm đã góp phần tạo nên giá trị to lớn, làm nên tên tuổi cho “Giang”