Đọc hiểu Giã từ văn hóa làm nhục
Văn hóa làm nhục là một trong những điều xấu cần phải loại bỏ trong cuộc sống. Hãy cùng Học mãi 360 trả lời những câu hỏi đề Đọc hiểu Giã từ văn hóa làm nhục nhé!
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
Phê bình người khác một cách có nghệ thuật còn được gọi là “phê bình thiện chí”. Phê bình thiện chí bắt đầu từ một mục đích lành mạnh. Hãy nhớ lại lần cuối bạn phê phán một ai đó. Vì sao bạn lại làm chuyện đó? Bạn có muốn giúp người đó tiến bộ lên? Bạn có muốn thuyết phục họ ủng hộ quan điểm của bạn? Bạn có muốn cả hai cùng tăng hiểu biết trong một vấn đề mà bạn cũng đang quan tâm? Hay bạn chỉ muốn chứng tỏ tư duy và kiến thức ưu việt của mình, muốn đè bẹp họ? Chúng ta có thể học hỏi từ Phật giáo Tây Tạng, nơi tranh luận đóng một vai trò quan trọng. Trong những thiền viện lớn, bên cạnh việc nghe giảng và đọc sách, các nhà sư có thể dành từ năm tới bảy tiếng một ngày cho tranh luận. Mục đích của một cuộc tranh luận không phải là “thắng” và làm đối phương xấu hổ, mà để giúp họ vượt qua được những điểm yếu trong luận cứ của họ và cả hai cùng nhìn vấn đề ở nhiều góc cạnh hơn.
(Trích Giã từ văn hoá làm nhục, Thiện, Adc và smartphone, Đặng Hoàng Giang, NXB Hội Nhà văn, 2017, tr 177 – 178)
Đọc hiểu Giã từ văn hóa làm nhục
Câu 1. Những cụm từ thể hiện mục đích lành mạnh của phê bình thiện chí?
Câu 2. Việc sử dụng các câu hỏi có tác dụng gì đối với đoạn trích?
Câu 3. Thông điệp nào trong đoạn trích có ý nghĩa nhất với anh/ chị? Vì sao?
Trả lời
Câu 1.
– Những cụm từ thể hiện mục đích lành mạnh của phê bình thiện chí là:
+ muốn giúp người đó tiến bộ lên
+ thuyết phục họ ủng hộ quan điểm của bạn
+ cả hai cùng tăng hiểu biết trong một vấn đề mà bạn cũng đang quan tâm
Câu 2.
– Việc sử dụng các câu hỏi trong đoạn trích có tác dụng:
+ Thể hiện suy nghĩ của tác giả về vấn đề
+ Mở hướng tư duy cho độc giả về vấn đề đang được bàn tới
Câu 3.
– Thông điệp có ý nghĩa nhất đối với em trong văn bản là: Chúng ta phải tranh luận để rèn luyện những lập luận, lí lẽ của bản thân mình chứ không phải là để hơn thua với người khác.
– Bởi vì, chỉ khi chúng ta biết tranh luận, bảo vệ cho ý kiến của mình cũng như tiếp thu những lời góp ý của người khác thì chúng ta mới có thể để cho bản thân trưởng thành hơn được.