Các câu truyện kể dân gian mà người xưa để lại chính là những giá trị văn hóa và tinh thần to lớn của nhân gian ta, nhằm giải thích cho những hiện tượng thiên nhiên trong đời sống và lúc bấy giờ chưa thể giải thích bằng khoa học như hiện nay. Vậy nên, hôm nay hãy cùng tìm hiểu bài viết Tóm tắt truyện Thần mưa để biết thêm về đời sống tinh thần của ông cha ta nhé…
Tóm tắt truyện Thần mưa – Mẫu số 1
Thần mưa là vị thần có hình rồng, công việc của thần là hút nước sông, nước biển vào bụng rồi làm mưa xuống trần gian để nhân dân cày cấy, tưới tiêu và sinh hoạt. Nhưng do bản tính hay quên và công việc quá nhiều khiến cho có nơi cả năm không có mưa, có nơi thì lụt lội, ngập úng. Đôi khi làm cho người dân hạ giới phải tâu lên tới Trời. Chính vì lẽ đó, nhà Trời quyết định sẽ mở cuộc thi ở các giống thủy tộc, tìm ra một giống loài trở thành rồng để giúp đỡ công việc cho thần Mưa. Tương truyền rằng cuộc thi được tổ chức ở cửa Vũ, thuộc Hà Tĩnh ngày nay. Khi chiếu Trời ban xuống Thuỷ phủ, vua Thuỷ Tề đã báo cho các giống dưới nước đến dự thi. Trời cắt một viên Ngự sử ra sát hạch. Cuộc thi có ba kỳ, mỗi kỳ vượt qua một đợt sóng, con vật nào vượt được cả ba đợt, thì coi như thắng cuộc mà hóa Rồng. Trong một tháng trời, các Thủy tộc đến thi đều không được chọn, vì không con nào vượt qua được cả ba đợt sóng. Có con cá rô đến thi, mới nhảy qua được một đợt sóng đã rơi ngay. Có con tôm nhảy qua được hai đợt, ruột, gan, vây, vẩy, râu, đuôi đã gần hóa Rồng, thì đến lượt thứ ba, thì không may ngã bổ xuống lưng cong khoăm lại và phân thì lộn lên đầu. Hai loài ấy phải chấp nhận quay về đồng yên nghiệp, từ bỏ giấc mơ hóa rồng. Đến lượt cá chép vào thi, thì gió thổi ào ào, mây trời kéo tới, chép vượt luôn một hồi qua ba đợt sống, vào lọt cửa Vũ Môn. Cá chép đỗ, vây đuôi, râu, sừng tự nhiên mọc đủ, dạng bộ oai nghi, cá chép hóa Rồng phun nước làm ra mưa. Vậy là nhà Trời đã tìm được giống thủy tộc hóa rồng làm mưa phụng sự nhà Trời và nhân dân. Từ đó, người đời cũng thường truyền miệng nhau về truyền thuyết cá vượt Vũ Môn hóa Rồng, lấy đó làm động lực để người người cố gắng cho tương lai.
Tóm tắt truyện Thần mưa – Mẫu số 2
Khi xưa khi mới khai thiên lập địa, Ngọc Hoàng phải tự mình làm mưa để dung hòa trời đất, về sau công việc vất vả, nhà Trời quyết định lập chức thần Mưa để san sẻ, phụng sự cho ngài. Thần Mưa là vị thần có mình rồng, hằng ngày, thần hút nước sông, nước biển vào bụng rồi đến khi thích hợp thì phun ra làm mưa xuống nhân gian để con người làm ăn, sinh hoạt. Nhưng dần về sau, trời đất mở rộng, thần không thể một mình đảm nhận khiến cho đôi khi nhầm lẫn, thường xuyên gây ngập lụt và hạn hán. Ngọc Hoàng thì một năm mấy độ phải nhận lời phàn nàn của người dân hạ giới. Sau bao lâu suy nghĩ, cuối cùng Người quyết định sẽ lập thêm một giống loài thủy tộc nữa làm thần Mưa để giúp đỡ thần mình rồng san sẻ công việc. Nói là làm, nhà Trời lệnh xuống cho vua Thủy tề đi loan báo cuộc thi tuyển chọn thần Mưa. Các loài vật ở thủy cung nghe vậy cũng náo nức chuẩn bị cho cuộc thi. Ngày tuyển chọn cũng đến, kì thi này có 3 vòng, vượt qua hết ba vòng sẽ lập tức hóa rồng, phong làm thần mưa. Khó khăn thay, sau một thời gian dài cuộc thi diễn ra, vẫn chưa tìm thấy một loài nào vượt qua được cả ba vòng. Loài cá rô đến dự, mới qua vòng một đã ngã lăn quay và bị loại phải quay về đồng. Có loài tôm hy hữu vượt được vòng 2, ngoại hình dường như đã thay đổi, chỉ còn vòng cuối cùng nữa sẽ thành rồng, không may, lại kiệt sức và ngã vào hòn đá cong cả lưng. Đến cuối, có loài cá chép khí thế khác hẳn; cá ta vượt được cả ba đợt sóng; đầu, đuôi, vây đều biến hóa hết cả, thành rồng và phụng sự cho nhà trời đến ngày nay. Bởi vậy, về sau dân gian có câu ví rằng:
“ Gái ngoan lấy được chồng khôn
Cầm như cá vượt Vũ Môn Hóa Rồng”