ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc đoạn trích:

CHƯƠNG 57

[…]

Tôi nhìn nó, lòng tràn đầy một sự kỳ diệu đáng sợ. Không thấy bị đe dọa ngay lập tức nữa, hơi thở của tôi lại dịu lại, tim không còn đập loạn xạ, và tôi bắt đầu tính toán trở lại.

Phải thuần phục nó. Tôi chợt nhận ra điều đó. Không còn là vấn đề nó hoặc tôi, mà là nó và tôi. Cả nghĩa đen và nghĩa bóng, chúng tôi đang cùng hội cùng thuyền. Chúng tôi sẽ sống – hoặc sẽ chết – cùng với nhau. Nó có thể bị chết vì một tai biến nào đó, hoặc có thể nhanh chóng hơn vì các nguyên nhân tự nhiên, nhưng hy vọng một kết cục như vậy là một điều xuẩn ngốc. Điều ngược lại còn dễ xảy ra hơn, vì với thời gian, sinh lực yếu ớt nơi tôi sẽ không thể bền bỉ như sức vóc thú vật của nó. Chỉ khi tôi thuần phục được nó, may ra tôi mới có thể đưa nó vào cái chết trước, nếu chúng tôi bị đẩy vào tình trạng đáng buồn ấy.

Còn nhiều chuyện nữa. Tôi sẽ nói hết. Tôi sẽ thú nhận một bí mật: một phần con người tôi thấy vui vì có Richard Parker. Một phần con người tôi không muốn Richard Parker chết một tí nào, vì nếu nó chết, tôi sẽ chỉ còn lại một mình với nỗi tuyệt vọng, một đối thủ còn ghê gớm hơn cả một con hổ. Nếu như tôi vẫn còn muốn sống, thì đó là vì Richard Parker. Nó khiến tôi không phải nghĩ quá nhiều đến gia đình tôi và hoàn cảnh bi thảm của tôi. Nó thúc tôi tiếp tục sống. Tôi căm ghét nó là vì thế, mà cũng biết ơn nó là vì thế. Đúng là tôi biết ơn nó. Sự thật hiển nhiên là: không có Richard Parker, tôi đã không còn sống để kể câu chuyện này.

Tôi nhìn ra chân trời khắp xung quanh. Chẳng phải tôi đang có mặt sân khấu xiếc hoàn hảo, trọn vẹn, không thể đào tẩu đi đâu và cũng không có một ngóc ngách nào để lẩn trốn được hay sao? Tôi nhìn xuống biển. Chẳng phải đó là nguồn cung cấp món ăn có thể dùng để thưởng và dạy nó nghe lời hay sao? Tôi để ý thấy có một cái cọc lủng lẳng ở một chiếc ô phao. Đó chẳng phải là chiếc roi tốt để giữ cho nó đi đúng hàng lối hay sao? Còn thiếu gì nữa để thuần phục Richard Parker? Thời gian ư? Phải hàng nhiều tuần lễ nữa trước khi có chiếc tàu nào tình cờ phát hiện ra tôi. Tôi có tất cả thời gian cần thiết trên thế gian này. Quyết tâm ư? Không có gì khiến ta quyết tâm bằng nhu cầu sống còn. Kiến thức ư? Chẳng phải tôi là con trai của một người chủ vườn thú đấy sao? Phần thưởng ư? Có phần thưởng nào lớn hơn chính cuộc sống? Có hình phạt nào khủng khiếp hơn cái chết? Tôi nhìn Richard Parker. Tôi không còn hoảng loạn nữa. Tôi đã chế ngự được nỗi sợ hãi. Sống còn đã nằm trong tầm tay.

**Hãy nói lên hiệu lệnh. Giọng trống lên. Hãy bắt đầu màn trình diễn. Tôi đứng hẳn lên. Richard Parker đây ư? Đúng chỗ vững trên bè không phải dễ. Tôi hít một hơi dài và gào lên, “Thưa quý bà và quý ông, quý cô quý cậu, hãy mau về chỗ của mình! Mau lên, mau lên. Quý vị không muốn bị muộn trò đâu. Hãy ngồi xuống, hãy mở mắt ra, mở lòng và chuẩn bị để được kinh hoàng. Nó đây rồi, để mang lại cho quý vị những vui vẻ mới lạ và niềm hoan lạc tràn đầy, buổi diễn mà quý vị đã chờ đợi bấy lâu nay, buổi diễn vĩ đại nhất trên trái đất này đã đến đây rồi! Quý vị đã sẵn sàng thưởng thức những điều kỳ diệu của nó chưa? Rồi phải không ạ? Vậy thì, những kỳ diệu này biểu diễn cùng quý vị. Quý vị đã thấy chúng trong những khu rừng ẩm ướt phủ đầy tuyết trắng. Quý vị đã thấy chúng trong những khu rừng rậm nhiệt đới gió mùa. Quý vị đã thấy chúng giữa nơi hoang vu cây cối thưa thớt. Chúng đã hiện ra trên những đầm lầy nước lợ mọc đầy xoài và măng cụt. Sự thật là buổi diễn này có thể thấy ở khắp mọi nơi. Nhưng chưa bao giờ quý vị được thấy buổi biểu diễn ấy tại một nơi như nơi này! Thưa quý vị và các bạn, không dài dòng nhiều lời thêm nữa, tôi xin vinh hạnh giới thiệu: ĐOÀN XIẾC NỔI XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG, ẤN – CANADA, PI PATEL! TUYYYYT TUYYYYT! TUYYYYT! TUYYYYT! TUYYYYT!”

Tôi cố tác động đến Richard Parker. Ngay tiếng còi đầu tiên, nó rùng mình và nhe nanh. Ha! Cứ việc nhảy xuống biển nếu mày muốn. Cứ thử đi xem nào!

“TUYYYYT! TUYYYYT! TUYYYYT! TUYYYYT! TUYYYYT! TUYYYYT! TUYYYYT!”

Nó gầm lên và cào hai chân trước vào không khí. Nhưng nó không nhảy. Nó có khả năng không sợ hãi biển nữa khi bị đói khát giày vò, nhưng bây giờ thì tôi phải tận dụng nỗi sợ hãi ấy của nó.

“TUYYYYT! TUYYYYT! TUYYYYT! TUYYYYT! TUYYYYT! TUYYYYT! TUYYYYT!”

Nó lùi lại và chui xuống sàn. Buổi huấn luyện đầu tiên thế là xong. Một thành công vang dội. Tôi ngừng thổi còi, ngồi phịch xuống bè, hết hơi và mệt rũ người.

Và thế là ra đời:

Kế hoạch số bảy: Giữ cho nó sống.

(Trích “Cuộc đời của Pi”, Yann Martel, NXB Văn học, 2023, tr.242-245)

Chú thích:

Cuộc đời của Pi kể về cậu bé người Ấn Độ tên Piscine Molitor Patel, thường gọi là Pi, lớn lên trong một gia đình quản lý sở thú. Khi di cư sang Canada, cha cậu quyết định mang theo một số con vật lên tàu vượt đại dương. Thế nhưng, con tàu lại không may bị đắm giữa Thái Bình Dương. Pi trở thành người sống sót duy nhất trên một chiếc xuồng cứu hộ, cùng với một con hổ Bengal tên Richard Parker. Trong suốt 227 ngày lênh đênh trên biển, Pi phải đấu tranh để sinh tồn, học cách lấy nước ngọt, tìm thức ăn và tránh bị con hổ ăn thịt. Trải qua những thử thách khắc nghiệt, cậu dần xây dựng một mối quan hệ đặc biệt và đầy phức tạp với Richard Parker, từ sợ hãi đến tôn trọng và gắn bó. Cuộc hành trình cũng là hành trình tâm linh khi Pi không ngừng đối thoại với đức tin, Chúa trời và ý nghĩa của cuộc sống. Cuối cùng, chiếc xuồng trôi dạt vào bờ biển Mexico và con hổ bỏ đi mà không ngoái nhìn. Khi được phỏng vấn, Pi kể hai phiên bản về câu chuyện – một với những con vật và một với con người – để lại cho người nghe quyền lựa chọn điều họ muốn tin.

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Xác định điểm nhìn của người kể chuyện trong đoạn trích.

Câu 2. Nêu rõ hoàn cảnh của nhân vật Pi trong đoạn trích.

Câu 3. Trình bày hiệu quả của biện pháp nghịch ngữ trong đoạn văn:

“Nó khiến tôi tiếp tục sống. Tôi căm ghét nó là vì thế, mà cũng biết ơn nó là vì thế.”

Câu 4. Hình tượng con hổ có ý nghĩa như thế nào trong việc thể hiện chủ đề của đoạn trích?

Câu 5. Từ Kế hoạch số bảy: Giữ cho nó sống của Pi, anh/chị hãy cho biết năng lực quan trọng nhất mà thế hệ trẻ ngày nay cần hình thành là gì? Vì sao? (Trình bày khoảng 5–7 dòng)

Gợi ý trả lời đọc hiểu

Câu 1. Góc nhìn người kể chuyện:
Người kể sử dụng ngôi thứ nhất với điểm nhìn hạn chế, thể hiện rõ trải nghiệm cá nhân và cảm xúc chủ quan.

Câu 2. Hoàn cảnh của nhân vật Pi:
Pi rơi vào tình huống éo le khi bị đắm tàu và mất liên lạc với gia đình. Cậu phải đơn độc vật lộn giữa đại dương, chỉ có một chiếc xuồng cứu hộ và con hổ Bengal tên Richard Parker làm bạn đồng hành.

Câu 3. Biện pháp nghệ thuật – nghịch ngữ:
Câu văn “căm ghét nó là vì thế, biết ơn nó là vì thế” thể hiện biện pháp nghịch ngữ đặc sắc. Điều này phản ánh trạng thái tâm lý mâu thuẫn, phức tạp của Pi: vừa sợ hãi, vừa mang ơn con hổ – kẻ thù cũng là động lực sống. Qua đó làm nổi bật nghịch cảnh mà Pi phải đối mặt, đồng thời bộc lộ sự thấu hiểu, cảm phục từ phía tác giả. Nghệ thuật này cũng giúp tăng sức biểu cảm, tạo nhịp điệu sinh động, khơi gợi sự quan tâm nơi người đọc.

Câu 4. Ý nghĩa biểu tượng của con hổ:
Richard Parker là hiện thân của nỗi sợ và thử thách sinh tồn. Hành trình thuần phục con hổ chính là hành trình con người vượt lên bản năng, chiến thắng thiên nhiên và chính mình. Hình ảnh này đóng vai trò trung tâm trong việc thể hiện chủ đề: con người trong hoàn cảnh khắc nghiệt vẫn kiên cường đấu tranh để sống sót, biến hiểm nguy thành sức mạnh nội tại.

Câu 5. Năng lực quan trọng theo quan điểm cá nhân:
Học sinh có thể nêu ra năng lực mà mình cho là thiết yếu, miễn sao phù hợp với bối cảnh. Một số gợi ý:
– Năng lực lập kế hoạch ứng phó khi gặp khủng hoảng.

– Năng lực thích nghi với môi trường mới, dù khắc nghiệt.

– Năng lực phân tích và giải quyết vấn đề một cách linh hoạt.

By Thầy đồ dạy Văn

Xin chào! Tôi là Thầy Đồ, một người dạy văn với niềm đam mê sâu sắc dành cho ngôn ngữ và văn học Việt Nam. Với hơn 20 năm kinh nghiệm giảng dạy, tôi đã giúp nhiều thế hệ học sinh yêu thích và đạt thành tích cao trong môn Văn học. Tốt nghiệp từ Đại học Quốc gia Hà Nội, tôi luôn nỗ lực nâng cao trình độ giảng dạy qua các khóa đào tạo và hội thảo chuyên môn. Ngoài việc giảng dạy, tôi còn tham gia nghiên cứu, viết báo và xuất bản sách hướng dẫn học Văn. Tại trang web này, tôi mong muốn chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và cảm hứng văn học đến mọi người. Hãy cùng tôi khám phá vẻ đẹp của ngôn từ qua từng bài học và tác phẩm văn học. Chúc các bạn học tập tốt và luôn giữ niềm đam mê với môn Văn!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *