Mùa thu trong thơ Hàn Mặc Tử có cái gì đó rợn ngợp, xa vắng và nó nhuốm đầy tâm trạng của con người. Cảm nhận bài thơ Cuối thu tác giả Hàn Mặc Tử dưới đây sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về hồn thơ của thi sĩ này.

Dàn ý cảm nhận bài thơ Cuối thu tác giả Hàn Mặc Tử

1, Mở bài.

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm Cuối thu.

– Những ấn tượng và cảm nhận chung về bài thơ: những hình ảnh cuối thu nhuốm đầy tâm trạng, thê lương, tang tóc..

2, Thân bài.

– Cảm nhận về chủ đề, đề tài.

– Cảm nhận đặc sắc nội dung và nghệ thuật của bài thơ.

– Con người đau thương của thi sĩ giữa chốn nhân gian đầy nghiệt ngã, mang nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần.

3, Kết bài.

– Khẳng định cảm nhận về bài thơ.

– Liên hệ, mở rộng.

Cảm nhận bài thơ Cuối thu tác giả Hàn Mặc Tử

Cuối thu là tác phẩm xuất sắc của thi sĩ Hàn Mặc Tử. Bài thơ được in trong tập thơ “Mật đắng”. Với ý định ban đầu sáng tác để viết tặng Chế Lan Viên, một người bạn tâm giao của Hàn Mặc Tử, về sau bài thơ được đông đảo bạn bè yêu thích và dần khẳng định được vị trí của mình trong số những bài thơ viết về mùa thu.

Trước tiên phải khẳng định đề tài mùa thu vốn là một đề tài muôn thuở trong thi ca Việt Nam. Trước, cùng thời và sau Hàn Mặc Tử có rất nhiều các tác phẩm viết về mùa thu. Nhưng nếu mùa thu trong thơ ca cổ mang tính ước lệ, tượng trưng thì mùa thu trong thơ Mới và thơ Hàn Mặc Tử đã có sự phá cách rõ rệt. Nó mang đậm cá tính của thi sĩ, nó thể hiện cái tôi của thi nhân. Trên trang thơ của các nhà thơ Mới mùa thu mang dáng vẻ riêng, màu sắc riêng, đặc trưng riêng. Thể hiện một cái nhìn tinh tế và đầy say sưa của các thi nhân trước khoảnh khắc đẹp của cuộc đời. Mở đầu bài thơ là không gian bầu trời rộng lớn mịn màng như nhung như lụa:

“Lụa trời ai dệt với ai căng

Ai thả chim bay đến Quảng Hàn?”​

Bầu trời mùa thu được nhìn qua ánh mắt say sưa của thi nhân bỗng trở nên mịn màng như lụa, như nhung. Nhà thơ lại còn cảm nhận trên nền trời ấy căng mịn giống như ai dệt với ai căng. Từ căng và dệt gợi đến một không gian bầu trời cao, trong xanh không có một chút gợn. Trên bầu trời ấy có hình ảnh một đàn chim đang bay đến Quảng Hàn. Điều này nghe có vẻ vô lý. Bởi lẽ đang là cuối thu mà chim đã phải đi tránh rét rồi sao lại bay về chốn lạnh lẽo như cung trăng được? Sự phi lý này có thể lý giải rằng trong thơ Hàn Mặc Tử mộng luôn chiếm vị trí nhiều hơn thực. Những cánh chim này không phải cánh chim có thực mà là trong tiềm thức, trong trí tưởng tượng của nhà thơ.

Không gian mùa thu bắt đầu được cảm nhận trong một không gian rộng hơn, không chỉ bó hẹp ở bầu trời cao và xa nữa. Nó đã được cảm nhận xuống không gian trần thế, là mặt đất. Hai câu thơ có nói đến gánh máu, mảnh áo da cừu, có gì đó thật ghê rợn, chết chóc. Máu đặt trong sự tương phản, đối lập với tuyết, màu đỏ nổi bật trên nền màu trắng tinh khôi:

Và ai gánh máu đi trên tuyết,

Mảnh áo da cừu ngắm nở nang.

Hình ảnh máu vốn xuất hiện khá nhiều trong thơ Hàn Mặc Tử, trong bài thơ Trút linh hồn thi sĩ đã viết:

“Máu đã khô rồi thơ cũng khô

Tình ta chết yểu tự bao giờ”

Có lẽ sự ám ảnh của bệnh tật, chết chóc đã khiến những vần thơ của thi sĩ nhuốm màu tâm trạng như vậy. Thi sĩ như đang hoá thân thành người gánh máu đi trên tuyết kiên cường đương đầu với sóng gió và bão táp của cuộc đời. Sự bi thương càng được bộc lộ sâu sắc và đậm nét hơn qua những khổ thơ tiếp theo:

Mây vẽ hằng hà sa số lệ,

Là nguồn ly biệt giữa cô đơn.

Sao không tô điểm nên sương khói,

Trong cõi lòng tôi buổi chập chờn.

Cảnh tượng mây vẽ hằng hà sa số lệ gợi ra những giọt nước mắt đau khổ của con người trước cuộc đời. Nước mắt ấy chính là nguồn ly biệt giữa cô đơn. Nhà thơ thắc mắc hỏi trời, hỏi người rằng “sao không tô điểm nên sương khói” để làm cho nỗi lòng thêm bi sầu hơn nhưng thực chất trong lòng đã hoang vắng, bi sầu đến tột cùng rồi.

Đây bãi cô liêu lạnh hững hờ,

Với buồn phơn phớt, vắng trơ vơ.

Cây gì mảnh khảnh run cầm cập,

Điềm báo thu vàng gầy xác xơ.

Có thể xem đây là một trong những khổ thơ hay nhất của bài thơ này. Khổ thơ đã đặc tả không khí cô đơn, buồn hiu quạnh đến rợn ngợp của không gian cuối thu. Nào là bãi cô liêu không bóng người lạnh lẽo đến tê tái, nào là cây cối trơ trụi, mảnh khảnh run cầm cầm trước cái gió lạnh của mùa thu. Phép ẩn dụ chuyển đổi cảm giác qua cụm từ “thu vàng gầy xác xơ” càng tô đậm thêm  mùa thu tàn tạ, héo hon trong tâm hồn thi sĩ.

Cuối thu được cảm nhận bằng một trái tim đa sầu, đa cảm luôn có những dự cảm về chết chóc, chia lìa. Vì thế bức tranh phong cảnh thu đã nhuốm màu tâm trạng của con người. Qua tác phẩm chúng ta hiểu thêm về hồn thơ của thi sĩ Hàn Mặc Tử: con người luôn đấu tranh giằng xé để sống trọn vẹn với đam mê nghệ thuật của mình.

By mai123

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *