Tổng hợp các đề Đọc hiểu Làng quê lúa gặt xong rồi trắc nghiệm và tự luận có đáp án chi tiết nhất bám sát nội dung các đề thi Văn Đọc hiểu
Ngữ liệu đọc hiểu bài thơ Đồng quê
Đồng quê
Làng quê lúa gặt xong rồi
Mây hong trên gốc rạ phơi trắng đồng
Chiều lên lặng ngắt bầu không
Trâu ai no cỏ thả rông bên trời
Hơi thu đã chạm mặt người
Bạch đàn đôi ngọn đứng soi xanh đầm
Luống cày còn thở sùi tăm
Sương buông cho đống hoang nằm chiêm bao
Có con châu chấu phương nào
Bâng khuâng nhớ lúa đậu vào vai em…
1974
(Thơ Trần Đăng Khoa, trang 290, 291, NXB Thanh niên, 1999)
Đọc hiểu Làng quê lúa gặt xong rồi (Trắc nghiệm) – Đề 1
Câu 1: Bài thơ trên được viết theo thể thơ nào?
A. 5 chữ
B. Tự do
C. 7 chữ
D. 6 chữ
Câu 2: Bài thơ trên là bức tranh tả khung cảnh thiên nhiên nơi:
A. Đồng quê
B. Miền biển
C. Thành thị
D. Vùng núi
Câu 3: Phong cách ngôn ngữ được sử dụng trong bài thơ:
A. Sinh hoạt
B. Khoa học
C. Báo chí
D. Nghệ thuật
Câu 4: Bài thơ trên tả khung cảnh thiên nhiên vào mùa gặt:
A. Mùa xuân
B. Mùa hạ
C. Mùa thu
D. Mùa đông
Trả lời câu hỏi
Câu 1: B. Tự do => Dựa vào số chữ trong một câu thơ
Câu 2: A. Đồng quê => Tên đầu bài thơ
Câu 3: D. Nghệ thuật => Dựa vào nội dung của bài thơ
Câu 4: C. Mùa thu => Hơi thu đã chạm mặt người
Đọc hiểu Làng quê lúa gặt xong rồi (Tự luận) – Đề 2
Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt của bài thơ trên.
Câu 2. Xác định và nêu tác dụng của biện pháp tu từ trong hai câu thơ:
Có con châu chấu phương nào
Bâng khuâng nhớ lúa, đậu vào vai em
Câu 3. Cảnh làng quê hiện lên như thế nào qua bài thơ?
Câu 4. Những nơi ta đi qua, những cảnh vật ta trông thấy – ngôi trường, khu phố, con đường, đồng quê,… dù ít dù nhiều cũng để lại cho ta ấn tượng khó quên. Hãy ghi lại cảm xúc của em về một khung cảnh mà em thích nhất bằng một đoạn văn khoảng 5-7 câu (hoặc có thể sáng tác một bài thơ).
Trả lời câu hỏi
Câu 1:
– Phương thức biểu đạt của bài thơ: Biểu cảm, Miêu tả
Câu 2:
– Biện pháp tu từ được sử dụng: Nhân hóa ( Bâng khuâng nhớ)
– Tác dụng của biện pháp tu từ:
+ Gợi hình, gợi cảm cho câu thơ
+ Tạo vần điệu cho câu thơ
+ Tác giả dường như muốn cho thấy rằng ngay cả những loài động vật nhỏ bé nhất cũng phải lòng vẻ đẹp của mùa gặt nơi đồng quê
Câu 3:
– Khung cảnh làng quê hiện lên thật đẹp, thật nên thơ biết bao. Tuy chẳng phải là những điều to lớn, chỉ là những điều giản dị, quen thuộc với cuộc sống của người dân thường ngày cũng đã đủ để khiến chúng ta đủ xao xuyến, nhớ thương hình ảnh ấy.
Câu 4:
– Hình ảnh ngôi nhà thân thương dường như vẫn luôn in đậm trong dấu ấn của em. Ngôi nhà với lớp sơn vàng tươi, tựa như một cô gái đang ngân nga khúc ca mùa thu dưới ánh nắng dịu dàng khiến ai cũng phải ngẩn ngơ ngắm nhìn. Ngôi nhà ấy được bao bọc xung quanh là mùi thơm đặc biệt của cây cối mùa thu, được nằm gọn trong lòng của thành phố mơ màng mà vững vàng với thời gian. Đi từ xa nhìn lại, đã nhìn thấy ngôi nhà đáng yêu ấy đang chờ đón các thành viên trong gia đình em trở về.
Đọc hiểu Làng quê lúa gặt xong rồi (Tự luận) – Đề 3
Câu 1. Xác định chủ thể trữ tình trong bài thơ.
Câu 2. Chỉ ra các hình ảnh đồng quê trong khổ thơ sau:
Làng quê lúa gặt xong rồi
Mây hong trên gốc rạ phơi trắng đồng
Chiều lên lặng ngắt bầu không
Trâu ai no cỏ thả rông bên trời
Câu 3. Nêu hiệu quả của biện pháp tu từ trong hai câu sau:
“Hơi thu đã chạm mặt người
Bạch đàn đôi ngọn đứng soi xanh đầm”
Câu 4. Cảm xúc của chủ thể trữ tình được thể hiện trong bài thơ.
Câu 5. Từ nội dung bài thơ, anh/chị hãy rút ra bài học có ý nghĩa cho bản thân.
Trả lời câu hỏi
Câu 1:
– Chủ thể trữ tình trong bài thơ là: em
Câu 2:
– Các hình ảnh miêu tả đồng quê: Lúa, gốc rạ, đồng, trâu.
Câu 3:
– Biện pháp tu từ được sử dụng: Nhân hóa ( chạm; soi)
– Tác dụng của biện pháp tu từ:
+ Gợi hình, gợi cảm cho câu thơ
+ Nhấn mạnh về những hình ảnh thiên nhiên tinh tế, nhẹ nhàng điểm xuyết vào bức tranh mùa thu nơi đồng quê
Câu 4:
– Cảm xúc của chủ thể trữ tình được thể hiện trong bài thơ vô cùng hồn nhiên, trong sáng. Không chỉ vậy còn chan chứa, thấm đẫm tình yêu quê hương
Câu 5:
– Thông qua nội dung của bài thơ, em rút ra được bài học rằng: Chúng ta phải trân trọng những khoảnh khắc bình dị nhất trong cuộc sống của chúng ta