Đề bài:
“Một con người tốt thì ngay trong phút giây ham say đen tối
Vẫn ý thức được con đường đúng đắn phải đi”
(J.W. Goethe)
Bàn luận về ý kiến trên.
Bài làm của bạn Phương Linh (lớp HSG năm 2023):
Tuân Tử từng cho rằng: “Nhân chi sơ tính bản ác.” Học thuyết tính ác của Tuân Tử có nghĩa rằng, con người sinh ra vốn dĩ là ác. Có được thiện là do quá trình bồi dưỡng, giáo dục mà thành. Vậy hóa ra theo học thuyết của Tuân tử, con người khi sinh ra vốn mang trong mình đầy đủ dục vọng như ham lợi, hám sắc ư? Liệu chăng trong những phút giây lầm lạc của cuộc đời, con người – dẫu là những “người tốt” có trở về với bản năng, với cái mà Tuân Tử cho là “bản ác” hay không? Hay sẽ như lời của nhà thơ J.W.Goethe từng nói: “Một con người tốt thì ngay trong phút giây ham say đen tối/ Vẫn ý thức được con đường đúng đắn phải đi”?
Tiểu thuyết gia người Mỹ Mark Twain từng chiêm nghiệm thế này: “Lòng tốt là thứ ngôn ngữ mà người điếc có thể nghe và người mù có thể thấy.” Có lẽ “lòng tốt” ấy chính là thứ biểu trưng cho “người tốt” mà J.W.Goethe muốn nhắc đến – hay cụ thể hơn, đối với chuẩn mực của xã hội thì người tốt là người có đạo đức, có phẩm chất tốt, sống đúng với bản thân và trở nên có ích cho xã hội. Dưới góc nhìn của nhà thơ J.W.Goethe, đã là một người tốt thì ngay trong “phút giây ham say đen tối” – họa như những phút giây mà con người bị che mờ đôi mắt và tấm lòng bị tham-sân-si bó chặt, hay những khó khăn, xui rủi khiến người ta mụ mị thì họ vẫn có thể ý thức được con đường đúng đắn phải đi. Có lẽ con đường ấy chính là con đường được tạo nên bởi sự lý trí và minh triết – là con đường sáng suốt không bị nhuốm màu của tham-sân-si trong lòng người. Như vậy, quan niệm của J.W.Goethe đã đề cập đến một yếu tố trong phẩm chất của con người: Biết chọn lựa và luôn giữ được sự sáng suốt cho tâm trí – để “ý thức” đứng đắn không bị cái bản năng – cái “CON” chiếm giữ. Đó cũng chính là yếu tố mà “một con người tốt” mang trong mình để ngay cả trong những phút giây lầm lạc, tăm tối nhất, họ vẫn có thể tự soi sáng cho gót chân của chính mình.
Cuộc sống – dẫu ở thời đại nào cũng luôn mở ra cho ta muôn vàn con đường để tiến bước. Thế nhưng khi đứng trong “hố đen” của tâm trí, mọi suy nghĩ thiện lương của con người thường bị che khuất, khi ấy – như một cách “cứu sinh” duy nhất, người ta thường chỉ làm theo thiển ý – họ gạt phăng sự tồn tại của các con đường mở ra trước mắt và cho rằng họ chỉ có một con đường duy nhất có thể đi – con đường mà họ cho là “đúng đắn” với hầu hết là tư lợi cá nhân thay vì công ích hay điều gì khác. Lắm lúc ta cho rằng đó là đường cùng, ép buộc bản thân phải đi theo lối mòn bất khả kháng. Điều đó vô hình chung đã làm lu mờ đi những ý nghĩ thông suốt và đưa tâm trí ta rơi vào bế tắc hay lầm lỡ.
Một cánh cửa mở ra trong những suy nghĩ quẩn quanh – một cánh cửa tưởng chừng với thật nhiều cơ hội nhưng lại được mở ra một cách dễ dàng trong giây phút ta lạc lối – không gì khác, đó chính là sự cám dỗ. Không phải tự nhiên mà J.W.Goethe nhấn mạnh rằng “một người tốt” mới có thể tìm được con đường đúng đắn ngay trong phút giây ham say đen tối. Theo lẽ thường, những con đường rộng mở với thật nhiều phúc lợi và luôn được ra sức kêu gọi bởi sự bế tắc trong lòng người sẽ là sự cám dỗ không lối thoát đối với những đôi mắt bị che mờ. Có lẽ người ta cũng ứng dụng điều đó vào việc câu cá chăng? Khi mà miếng mồi béo bở được thả xuống hồ nước, những con cá dưới kia thật chẳng thể nào thấy được có ai đó đang chờ chực sẵn trên bờ, thứ nó nhìn thấy chỉ là một bữa thịnh soạn được bày ra trước mắt, và như thế… Cá cắn câu! Thật khiến ta nhớ đến câu ca dao của người xưa:
Cá vàng lơ lửng giếng xanh
Thong dong chốn ấy một mình thảnh thơi
Ai ngờ cá lại ham mồi
Bỏ nơi mát mẻ tìm nơi lạnh lùng.
Vậy nên, với những tâm trí không đủ vững vàng và sáng suốt, thật khó để thoát ra khỏi cái được gọi là “cám dỗ” mà tìm cho mình một con đường đúng đắn thực sự.
Hiểu được những điều trên, ta mới vỡ lẽ ra rằng việc giữ cho mình cái tâm ngay thẳng để “đi xuyên” qua cái “ham say đen tối” là việc chẳng dễ dàng gì. Điều này khiến tôi chợt nhớ đến một câu chuyện ngụ ngôn mà tôi từng nghe kể: Một ông lão người da đỏ nói với cháu trai mình: “Trong thân thể mỗi người đều có hai con sói, chúng luôn tàn sát lẫn nhau. Một con sói đại diện cho sự căm phẫn, ghen ghét, kiêu căng, tham lam và ích kỷ. Con còn lại đại diện cho sự ôn hòa, lương thiện, lòng biết ơn, niềm hy vọng, nụ cười và tình yêu.” Cậu bé sốt ruột hỏi ”Ông nội, con sói nào mạnh hơn ạ?“ Ông lão trả lời: “Con mà cháu nuôi nấng”. Quả thực, đến cả nội tâm của chúng ta vẫn luôn tồn tại sự mâu thuẫn, giữa cái thiện và ác, giữa cái tốt và xấu. Thế nhưng, duy chỉ có cái tốt – cái hướng thiện của lòng người mới có thể giúp ta thắp lên ngọn đuốc mở đường.
Để ý thức được con đường đúng đắn phải đi, có phải trước tiên ta nên trở thành “một người tốt” như J.W.Goethe đã nói chăng? Quả thực, ta khó có thể đánh giá về người khác, hay tự cho rằng chính bản thân mình là “một người tốt” hay “một người xấu”. Con người vốn làm việc luôn đi kèm với mục đích, hay nói cách khác đó cũng chính là những mục tiêu mà ta đặt ra cho bản thân trên chặng đường mang tên “cuộc sống”. Qua đó, mục đích ta hướng đến trên hành trình của bản thân là tốt hay xấu, điều đó phụ thuộc vào đối tượng hay kết quả chúng ta hướng tới. Và có lẽ, thước đo hiện thời cho những mục đích ấy chính là tiêu chuẩn đạo đức của xã hội. Vậy nên, có thể hiểu rằng để trở thành “một người tốt” thì trước hết, ta phải là một người tuân thủ đạo đức và pháp luật, kế đó mới là sự đồng cảm và yêu thương.
Trên con đường tìm đến được con đường đúng đắn ngay cả trong lúc ham say đen tối, con người ta cũng cần có cho mình sự tĩnh lặng. Nói như vậy là bởi, khi bị màn sương mờ của sự lầm lạc che khuất mắt, nếu ta không giữ được sự tĩnh lặng trong tâm trí thì sẽ rất dễ bị xáo động, hoảng loạn và trở nên bế tắc trước màn sương đó. Thật khó để tìm thấy lối đi khi bản thân tự đưa mình vào ngõ cụt! Còn nhớ tác giả E.V.Salomon cũng từng nhận xét: “Ngay cả kẻ dại khờ nhất cũng trở nên khôn ngoan khi họ biết giữ sự tĩnh lặng.” Và hơn thế, nhờ “tĩnh sinh minh” – con người có thể đặt ra những câu hỏi tự vấn, cẩn trọng hơn đối với những cám dỗ của cuộc đời, giúp ta không bước vào vũng lầy của sự tham mê, hám lợi. Có thể nói, không chỉ “tốt” về phẩm chất mà ta còn cần phải giữ lấy sự tĩnh lặng, sáng suốt trong suy nghĩ – có như thế ta mới có thể chọn cho mình một con đường đúng đắn và đáng để ta đặt dấu bước chân.
Tại cuộc thi chạy Marathon giữa các nước – trong đó có sự góp mặt của Việt Nam. Một vận động viên đã chia sẻ về câu chuyện trong lúc cô tham gia cuộc chạy đua: “Team Timor chỉ có hai người bao gồm bạn và huấn luyện viên. Khi bạn thi đấu trên đường cũng không có bàn tiếp nước dành cho quốc gia của bạn – mình đã tiếp nước cho bạn ở vòng 2-3. Thật tội nghiệp khi bạn nằm ở tent chỉ có một mình với cơ thể đang kiệt sức. Mình và thầy đã gợi ý và tìm lực lượng hỗ trợ của BTC tại Campuchia để chăm sóc cho bạn. Chúc bạn mau bình phục và trở về quê hương bình an.” Có thể thấy, dù là một cuộc thi đấu, cũng có thể phân định thắng-thua, thế nhưng bỏ qua những điều ấy, vận động viên của Việt Nam đã không ngần ngại tiếp nước cho bạn đấu của mình. Phải chăng lúc ấy đã có hai sự lựa chọn dành cho vận động viên Việt Nam: Hoặc là mặc kệ và chạy thẳng về đích, hoặc là giúp đỡ người đang gặp khó khăn kia? Thế nhưng có vẻ như kết quả của cuộc đấu không quan trọng bằng một người đang cần sự giúp đỡ. Có lẽ trong thời điểm ấy, họ không còn nhìn nhau với vai trò là đối thủ, mà chỉ đơn giản là những con người với nhau. Hay ông “vua cà phê” Đặng Lê Nguyên Vũ khi được phóng viên nhắc đến tấm hình ông ngồi trên máy bay, dưới chân là đôi giày màu trắng được “bóc giá” khoảng bảy mươi lăm nghìn đồng, ông thừa nhận đúng, ông nói: “Nó phù hợp, nó đẹp. Khi qua tất cả những cung bậc vật chất của con người, sẽ đến cung bậc về tinh thần. Qua đã trải nghiệm hết”. ông nói rồi chỉ vào bộ trang phục đang mặc: “Bây giờ qua ăn mặc như vậy là quá lễ nghĩa với những người anh em, chứ ở trên núi qua đâu có. Ví dụ đôi giày này bảy mươi mấy nghìn mà nó phù hợp,..” Có thể thấy, người ta không chỉ “tốt” về tấm lòng, mà ta còn có thể “tốt” về cách nhìn nhận. Đặng Lê Nguyên Vũ dẫu là “vua cà phê”, thế nhưng khác với những người giàu có và thành đạt, ông đã vượt qua “những cung bậc vật chất”, thoát khỏi sự cám dỗ của đồng tiền, ông chọn những gì phù hợp và tạo ra cho mình những cung bậc về tinh thần – đó cũng chính là một con đường mà tôi cho là “đúng đắn” khi người ta không va vào thói tiêu xài xa hoa, hoang phí.
Khi đang gật gù với sự đồng tình dành cho quan điểm của nhà thơ J.W.Goethe, trong đầu tôi phút chốc xuất hiện sự tự vấn: Liệu rằng “một người tốt” lúc nào cũng có thể ý thức được con đường đúng đắn dù trong những phút giây ham say đen tối chăng? Hay sự “đúng đắn” ấy có khi nào đi ngược lại với sự “đúng đắn” mà xã hội đã đặt ra hay không? Trở về thời kỳ những năm 1945 – khi mà nạn đói hoành hành khắp chốn, dân ta đói khổ tận cùng. Ngày ấy Lực lượng Việt Minh đã kêu gọi đồng bào vùng lên phá kho thóc, tìm đường sống. Đối với đồng bào, thực là một con đường đúng đắn và rất khẩn thiết. Đó vốn là số thóc đáng lẽ phải thuộc về dân ta nhưng lại bị bọn giặc kia tham lam vơ vét. Thế nhưng, nếu nhìn sự việc theo hai chiều hướng, ta sẽ thấy đây quả thực là con đường thắp lên ngọn hy vọng cứu nguy, cứu đói cho đồng bào bào Việt Nam – còn về phía Nhật, bọn chúng lại chẳng lấy làm vui vẻ như vậy, đối với chúng, đây chẳng khác nào “bị cướp”, bị tàn phá và chúng xem mình chẳng thua gì nạn nhân. Mặc dầu vậy, đồng bào ta có chăng là người xấu? Không. Chúng ta làm vì sinh mạng đang treo trên ngọn tóc của chính mình, trước cái tự do ta còn chưa có “cái no”. Có thể thấy, có những lúc con đường “đúng đắn” và thực sự đúng với đạo lý của ta, thì chưa hẳn đã ưng bụng, vừa lòng với những người, những nơi khác. Cũng có thể nói, “chân lý” – đối với người/dân tộc này sẽ khác với “chân lý” của người/dân tộc kia, không có chân lý hay sự đúng đắn nào là tuyệt đối.
Song, nhìn vào cuộc sống ngày nay, hay thậm chí là trước đây, tôi nhận thấy rằng: Khi một người tìm được cho mình một con đường đúng đắn trong những phút giây sai hướng, lệch phương, người ta thường chia sẻ và khuyên người khác nên thử giống mình- tất nhiên là theo một ý tốt. Hệ quả của việc đó là khi rơi vào bế tắc hay lầm đường lỡ bước, người ta thường có xu hướng hỏi han và làm theo răm rắp những lời khuyên nhủ từ người khác. Thế nhưng đôi lúc, một con đường không thể dành cho tất cả mọi người. Nó đưa người này từ tối tăm ra ánh sáng, nhưng không có nghĩ nó cũng có thể giúp người khác được như vậy. Muốn thoát khỏi vũng lầy trong tâm hồn mình, hay của xã hội tạo ra cho mình, thiết nghĩ trước khi lần tìm lối thoát bằng cách vùng vẫy rồi chìm dần trong vô vọng, ta hãy bình tĩnh và xem lại chính mình – khiến bản thân trở nên tốt hơn, ta sẽ dễ thấy những lỗi lầm xưa cũ! Để từ đó có thể tự mình thắp sáng con đường đúng đắn mà bản thân phải đi.
Trong những chuyến đi riêng tư với tâm hồn mình, đã có lúc tôi suy tư và nhớ về những chuyện đã cũ: “Lần ấy chỉ vì số điểm kiểm tra không như mong đợi, thay vì rút kinh nghiệm và tiếp tục trau dồi, mình đã chọn bỏ bê và né tránh. Tại sao vậy nhỉ? Vốn dĩ chỉ cần tiếp tục ươm mầm thì rồi cũng sẽ có ngày hái được quả ngọt thôi mà?” Tôi cứ vậy mà thắc mắc mãi, rồi một thoáng – luồng xúc cảm từ đâu chợt xuất hiện trong tâm trí tôi, nó gợi nhắc về lý do ấy – lý do tôi chọn né tránh: Trong khoảng thời gian đó, tôi đã tự biện minh rằng việc mình làm không phải là né tránh, đó chính là sự “nghỉ ngơi” sau chuỗi ngày ôn luyện. Cứ thế, đến một ngày tôi nhận được tin nhắn từ một người quen cũ: “Dạo này em thế nào? Có đang thực hiện ước mơ mà em từng nói với chị không?” Lòng tôi có chút nhói, tôi rưng rưng vì suýt nữa bản thân đã quên mất mình từng mơ ước điều gì… Ở độ tuổi này, có lẽ một số bạn cũng giống như tôi, cũng từng chán nản và chọn buông bỏ. Thế nhưng giờ đây, tôi biết được rằng sự mỏi mệt chỉ là phút giây tạm thời – khi ta buông mình vào bể thẳm, còn niềm đam mê và mơ ước thì vẫn luôn âm ỉ cháy trong ta. Vậy nên, trong hành trình trưởng thành của mình, thiết nghĩ có những lúc ta sẽ chọn sai đường hay lỡ bước – nhưng đó không đồng nghĩa với việc ta không tốt, đó chỉ là cơ hội để chúng ta một lần nữa hoàn thiện bản thân, biết sai để sửa, biết đúng mà đi.
Có thể học thuyết của Tuân Tử cho rằng: “Nhân chi sơ tính bản ác.” Thế nhưng đối với tôi, tôi lại nghĩ rằng: “Nhân chi sơ tính bản thiện” như Mạnh Tử đã quan niệm. Và có lẽ, trong hành trình kiến tạo nên ý nghĩa của riêng mình, “một người tốt” – hơn cả một người tuân thủ những chuẩn mực của xã hội hay chan chứa lòng yêu thương, đó là người giữ lại được chính bản chất của mình trong cuộc sống đầy biến thiên, xô bồ này. Họ chọn được con đường đúng đắn phải đi vì họ không để “ham say đen tối” che khuất mắt , tuyệt nhiên điều ấy không có nghĩa họ không bao giờ phạm lỗi hay sai lầm – hay chính những người từng chọn sai đường và lạc lối, họ luôn luôn có cơ hội trở thành “một người tốt”, luôn có cơ hội trở về với “bản thiện” của mình.