Viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật bé Em trong văn bản Áo Tết của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư qua đó chúng ta rút ra được thông điệp về tình yêu thương, lòng nhân ái và sự hiểu biết lẫn nhau giữa người với người trong xã hội.

Tìm hiểu về tác giả Nguyễn Ngọc Tư và văn bản Áo Tết

Tác giả Nguyễn Ngọc Tư

Tiểu sử:

– Nguyễn Ngọc Tư sinh năm 1976, quê ở xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau.

– Chị sinh ra ở Bạc Liêu, nhưng từ bốn tuổi đã về sống ở Cà Mau cùng ông ngoại.

Cuộc đời:

– Học sinh giỏi văn tại trường Phan Ngọc Hiển, nhưng phải nghỉ học khi ông ngoại đau nặng để chăm sóc ông.

– Làm văn thư tại tạp chí Bán đảo Cà Mau, vừa làm vừa tự học để tốt nghiệp phổ thông và bắt đầu sáng tác.

– Kết hôn với một người chồng hiền lành, ít nói, và có một cậu con trai. Hạnh phúc gia đình giúp chị cân bằng giữa công việc gia đình và sáng tác văn chương.

Sự nghiệp:

– Thành công đầu tiên là giải nhất văn học tuổi hai mươi (2000) với tác phẩm Ngọn đèn không tắt.

– Tác phẩm nổi bật: Cánh đồng bất tận (2005) mang lại tiếng vang lớn.

– Công tác biên tập viên trang thiếu nhi tại tạp chí Bán đảo Cà Mau thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Cà Mau.

– Hoàn thành khóa học tại chức Đại học Ngoại ngữ (ngành Anh văn) và trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Văn bản Áo Tết

Nội dung: Bài Áo Tết của Nguyễn Ngọc Tư kể về tình bạn đẹp giữa bé Em và bé Bích là bạn thân của nhau. Bé Em sinh ra ở gia đình có điều kiện nên Tết đến mẹ mua cho bé Em 4 bộ quần áo. Trong đó có chiếc váy hồng nơ hoa trong rất đẹp và lộng lẫy. Bé Em sẽ mặc chiếc váy này vào ngày Tết đi thăm cô giáo. Còn bé Bích nhà đông anh em, lại hoàn cảnh khó khăn, luôn phải mặc lại quần áo cũ của anh nên tết chỉ có 1 bộ đồ mới. Bé Em cảm thông với hoàn cảnh của bé Bích nhưng không thể giúp được gì. Đến ngày đi thăm cô giáo, bé Em mặc bộ đồ đơn giản gần giống với bé Bích chứ không mặc chiếc váy lộng lẫy mẹ đã mua bởi không muốn bé Bích phải tủi thân. Hai em chơi đùa với nhau rất vui vẻ, dù hoàn cảnh khác nhau nhưng 2 bé vẫn luôn là những người bạn thân.

 

Ý nghĩa: Tác phẩm “Áo Tết” mang thông điệp về tình yêu thương, lòng nhân ái và sự hiểu biết lẫn nhau giữa người với người, đặc biệt là giữa các bạn nhỏ. Dù chỉ là trẻ con nhưng qua câu chuyện này, người đọc được nhắc nhở về ý nghĩa của việc không phân biệt giàu nghèo, không gianh giữ hay ganh ghét mà hãy trao cho nhau tình yêu và sự chia sẻ.

Dàn ý Phân tích đặc điểm nhân vật bé Em trong văn bản Áo Tết của Nguyễn Ngọc Tư

Mở bài:  

– Giới thiệu văn bản “Áo Tết” và nhân vật bé Em.

– Khái quát ấn tượng về nhân vật: Cô bé nhỏ nhắn, hồn nhiên, dễ thương, nhạy cảm và sâu sắc, tinh tế.

Thân bài:  

– Bé Em, cô bé nhỏ nhắn, dễ thương, đáng yêu.

– Tươi vui, trong trẻo, biết chú ý quan sát, thấu hiểu hoàn cảnh và quan tâm yêu thương bạn.

– Nhạy cảm, tinh tế và sâu sắc trong mối quan hệ với bé Bích.

– Nhà văn khắc họa nhân vật bé Em qua nhiều phương diện, từ ngoại hình, hành động đến ngôn ngữ, nội tâm, đồng thời, đặt nhân vật trong quan hệ với nhân vật khác để làm nổi bật đặc điểm tính cách của bé Em.

Kết bài:  

Là cô bé đáng yêu, dễ mến. Nhân vật bé Em gợi nhiều suy tư về cách ứng xử trong quan hệ bè bạn và ý thức xây dựng tình bạn trong sáng, cao đẹp.

Phân tích đặc điểm nhân vật bé Em trong văn bản Áo Tết của Nguyễn Ngọc Tư

Nguyễn Ngọc Tư là một một cây bút nhận được nhiều tình cảm yêu mến của độc giả. Với chị, viết là để giãi bày tình yêu sâu nặng với quê hương, giãi bày và thổ lộ về những điều gần gũi, bình dị nhất quanh mình… Giọng văn của chị đậm chất Nam Bộ, nổi bật ở giọng kể thuần hậu mà thấm thía về những cuộc đời éo le, những số phận chìm nổi. Trong đó, trẻ em như là một đối tượng cảm hứng được chị quan tâm hướng đến với tình cảm dịu ngọt, trìu mến. Bé Em trong truyện ngắn “Áo Tết” là một nhân vật trẻ em với nhiều nét tính cách đẹp và đáng quý đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng độc giả.

“Áo Tết” là câu chuyện kể về tình bạn đẹp giữa hai nhân vật là bé Em và bé Bích. Bé Em được sinh ra trong sự đủ đầy và chiều chuộng của một gia đình khá giả. Còn bé Bích lại không được may mắn như vậy, gia đình bé có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, vất vả. Bé Em và bé Bích là đôi bạn chơi thân với nhau từ hồi còn nhỏ, lại ngồi cùng bàn học từ lớp một đến hết lớp năm nên lúc nào cũng tíu tít như đôi chim sẻ, đi đâu cũng có nhau. Chuyện xảy ra khi gần tới tết, bé Em được mẹ mua cho bốn chiếc váy mới rất xinh: “Má tao mua cho đủ mặc từ mùng Một tới mùng Bốn, bữa nào cũng mặc đồ mới hết trơn”. Nó đã hồ hởi biết bao khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng “nổi lắm, hết sẩy luôn” mà má nó mới mua cho. “Tết này con bé sẽ được mặc nó, con bé hãnh diện hình dung ra những lời trầm trồ khen ngợi của mọi người, tụi bạn chắc phải lé mắt ra…”. “Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho mà coi”. Nó nghĩ và nó muốn chia sẻ với con Bích, bạn nó. Bích thì ngược lại, gia đình bé không có điều kiện, lại có nhiều em nhỏ nữa nên bé Bích thường nhường quần áo mới cho các em, vì vậy bé chỉ có duy nhất một bộ quần áo mới để mặc tết. Từ nhỏ bé Bích đã luôn phải chịu thiệt thòi, “nó chuyên mặc áo con trai của anh Hai nó để lại”, ít khi được mặc một bộ quần áo mới dành cho riêng mình. Bích nói xong vẫn cười nhưng mắt nó xịu xuống, buồn hẳn. Nhà nó nghèo, sao bì được với nhà con bé Em. Bé Em thấy thế nhưng cũng không biết làm cách nào để giúp bạn của mình.

Đến ngày tết đi thăm cô giáo, thay vì mặc chiếc váy mới lộng lẫy mẹ sắm cho thì bé Em mặc bộ đồ gần giống bé Bích, “chỉ khác là con Bích mặc áo trắng bâu sen, con bé Em thì mặc áo thun có in hình con mèo bự.” Trong lòng bé Em không muốn để cho bé Bích phải tủi thân, mặc cảm về hoàn cảnh của mình. Con bé lập luận thật giản đơn về cái quyết định “quan trọng” này như sau: “Đứa mặc áo đẹp, đứa mặc áo xấu coi gì được, vậy sao kêu là bạn thân“. Đơn giản thôi mà tràn ngập ý nghĩa và lòng nhân ái! Một trái tim non nớt nhưng đã biết cảm thông với bạn bè, biết chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với mọi người xung quanh.
Câu chuyện có nội dung ngắn gọn mà chứa đựng bao ý nghĩa. Ở nhân vật bé Em ta nhận thấy được một trái tim nhạy cảm, tinh tế, sâu sắc từ cách ứng xử, lời nói đến các hành động của bé. Bé thấu hiểu và tinh ý thấy được sự chênh lệch hoàn cảnh giữa mình và bé Bích nên đã tìm ra được một hướng xử lí rất đỗi thông minh và vô cùng ấm áp. Tuy chỉ là một cô bé nhỏ nhưng hành động của cô cho thấy sự trưởng thành, chín chắn như một người lớn thực thụ. Hành động ấy tuy nhỏ nhưng chắc chắn sẽ khiến tình bạn của bé Bích và bé Em sẽ thêm bền chặt.

Đọc xong đoạn trích “Áo Tết”, cái đọng lại trong chúng ta là hình ảnh của một bé Em luôn tươi vui, trong trên, biết chú ý quan sát và sâu sắc trong mối quan hệ với bé Bích – bạn thân của mình. Nguyễn Ngọc Tư đã khắc họa nhân vật bé Em qua nhiều phương diện, từ ngoại hình, hành động đến ngôn ngữ, nội tâm, đồng thời, đặt nhân vật trong quan hệ với nhân vật khác để làm nổi bật một các đặc điểm tính cách của bé Em. Hình tượng nhân vật bé Em còn gợi lên ở người đọc nhiều suy tư, ngẫm ngợi về cách ứng xử trong quan hệ bạn bè và ý thức xây dựng tình bạn trong sáng, cao đẹp.

By ngocnhu

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *