Phân tích nhân vật Hộ trong Đời thừa của Nam Cao

Văn học thực chất là cuộc đời. Văn học sẽ không là gì cả nếu không vì cuộc đời mà có. Cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi đi tới của văn học. Và nhân vật trong văn học là một trong những cách thể hiện của nhà văn với những quan điểm sống về cuộc đời, về kiếp người. Sau đây, mời các bạn cùng theo dõi bài Phân tích nhân vật Hộ trong Đời thừa của Nam Cao

Phân tích nhân vật Hộ trong Đời thừa của Nam Cao

Ai đó đã từng nói rằng “Nhà văn sáng tạo nhân vật để gửi gắm tư tưởng, tình cảm và quan niệm của mình về cuộc đời của mình về cuộc đời. Quả vậy, người sáng tạo bao giờ cũng chắt lọc những thứ có giá trị nhất để xây dựng nên hình tượng nhân vật của mình. Đến với nhà văn Nam Cao, qua tác phẩm “Đời thừa”, người đọc cảm nhận được một nhân vật Hộ có nhận thức sâu sắc về cuộc sống.

“Đời thừa” là một trong những sáng tác đặc sắc về đề tài trí thức tiểu tư sản của nhà văn Nam Cao. Tác phẩm được đăng lần đầu trên tuần báo “Tiểu thuyết thứ bảy” thể hiện gần như trọn vẹn quan điểm nghệ thuật của ông. Truyện ngắn đi sâu miêu tả bi kịch của Hộ – một người yêu nghệ thuật, say đắm với văn chương nhưng vì hoàn cảnh sống, vì miếng cơm manh áo mà Hộ đành gác lại niềm yêu thích của mình để sống một cuộc đời “vô nghĩa” bên hơi rượu, men say.

Nhân vật Hộ trước hết là con người yêu văn chương. Với ông, văn chương là tất cả, không gì có thể so sánh được. Văn chương chính là lẽ sống của cuộc đời. Ông từng thủ thỉ với Từ – vợ của mình rằng “Tôi mê văn quá, nên mới khổ…”. Có lẽ vậy mà Hộ có ước mơ cao cả – viết một tác phẩm có giá trị ngàn đời, một tác phẩm “sẽ làm mờ hết các tác phẩm cùng ra một thời” rồi được “dịch ra đủ mọi thứ tiếng trên toàn cầu”. Hộ yêu văn chương. Đó là điều mà người đọc cảm nhận được khi đọc “Đời thừa”.

“Không có gì đáng quan tâm hơn ngoài nghệ thuật”. Người nghệ sĩ chân chính bắt nguồn từ đây! “Đứa con tinh thần” ra đời với giọng văn khô khan, thiếu hiểu biết thì đó không là văn chương nghệ thuật. Văn chương phải khiến người sáng tác cảm nhận được dư vị ngọt ngào mà nó đem lại. Văn chương không đơn thuần chỉ đọc để giải trí, văn chương là thứ vũ khí thanh cao, thanh tẩy tâm hồn con người, khơi nguồn cảm xúc. Niềm đam mê của Hộ là hiện thân cho nhà văn yêu nghề. Họ muốn nâng cao giá trị sống của mình thông qua những tác phẩm chất lượng.

Hộ quan điểm rằng “Sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đáng khinh”, “Sự cẩu thả trong bất kì nghệ nghiệp nào cũng là thiếu đạo đức”. Nếu ai đó cho rằng, Hộ đơn thuần chỉ là người yêu văn chương theo sở thích thì quả là sai lầm nghiêm trọng. Nhà văn Nam Cao bộc lộ tính cách hiểu nghề, coi trọng nghề của một người lương tri tận tâm ấy chính là không cho phép sự cẩu thả trong văn chương. Từ nội dung đến hình thức, tất cả đều phải chỉn chu, hoàn hảo. Ông không cho phép hay về nội dung mà hình thức thể hiện rời rạc, câu từ thiếu liên kết; và càng không cho phép từ ngữ bay bổng, chọn lọc nhưng giá trị bên trong lại sáo rỗng, vô nghĩa.

Phẩm chất cao đẹp của Hộ về một nhà văn chân chính bỗng dập tắt khi đối mặt với thực tế khắc nghiệt của cuộc sống. Kẻ trí thức nghèo thương xót cho Từ – người đàn bà bị “gã tình nhân vô liêm sỉ” bỏ cùng đàn con nheo nhóc khóc lóc đã cưu mang gia đình. Cuộc sống Hộ từ đây chuyển biến sang trang mới.

Trước khi lập gia đình, dù nghèo khổ, nhưng Hộ vẫn thấy vui vì sống với đam mê. Từ lúc có gia đình, Hộ phải lo miếng cơm manh áo. Gánh nặng mưu sinh đè nặng lên đôi vai người trí thức yêu nghề. Hộ biến văn chương trở thành công cụ kiếm tiền – khác với quan điểm xưa. Những vất va, lo toan trong cuộc sống khiến anh hiểu ra sức mạnh của đồng tiền. Hộ không thể chỉ vì nuôi đam mê của mình mà bỏ bê vợ con.

Hộ in nhiều cuốn sách, viết một cách vội vàng. Có lẽ, chính anh cũng không ngờ bản thân lại thay đổi choáng ngợp đến như thế. Những bài viết nhạt nhẽo, vô vị, không ý nghĩa. Hộ thất vọng về bản thân, tức giận chính mình. Còn người đọc, họ cảm thấy đáng thương hơn là đáng trách. Rõ ràng, một người có lí tưởng, hoài bão lớn về nghệ thuật song lại bị chính cuộc đời vùi dập một cách không thương tiếc. “Sự sống không đùa giỡn với những tác phẩm thơ”, chao ôi, nghe mà đau lòng đến lạ!

Nỗi đau của Hộ có chăng là nỗi đau cùng thời của những văn thơ nghệ sĩ khác. Say mê, nhiệt huyết vơi văn chương nhưng cái nghề nó bạc. Người ta không thể tồn tại được chỉ với vài đồng bạc lẻ ít ỏi. Người ta không sống cô đơn, bơ vơ. Người ta sống còn có gia đình ở phía sau. Dẫu quan điểm, nhận thức chân chính, tốt đẹp đến bao nhiêu cũng không thể đánh bại được hiện thực phũ phàng. Nỗi đau của Hộ đã tô đậm lên phẩm chất của người yêu nghệ thuật. Anh chỉ có thể bất lực khi những giá trị sống của mình với văn chương đang bị chính mình hủy hoại. Anh có thể bỏ vợ con để sống với đam mê nhưng là một người có trí thức, có lòng nhân hậu, Hộ không cho phép bản thân làm điều đó.

Sự giằng xé trong thâm tâm có lẽ khiến Hộ “đứng ngồi không yên”. Cuộc sống ngày một khó khăn, đẩy Hộ vào vóng xoáy khốn đốn khiến anh tìm đến rượu giải sầu. Anh tức giận chửi bới vợ, đánh đập và đuổi vợ con ra khỏi nhà. Một người coi trọng tình thương cũng đi ngược với nguyên tắc sống cao đẹp của mình. Trách làm sao được khi những giá trị đẹp đẽ mà bản thân tôn thờ cứ lẳng lặng biến mất. Sao cuộc đời lại khổ với những người như vậy cơ chứ? Từng lời nói, cử chỉ, hành động của Hộ càng khiến người đọc xót xa. Người đọc dường như đồng cảm với tâm hồn người nghệ sĩ. Anh không thể sống đúng với tư cách của một nhà văn, anh cũng không sống đúng với tư cách của một con người.

Qua nhân vật Hộ, nhà văn Nam Cao đã thể hiện được quan điểm văn chương nghệ thuật. Ông xoáy sâu vào tấn bi kịch của Hộ để nhân vật bộc lộ được nỗi đau về nghề nghiệp và lương tâm. Từ đây, Nam Cao gián tiếp tố cáo xã hội đã làm biến chất đi phẩm chất của con người. Sống với đam mê quả là điều không dễ dàng. Tác phẩm giúp con người hiểu được bản thân mình, nâng cao niềm tin vào bản thân và làm nảy nở ở con người khát vọng muốn hướng đến chân lý. “Đời thừa” với nhân vật Hộ – vỡ mộng văn chương vi phạm lẽ sống khiến độc giả đau đấu về một kiếp người trong thuở ấy. Có chăng, chính từ sự đồng điệu về tâm hồn, gắn chặt nghệ thuật với đời, đi sâu vào từng suy nghĩ, tâm can của nhân vật để lột tả hết đặc điểm mà những tác phẩm của Nam Cao luôn tồn tại mãi với đời bởi những giá trị cao đẹp.

Dù viết về cái tốt hay cái xấu song mỗi một tác phẩm đều phải hướng đến giá trị nhân văn sâu sắc. Nhân vật Hộ trong truyện ngắn “Đời thừa” của nhà văn Nam Cao khiến ta phải bất lực trước sự tàn nhẫn của cuộc đời. Những mong muốn, khao khát, ước mơ bình thường chẳng biết khi nào mới có thể thực hiện khi hiện thực có quá nhiều thứ phải bận tâm?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *