Câu bị động và thán từ là đơn vị kiến thức ngữ pháp cực kỳ quan trọng trong chương trình tiếng việt. Dưới đây là bài viết đoạn văn tổng phân hợp nêu cảm nhận về nhân vật Thúy Kiều có sử dụng câu bị động và thán từ. Từ đó giúp các em hiểu thêm về cách sử dụng của hai đơn vị ngữ pháp này.

Viết đoạn văn tổng phân hợp nêu cảm nhận về nhân vật Thúy Kiều có sử dụng câu bị động và thán từ – Mẫu 1

Thuý Kiều là một nhân vật chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong thơ nôm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Người con gái tài sắc vẹn toàn ấy vốn sinh ra trong một gia đình gia giáo, cầm kỳ thi hoạ việc gì cũng giỏi. Nhưng cuộc đời vô cùng trớ trêu, Thuý Kiều vì bán mình chuộc cha đã lâm vào cảnh “phong lưu hồng trần”. Ban đầu nàng chỉ nghĩ bán mình cho Mã Giám Sinh làm vợ lẽ của hắn. Nhưng Mã Giám Sinh lại là một tên mặt người dạ thú, hắn giày vò Thuý Kiều sau đó bán nàng vào lầu xanh. Thuý Kiều đã bị Mã Giám Sinh huỷ hoại cuộc đời. Than ôi! cuộc đời của nàng đã sang một chương mới nhưng không phải hạnh phúc mà là đau khổ và tận cùng của sự nhục nhã, ê chề. Thương thay cho thân phận của Thuý Kiều, một cô gái xinh đẹp, ngoan hiền, giỏi giang xuất chúng nhưng chỉ vì dòng đời đầy nghiệt ngã nên đã bị vùi dập đến bẽ bàng. Cũng hận thay chế độ xã hội phong kiến thối nát đã đẩy những người con gái tài sắc như Thuý Kiều đến tận cùng của sự đau khổ. Qua cuộc đời Thuý Kiều nhà thơ đã bày tỏ tình cảm yêu thương, trân trọng và đồng cảm sâu sắc với số phận bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội xưa..

Viết đoạn văn tổng phân hợp nêu cảm nhận về nhân vật Thúy Kiều có sử dụng câu bị động và thán từ – Mẫu 2

Thuý Kiều là một người con gái tài sắc vẹn toàn nhưng bạc phận trong văn học. Bi kịch của nàng bắt đầu từ lúc nàng bị Mã Giám Sinh và Tú Bà lừa vào lầu xanh. Ban đầu nàng chỉ nghĩ rằng sẽ bán mình làm vợ lẽ để cứu cha. Nhưng nàng đâu có biết Mã Giám Sinh đã thông đồng với Tú Bà để kinh doanh trên thân xác của nàng. Lỡ bước vào chốn hồng trần, nàng đau khổ đến tột cùng, chỉ muốn tìm đến cái chết để giải thoát. Than ôi! thương thay bi kịch của cuộc đời nàng, một cô gái gia giáo nhưng lại bị đày đọa đến tận cùng của nhục nhã, ê chề. Nàng rưng rức nước mắt trách trời, rồi lại trách mình. Chỉ tại cái kiếp hồng nhan bạc phận đã vùi dập những người con gái tài hoa như nàng. Người đọc cũng đau với nỗi đau của Thuý Kiều, xót xa cho số kiếp của nàng. Càng thương nàng bao nhiêu càng hận chế độ xã hội thối nát bất công bấy nhiêu. Với ngòi bút nhân đạo, Nguyễn Du đã tố cáo mạnh mẽ chế độ, bày tỏ khát khao, mong muốn thay đổi số phận của nhân vật.

Viết đoạn văn tổng phân hợp nêu cảm nhận về nhân vật Thúy Kiều có sử dụng câu bị động và thán từ – Mẫu 3

 

Đọc Truyện Kiều hẳn chúng ta đều vô cùng day dứt, thương cảm cho số phận của nhân vật nàng Kiều. Cuộc đời của nàng là một chuỗi những bi kịch chồng chất, nỗi đau chồng nỗi đau. Nỗi đau vì gia đình ly tán, cha bị tù tội. Nỗi đau vì tình duyên lỡ dở với Kim Trọng. Tột cùng của nỗi đau là nàng bị Mã Giám Sinh lừa phải vào chốn lầu xanh. Hỡi ơi! người con gái gia giáo như nàng vốn coi trinh tiết, phẩm giá là sinh mệnh. Thì nay nàng phải bán thân chốn lầu xanh, bị dày vò chà đạp thể xác lẫn tinh thần thì còn gì là đau khổ hơn nữa. Tài sắc vẹn toàn là thế nhưng nàng không thể thoát được cái “nghiệp duyên” của đời mình. Xây dựng nhân vật Thuý Kiều, nhà thơ đã thể hiện cái nhìn trân trọng, tin yêu và đồng cảm với số phận của người phụ nữ. Tiếng nói nhân đạo, ngòi bút tố cáo xã hội được gửi gắm với đầy những trăn trở của nhà thơ. Đến với người đọc, mỗi chúng ta cũng phần nào hiểu được bi kịch của cuộc đời Thuý Kiều.

(Chú thích: Phần gạch chân là thán từ và câu bị động)

By ngocnhu

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *