Tình mẫu tử là thứ tình cảm thiêng liêng và cao quý nhất. Dưới đây là bài văn Cảm nhận về bài thơ Con yêu mẹ của Xuân Quỳnh

Dàn ý cảm nhận về bài thơ Con yêu mẹ của Xuân Quỳnh

a. Mở bài

– Giới thiệu chung về bài thơ Con yêu mẹ và nhà thơ Xuân Quỳnh

b. Thân bài

* Khái quát chung về nhà thơ Xuân Quỳnh

– Tên: Xuân Quỳnh (1942-1988).

– Quê quán: Hà Tây, nay thuộc Hà Nội.

– Xuân Quỳnh là một trong số những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ nhà thơ trẻ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

+ Năm 2007, Xuân Quỳnh được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

– Tác phẩm chính: Tơ tằm – Chồi biếc (in chung), Hoa dọc chiến hào, Gió Lào cát trắng, Lời ru trên mặt đất, Tự hát, Hoa cỏ may, Bầu trời trong quả trứng, truyện thơ Truyện Lưu Nguyễn.

– Phong cách nghệ thuật: Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên, tươi tắn, vừa chân thành, đằm thắm và luôn da diết trong khát vọng hạnh phúc bình dị đời thường.

* Khái quát về bài thơ Con yêu mẹ

-Bài thơ đã nói lên tấm lòng, tình yêu thương thắm thiết của đứa con dành cho mẹ.

– Cái nhìn đầy ngây thơ, trẻ con, trong sáng của trẻ thơ khi bày tỏ tình yêu thương dành cho mẹ.

– Qua bài thơ, nhà thơ đã ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng cao quý trong cuộc đời của mỗi con người.

* Phân tích bài thơ Con yêu mẹ

– Mở đầu bài thơ là câu trả lời ngây thơ, hồn nhiên của người con bày tỏ tình cảm với mẹ của mình: con yêu mẹ bằng ông trời.

– Nhà thơ so sánh con yêu mẹ bằng Hà Nội, bằng trường học,…

-Từ những hình ảnh so sánh lớn lao, mênh mông, cuối cùng nhà thơ so sánh con yêu mẹ bằng con dế

* Đánh giá giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ Con yêu mẹ

– Câu thơ “con yêu mẹ…” cùng với biện pháp so sánh “bằng” được lặp lại nhiều lần trong bài thơ, như lời khẳng định rằng tình cảm con dành cho mẹ là thứ tình cảm không bao giờ phai nhạt, đây là tình cảm xuyên suốt mạch cảm xúc bài thơ.

– Bài thơ được cấu tứ trong thể thơ sáu chữ với nhịp điệu nhẹ nhàng.

– Với hình thức những mẩu đối thoại ngắn giống như cuộc trò chuyện giữa hai mẹ con, bài thơ đã gián tiếp bày tỏ tình yêu thương mẹ và ngược lại tình mẹ yêu con tha thiết.

– Hình  ảnh chân thực, gần gũi.

c. Kết bài:

– Khẳng định lại giá trị của bài thơ và tác giả Xuân Quỳnh

Bài văn Cảm nhận về bài thơ Con yêu mẹ của Xuân Quỳnh

Tình mẫu tử luôn là thứ tình cảm thiêng liêng cao cả nhất, đó chính là thứ tình cảm đầu tiên con người được tiếp xúc và đi cùng hết cuộc đời, giúp cho chúng ta vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Với những trải nghiệm trong cuộc đời mình, nhà thơ Xuân Quỳnh đã có những vần thơ xúc động khi viết về hình ảnh người mẹ qua bài thơ “Con yêu mẹ”

“Con yêu mẹ bằng ông trời

Rộng lắm không bao giờ hết

– À mẹ ơi có con dế

Luôn trong bao diêm con đây

Mở ra là con thấy ngay

Con yêu mẹ bằng con dế”

Xuân Quỳnh là một trong số những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ nhà thơ trẻ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Năm 2007, Xuân Quỳnh được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Một số tác phẩm chính đó là: Tơ tằm – Chồi biếc (in chung), Hoa dọc chiến hào, Gió Lào cát trắng, Lời ru trên mặt đất, Tự hát, Hoa cỏ may, Bầu trời trong quả trứng, truyện thơ Truyện Lưu Nguyễn. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên, tươi tắn, vừa chân thành, đằm thắm và luôn da diết trong khát vọng hạnh phúc bình dị đời thường.

Bài thơ “Con yêu mẹ” là một trong những tác phẩm thơ đặc sắc của nhà thơ Xuân Quỳnh.  Con yêu mẹ” được trích trong tập thơ “Lời ru trên mặt đất” của nữ sĩ Xuân Quỳnh. Bài thơ đã nói lên tấm lòng, tình yêu thương thắm thiết của đứa con dành cho mẹ. Cái nhìn đầy ngây thơ, trẻ con, trong sáng của trẻ thơ khi bày tỏ tình yêu thương dành cho mẹ. Qua bài thơ, nhà thơ đã ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng cao quý trong cuộc đời của mỗi con người. Tình mẫu tử là thứ tình cảm không thế thay thế trong cuộc đời của mỗi người.

Trong vũ trụ có lắm kỳ quan, nhưng kỳ quan đẹp nhất là trái tim người mẹ. Thật vậy! Tình yêu thương của người mẹ là thiêng liêng, cao đẹp nhất. Người mẹ đã mang nặng đẻ đau, nuôi nấng ta khôn lớn, trưởng thành từng ngày.  Người mẹ sẵn sàng hi sinh vô điều kiện để mang lại những điều tốt đẹp nhất cho đứa con bé bỏng của mình. Và hình ảnh người mẹ từ lâu nay đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều nhà văn nhà thơ. Người mẹ hiện lên thật đẹp biết bao. Viết về mẹ, nhà thơ Chế Lan Viên đã có những vần thơ thật tuyệt:

“Con dù lớn vẫn là con của mẹ

Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con”.

Lòng mẹ là nơi xuất phát cũng là nơi để con trở về, ôm trọn lấy mẹ vào lòng. Và nhà thơ Xuân Quỳnh cũng đã có những vần thơ xúc động về mẹ. Bài thơ Con Yêu Mẹ là lời tâm sự của người mẹ đang trò chuyện với đứa con của mình. Người đọc có thể hình dung ra người mẹ đang ôm đứa con vào lòng và hỏi con có yêu mẹ không? Đứa con trong sáng, hồn nhiên bày tỏ tình cảm của mình với mẹ bằng cả tấm lòng yêu thương.

Mở đầu bài thơ là câu trả lời ngây thơ, hồn nhiên của người con bày tỏ tình cảm với mẹ của mình:

“Con yêu mẹ bằng ông trời

Rộng lắm không bao giờ hết”

Hình ảnh “ông trời” bao la rộng lớn là biểu tượng của sức mạnh, chân lý, ánh sáng, tượng trưng cho tấm lòng cao cả của người mẹ. Trong mắt trẻ thơ, bầu trời là cái rộng nhất, to lớn nhất. Trẻ con thường lấy bầu trời để so sánh với những thứ to lớn, và chúng ví tình cảm dành cho mẹ cũng như bầu trời vậy. Bầu trời bao la rộng lớn, không bao giờ với cạn như tình cảm của em dành cho mẹ vậy. Tiếp theo, hình ảnh nhân vật con yêu mẹ bằng cả Hà Nội

“Con yêu mẹ bằng Hà Nội

Để nhớ mẹ con tìm đi

Từ phố này đến phố kia

Con sẽ gặp ngay được mẹ

– Hà Nội còn là rộng quá

Các đường như nhện giăng tơ

Nào những phố này phố kia

Gặp mẹ làm sao gặp hết!”

Hà Nội là quê hương, gắn liền với tình yêu thương của người mẹ. Hà Nội gắn bó thân thương với con qua từng góc phố, con đường. Để được gặp mẹ mà con phải vượt qua những quãng đường, những ngõ ngách. Câu trả lời ngây thơ, vừa chân thực, đó là lời thủ thỉ của con khi trả lời mẹ ngay lập tức chạm đến bao trái tim của mỗi độc giả. Nhà thơ tiếp tục so sánh con yêu mẹ bằng trường học:

“Con yêu mẹ bằng trường học

Suốt ngày con ở đấy thôi

Lúc con học, lúc con chơi

Là con cũng đều có mẹ

– Nhưng tối con về nhà ngủ

Thế là con lại xa trường

Còn mẹ ở lại một mình

Thì mẹ nhớ con lắm đấy”

Trường học là nơi con đến mỗi ngày, là nơi con được học những điều mới mẻ, nơi cho con những tri thức,..Con sẽ gắn bó với tình yêu của con dành cho mẹ. Xuân Quỳnh đã so sánh tình yêu của con với những điều lớn lao như ông trời, thành phố, trường học rồi quay về với hình ảnh “bằng con dế” thật ngộ nghĩnh đáng yêu:

“Tính mẹ cứ là hay nhớ

Lúc nào cũng muốn bên con

Nếu có cái gì gần hơn

Con yêu mẹ bằng cái đó

– À mẹ ơi có con dế

Luôn trong bao diêm con đây

Mở ra là con thấy ngay

Con yêu mẹ bằng con dế”

Tình cảm đó giờ đâu phải là cái gì lớn lao, “Con dế” là một hình ảnh rất đỗi bình thường nhưng lại gợi lên trong lòng ta bao xao xuyến. Đây mới chính là tình cảm thực của con trong cách hình dung của trẻ nhỏ. Câu thơ “con yêu mẹ…” cùng với biện pháp so sánh “bằng” được lặp lại nhiều lần trong bài thơ, như lời khẳng định rằng tình cảm con dành cho mẹ là thứ tình cảm không bao giờ phai nhạt, đây là tình cảm xuyên suốt mạch cảm xúc bài thơ.

Bài thơ được cấu tứ trong thể thơ sáu chữ với nhịp điệu nhẹ nhàng. Với hình thức những mẩu đối thoại ngắn giống như cuộc trò chuyện giữa hai mẹ con, bài thơ đã gián tiếp bày tỏ tình yêu thương mẹ và ngược lại tình mẹ yêu con tha thiết. Cùng các hình ảnh chân thực, gần gũi biểu hiện những cung bậc cảm xúc giàu giá trị, mang đến những lời thơ ngộ nghĩnh đáng yêu tạo nên tình mẫu tử thiêng liêng thắm thiết.

By mai123

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *