Phân tích Vị mùa xuân của Vũ Quần Phương

Vũ Quần Phương được biết đến là một trong những nhà phê bình văn học cực kỳ nổi tiếng. Ngoài các tiểu luận phê bình, lý luận văn học ông cũng sáng tác một số các bài thơ trong số đó Vị mùa xuân là một tác phẩm tiêu biểu. Tác phẩm ca ngợi mùa xuân mùa khởi đầu mới của đất nước và của những ước mơ hy vọng. Hãy cùng Phân tích Vị mùa xuân của Vũ Quần Phương để cảm nhận điều đó.


Dàn ý phân tích Vị mùa xuân của Vũ Quần Phương

1, Mở bài.

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm Vị mùa xuân của Vũ Quần Phương.

- Khái quát giá trị của tác phẩm: một bài thơ xuất sắc về mùa xuân, đạt đến đỉnh cao về nghệ thuật.

2, Thân bài.

- Phân tích khổ 1: hình ảnh thời gian được nhân hoá giống như một cô gái vai gánh mùa hoa, mùa xuân hiện ra với những nét vẽ hiền hoà, thân thương nhất.

- Phân tích khổ 2: tiếng ngày xưa, lời nói thủ thỉ của cha ông và đất nước vọng về. Mùa xuân cũng là mùa để nhà thơ chiêm nghiệm nhiều điều về cuộc sống.

- Phân tích khổ 3: hình ảnh người lao động vất vả để làm nên những mùa sinh sôi cho cuộc đời. Công việc gian lao nhưng luôn mỉm cười và đầy hy vọng vào một tương lai tươi sáng.

3, Kết bài.

- Khẳng định giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ.

- Liên hệ bản thân.


Phân tích Vị mùa xuân của Vũ Quần Phương

Sáng tác thơ không phải là sở trường của nhà thơ Vũ Quần Phương. Song những vần thơ của ông vẫn đủ sức lay động người đọc nhờ những giá trị ý nghĩa được gửi gắm. Bài thơ Vị mùa xuân là những cảm nhận tinh tế của nhà thơ về mùa xuân, đất trời, qua đó thể hiện tình yêu say đắm của nhà thơ với cuộc sống và mùa xuân.

Đề tài mùa xuân vốn không phải đề tài xa lạ trong thơ ca. Nhắc đến bốn mùa đẹp trong năm thì mùa xuân vốn là mùa đẹp nhất, là mùa đầu tiên của sự sinh sôi nảy nở, của sức sống căng tràn. Cũng viết về mùa xuân có biết bao nhiêu vần thơ hay song Vị mùa xuân của Vũ Quần Phương vẫn có cái gì đó thật lạ, thật sâu sắc, nó thể hiện cái nhìn tinh tế, nhạy cảm của nhà thơ với những biến chuyển của mùa xuân mang lại cho đất trời.

Nhà thơ cảm nhận mùa xuân giống như một cô gái tình tứ, dịu dàng đang gánh trên vai cả một mùa hoa

Cô gái thời gian

Vai gánh mùa hoa đang độ thắm

Mưa bụi đang bay với cánh đồng

Chim về gọi lá cho cành biếc

Cá lượn làm duyên với khúc sông

Thời gian được gọi một cách tình tứ là cô gái, gánh trên mình mùa hoa đang độ thắm. Mùa xuân cũng là mùa hoa, biết bao thứ hoa đua nở khoe sắc như đào, mận, lê, mai, lay ơn… bông hoa nào cũng đẹp cũng thơm. Phép nhân hóa ẩn dụ gánh trên vai mùa hoa độ thắm giúp người đọc cảm nhận được thời gian như đang ngưng đọng lại trên những cánh hoa. Mùa xuân mang đến mùa hoa rực rỡ cho đất trời, làm lòng người ngây ngất, say sưa.

Phân tích Vị mùa xuân của Vũ Quần Phương

Câu thơ thứ hai là hình ảnh mưa bụi đang bay phấp phới, dịu nhẹ trên cánh đồng. Mùa xuân thường có những cơn mưa bụi bay, chỉ là mưa bụi nên không nặng hạt, mưa chỉ đủ ướt nhẹ vai áo nhưng cũng đủ cho cây cối đâm chồi nảy lộc. Câu thơ làm người đọc liên tưởng đến bài thơ Chiều xuân của Anh thơ:

Mưa bụi đổ êm đềm trên bến vắng

………………………………………

Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời

Ở đây không phải mưa bụi đổ mà là mưa bụi bay trên cánh đồng, phảng phất và dịu nhẹ nhưng cũng đủ khiến lòng người say đắm, ngất ngây. Hai câu thơ tiếp theo là hình ảnh của vạn vật, chim chóc của mùa xuân. Những chú chim cất cao giọng hót gọi lá về cho cành thêm biếc, thêm xinh. Vài chú cá lượn làm duyên với khúc sông. Khung cảnh nhẹ nhàng, gợi ra cái hồn của mùa xuân, đất trời. Chim biết gọi, cá biết làm duyên, mùa xuân đã thổi hồn khiến cho vạn vật thêm sức sống như thế đấy.

Đến khổ thơ thứ hai nhà thơ đã cảm nhận mùa xuân ở một khía cạnh khác. Mùa xuân được so sánh như một phong thư ngỏ, gửi gắm biết bao điều ý nghĩa của cuộc sống, được cha ông đúc kết vào đó:

Mùa xuân như một phong thư ngỏ

Tôi đọc lời cha ông đất đai

Ruộng xưa về lại tay cày cuốc

Người trĩu mồ hôi, cây trĩu sai

Bức thư ấy là lời dặn dò của ông về lao động, nếu con người chăm chỉ cần cù tay cày cuốc, nếu mồ hôi có nhỏ xuống đồng thì cây sẽ trĩu sai quả. Câu thơ giản dị nhưng đã gửi gắm những bài học về giá trị của lao động. Nhờ có lao động mà mùa màng được bội thu, con người sẽ thu về thành quả có ý nghĩa. Trong bức thư của mùa xuân nhà thơ tiếp tục cảm nhận được:

Tôi đọc trên đường hy vọng cỏ

Phủ ngát chân người đi ước ao

Đất thuộc người làm sinh sôi đất

Tôi thuộc người đi với gian lao

Công việc lao động chân tay tuy vất vả nhưng ý nghĩa, đó cũng là một nghề cao quý. Người nông dân luôn mỉm cười và đầy hy vọng vào một tương lai tươi sáng.

Vị mùa xuân đã khai thác từ đề tài quen thuộc nhưng với nội dung mới mẻ, không trùng lặp. Với cảm hứng đó bài thơ vẫn mang đến những luồng gió mới cho thi ca. Qua bài thơ chúng ta đều yêu thêm mùa xuân và trân trọng với những cảm nhận của nhà thơ Vũ Quần Phương. Một thi sĩ giàu tình cảm, nặng tình đời, luôn trân trọng những điều bình dị nhất.

Vũ Hồng Nhung
27/11/2023
Đánh giá bài viết
icon-make-question icon-make-question