Đọc hiểu Quê hương thứ nhất của chị (Trắc nghiệm)
Hãy cùng Hocmai360 trả lời câu hỏi Đọc hiểu Quê hương thứ nhất của chị (Trắc nghiệm) để rút ra được thông điệp ý nghĩa nhất cho bản thân
Nội dung văn bản: Quê hương thứ nhất của chị
Quê hương thứ nhất của chị ở đất Hưng Yên, quê hương thứ hai của chị ở nông trường Hồng Cúm, hạnh phúc mà chị đã mất đi từ bảy, tám năm trước nay ai ngờ chị lại tìm thấy ở một nơi mà chiến tranh đã xảy ác liệt nhất. Ở đây, trong những buổi lễ cưới, người ta tặng nhau một quả mìn nhảy đã tháo kíp làm giá bút, một quả đạn cối đã tiện đầu, quét lượt sơn trắng làm bình hoa, một ống thuốc mồi của quả bom tấn để đựng giấy giá thú, giấy khai sinh cho các cháu sau này và những cái võng nhỏ của trẻ con tết bằng ruột dây dù rất óng. Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hi sinh gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua ranh giới ấy.
(Nguyễn Khải, Mùa lạc, Dẫn theo Truyện ngắn Nguyễn Khải, NXB Văn học 2013)
Đọc hiểu Quê hương thứ nhất của chị (Trắc nghiệm)
Câu 1 (0,5 điểm). Các phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản là:
A. Tự sự, miêu tả, biểu cảm
B. Nghị luận, miêu tả, tự sự
C. Thuyết minh, biểu cảm, tự sự
D. Nghị luận, thuyết minh, biểu cảm
Đáp án: A. Tự sự, miêu tả, biểu cảm
Giải thích:
Văn bản trên đã sử dụng tự sự: Nói về việc chị từng có quá khứ bất hạnh, khổ đau và đã tìm được hạnh phúc trong hiện tại; Miêu tả: về quê hương Hưng Yên và Hồng Cúm, những món quà ở đám cưới nơi đây; Biểu cảm: thể hiện tâm trạng của nhân vật “chị”
.==> Các phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản là Tự sự, miêu tả, biểu cảm
Câu 2 (0,5 điểm). Xác định ngôi kể của đoạn trích trên.
A. Ngôi thứ nhất
B. Ngôi thứ hai
C. Ngôi thứ ba
D. Ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba.
Đáp án: C. Ngôi thứ ba
Giải thích:
Ngôi kể thứ 3 là khi kể chuyện, tác giả thường ẩn mình/ giấu mình và gọi tên các nhân vật bằng tên của họ.
Văn bản gọi tên nhân vật là “chị”==> Ngôi kể của đoạn trích trên Ngôi thứ ba
Đọc hiểu Quê hương thứ nhất của chị (Tự luận)
Câu 3 (0,5 điểm). Dựa vào đoạn trích, anh/chị hãy ghi lại câu văn giới thiệu về quê hương của nhân vật “chị”.
Câu văn giới thiệu về quê hương của nhân vật “chị”: “Quê hương thứ nhất của chị ở đất Hưng Yên, quê hương thứ hai của chị ở nông trường Hồng Cúm, hạnh phúc mà chị đã mất đi từ bảy, tám năm trước nay ai ngờ chị lại tìm thấy ở một nơi mà chiến tranh đã xảy ác liệt nhất.”
Câu 4 (1,0 điểm). Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong cụm từ in đậm trong câu văn sau: “Ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua ranh giới ấy”?
– Biện pháp tu từ: ẩn dụ “con đường cùng” chỉ cái chết hay sự thất bại.
– Tác dụng:
+ Giúp câu văn thêm phần sinh động, hấp dẫn, tăng tính hàm súc, gợi những liên tưởng ý nhị, sâu sắc.
+ Nhấn mạnh đến việc cần có ý chí, nghị lực vượt gian khổ.
Câu 5 (2,0 điểm): Anh/Chị hiểu như thế nào về cuộc sống và con người qua các hình ảnh được nói đến trong câu: “Ở đây, trong những buổi lễ cưới, người ta tặng nhau một quả mìn nhảy đã tháo kíp làm giả bút, một quả đạn cối đã tiện đầu, quét lượt sơn trắng làm bình hoa, một ống thuốc mồi của quả bom tấn để đựng giấy giả thú, giấy khai sinh cho các cháu sau này và những cái võng nhỏ của trẻ con tết bằng ruột dây dù rất ông”.
Qua các hình ảnh được nói đến trong câu trên cho thấy cuộc sống đầy gian khổ, khó khăn trong chiến tranh vô cùng thiếu thốn, nghèo khó nhưng con người vẫn luôn lạc quan, yêu đời, mạnh mẽ vượt qua khó khăn, tìm hạnh phúc từ những điều gần gũi, tận dụng những đồ đã bỏ đi tạo niềm vui cho mọi người.
Câu 6 (0,5 điểm) Thông điệp nào có ý nghĩa nhất với anh (chị)? Vì sao?
Thông điệp ý nghĩa nhất với em là: Trong cuộc sống, luôn có những khó khăn, thử thách, dù ở trong hoàn cảnh nào cũng cần có ý chí, nghị lực để vượt qua gian khổ, nếu con người biết vươn lên sẽ tìm thấy hạnh phúc cho chính mình.