Cảm nhận về vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ qua đoạn "Con sóng dưới lòng sâu Hướng về anh một phương"

Vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ hiện  với những biểu hiện thật tinh tế. Sau đây là bài viết cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu qua đoạn “Con sóng dưới lòng sâu...Hướng về anh một phương”


Dàn ý cảm nhận về vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ

a. Mở bài: Khái quát chung về vấn đề nghị luận

b. Thân bài:

* Khái quát tác giả Xuân Quỳnh và bài thơ "Sóng”:

- Xuân Quỳnh là nữ thi sĩ tiêu biểu của nền thơ ca Việt Nam. Thơ chị là tiếng lòng của một tâm hồn giàu trắc ẩn, luôn khao khát hạnh phúc bình dị, đời thường. 

- Sóng là bài thơ tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật thơ Xuân Quỳnh. Sóng được viết ở bãi biển Diêm Điền, năm 1967, thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ khốc liệt đang diễn ra ở miền Nam. Khi đó Xuân Quỳnh mới 25 tuổi nhưng đã trải qua một lần đổ vỡ trong hạnh phúc gia đình. 

* Phân tích khổ thơ đầu: Nỗi nhớ tình yêu của người phụ nữ “Con sóng dưới lòng sâu/…/ Cả trong mơ còn thức” 

- Hình ảnh ẩn dụ sóng là hình ảnh ẩn dụ về nỗi nhớ của người con gái.

- Hình ảnh con sóng điệp lại 3 lần trong 3 câu thơ liên tiếp như 1 điệp khúc của bản tình ca với giai điệu da diết 

- Hình ảnh sóng được nhân hóa mang tình em và nỗi nhớ của em thật thi vị. 

- Từ cảm "ôi" xuất hiện giữa dòng thơ như một tiếng lòng ngân rung với muôn ngàn nhớ nhung tha thiết.  

- Nghệ thuật đối: 

+ Dưới lòng sâu – Trên mặt nước: Sự vô biên.

+ Ngày - đêm: sự thường trực

* Phân tích khổ thơ thứ 2: Tấm lòng thủy chung của người phụ nữ  “Dẫu xuôi về phương Bắc/…/ Hướng về anh một phương”

- Phương Bắc, phương Nam là hai miền không gian xa đằng đẵng. 

- Hai chữ “xuôi” “ngược” chỉ sự vận động trái chiều làm cho không gian hai miền Nam Bắc càng trở nên cách xa vời vợi hơn

- Điệp từ dẫu được lặp lại hai lần như khẳng định bao thử thách, khó khăn phải vượt qua

- Câu thơ “Nơi nào em cũng nghĩ – Hướng về anh một phương”, khẳng định cái bất biến giữa cái vạn biến – lòng thủy chung

- Cách nói " một phương - phương anh”

- Cách đảo vị trí "Xuôi về phương Bắc - ngược về phương Nam” -> diễn tả thật sâu sắc nỗi nhớ và sự thủy chung trong tình yêu.

* Đánh giá nội dung, nghệ thuật

- Nội dung: 

+ Nỗi nhớ da diết của người phụ nữ

+ Tấm lòng thủy chung son sắt của người phụ nữ

- Nghệ thuật: 

+ Bài thơ sử dụng thể thơ ngũ ngôn trường thiên vốn quen thuộc trong thơ ca truyền thống

+ Bài thơ có ngôn ngữ dung dị và tinh tế, nhiều cặp từ trái nghĩa, những tính từ biểu cảm, những điệp từ, điệp ngữ

+ Giọng điệu bài thơ vô cùng phong phú giống như nhịp điệu của những con sóng biển khi sôi nổi mạnh mẽ, lúc lại lắng sâu, dịu êm.

c. Kết bài: Cảm nhận chung về hình tượng người phụ nữ


Cảm nhận về vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ qua đoạn thơ “Con sóng dưới lòng sâu...Hướng về anh một phương”

Nếu phải tìm bản nhạc hay nhất, có lẽ tôi sẽ chọn văn chương. Bởi chỉ khi đến với văn chương, người nghệ sĩ mới được tự do để trái tim dẫn dắt, được thể hiện quan niệm của chính mình và rồi mang đến cho người đọc biết bao giai điệu cảm xúc với nhiều cung bậc. Và nhà thơ Xuân Quỳnh đã để tác phẩm “Sóng” của mình là nốt ngân đầy sáng tạo trong bản hòa tấu của văn học Việt Nam. Bài thơ là một sáng tạo độc đáo về nội dung và nghệ thuật, thể hiện tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu:

“Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh - một phương”

Cảm nhận về vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ qua đoạn "Con sóng dưới lòng sâu Hướng về anh một phương"

Xuân Quỳnh được ví như cánh chuồn trong giông bão bởi cuộc đời quá nhiều vất vả, đa đoan. Nhưng sau Hồ Xuân Hương, có lẽ phải đến Xuân Quỳnh, thơ ca VN mới có một gương mặt nữ cá tính và nồng nàn như thế. Thơ chị là tiếng lòng của một tâm hồn giàu trắc ẩn, luôn khao khát hạnh phúc bình dị, đời thường. Sóng là bài thơ tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật thơ Xuân Quỳnh. Sóng được viết ở bãi biển Diêm Điền, năm 1967, thời điểm cuộc kháng chiến chống Mĩ khốc liệt đang diễn ra ở miền Nam. Khi đó Xuân Quỳnh mới 25 tuổi nhưng đã trải qua một lần đổ vỡ trong hạnh phúc gia đình. Trái tim qua những ngày mệt mỏi lại nhen nhóm một tình yêu. Bài thơ ngay khi ra đời được coi là “bông hoa lạ nở dọc chiến hào”. 

Không thể lý giải được nguồn gốc của tình yêu, dòng suy tư của nhà thơ tiếp tục chiếm lĩnh mọi không gian, thời gian để nhận thức, cắt nghĩa về tình yêu của người con gái: 

“Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được”

Tình yêu luôn gắn liền với nỗi nhớ. Viết về nỗi nhớ xưa nay có không ít vần thơ thật đặc sắc, tinh tế. Ca dao xưa viết: 

“Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ

Nhớ ai, ai nhớ bây giờ nhớ ai”

Hay nhà thơ Xuân Diệu từng viết:

“Anh nhớ tiếng, anh nhớ hình, anh nhớ ảnh

Anh nhớ em, anh nhớ lắm, em ơi!

Hình ảnh con sóng điệp lại 3 lần trong 3 câu thơ liên tiếp như 1 điệp khúc của bản tình ca với giai điệu da diết. Dù con sóng dưới lòng sâu nhiều thao thức hay con sóng nổi trên mặt nước bao la vô tận, vô cùng thì tất cả mọi con sóng đều hướng tới bờ, nhớ về bờ. Sóng là hình ảnh ẩn dụ về nỗi nhớ của người con gái. Nỗi nhớ ấy nồng nàn với nhiều cung bậc. Có khi mãnh liệt lớn lao như biển cả, có lúc lại da diết " ngày đêm không ngủ được", có lúc lại trải rộng thiết tha với không gian phương Bắc, phương Nam. Hình ảnh sóng được nhân hóa mang tình em và nỗi nhớ của em thật thi vị. Từ cảm "ôi" xuất hiện giữa dòng thơ như một tiếng lòng ngân rung với muôn ngàn nhớ nhung tha thiết.  Có thể nói, nỗi nhớ ấy  như sóng biển không bao giờ đứng yên, không bao giờ ngừng lặng mà luôn sôi nổi trào dâng, thao thức, rạo rực trong tâm hồn. 

Nỗi nhớ của người con gái được diễn tả gián tiếp qua hình ảnh ẩn dụ sóng. Nỗi nhớ ấy tự nhiên, hồn nhiên say đắm nhưng dường như vẫn chưa đủ mà còn được thể hiện lần nữa trực tiếp qua nỗi nhớ của nhân vật trữ tình em:

"Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức"

Nỗi nhớ không chỉ chiếm lĩnh trọn vẹn mọi không gian, thời gian mà còn xâm chiếm tâm hồn người phụ nữ ngay cả trong cõi vô thức, tiềm thức lẫn ý thức, cả khi tỉnh lẫn khi mơ: "Cả trong mơ còn thức". Viết về nỗi nhớ, ca dao xưa từng viết:  

“Đêm nằm lưng chẳng bén giường

Chỉ mong trời sáng ra đường gặp anh”

Nhà thơ Xuân Quỳnh đã diễn tả tinh tế nỗi nhớ thao thức không ngủ được, con sóng thức vì nhớ bờ, còn em thức vì nhớ anh và thức cả trong mơ. Nghĩa là ngay cả khi em đã ngủ thì nỗi nhớ anh vẫn còn thao thức. Trong đoạn thơ này, cấu trúc thơ có sự thay đổi. Cả bài là những khổ thơ 4 dòng. Riêng đoạn thơ viết về nỗi nhớ lại được diễn tả bằng khổ 6 dòng đã phơi lộ cái tôi riêng của thi sĩ, một nỗi nhớ tràn đầy lòng yêu. Nó nồng nàn đằm thắm hơn cả nỗi nhớ của sóng với bờ, phải chăng những rung cảm mãnh liệt của trái tim yêu đã  khiến cho lời thơ dài thêm để diễn tả cho thỏa cái ngút ngàn của nỗi nhớ. Hay nỗi nhớ trong lòng da diết, mãnh liệt đã xô đẩy, phá vỡ giới hạn, trật tự thông thường của những dòng thơ.

Tình yêu luôn gắn liền với nỗi nhớ. Khổ thơ tiếp theo, nhà thơ thể hiện tấm lòng thủy chung của người con gái:

“Dẫu xuôi về phương Bắc

Dẫu ngược về phương Nam

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh một phương”

“Phương Bắc, phương Nam “là hai miền không gian xa đằng đẵng. Hai chữ “xuôi” “ngược” lại chỉ sự vận động trái chiều làm cho không gian hai miền Nam Bắc càng trở nên cách xa vời vợi hơn. Vì thế, phương Bắc và phương Nam trở thành biểu tượng của sự xa xôi, cách trở. Trong bài “Sân ga chiều em đi”,  Xuân Quỳnh cũng cảm nhận rất rõ sự xa xôi cách trở vời vợi này:

"Vừa thoáng tiếng còi tàu

Lòng đã Nam đã Bắc

Nên cả lúc gần anh

Mà lòng em vẫn nhớ"

Điệp từ” dẫu “được lặp lại hai lần như khẳng định bao thử thách, khó khăn phải vượt qua. Tình yêu, không chỉ có hạnh phúc nhớ nhung thổn thức vô bờ mà còn trải qua bao thử thách, chông gai mới đến được bến bờ hạnh phúc. Bình thường, người ta nói ngược Bắc, xuôi Nam, nhưng nhà thơ Xuân Quỳnh nói ngược lại xuôi về phương Bắc, ngược về phương Nam. Phải chăng sự xa cách trong tình yêu dù vì bất cứ lí do gì cũng đều là nghịch lí, vì thế mà ngược thành xuôi (xuôi về phương Bắc), xuôi thành ngược (ngược về phương Nam). Cách đảo vị trí này cũng là một sáng tạo độc đáo của Xuân Quỳnh làm cho câu thơ hàm súc, ý vị hơn, diễn tả thật sâu sắc nỗi nhớ và sự thủy chung trong tình yêu. Dù không gian mở rộng đa chiều phương Bắc, phương Nam đầy cách xa, trắc trở; dù thiên nhiên, trời đất đổi thay xuôi, ngược nhưng trái tim em chỉ hướng về một phương duy nhất: phương anh. 

Câu thơ “Nơi nào em cũng nghĩ – Hướng về anh một phương”, khẳng định tấm lòng thủy chung của người phụ nữ. Nếu ở khổ thơ 5, viết về nỗi nhớ, Xuân Quỳnh dùng từ "Nhớ" đến khổ thơ thứ 6, Xuân Quỳnh dùng từ "nghĩ". Tình yêu của người phụ nữ đã có một sự vận động rất tinh tế. Nếu nhớ có thể có thể là mơ hồ, chập chờn, cảm tính tự nhiên  thì nghĩ là một cái gì đó ám ảnh, thường trực, sâu sắc  với tất cả những chiêm nghiệm, suy tư. Tình yêu của người phụ nữ thật vô cùng sắt son, chung thủy.  Tất cả cho thấy, tình yêu, nỗi nhớ trong lòng người con gái cồn cào da diết, không thể nào yên, không thể nào nguôi. Nó cuồn cuộn dạt dào như những con sóng biển triền miên vô hồi, vô hạn. 

Bài thơ sử dụng thể thơ ngũ ngôn trường thiên vốn quen thuộc trong thơ ca truyền thống.Bài thơ có ngôn ngữ dung dị và tinh tế, nhiều cặp từ trái nghĩa, những tính từ biểu cảm, những điệp từ, điệp ngữ chạy dọc suốt bài thơ. Bao trùm bài thơ là hình tượng sóng và em, tuy hai mà một, khi hòa nhập lúc lại tách ra soi chiếu vào nhau. Tất cả làm nên vẻ đẹp của bài thơ "Sóng”.

Có lẽ thẳm sâu trong trái tim mỗi con người yêu mến văn chương, đều sẽ mãi mãi tồn tại một tên tuổi không thể nào bị xóa nhòa đi được.Bởi nghệ sĩ đó là người cảm hóa được trái tim của họ, chia vui với niềm hạnh phúc. Và nhà thơ Xuân Quỳnh là một người xứng đáng với niềm vinh dự lớn lao ấy. Tác phẩm "Sóng” đã để lại trong thế giới tinh thần của độc giả một ngọn đuốc, mà ánh sáng từ ngọn đuốc ấy đã chiếu rọi thẳm sâu trong mọi đường đời.

admin
11/1/2024
Đánh giá bài viết
icon-make-question icon-make-question