I. ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
(1) Ai cũng có thể làm người tử tế. Rất nhiều câu chuyện đã cho ta thấy điều đó: Một anh chàng xe ôm công nghệ khi thấy cô sinh viên quên mang tiền, đã “lì xì” cuốc xe ôm cho cô kịp giờ học. Việc ấy rất nhỏ, thường tình và khi cô gái đưa chuyện lên mạng được nhiều người bình luận, chia sẻ tích cực. Hay như nhiều người già cả, neo đơn tự nguyện xin ra khỏi diện “hộ nghèo” để nhường sự hỗ trợ cho người khác. Bị người đi xe máy đâm vào làm hỏng ô tô đắt tiền, anh Huỳnh Bảo Toàn ở TP Hồ Chí Minh không những không bắt đền mà còn hỗ trợ người đi xe máy tiền sửa chữa và rồi hôm sau còn tặng chiếc xe máy mới, chỉ vì “người ta nghèo khổ hơn, giúp không được sao còn bắt đền?”.
(2) Suy nghĩ, hành động vì người khác, cho lợi ích của người khác trong khi sẵn sàng hứng chịu thiệt thòi, nguy hiểm về mình thật sự đáng quý, đáng trân trọng biết bao. Vô vàn những câu chuyện nhỏ bé như thế chúng ta vẫn chứng kiến hoặc nghe được hằng ngày. Tất cả những người làm việc tử tế đó đều là người bình thường, như chúng ta. Thậm chí, rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập ít hơn, địa vị xã hội thấp hơn chúng ta… Và, bạn hãy thử nghĩ xem: Việc tử tế gần đây nhất mà bạn đã làm? Từ bao giờ, có phải quá lâu rồi không, hay là, bạn chưa bao giờ làm?
(3) Chiết tự từ chữ Hán, “tử” là nhỏ, “tế” là những điều bình thường. Gốc của tử tế là sự tốt bụng. (…) Vậy nhưng, áp lực từ cuộc sống, những thất bại trong cuộc đời đôi khi làm ta cảm thấy mình bị thiệt thòi, bị đối xử bất công, khiến ta tự dựng lên bức thành lũy đầy mặc cảm trong tâm hồn – là một phản vệ bản năng – làm ta run sợ, cảnh giác và thờ ơ trước khó khăn, đau khổ của người khác. Có lúc nào đó, ta đã quay mặt đi, không làm một điều rất nhỏ mà ta biết có người rất cần điều đó, trong khi ta hoàn toàn có thể… Dần dần đến một ngày, lòng ta trơ lì, nông cạn, thậm chí không còn trắc ẩn để nhận thấy được nỗi khổ cực của người khác. Ta quên mất mình hoặc thậm chí không nghĩ rằng mình có thể làm được điều tử tế.
(4) Thật ra, sự tử tế, lòng thiện lương tiềm ẩn trong ta, chờ ta cởi mở tấm lòng và thực hiện. Các nghiên cứu tâm lý học đã khẳng định, niềm hạnh phúc nhận được khi người ta làm việc tốt, việc thiện tạo nên cảm giác tự tin, ý thức bản ngã và nhất là mang lại sức mạnh tinh thần to lớn. Vậy là, khi ta sống tử tế với người khác, cũng chính là tử tế với cuộc đời mình.
(Trích Ai cũng có thể làm người tử tế, báo Quân đội nhân dân, 21/03/2021)
Câu 1. (0,5 điểm) Văn bản trên thuộc thể loại gì?
Câu 2. (0,5 điểm) Theo đoạn trích, người tử tế là người như thế nào?
Câu 3. (0,5 điểm) Em hãy chỉ ra và nêu tác dụng của phần trích dẫn trong đoạn (1)?
Câu 7. (0,5 điểm) Xác định cách trình bày vấn đề trong đoạn (2) của văn bản.
Câu 8. (0,5 điểm) Tác dụng của cách trình bày vấn đề trong đoạn (2) là gì?
Câu 4. (1,0 điểm) Theo em, tại sao tác giả lại viết: Ai cũng có thể làm người tử tế?
Câu 5. (1,0 điểm) Cuộc sống hàng ngày của chúng ta có rất nhiều những hành động tử tế được diễn ra hàng ngày. Kể ra ít nhất một việc tử tế mà em đã thực hiện (hoặc đã được chứng kiến)? Chia sẻ cảm xúc của em sau khi thực hiện (hoặc chứng kiến) những việc tử tế đó?
II. VIẾT (6,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) nêu suy nghĩ của em về ý kiến: khi ta sống tử tế với người khác, cũng chính là tử tế với cuộc đời mình.
Câu 2. (4,0 điểm)
Viết bài văn nghị luận phân tích tác phẩm “Khát vọng” của tác giả Phạm Minh Tuấn.
KHÁT VỌNG
Hãy sống như đời sống để biết yêu nguồn cội
Hãy sống như đồi núi vươn tới những tầm cao
Hãy sống như biển trào, như biển trào để thấy bờ bến rộng
Hãy sống như ước vọng để thấy đời mênh mông
Và sao không là gió, là mây để thấy trời bao la
Và sao không là phù sa rót mỡ màu cho hoa
Sao không là bài ca của tình yêu đôi lứa
Sao không là mặt trời gieo hạt nắng vô tư
Và sao không là bão, là giông, là ánh lửa đêm đông
Và sao không là hạt giống xanh đất mẹ bao dung
Sao không là đàn chim gọi bình minh thức giấc
Sao không là mặt trời gieo hạt nắng vô tư.
* Ghi chú:
Phạm Minh Tuấn quê gốc ở vùng đất cách mạng Xuân Trường, Nam Định. Tên tuổi của ông đã trở nên gần gũi, thân quen với người yêu nhạc. Nhạc của ông không kỳ bí, không cao siêu, khó hiểu mà rất gần gũi, dễ hát. Ông thường dùng thơ để phổ nhạc, nên lời nhạc ngắn gọn nhưng súc tích, len lỏi sâu vào tâm hồn người nghe. Cuộc sống là nguồn cảm hứng vô tận trong ông, tình yêu quê hương, đất nước là đề tài quen thuộc với ông.
Bài thơ được sáng tác từ mùa xuân năm 1985, phổ nhạc từ ý bài thơ “Nhờ Đảng, tôi biết được” của Đặng Viết Lợi. Bài thơ “Khát vọng” vẫn luôn giữ được sự tươi mới, hừng hực khí thế và đầy tính thời sự. Bài thơ đã đi vào lòng người nghe mấy chục năm qua khiến lòng ta xốn xang, xao xuyến.
…………….HẾT……………
HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI TUYỂN SINH 10
Câu
Nội dung
ĐỌC HIỂU
1
Văn bản nghị luận xã hội
2
Theo đoạn trích, người tử tế là người: “suy nghĩ, hành động vì người khác, cho lợi ích của người khác trong khi sẵn sàng hứng chịu thiệt thòi, nguy hiểm về mình.”
3
– Phần trích dẫn trong đoạn (1) là: “người ta nghèo khổ hơn, giúp không được sao còn bắt đền?”
– Tác dụng của phần trích dẫn: Dẫn lại chính xác lời nói của nhân vật (anh Huỳnh Bảo Toàn ở TP Hồ Chí Minh)
4
HS lí giải được vấn đề một cách hợp lí:
– Ai cũng có khả năng trở thành người tử tế: vì sự tử tế là một phẩm chất tự nhiên, xuất phát từ lòng nhân ái và ý thức về trách nhiệm xã hội. Tử tế không yêu cầu bất kỳ kỹ năng đặc biệt nào hay kiến thức cao siêu. Đơn giản chỉ là những hành động nhỏ như lắng nghe, chia sẻ, hay thể hiện sự quan tâm đến người khác. Bất cứ ai, ở bất kỳ độ tuổi, hoàn cảnh hay trình độ nào, đều có thể thực hiện những hành động tử tế. Nó nằm trong tầm tay của mỗi người và có thể được phát triển qua thời gian và qua những hành động nhỏ hàng ngày.
5
– HS kể ra được ít nhất một việc tử tế mà mình đã từng thực hiện (hoặc được chứng kiến); chia sẻ được những cảm xúc, suy nghĩ tích cực của bản thân sau khi thực hiện (hoặc chứng kiến) việc tử tế ấy
* Gợi ý:
– Việc tử tế:
+ Giúp đỡ người gặp nạn;
+ Giúp bạn vượt qua khó khăn trong học tập và trong cuộc sống;
+ Dọn rác thải ở khu dân cư…
– Cảm xúc, suy nghĩ:
Cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc, tự hào về bản thân; thấy cuộc sống có ý nghĩa…(Nếu là mình thực hiện)
+ Cảm thấy vui, hạnh phúc; thấy yêu cuộc sống vì trong xã hội nhiều người tốt, còn nhiều điều ý nghĩa, giá trị… (Nếu là được chứng kiến)
VIẾT
1
(2,0 điểm)
* Hình thức: HS viết được đoạn văn đảm bảo về thể thức, dung lượng (khoảng 200 chữ), không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp. Lời văn rõ ràng, trong sáng, mạch lạc.
* Nội dung: Trình bày được suy nghĩ về ý kiến một đúng đắn, hợp lí. HS có thể có nhiều cách diễn đạt, mang dấu ấn cá nhân. Có thể theo gợi ý sau:
– Mở đoạn: Giới thiệu và khẳng định vấn đề khi ta sống tử tế với người khác, cũng chính là tử tế với cuộc đời mình là ý kiến đúng đắn.
– Thân đoạn: Phân tích, giải thích: Khi chúng ta sống tử tế với người khác, cũng chính là chúng ta đang tạo ra một môi trường sống tích cực, lành mạnh và đầy ý nghĩa cho chính bản thân mình:
+ Khi đối xử tốt với người khác, ta có thể tạo dựng được mối quan hệ tốt đẹp. Người khác sẽ đáp lại sự tử tế của ta bằng sự tử tế của họ. Mọi người sẽ yêu quý nhau hơn.
+ Sống tử tế giúp bạn cảm thấy tự hào về bản thân và góp phần tạo nên sự tự tin và sự hài lòng với cuộc sống.
+ Khi giúp đỡ người khác và sống tử tế, ta cũng cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc hơn; cảm thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn
– Kết đoạn: Khẳng định lại vấn đề: Sống tử tế với người khác không chỉ là một hành động nhân văn mà còn là một cách để chăm sóc chính mình, xây dựng một cuộc sống hạnh phúc và ý nghĩa hơn.
– Lưu ý: Học sinh có thể có những ý sáng tạo. Nếu các ý đó hợp lý vẫn khuyến khích cho điểm.
2. (4,0 điểm)
1. Đảm bảo cấu trúc và hình thức của bài văn phân tích tác phẩm văn học. Đầy đủ bố cục 3 phần: Mở bài, thân bài, kết bài;
2. Xác định đúng vấn đề: Nghị luận văn học – Phân tích một tác phẩm văn học
3. Triển khai vấn đề:
HS có thể viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học theo nhiều cách, văn phong mạch lạc; lối viết sáng tạo, mang đậm dấu ấn, cảm nhận cá nhân; nhưng cần đảm bảo các yêu cầu sau:
I. Mở bài:
+ Giới thiệu tác phẩm Khát vọng của tác giả Phạm Minh Tuấn.
+ Nêu khái quát đặc sắc về chủ đề khát vọng cống hiến, ước mơ cao đẹp của con người.
II. Thân bài:
* Luận điểm 1: Chủ đề của tác phẩm
– Tác phẩm thể hiện khát vọng cống hiến, ước mơ cao đẹp của con người.
– Phân tích lí lẽ bằng chứng để làm sáng tỏ chủ đề:
+ Lí lẽ 1: Khát vọng sống trân trọng lịch sử, nguồn cội, truyền thống cha ông để vươn cao, vươn xa hơn
Dẫn chứng:
Thứ nhất, hãy sống đúng với cuộc đời mình, trân trọng lịch sử, nguồn cội và truyền thống của cha ông.
Thứ hai, hãy sống vững chãi như những ngọn núi, vượt qua khó khăn, thử thách để vươn tới những tầm cao mới, khẳng định giá trị bản thân.
Thứ ba, hãy sống như biển cả mênh mông, để cảm nhận được sự rộng lớn, vô hạn của tri thức con người.
Cuối cùng, hãy sống với những ước vọng cao đẹp để thấy cuộc đời rộng lớn, nhưng đầy giá trị.
=>Đây đều là những khát vọng sống cao đẹp mà nhà thơ mong muốn thế hệ trẻ hướng tới
+ Lí lẽ 2: Khát vọng sống cống hiến cho đời, lẽ sống đẹp của tuổi trẻ, tình yêu con người, yêu cuộc sống.
Dẫn chứng:
Tại sao không sống như gió, như mây để cảm nhận sự bao la của bầu trời? /Tại sao không sống như phù sa để gieo mật ngọt, làm màu mỡ cho đời? /Tại sao không là bài ca để lan tỏa tình yêu thương? /Tại sao không như mặt trời, gieo nắng vô tư, sưởi ấm và xua tan giá lạnh?
=>Đây là những khát vọng sống, lý tưởng cống hiến cho đời, là lẽ sống đẹp của tuổi trẻ và của con người hôm nay
+ Lí lẽ 3: Khát vọng về lẽ sống mạnh mẽ, hiên ngang, lạc quan, tiên phong.
Dẫn chứng: Tại sao không là bão, là giông để thấy được sự mạnh mẽ hiên ngang,/sao không là ánh lửa đêm đông để đem lại sự lạc quan, niểm tin yêu cho cuộc sống/ sao không là hạt giống xanh để gieo lên sự hy vong, tin yêu / sao không là đàn chim gọi bình minh, là mặt trời gieo hạt nắng …để tiên phong đem những điều có ích đến cho cuộc sống…
=> Khát vọng sống mạnh mẽ, dám thử thách, trải nghiệm để đem những mong muốn cao đẹp đến với cuộc đời.
* Luận điểm 2: Đặc sắc về nghệ thuật
– Lý lẽ 1: Thể thơ tự do, vần, nhịp thơ, bố cục linh hoạt
Bằng chứng: Số chữ trong mỗi dòng thơ không giống nhau,vần chân (rộng-mông, la- hoa,…), mỗi khổ thơ gồm 4 dòng, thể hiện rõ những khát vọng, cách ngắt nhịp linh hoạt tạo nên sự liên kết nhịp nhàng giữa các câu thơ, nhịp điệu thơ nhanh, dồn dập càng làm nổi bật khát vọng sống mạnh mẽ và niềm khao khát của tác giả dành cho thế hệ trẻ hôm nay…
– Lí lẽ 2: Sử dụng hiệu quả các biện pháp tu từ: điệp ngữ, ẩn dụ, so sánh, liệt kê,..
Bằng chứng
Bài thơ sử dụng nhiều điệp từ, điệp ngữ và kết cấu lặp lại như “hãy sống như…”, “sao không…”, “vì sao…” tạo nên sự liên kết nhịp nhàng giữa các câu thơ, đồng thời nhấn mạnh những khát khao và mong muốn chân thành của nhà thơ
So sánh (như đồi núi, như biển trào, như ước vọng,..)
Liệt kê (là bão, là giông, là ánh lửa đêm đông).
Ẩn dụ giàu sức gợi (như mặt trời gieo hạt nắng, gọi bình minh thức giấc) khiến bài thơ trở nên sâu lắng hơn.
– Lí lẽ 3: Mạch cảm xúc được thể hiện trong 3 khổ thơ là những khát vọng cao đẹp, dâng hiến cho cuộc đời.
Bằng chứng: tình cảm rất đời thường, giản dị nhưng cũng rất đỗi cao đẹp…
Lưu ý: Học sinh có những cảm nhận riêng, hợp lý với chủ đề và nghệ thuật của tác phẩm. Nêu được 3/5 lý lẽ, bằng chứng có thể cho điểm tối đa.
III. Kết bài:
– Khẳng định ý kiến về chủ đề và đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm
– Nêu suy nghĩ, cảm xúc (bài học) rút ra từ tác phẩm.
4. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt, không mắc lỗi diễn đạt (dùng từ, đặt câu).
5. Sáng tạo.
– Bố cục mạch lạc, lập luận chặt chẽ, sáng tạo.
– Biết kết hợp các yếu tố tự sự, biểu cảm phù hợp tạo sức thuyết phục và hấp dẫn của bài viết

By Thầy đồ dạy Văn

Xin chào! Tôi là Thầy Đồ, một người dạy văn với niềm đam mê sâu sắc dành cho ngôn ngữ và văn học Việt Nam. Với hơn 20 năm kinh nghiệm giảng dạy, tôi đã giúp nhiều thế hệ học sinh yêu thích và đạt thành tích cao trong môn Văn học. Tốt nghiệp từ Đại học Quốc gia Hà Nội, tôi luôn nỗ lực nâng cao trình độ giảng dạy qua các khóa đào tạo và hội thảo chuyên môn. Ngoài việc giảng dạy, tôi còn tham gia nghiên cứu, viết báo và xuất bản sách hướng dẫn học Văn. Tại trang web này, tôi mong muốn chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và cảm hứng văn học đến mọi người. Hãy cùng tôi khám phá vẻ đẹp của ngôn từ qua từng bài học và tác phẩm văn học. Chúc các bạn học tập tốt và luôn giữ niềm đam mê với môn Văn!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *