“Tiếng vọng” là bài thơ tiêu biểu trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Quang Thiều, nó nói lên những day dứt, áy náy của tác giả trước cái chết của con chim nhỏ, đồng thời biểu lộ sự hối hận không bao giờ nguôi của trong lòng mình. Hôm nay, hãy cùng Hocmai360 tìm hiểu bài văn nghị luận phân tích chủ đề và 1 số nét nghệ thuật đặc sắc của bài thơ Tiếng Vọng (Nguyễn Quang Thiều) để phần nào hiểu hơn về tác phẩm này nhé!

Dàn ý Phân tích chủ đề và 1 số nét nghệ thuật đặc sắc của bài thơ Tiếng Vọng

1. Mở bài

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm ( tác phẩm Tiếng Vọng, tác giả Nguyễn Quang Thiều)

– Dẫn dắt vấn đề nghị luận: chủ đề và một số nét nghệ thuật đặc sắc của bài thơ Tiếng Vọng

b. Thân bài

* Phân tích chủ đề:

– Tóm tắt nội dung bài thơ

– Nội dung tác giả muốn truyền tải qua chủ đề bài thơ:

• Nỗi lòng, là những suy tư, nỗi lòng, tâm sự của ông trước hiện thực cuộc sống.

• Khuyên con người nên yêu thương và quan tâm nhau nhiều hơn kể cả là điều nhỏ bé nhất để không phải chịu sự dằn vặt, ân hận khôn nguôi.

* Phân tích một số nét nghệ thuật đặc sắc.

– Sử dụng ngôi kể thứ nhất, xưng ‘tôi” khiến người đọc cảm giác như đang len lỏi vào tâm trí của tác giả, cảm nhận đầy chân thật những cung bậc cảm xúc xuyên suốt câu chuyện.

– Nhan đề “Tiếng Vọng”

– Sử dụng những từ ngữ và lời văn vô cùng giản dị, mộc mạc.

* Đánh giá chung về chủ đề nội dung và nghệ thuật:

– Nghệ thuật : thể thơ tự do, lựa chọn ngôi kể thứ nhất, ngôn ngữ, hình ảnh giản dị, gần gũi, lời thơ da diết, đầy day dứt.

– Chủ đề nội dung: Đừng vì sự ích kỉ cá nhân mà thờ ơ trước an nguy của người khác, phải biết rộng lòng bao dung, sẵn sàng đưa tay giúp đỡ với mọi người để không phải hối hận vì bất cứ điều gì.

c. Kết bài:

– Cảm xúc của em về bài thơ Tiếng Vọng của tác giả Nguyễn Quang Thiều.

– Khẳng định giá trị và ý nghĩa do chủ đề và nghệ thuật mang lại cho bài thơ

Nghị luận phân tích chủ đề và 1 số nét nghệ thuật đặc sắc của bài thơ Tiếng Vọng (Nguyễn Quang Thiều)

Nguyễn Quang Thiều là một nhà thơ tiêu biểu của nền văn học Việt Nam hiện đại, các sáng tác của ông thuộc nhiều thể loại như tiểu thuyết, truyện ngắn, báo, bút ký,…. Ông có nhiều tác phẩm hay có thể kể đến như tiểu thuyết “Kẻ ám sát cánh đồng”, “Người đàn bà tóc trắng”, các bài thơ như “Bài ca những con chim đêm”, “ Sự mất ngủ của lửa”,…. Trong đó, bài thơ “Tiếng vọng” cũng là một tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Quang Thiều. Bài thơ không chỉ là nỗi lòng, tình cảm của ông mà còn là sự áy náy, day dứt, xót xa chưa bao giờ nguôi. Và bằng chính của đề và nghệ thuật mà ông đã xây dựng, Nguyễn Quang Thiều đã đưa người đọc cảm nhận được chân thật nhất những cảm xúc trong lòng ông.

‘’Con chim sẻ nhỏ chết rồi
Chết trong đêm cơn bão về gần sáng
Đêm ấy tôi nằm trong chăn nghe cánh chim đập cửa
Sự ấm áp gối chăn đã giữ chặt tôi
Và tôi ngủ ngon lành đến lúc bão vơi.
Chiếc tổ cũ trong ống tre đầu nhà chiều gió hú
Không còn nghe tiếng cánh chim về
Và tiếng hót mỗi sớm mai trong vắt.
Nó chết trước cửa nhà tôi lạnh ngắt
Một con mèo hàng xóm lại tha đi,
Nó để lại trong tổ những quả trứng
Những con chim non mãi mãi chẳng ra đời.

Đêm đêm tôi vừa chợp mắt
Cánh cửa lại rung lên tiếng đập cánh
Những quả trứng lại lăn vào giấc ngủ
Tiếng lăn như đá lở trên ngàn.’’

