Bài thơ “Lời chào” của tác giả Nguyễn Khoa Điềm là một tác phẩm mang đậm tinh thần yêu thương, chân thành và ấm áp. Dưới đây là bài văn Cảm nghĩ về bài thơ Lời Chào của Nguyễn Khoa Điềm

Dàn ý Cảm nghĩ về bài thơ Lời Chào của Nguyễn Khoa Điềm

a. Mở bài: Khái quát về tác giả, tác phẩm

b. Thân bài:

* Khái quát tác giả, tác phẩm:

– Tác giả Nguyễn Khoa Điềm:

+ Ông thuộc thế hệ các nhà thơ trong thời kỳ kháng chiến chống Mĩ, cứu nước.

+ Thơ của ông hấp dẫn bởi sự kết giữa cảm xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng của người trí thức về đất nước, con người Việt Nam.

– Bài thơ Lời chào:

+ Được trích trong Trường ca Mặt đường khát vọng, thuộc Chương I – Lời chào.

+ Bài thơ cho thấy sự khôn lớn, trưởng thành của nhà thơ. Bên cạnh đó, bài thơ đã bộc lộ cảm xúc trân quý, biết ơn của tác giả đến mẹ, đến những điều bình dị trong cuộc sống hàng ngày.

* Cảm nghĩ về bài thơ:

– Những xúc cảm bồi hồi, xao xuyến của nhà thơ khi nghĩ về những năm tháng tuổi thơ và bày tỏ niềm tiếc nuối.

– Tình cảm trân quý, biết ơn của tác giả với những điều bình dị trong cuộc sống.

– Từ những điều bình dị, nhà thơ hướng lòng biết ơn của mình đến những điều lớn lao hơn.

* Đánh giá nội dung, nghệ thuật:

– Chất suy tư được thể hiện ở việc nhà thơ quan sát, suy ngẫm về ý nghĩa của những điều bình thường, giản dị.

– Lời thơ giản dị, gần gũi, giàu hình ảnh.

c. Kết bài: Khẳng định lại giá trị tác phẩm.

Bài văn Cảm nghĩ về bài thơ Lời Chào của Nguyễn Khoa Điềm

“Thơ là âm nhạc của tâm hồn, nhất là những tâm hồn cao cả, đa cảm”. (Voltaire) Thơ ca chỉ bật ra khi trong tim người nghệ sĩ đang rung lên những nhịp đập thổn thức, đang ngân lên những điệu ngân của tâm hồn. Chính bởi vậy, mỗi vần thơ dù ngắn gọn nhưng lại có sức truyền tải lớn tới người đọc. Và có những bài thơ đã ra đời cách chúng ta hàng chục năm nhưng tới nay vẫn còn nguyên giá trị. “Lời chào ” của Nguyễn Khoa Điềm là một thi phẩm như vậy. Trong bài thơ có những vần thơ ngân lên khiến người đọc không khỏi ngậm ngùi:

“Ta đã đi qua những năm tháng không ngờ

Vô tư quá để bây giờ xao xuyến

….

Khuôn mặt trẻ bỗng già trên lớp sóng

Ngẩng đầu lên, ta thấy mặt quân thù”

Nguyễn Khoa Điềm sinh ra trong một gia đình trí thức, giàu truyền thống yêu nước và tinh thần cách mạng. Ông thuộc thế hệ các nhà thơ trong thời kỳ kháng chiến chống Mĩ, cứu nước. Thơ của ông hấp dẫn bởi sự kết giữa cảm xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng của người trí thức về đất nước, con người Việt Nam. Một số tác phẩm chính như là: Đất ngoại ô, Mặt đường khát vọng,  Ngôi nhà có ngọn lửa ấm,… Bài thơ Lời chào là một trong những tác phẩm thơ đặc sắc của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Bài thơ được trích trong Trường ca Mặt đường khát vọng, thuộc Chương I – Lời chào. Bài thơ cho thấy sự khôn lớn, trưởng thành của nhà thơ. Bên cạnh đó, bài thơ đã bộc lộ cảm xúc trân quý, biết ơn của tác giả đến mẹ, đến những điều bình dị trong cuộc sống hàng ngày.

Khổ thơ đầu mênh mang những xúc cảm bồi hồi, xao xuyến của nhà thơ khi nghĩ về những năm tháng tuổi thơ:

‘’Ta đã đi qua những năm tháng không ngờ

Vô tư quá để bây giờ xao xuyến

Bèo lục bình mênh mang màu mực tím

Nét chữ thiếu thời trôi nhanh như dòng sông…”

Lời thơ vang lên nhẹ nhàng, sâu thẳm. Nhà thơ đã đi qua những năm tháng tuổi thơ quá đỗi vô tư hồn nhiên. Đó là kỉ niệm gắn liền với tuổi thơ ấu, những ngày còn cắp sách đến trường, hồn nhiên, vô tư với màu mực tím, với nét chữ thiếu thời, với sắc hồng hoa phượng.. Nhà thơ đã sử dụng hình ảnh ẩn dụ đặc sắc qua hai câu thơ: “Bèo lục bình mênh mang màu mực tím/ Nét chữ thiếu thời trôi nhanh như dòng sông…” Nhà thơ ví nét bút mực tím như màu của bèo lục, tuổi học trò giống như một dòng sông. Thời gian trôi đi phủ một lớp bụi mờ lên kí ức cứ ngỡ mãi mãi không thể phai nhòa. Đó là những năm tháng hồn nhiên vô tư nhất. Và cũng bởi vô tư, hồn nhiên nên khi tất cả đã trôi qua, nhà thơ có chút giật mình tiếc nuối:

“Ta lớn lên bối rối một sắc hồng

Phương cứ nở hoài hoà như đếm tuổi

Như chiều nay, một buổi chiều dữ dội

Ta nhận ra mình đang lớn khôn…”

Một thời mực tím đã xa, một thời cắp sách đến trường chỉ còn là hoài niệm, tất cả để lại những dư âm bồi hồi trong lòng nhà thơ. Tuổi học trò sôi động, tinh nghịch; tuổi học trò với những chiến tích vang dội là một thời để nhắc để nhớ. Những kí ức về những người bạn, những hồi ức về tình thơ lại ùa về trong tâm trí mỗi người. Tuổi học trò hồn nhiên vô tư, đẹp đẽ biết bao. Thế nhưng, tất cả, theo thời gian, theo tuổi “phượng”, tuổi đời cứ lặng lẽ trôi đi..Thời gian lặng lẽ trôi, và giờ đây, ta nhận ra mình đang khôn lớn…Không dừng lại ở những hoài niệm tiếc nuối, mạch thơ Nguyễn Khoa Điềm hướng ta đến những điều lớn lao hơn:

”Biết ơn những cánh sẻ nâu đã bay đến cánh đồng

Rút những cọng rơm vàng về kết tổ

Trong tâm trí một nhà thơ khởi nghĩa

Cao Bá Quát ngã mình trên chiến địa

Trăm năm rồi sông vẫn sáng màu gươm…”

Nhân vật trữ tình xuất hiện trong khổ thơ là nhân vật “ta”- cái tôi trữ tình của nhà thơ. Điệp từ “biết ơn” được lặp đi lặp lại nhiều lần đứng đầu khổ thơ thể hiện lòng biết ơn của nhà thơ đến những điều bình dị trong cuộc sống. Bên cạnh đó, biện pháp điệp kết hợp với biện pháp liệt kê: cánh sẻ nâu, mẹ, trò chơi tuổi nhỏ, dấu chân,… Sự kết hợp tài tình đã giúp nhà thơ cụ thể hóa những điều mà nhân vật trữ tình bày tỏ lòng biết ơn. Nhà thơ biết ơn những “cánh sẻ nâu” bay đến cánh đồng, rút rơm vàng về kết tổ mang lại cho tuổi thơ biết bao trải nghiệm thú vị của những chiều rong ruổi tìm bắt tổ chim. Nhà thơ biết ơn những cánh diều đã kéo về “cả một sắc trời xanh” để bao ánh mắt tuổi thơ đắm nhìn lên đó. Nhà thơ biết ơn người mẹ của mình, không quên tính tuổi con từ những ngày vừa hoài thai trong bụng. Nhà thơ biết ơn những trò chơi thuở nhỏ – gắn liền với những lời đồng dao dân dã góp phần làm nên một đời tiếng Việt ngân nga. Những điều được nhắc đến đều là những gì bình dị, đời thường, nhỏ bé, những điều tưởng chừng đời thường hàng ngày hay bị chúng ta lãng quên. Thế nhưng, đến với nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, người đọc càng thêm yêu tuổi thơ, yêu những tháng năm tuổi trẻ, yêu tiếng mẹ đẻ và biết ơn thành quả của người đi trước. Qua đó, khổ thơ nhấn mạnh tình cảm trân quý, biết ơn của tác giả với những điều bình dị trong cuộc sống.

Từ những điều bình dị, nhà thơ hướng lòng biết ơn của mình đến những điều lớn lao hơn: Biết ơn “dấu chân bấm mặt đường”, “dấu chân trần” – của những người lao động nhọc nhằn lam lũ để cho ta được cắp sách đến trường; biết ơn những anh hùng hi sinh vì đất nước:

‘’Trăm năm rồi ta đếm bước sông Hương

Vẫn soi thấy niềm đau và nổi giận

Khuôn mặt trẻ bỗng già trên lớp sóng

Ngẩng đầu lên, ta thấy mặt quân thù”

Bài thơ Lời chào đã thể tài năng nghệ thuật của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Trong đoạn thơ, chất suy tư được thể hiện ở việc nhà thơ quan sát, suy ngẫm về ý nghĩa của những điều bình thường, giản dị từ cánh sẻ nâu, cách tính tuổi của mẹ, trò chơi chắt chuyền tuổi nhỏ, dấu chân bấm mặt đường. Trong tư duy của tác giả, mỗi sự vật được nói đến đều mang lại điều tốt đẹp cho cuộc sống, cho chính sự trưởng thành của nhà thơ. Nhận thức được điều đó, nhà thơ bày tỏ lòng biết ơn đến những điều bình dị ấy. Bài thơ đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc.

By mai123

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *