Viết về tình yêu thì thời nào cũng có, nhưng tình yêu đặc biệt nhất có lẽ là tình yêu của những người lính trên chiến trường xưa. Hãy cùng Cảm nhận về bài thơ Chiếc áo xanh của Tố Hữu để thấy được bản tình ca tuyệt đẹp này nhé!

Dàn ý Cảm nhận về bài thơ Chiếc áo xanh của Tố Hữu

1. Mở bài: giới thiệu tác giả, tác phẩm, vấn đề

2. Thân bài:

Tình yêu thời chiến của hậu phương dành cho người lính, chia tay trong thầm lặng

* Khổ 1: Món quà chia tay

– Chiếc áo nhuộm màu xanh: màu xanh của hy vọng, của sự sống, của chiến tranh

– Hy vọng màu áo xanh sẽ được anh mang theo trong suốt cuộc hành trình chiến đấu gian khổ

* Khổ 2: Anh lên đường ra chiến trường

– Phải trải qua cả nắng và mưa

– Trên vai luôn là khẩu súng

-> Gian khổ nhưng lại mạnh mẽ và hiên ngang

– Mang trên mình một màu xanh hy vọng về một ngày mai chiến thắng, miền Nam giành lại được hòa bình

* Khổ 3: Trên chiến trường

– Sự gian khổ của người lính phải trải qua “mưa bom đạn nổ”, thường trưcj hằng ngày, cả ngày lẫn đêm

– Người chiến sĩ quên mọi gian khổ tất cả vì “màu xanh quê hương”, vì một ngày hòa bình lặp lại, quê hương lại tươi xanh màu của sức sống

* Khổ 4: Tình yêu tới phương xa

– Chiếc áo được tặng ngày anh đi vẫn là ấm nhất dù có rách hay lành, đó là hơi ấm của tình yêu

– Màu xanh của tình yêu xanh mượt, vẫn mãi nguyên vẹn như những ngày đầu và không thể phai mờ

-> Lời thơ như lời thủ thỉ tâm tình gửi tới người mình yêu. Tình yêu là động lực, cổ vũ anh ra chiến trường, sức mạnh

3. Kết bài: Khẳng định bài thơ trữ tình là bản tình ca tuyệt đẹp thời kháng chiến

Bài viết Cảm nhận về bài thơ Chiếc áo xanh của Tố Hữu

Những người chiến sĩ mang trong mình trọng trách vì nước vì dân mà sẵn sàng ra đi, bỏ lại đằng sau là biết bao điều đặc biệt trong đó có cả tình yêu. Tình yêu thời chiến thật xúc động, thật tuyệt đẹp và chính “bản tình ca màu xanh” ấy là cảm hứng để ngòi bút Tố Hữu được tuôn trào trong Chiếc áo xanh. Một tác phẩm chất chứa cảm xúc về tình yêu của người lính.

Trải qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, biết bao bản anh hùng ca được ra đời để ca ngợi cũng như vẽ nên bức tranh khốc liệt, tình nghĩa đồng đội và tình yêu nước quyết hy sinh thời chiến. Bên cạnh đó là những bản tình ca không thể quên, những tình cảm gửi đến hậu phương nơi xa, sự nhớ thương cũng như những tình cảm chân thành mà da diết. Những tình cảm sâu nặng ấy, đi vào thơ ca như một sức mạnh, dũng khí để các chiến sĩ tiếp bước đi về phía trước. Đặc biệt phải kể đến Chiếc áo xanh, một bản tình ca màu xanh thay lời tâm tình và tình yêu của người hậu phương dành cho chiến sĩ khi lên đường. Họ chia tay trong thầm lặng cũng như tình yêu cũng lặng lẽ được cất giấu trong trái tim của mỗi người.

“Em lại nhuộm cho anh

Chiếc áo màu lá xanh

Vì em ơi chiến tranh

Không chịu màu áo trắng.”

Chiếc áo như vật giao duyên vậy “yêu nhau cởi áo cho nhau”, vật định tình thể hiện tình yêu cô gái gửi cho chàng trai trước khi ra chiến trường. Chiếc áo được cô gái nhuộm cho người mình yêu, một màu xanh vì chiến tranh “không chịu màu áo trắng”. Và có lẽ cô chọn màu xanh để anh luôn có thể mang theo bên mình trên chiến trận, cũng màu xanh ấy là màu của hy vọng, màu của sức sống và của niềm tin. Cô tin chiếc áo ấy sẽ mang tình yêu xanh mướt của đôi ta đến bất cứ nơi đâu, một tình yêu bất diệt. Và cũng tình yêu ấy sẽ đi theo anh trên mọi con đường:

“Anh lại đi mưa nắng

Súng trên vai lên đường

Với màu xanh chiến thắng

Của miền Nam yêu thương”

Cuộc chia tay không chút bi, chút lụy mà cả hai đều biết anh ra đi vì lý tưởng cao cả nên ra đi là tất yếu, là đáng tự hào. Hình ảnh chàng trai ra đi với chuỗi ngày “lại mưa nắng” vẫn hành quân, trên vai là súng, thật hiên ngang, dũng mãnh và đẹp đẽ biết bao. Chiếc áo xanh anh mặc trên người nó là màu của hy vọng, màu của chiếc thắng. Tất cả vì miền Nam thân yêu. Giây phút này, chiến đấu vì lý tưởng hòa bình độc lập cho tổ quốc là điều khiến anh luôn tiến về phía trước. Hy sinh, quên bản thân mình vì một ngày mai hòa bình lập lại, đất nước bình yên, nhân dân được sống trong hạnh phúc trọn vẹn thì anh sẽ được gặp lại em:

“Giữa bom rơi đạn nổ

Những ngày đêm chiến trường

Anh sẽ quên gian khổ

Với màu xanh quê hương”

Chiến trường dù có tàn khốc, “bom rơi đạn nổ” thì người chiến sĩ tâm cũng bất biến. Ngày đêm vẫn ngoài chiến trường, dường như đã quen với bom đạn, không còn gì làm anh sợ hơn nỗi sợ mất nước. Chiến trường có khốc liệt, chiến đấu có gian khổ đến mấy anh cũng sẽ quên đi hết. Thứ anh nhớ và hướng đến đó là “màu xanh quê hương”, màu xanh của hy vọng, màu xanh của đất nước đổi mới, màu xanh của thiên nhiên tươi đẹp trở lại và màu xanh của quê hương những ngày êm đềm. Tất cả vì một đất nước hòa bình, không còn chiến tranh và đặc biệt trong đó có em:

“Áo em nhuộm cho anh

Dù rách lành vẫn ấm

Vẫn tươi mãi màu xanh

Của tình yêu đằm thắm…”

Chiếc áo xanh xuất hiện trở lại cùng với từ “vẫn”, “vẫn ấm”, “vẫn tươi” và “đằm thắm”. Chiếc áo khi đi người hậu phương tặng, người chiến sĩ vẫn giữ dù có rách hay lành vẫn ấm. Phải chăng đó là hơi ấm của tình yêu, một tình yêu bất diệt không phai. Điều này nhằm khẳng định tình yêu của người lính đối với người mình yêu, đó là tình yêu mãi như ngày ban đầu, một tình yêu vẹn nguyên không chút phai mờ.

Bài thơ như lời thủ thỉ, tâm tình đầy ngọt ngào của tình yêu người lính thời chiến. Với giọng văn trữ tình đầy sâu lắng, bài thơ như kể lại cuộc đời của người lính ngoài chiến trận trên vai là trọng trách vì nước vì dân còn trong lòng có em. Màu xanh cũng được lặp đi lặp lại như niềm hy vọng về một ngày mai tươi sáng cứ trực trào và không thể nào biến mất. Tình yêu thật kì diệu, dù cho có cách xa thì đó cũng là động lực làm nên một sức mạnh to lớn giúp người lính có thêm sức mạnh tiến lên phía trước bảo vệ đất nước, bảo vệ tình yêu.

Bài thơ là một bản tình ca thật đẹp của người lính thời chiến, họ có tình yêu nhưng phải xa người mình yêu vì nước vì dân. Nhưng cũng chính tình yêu ấy lại hóa thành sức mạnh giúp các chiến sĩ mạnh mẽ tiến về phía trước. Một tình yêu thật đẹp đã được “Chiếc áo xanh” vẽ nên thật chân thật và cảm động.

By mai123

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *