Với mỗi người có lẽ con đường tuổi thơ, con đường đi học là con đường có nhiều kỷ niệm nhất, cũng là con đường đẹp nhất. Hãy cùng Cảm nhận bài thơ Đường đi học của Nguyễn Ngọc Hưng để thấy được vẻ đẹp của con đường đi học trong ký ức của nhà thơ nhé.

Nguyễn Ngọc Hưng – thi sĩ tài hoa, bạc mệnh, cuộc đời đầy đau khổ

Nguyễn Ngọc Hưng sinh ra tại chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành , tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1983 anh tốt nghiệp loại ưu, là thủ khoa xuất sắc của trường Đại học Sư phạm  Quy Nhơn. Thế nhưng số phận lại thật nghiệt ngã với anh. Ngày anh nhận được giấy quyết định tuyển dụng vào trường THPT Nghĩa Hành, Quảng Ngãi thì cũng là ngày anh phải chịu những cơn đau khủng khiếp dày vò cơ thể. Cũng từ đó cuộc sống của anh gắn với chiếc giường tre tồi tàn. 25 năm qua anh sống trong nỗi đau khổ, tủi hờn vì là một người bệnh tật, không thể kiếm tiền nuôi sống bản thân. Bố mẹ anh lần lượt qua đời, may mắn là vợ chồng người bạn tốt bụng đã cưu mang anh. Nhiều lúc anh đã nghĩ đến cái chết nhưng tình yêu với văn chương, nghệ thuật, những vần thơ đã cứu sống anh. Lần lượt các tập thơ ra đời như Cầm Sợi gió trên tay, Lời ru trắng, Lửa trời nhóm bếp, Lá non, Gọi trăng là những sản phẩm chứng minh cho tài năng và khát vọng sống mãnh liệt trong anh. Anh một người bệnh tật nhưng luôn hoạt động hết mình cho nghệ thuật, cống hiến trọn vẹn và không bao giờ biết mệt mỏi.

Cảm nhận bài thơ Đường đi học

Đường đi học là một trong số rất nhiều bài thơ xuất sắc của Nguyễn Ngọc Hưng. Bài thơ ghi lại những cảm xúc của tác giả về con đường đi học tuổi ấu thơ. Con đường ấy đẹp giản dị, thơ mộng với đầy hoa thơm, cỏ dại. Con đường ấy là dấu mốc phản chiếu tuổi thơ đầy cơ cực của lũ trẻ thôn quê. Nhưng đó cũng là con đường ăm ắp những kỷ niệm không thể quên của những ngày thơ dại.

Bài thơ được chia thành 5 khổ, thể thơ mới 8 chữ được sử dụng khá nhuần nhuyễn và hoàn toàn phù hợp với mạch tâm trạng, tình cảm của nhà thơ. Việc gieo vần bằng trắc linh hoạt ở cuối các câu thơ đã phần nào diễn tả được tình cảm đong đầy của nhà thơ với miền ký ức tươi đẹp của mình.

Khúc khuỷu ruột dê ổ gà ổ chó

Đường dẫn con đi suốt tuổi thơ mình

Nhiều gai góc nhưng cũng đầy hoa cỏ

Vui rập rờn theo những cánh bướm xinh

Ấn tượng đầu tiên về con đường đi học chính là một con đường thôn quê nghèo với đầy ổ gà, ổ chó, xung quanh đầy những cây dại. Có lẽ với nhiều người xuất thân nông thôn thì con đường này rất đỗi quen thuộc. Con đường ngoằn ngoèo, khúc khuỷu gợi ra cuộc sống nhọc nhằn, khốn khó của con người nơi đây. Tính từ tượng hình “khúc khuỷu” được đảo lên đầu câu thơ như tô đậm thêm cuộc sống nghèo khổ trong ký ức của nhà thơ. Nghèo là thế, vất vả là thế, đường đi trắc trở là thế nhưng nó vẫn có những thứ thật thi vị vì “vui rập rờn theo những cánh bướm xinh”.

Từ con đường ấy cuộc sống nghèo khó, lam lũ của con người mở ra, với biết bao nhiêu là thiếu thốn, vất vả. Những đứa trẻ nhà nghèo đi học, đạp chiếc xe cọc cạch trên con đường ngoằn ngoèo, phải 10 cây số mới đến được trường học. Manh áo nghèo, mũ nón rách tả tơi, dầm mưa, dãi nắng, mái tóc bạc đỏ hoe. Nhớ nhất là những tháng ngày dài “cơm cõng củ”, “bữa cháo bữa rau qua ngày giáp hạt”, cái đói luôn ám ảnh cuộc đời của mỗi con người. Phép nhân hoá qua hình ảnh “cơm cõng củ” vừa phần nào cực tả thiếu thốn, vừa thể hiện cái nhìn lạc quan, hóm hỉnh của con người nơi đây. Khó khăn là thế nhưng những đứa trẻ ấy vẫn vô tư, hồn nhiên hát ca “không ngăn nổi hồn nhiên chim sáo hót/ chiều vô tư ngõ đom đóm lập lòe”. Tiếng cười vẫn luôn thường trực trên môi, xua tan cái đói, cái nghèo của con người nơi làng quê.

Năm tháng trôi qua, con mỗi ngày mỗi lớn, bước đi chững chạc hơn, con đường đến trường vẫn dài nhưng đã mở ra nhiều lối mới, là con đường để đến được tri thức. Hạnh phúc hơn là ở nơi cuối con đường “sớm muộn về vẫn có mẹ chờ con”. Vì thế với đứa trẻ trong bài thơ con đường đi tuy ngoằn ngoèo, trắc trở nhưng vẫn là con đường đẹp nhất, con đường hạnh phúc và ấm áp nhất.

Bài thơ tả con đường và cảnh xung quanh con đường đến trường của nhà thơ. Trong ấn tượng của nhà thơ con đường đi học tuy dài, xa, kỷ niệm tuổi thơ tuy nghèo đói vất vả nhưng vẫn là con đường hạnh phúc. Vì nơi đây chính là hình bóng của quê hương, của gia đình và bạn bè, nơi luôn có những kỷ niệm đong đầy và là một phần ký ức không thể quên của nhà thơ.

Bêlinxki đã từng nói “Thơ trước hết là cuộc đời sau đó mới là nghệ thuật”. Đường đi học của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm như thế. Bài thơ là những ký ức ngọt ngào về tuổi thơ nghèo khó nhưng đong đầy nghĩa tình. Những vần thơ giản dị và ngọt ngào đã đánh thức tình yêu sâu thẳm trong mỗi người.

By mai123

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *