Dàn ý Phân tích Mùa hoa mận ngắn gọn
Mở bài:
– Giới thiệu về tác giả
– Giới thiệu chung về bài thơ
Thân bài:
1. Giới thiệu chung về bài thơ:
– Thể thơ: tự do
– Tiêu đề: “Mùa hoa mận”: dấu hiệu báo mùa xuân đang về
– Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ được sáng tác vào tháng chạp năm 2007
– Mạch cảm xúc: thể hiện nỗi nhớ sâu sắc về quê hương, con người và cảnh sắc vùng núi Tây Bắc.
2. Phân tích bài thơ:
Khổ 1: không khí háo hức, rộn rang khi xuân về
– “cành mận”: hình ảnh trung tâm, làm điểm nhấn quan trọng cho tác phẩm
– “lũ con trai háo hức chơi cù”, “lũ con gái rộn ràng khăn áo”
– Từ lấy “háo hức”, “rộn ràng”, khiến cho không gian trở nên tươi vui rộn rã
– Hình ảnh “bóng bay” nơi để gửi gắm những ước mơ, khát vọng bay cao
Khổ 2: mùa hoa mận trên buôn làng qua hình ảnh của con người đang tất bật chuẩn bị đón năm mới
– “Mẹ xôn xang lá, gạo”, “cha vui lòng căng cánh nỏ”, “người già bản hối hả làm đu” để chuẩn bị cho những trò chơi dân gian và năm mới
– Động từ “giục”: hối hả, tất bật, khẩn trương
Khổ 3: thể hiện tâm trạng của nhân vật trữ tình gắn liền với hình ảnh ngôi nhà quê hương
– “cành mận bung cánh muốt” được lặp lại liên tiếp ở đầu mỗi khổ thơ
– Trong những ngôi nhà ở bản làng mùi hương nếp, hoa ở trong bếp tỏa ra hương thơm lừng
– Cái hương vị quen thuộc mà mỗi người con khi đi xa đều không thể quên, lòng họ luôn hướng về quê hương, hướng vị về những hương vị quen thuộc
Nghệ thuật:
– Điệp cấu trúc “cành mận bung cánh muốt”
– Những hình ảnh gần gũi, quen thuộc
– Ngôn ngữ trong sáng, mộc mạc, dễ hiểu
Kết bài
– Khái quát nôi dung, tình cảm của tác giả
Phân tích Mùa hoa mận ngắn gọn
Tây Bắc – bản tình ca với những giai điệu êm ái, róc rách tiếng suối, rì rào tiếng lá, vi vu tiếng gió rít qua lên lá, hồn hậu tiếng nói cười… Mảnh đất xinh đẹp này đã từng anh dũng và máu lửa trong chiến tranh, gắn liền với những hình ảnh người lính. Chính vì thế Tây Bắc từ lâu đã trở thành miền đất hứa của biết bao nhiêu thi sĩ, họ đến đây để cảm nhận và tìm ra những nguồn cảm hứng mới. Nhà thơ Chu Thùy Liên đã sáng tác ra bài “mùa hoa mận”, sắc trắng đặc trưng của hoa mơ vùng núi Tây Bắc:
“Cành mận bung cánh muốt
Lũ con trai háo hức chơi cù
…
Giục lửa hồng nở hoa trong bếp
Cho người đi xa nhớ lối trở về”
Hoa mận không chỉ là tín hiệu của mùa xuân mà là tín hiệu của quê hương, là những kỷ niệm sâu sắc, bồi hồi khó tả của những người con xa quê. Bài thơ được sáng tác vào tháng chạp năm 2007 thể hiện nỗi nhớ sâu sắc về quê hương, con người và cảnh sắc vùng núi Tây Bắc.
“Cành mận bung cánh muốt
Lũ con trai háo hức chơi cù
Lũ con gái rộn ràng khăn áo
Bóng bay nâng ước mơ con trẻ”
Mở đầu bài thơ, cành mận đã trở thành hình ảnh trung tâm, làm điểm nhấn quan trọng cho tác phẩm. Cành mận bung cánh trắng báo hiệu mùa xuân sắp về. Mùa xuân đang dần tới, mang theo những điều mới lạ, làm cho không gian Tây Bắc hiện lên thật đẹp. Khổ thơ đầu tái hiện lại vẻ đẹp của mùa xuân tươi đẹp. Dưới cành mận trắng ấy, nhà thơ đã đưa vào những hình ảnh vô cùng quen thuộc, đó là hình ảnh “lũ con trai háo hức chơi cù”, “lũ con gái rộn ràng khăn áo”. Niềm vui khi thấy cành mận trắng, khi thấy xuân đang về được thể hiện rõ qua các từ lấy “háo hức”, “rộn ràng”, khiến cho không gian trở nên tươi vui rộn rã. Ta thấy được niềm vui trong trẻo, ngây thơ lũ trẻ cùng với những ước mơ, những con đường trưởng thành của chúng. Hình ảnh “bóng bay” nơi để gửi gắm những ước mơ, khát vọng bay cao, thể hiện niềm tin tưởng vào tương lai tươi sáng của lũ trẻ vùng cao. Chu Thùy Liên đưa độc giả đến với mùa hoa mận trên buôn làng qua hình ảnh của con người đang tất bật chuẩn bị đón năm mới:
“Cành mận bung cánh muốt
Giục mẹ xôn xang lá, gạo
Giục cha vui lòng căng cánh nỏ
Giục người già bản hối hả làm đu”
Cành mận đã buông những cánh trắng xóa, mùa xuân đang về đó là không khí nhộn nhịp, tất bật và khẩn trương chuẩn bị cho một năm mới. “Mẹ xôn xang lá, gạo”, “cha vui lòng căng cánh nỏ”, “người già bản hối hả làm đu” để chuẩn bị cho những trò chơi dân gian và năm mới. Trong khổ thơ thứ hai động từ “giục” được xuất hiện liên tiếp ở ba dòng thơ “giục mẹ”, “giục cha”, “giục người già” khiến cho bầu không khí trở nên hối hả, tất bật, khẩn trương, ai ai cũng mang trong mình một nguồn năng lượng tươi mới, một niềm vui căng tràn đón chào một tết mới. Cả buôn làng đều háo hức phấn khởi chờ đón một mùa xuân đang về. Ở khổ thơ cuối, nhà thơ đã thể hiện tâm trạng của nhân vật trữ tình gắn liền với hình ảnh ngôi nhà quê hương:\
“Cành mận bung cánh muốt
Nhà trình tường ủ hương nếp
Giục lửa hồng nở hoa trong bếp
Cho người đi xa nhớ lối trở về”
Câu thơ “cành mận bung cánh muốt” được lặp lại liên tiếp ở đầu mỗi khổ thơ. Nhà thơ nhấn mạnh không khí nhộn nhịp, vui tươi khi mùa xuân đang về. Cành mận trắng là báo hiệu của mùa xuân, là dấu mốc quan trọng đánh dấu một năm mới sắp về. Trong những ngôi nhà ở bản làng mùi hương nếp, hoa ở trong bếp tỏa ra hương thơm lừng. Không khí trở nên thật ấm áp, hạnh phúc. Cái hương vị quen thuộc mà mỗi người con khi đi xa đều không thể quên, lòng họ luôn hướng về quê hương, hướng vị về những hương vị quen thuộc. Bếp lửa giữa những ngôi nhà với ánh sáng rực hồng, khiến cho lòng ta không khỏi bồi hồi, xao xuyến. Tất cả những hình ảnh đấy đều vang lên như một lời thúc giục những người con xa quê trở về nơi có cành hoa mận trắng muốt, là hương thơm thanh mát ,dịu dàng của quê hương. Những điều giản dị nhưng chan chứa tình yêu thương.
Chu Thùy Liên đã sử dụng biện pháp điệp cấu trúc “cành mận bung cánh muốt” làm nổi bật lên những cánh hoa mận, biểu trưng của mùa xuân đang về. Trong tác phẩm, nhà thơ đã sử dụng những hình ảnh gần gũi, quen thuộc mang đậm phong vị màu sắc của vùng núi cao Tây Bắc. Cùng với ngôn ngữ trong sáng, mộc mạc, dễ hiểu bức tranh về không khí những ngày cận tết ở vùng Tây Bắc hiện lên thật đẹp, thật yên bình.
Bằng ngồi bút tinh tế và tài hoa nhà thơ đã mang đến cho bạn đọc những cảm nhận sâu sắc về vẻ đẹp của Tây Bắc qua bài thơ “mùa hoa mận”. Qua đây ta thấy được tình yêu quê hương, yêu đất nước, yêu những điều giản dị đã nuôi lớn con người ẩn sâu bên trong tâm hồn của nhà thơ. Làm cho những người con đi xa luôn hướng về quê hương với những điều mộc mạc giản dị nhất. Bức tranh Tây Bắc đang dần bước vào mùa xuân đã để lại những ấn tượng sâu sắc, da diết trong lòng người đọc.