Bài thơ “Tiếng vọng” kể về một đêm giông bão mà tác giả đã trải qua, trong đêm ấy có sự xuất hiện của một chú chim sẻ nhỏ liên tục đập cửa như đang mong cầu một sự giúp đỡ đến từ “tôi”, nhưng “sự ấm áp gối chăn” đã ngăn con người ấy giúp đỡ chú chim xấu số, ông lạnh lùng, thờ ơ như chẳng hề có chuyện gì, như thể sự tuyệt vọng bên ngoài cửa sổ chằng hề tồn tại. Cho đến khi trời tạnh, “tôi” nhận ra chú chim ấy chẳng còn cơ hội để đập cánh, để hót líu lo và những quả trứng nhỏ của nó cũng chẳng có cơ hội để nở thành những chú chim non nữa. Khoảnh khắc ấy, dường như tác giả đã nhận ra sự ích kỉ của mình, ông hiểu rằng sự thờ ơ của mình không hề vô hại, nó đã vô tình khiến cho chú chim kia chẳng còn được sống, được hòa mình cùng cuộc sống, cùng những tia nắng ấm áp ngoài kia. Từ đó, “tôi” luôn suy nghĩ và tự dằn vặt chính mình bởi sự ích kỉ hôm ấy, mỗi đêm đều nhớ về hình ảnh chú chim nhỏ đập cửa trong tuyệt vọng, nhớ về những quả trứng xấu số chẳng thể nào trở thành chim non của nó.

 

Qua đó, ta thấy rằng “ Tiếng  Vọng” chính là nỗi lòng, là những suy tư, nỗi lòng, tâm sự của ông trước hiện thực cuộc sống. Ông nhận thấy rằng con người dần thờ ơ trước thế thái nhân sinh, đi ngược với truyền thống đạo đức “ Thương người như thể thương thân” của dân tộc ta. Cũng chính từ đó, mà ông muốn nâng cao ý thức, khuyên con người nên yêu thương và quan tâm nhau nhiều hơn kể cả là điều nhỏ bé nhất để không phải chịu sự dằn vặt, ân hận khôn nguôi. Điều này đã góp phần tạo nên giá trị và ý nghĩa cho bài thơ “ Tiếng Vọng”.

Không chỉ có chủ đề đặc sắc, mà nghệ thuật được Nguyễn Quang Thiều xây dựng trong bài thơ cũng tạo nên thành công cho chính tác phẩm. Ở “Tiếng Vọng”, tác giả sử dụng ngôi kể thứ nhất, xưng ‘tôi” khiến người đọc cảm giác như đang len lỏi vào tâm trí của tác giả, cảm nhận đầy chân thật những cung bậc cảm xúc xuyên suốt câu chuyện về chú chim nhỏ ấy. Đồng thời, nhan đề “Tiếng Vọng” cũng phần nào nói lên sự day dứt của ông, tiếng đập cửa đêm ấy của chú chim, cùng những suy nghĩ, sự xót xa cứ vọng mãi, vọng mãi chẳng dứt trong tâm khảm của tác giả, và có lẽ ông cũng mong muốn rằng, thông điệp mà ông mang đến cũng luôn vang vọng trong tâm trí của độc giả, từ đó, lan tỏa năng lượng sống đẹp đến mọi người như những lời thơ của Tố Hữu: “ Có gì đẹp trên đời hơn thế/ Người với người sống để yêu nhau”. Không dừng lại ở đó, tác giả sử dụng những từ ngữ và lời văn vô cùng giản dị, mộc mạc như muốn nói lên rằng bài học mà ông gửi gắm là vô cùng gần gũi, nó tồn tại và cần thiết ngay trong cuộc sống hằng ngày, nó có thể bắt đầu từ thứ nhỏ bé nhất chứ không hề to lớn hay vĩ đại. Qua đây, ta thấy những đặc sắc nghệ thuật mà bài thơ mang lại đã góp phần tạo động lực để mọi người gieo những hạt mầm tươi đẹp, để rồi nhận lại những trái ngọt sau này.

Bằng thể thơ tự do, lựa chọn ngôi kể thứ nhất, ngôn ngữ, hình ảnh giản dị, gần gũi, lời thơ da diết, đầy day dứt đã giúp Nguyễn Quang Thiều truyền tải được hết thông điệp mà mình muốn gửi gắm qua những dòng thơ. Đừng vì sự ích kỉ cá nhân mà thờ ơ trước an nguy của người khác, phải biết rộng lòng bao dung, biết sẻ chia, chan hòa với mọi người để không phải hối hận vì bất cứ điều gì.

Bài thơ tuy đã khép lại nhưng những thông điệp mà nó đem đến chắc hẳn vẫn còn đọng mãi trong lòng độc giả. Ở bài thơ, chủ đề và nghệ thuật được tác giả xây dựng cũng phần nào làm nên giá trị và ý nghĩa cho “Tiếng Vọng”, giúp truyền tải dễ dàng hơn bài học sâu sắc về tình người đến người đọc.

By ngocnhu

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *