Đọc hiểu Gió lạnh chiều đông của Huy Cận

Đông đến đem theo cả tuổi thơ ùa về, vào trong tầng cảm xúc lãng mạn của nhà thơ Huy Cận. Hãy cùng đến với bài viết Đọc hiểu Gió lạnh chiều đông của Huy Cận nhé!

Đọc bài thơ sau và trả lời câu hỏi

Gió lạnh chiều đông

(Huy Cận)

Gió lạnh chiều đông nhớ tuổi thơ
Bầy chim chèo bẻo, nấp bên bờ
Mênh mông nước bạc đồng sau gặt
Một nỗi buồn xa như sóng xô.

Chim ở đâu về sà chớp mắt
Chim vương nhựa trết, hết bay rồi
Bắt chim nghe lạnh hai đầu cánh
Tưởng mặt trời se rụng đến nơi.

Tuổi nhỏ hắt hiu giữa cánh đồng
Nửa tràn sương núi, nửa hơi sông
Có gì ẩm ướt trong hồi tưởng
Như áo ngày mưa bặn bếp hong.

Gió lạnh chiều đông xui nhớ thuở
Bẫy chim chèo bẻo nấp bên bờ.
Hôm nay ta nấp, thơ giăng lưới
Bẫy tháng năm về, bắt tuổi thơ.

1974

(Nguồn: Mùa đông trong thi ca, tuyển thơ nhiều tác giả, NXB Hội Nhà văn, 2007)

Đọc hiểu Gió lạnh chiều đông của Huy Cận

Câu hỏi đọc hiểu

Câu 1: Bài thơ được viết theo thể thơ nào?

A. Lục bát

B. Ngũ ngôn

C. Bảy chữ

D. Tự do

Câu 2.Chủ thể trữ tình trong bài thơ là chủ thể ẩn đúng hay sai?

A. Đúng

B. Sai

Câu 3.Nhịp thơ chủ yếu của bài thơ trên là gì?

A. 3/4

B. 2/5

C. 4/3

D. 3/1/3

Câu 4.Bài thơ miêu tả vẻ đẹp của mùa nào trong năm?

A. Xuân

B. Hạ

C. Thu

D. Đông

Câu 5: Tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài thơ trên hiện lên như thế nào?

A. Hối hận, luyến tiếc

B. Vui mừng, sung sướng

C. Dửng dưng, lạnh lùng

D. Buồn bã, nhớ nhung

Câu 6: Tác dụng của điệp ngữ “gió lạnh chiều đông” được lặp lại hai lần là:

A. Sinh động, có hồn, góp phần tbộc lộ nỗi lòng của nhà thơ.

B. Cụ thể, nổi bật, góp phần thể hiện khung cảnh u buồn.

C. Góp phần thể hiện bức tranh thiên nhiên mùa đông lạnh giá, hoang vắng.

D. Nhấn mạnh không khí lạnh giá của mùa đông đang đến.

Câu 7.Hình ảnh chim chèo bẻo có ý nghĩa như thế nào đối với nhân vật trữ tình?

Chim chèo bẻo gợi kỉ niệm về gia đình

Chim chèo bẻo gợi kỉ niệm tuổi học trò

Chim chèo bẻo gợi kỉ niệm tuổi thơ

Chim chèo bẻo gợi kỉ niệm về quê hương.

Câu 8. Phân tích giá trị biểu cảm của từ láy “hắt hiu” trong câu thơ “Tuổi nhỏ hắt hiu giữa cánh đồng”.

Câu 9. Nêu và phân tích tác dụng nghệ thuật được tác giả sử dụng trong câu thơ sau:

Mênh mông nước bạc đồng sau gặt
Một nỗi buồn xa như sóng xô.

Câu 10. Anh/ chị có cảm nhận như thế nào về vẻ đẹp của mùa đông trên quê hương mình? 


Trả lời câu hỏi

Câu 1: C -> Bài thơ được viết theo thể thơ:  bảy chữ

Câu 2: B -> Chủ thể trữ tình trong bài thơ là chủ thể ẩn: sai bởi chủ thể trữ tình trong bài thơ phải là chủ thể trực tiếp vì có nhân xưng ta

Câu 3: C -> Nhịp thơ chủ yếu của bài thơ trên là  4/3

Câu 4: D -> Bài thơ miêu tả vẻ đẹp của mùa đông "Gió lạnh chiều đông nhớ tuổi thơ"

Câu 5: D -> Tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài thơ trên hiện lên với vẻ buồn bã, nhớ nhung

Câu 6: D ->  Tác dụng của điệp ngữ “gió lạnh chiều đông” được lặp lại hai lần là nhấn mạnh không khí lạnh giá của mùa đông đang đến.

Câu 7: C -> Hình ảnh chim chèo bẻo có ý nghĩa gợi kỉ niệm tuổi thơ đối với nhân vật trữ tình

Câu 8:

- Giá trị biểu cảm của từ láy “hắt hiu” trong câu thơ “Tuổi nhỏ hắt hiu giữa cánh đồng”.

+ Gợi tả cái lạnh của gió giữa cánh đồng.

+ Từ láy làm tăng sắc thái biểu cảm cho câu thơ, gợi cảm giác buồn vắng, cô đơn của tuổi thơ.

Câu 9: Nghệ thuật được tác giả sử dụng trong câu thơ sau:

Mênh mông nước bạc đồng sau gặt
Một nỗi buồn xa như sóng xô.

+ Biện pháp tu từ: so sánh “nỗi buồn như sóng xô”

+ Tác dụng: tăng sức gợi hình gợi cảm cho câu thơ, thể hiện nỗi buồn da diết, miên man.

Câu 10:

– Vẻ đẹp của mùa đông trên quê hương mình: Sương mù phủ kín mảnh đồi tựa như chiếc mũ vô hình che lấp đi màu sắc hương trời, cành lá xác xơ hòa mình vào với không gian của mùa đông làm nó trở nên tiêu điều cô đơn nhưng giữa một biển trời huyền ảo, mơ hồ ta lại nghe thấy tiếng ồn ào, xôn xao náo nhiệt của buổi chợ phiên lại vang lên, vang vọng cả một vùng xóa tan đi cái lạnh buốt, thẩm thấu.

Vũ Hồng Nhung
29/11/2023
Đánh giá bài viết
icon-make-question icon-make-question