Đọc hiểu Trường ca những người đi tới biển

Đồng thành cùng Hocmai360 trả lời Đọc hiểu Trường ca những người đi tới biển để thấy được tinh thần dũng cảm, kiên cường sẵn sàng hy sinh tuổi xuân rực rỡ nhất của những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi. 

Trường ca những người đi tới biển

Chúng tôi không mệt đâu

Nhưng cỏ sắc mà ấm quá!

Tuổi hai mươi thằng em tôi sững sờ một cánh chim mảnh như nét vẽ

Nhiều đổi thay như một thoáng mây

Khi chúng tôi nằm nó vẫn ngồi nguyên đó

Ngậm im lìm một cọng cỏ may…

Những dấu chân lùi lại phía sau

Dấu chân in trên đời chúng tôi những tháng năm trẻ nhất

Mười tám hai mươi sắc như cỏ

Dày như cỏ

Yếu mềm và mãnh liệt như cỏ

Cơn gió lạ một chiều không rõ rệt

Hoa chuẩn bị âm thầm trong đất

Nơi đó nhất định mùa xuân sẽ bùng lên

Hơn một điều bất chợt

Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình

(Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc)

Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?

Cỏ sắc mà ấm quá, phải không em…

(Trích: Trường ca Những người đi tới biển – Thanh Thảo)


Đọc hiểu Trường ca những người đi tới biển - Đề số 1

Câu 1. Tuổi trẻ Việt Nam trong những năm tháng kháng chiến chống Mĩ được tác giả miêu tả qua những từ ngữ, hình ảnh nào?

Câu 2. Nêu tác dụng của biện pháp so sánh được sử dụng trong các câu thơ "Mười tám hai mươi sắc như cỏ/Dày như cỏ/Yếu mềm và mãnh liệt như cỏ".

Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về nội dung câu thơ: "Hoa chuẩn bị âm thầm trong đất/Nơi đó nhất định mùa xuân sẽ bùng lên"?

Câu 4. Điều anh/chị tâm đắc nhất trong đoạn trích trên là gì?

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1.

- Tuổi trẻ Việt Nam trong những năm tháng kháng chiến chống Mĩ được tác giả miêu tả qua những từ ngữ, hình ảnh: trẻ nhất, sắc, không mệt, dày, yếu mềm, mãnh liệt, không tiếc đời mình.

Câu 2.

- Tác dụng của biện pháp so sánh được sử dụng trong các câu thơ "Mười tám hai mươi sắc như cỏ/Dày như cỏ/Yếu mềm và mãnh liệt như cỏ" giúp cho người đọc hình dung ra được hình ảnh tuổi18, 20 của thanh niên Việt Nam kiên cường, sắc bén, mạnh mẽ, nhiệt huyết, đoàn kết,… Đồng thời biện pháp tu từ cũng cho thấy được thái độ, tình cảm, cái nhìn độc đáo của cây bút đối với tinh thần anh dũng của tuổi trẻ Việt Nam.

Câu 3.

- Nội dung câu thơ "Hoa chuẩn bị âm thầm trong đất/Nơi đó nhất định mùa xuân sẽ bùng lên" với hình ảnh của “Hoa” gợi lên sức mạnh tinh thần, tâm hồn của những người trẻ và “mùa xuân" đại diện cho thành quả, khi hoa nở tức là xuân đã về mang theo thắng lợi → Câu thơ chính là lời động viên, niềm tin mà tác giả dành cho những chàng trai, cô gái 

Câu 4.

- Điều em tâm đắc nhất trong đoạn trích trên chính là một tinh thần kiên cường, tự tin, hiên ngang, dũng cám dám đứng lên cống hiến tuổi xuân rực rỡ nhất cho sự tự do, hạnh phúc của Tổ quốc. 

Đọc hiểu Trường ca những người đi tới biển - ảnh 1

Đọc hiểu Trường ca những người đi tới biển - Đề số 2

Câu 1. Xác định thể thơ của đoạn trích trên.

Câu 2. Tìm và phân tích hiệu quả của 01 biện pháp tu từ được sử dụng trong các câu thơ sau:

"Mười tám hai mươi sắc như cỏ

Dày như cỏ

Yêu mến và mãnh liệt như cỏ."

Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về các câu thơ sau:

"Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình

(Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc)

Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?"

Câu 4. Đoạn thơ gợi lên những vẻ đẹp nào của hình tượng người lính trong những năm chống Mĩ?

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1.

- Thể thơ của đoạn trích trên là thể thơ tự do

Câu 2. 

- Biện pháp nghệ thuật trong các câu thơ sau là: so sánh, điệp cấu trúc.

+ So sánh: Mười tám hai mươi sắc như cỏ; dày như cỏ; yếu mềm và mãnh liệt như cỏ.

+ Điệp cấu trúc: như cỏ.

- Tác dụng của hai biện pháp trên khắc họa hình ảnh của những thanh niên trẻ Việt Nam trong độ tuổi 20 kiên cường, mạnh mẽ, đoàn kết, nhiệt huyết, tự tin được ví như cỏ một loài thực vật mềm, nhỏ nhưng lại kiên cường, sắc bén. 

Câu 3. 

- Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình: Là lời thủ thỉ của tuổi trẻ Việt Nam khi tham gia kháng chiến mà không tiếc nuối, hối hận. 

- (Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc): Tuổi 20 thì chỉ có một lần, là độ tuổi rực rỡ, nhiệt huyết, có niềm đam mê khao khát trước vẻ đẹp của thế giới. Vậy nên sẽ thật tiếc nuối nếu như bỏ lỡ cơ hội để tận hưởng độ tuổi tuyệt đẹp ấy. 

- Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?: Tuy nhiên chủ thể cũng nhận rằng, nếu bất kỳ ai cũng mang theo sự tiếc nuối, lưu luyến tuổi 20 thì việc chung của Tổ quốc sẽ có ai tham gia, vì độc lập, tự do, hạnh phúc của Tổ quốc thì hi sinh tuổi 20 không là gì. 

Câu 4. 

- Đoạn thơ gợi lên vẻ đẹp hình tượng người lính trong những năm chống Mĩ, một hình tượng kiên cường, dũng cảm, cương quyết không ngại gian khổ, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp của nước nhà. 


Tìm hiểu về tác giả Thanh Thảo và tác phẩm Trường ca những người đi tới biển


1. Tác giả Thanh Thảo

*Tiểu sử

- Sinh năm 1946, tên khai sinh là Hồ Thành Công, sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.

- Sau khi tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, ông đã vào chiến trường miền Nam làm báo và sáng tác văn học.

- Sau 1975, ông chuyên hoạt động văn học nghệ thuật. Hiện ông là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ngãi, phó chủ tịch Hội đồng thơ Hội nhà văn Việt Nam.

*Sự nghiệp

- Trước năm 1975:

+ Nhà thơ Thanh Thảo vừa tham gia chiến đấu vừa sáng tác văn. Những bài thơ của ông lúc này lấy cảm hứng từ cuộc chiến đấu anh hùng của dân tộc Việt Nam.

- Sau năm 1975:

+ Sau năm 1975, sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Thanh Thảo càng phát triển rực rỡ, với hàng loạt những tác phẩm xuất sắc.

+ Ông được công chúng chú ý qua những tập thơ và trường ca mang diện mạo độc đáo viết về chiến tranh và thời hậu chiến.

+ Khi chiến tranh đã lùi về xa, văn học có nhiệm vụ mới. Theo sự chuyển hướng của thời đại, các tác phẩm của Thanh Thảo lúc này bắt đầu đi sâu khai thác chất người, cái đẹp tiềm tàng khuất lấp bên trong mỗi con người.

Đọc hiểu Trường ca những người đi tới biển - ảnh 2

*Tác phẩm
- Thơ, trường ca:

+ Trẻ con ở Sơn Mỹ (trường ca, 1975-1978) gồm 7 cảnh

+ Những người đi tới biển (trường ca, 1977) gồm 3 chương

+ Những nghĩa sĩ Cần Giuộc (trường ca, 1978-1980) gồm 6 phần

+ Dấu chân qua trảng cỏ (tập thơ, 1978)

+ Bùng nổ của mùa xuân (trường ca, 1980-1981)

+ Đêm trên cát (trường ca, 1982)

+ Trò chuyện với nhân vật của mình (trường ca, 1983)

+ Cỏ vẫn mọc (trường ca, 1983)

- Tiểu luận phê bình:

+ Ngón thứ sáu của bàn tay (1995)

+ Mãi mãi là bí mật (2004)

+ Trò chuyện với dòng sông (2009)

*Giải thưởng

- Thanh Thảo đã nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1979

- Giải thưởng Ban Văn học Quốc phòng An ninh, Hội Nhà văn Việt Nam năm 1995

- Giải thưởng Nhà nước (đợt 1) về văn học nghệ thuật năm 2001

- Giải thưởng Văn học Đông Nam Á năm 2014.


2. Tác phẩm Trường ca những người đi tới biển

- Nội dung chính: Là lời tâm tình của chủ thế trữ tình, nguyện cống hiến, hy sinh vì Tổ quốc mặc cho những chàng trai cô gái ấy đang trong độ tuổi rực rỡ nhất của đời người. 

- Thể thơ: Tự do

- Phương thức biểu đạt: Biểu cảm. 

- Ý nghĩa: Bài thơ ngợi ca tinh thần dũng cảm, kiên cường của người trẻ trong giai đoạn kháng chiến chống Mĩ, một tinh thần tự tin, bất khuất, dám đương đầu với thử thách. Và đồng thời bài thơ cũng truyền tải tình yêu đất nước, tự tin, dũng cảm đến cho thế hệ trẻ hiện nay - thế hệ được sống trong hòa bình. 

Đỗ Xuân Quỳnh
16/3/2024
Đánh giá bài viết
icon-make-question icon-make-question