Phân tích bài thơ mùa hè và tiếng rao của mẹ
“Mùa hè và tiếng rao của mẹ” có lẽ là bài thơ đầy cảm xúc chạm đến trái tim của từng độc giả. Hãy cùng Học mãi 360 viết bài Phân tích bài thơ mùa hè và tiếng rao của mẹ nhé!
Dàn ý Phân tích bài thơ mùa hè và tiếng rao của mẹ
a. Mở bài: Giới thiệu tác phẩm “Mùa hè và tiếng rao của mẹ”
b. Thân bài:
– Tình mẫu tử luôn là một đề tài dồi dào cho các thi sĩ, nghệ sĩ thỏa mình sáng tác
– Ngưng Thu là một nữ nhà thơ với những sáng tác hay về tình cảm gia đình, cũng như về cuộc sống thường ngày
– Những sáng tác của bà tuy không nổi bật và được đông đảo công chúng biết tới, nhưng vẫn mang một sức hút rất riêng của mình
– Mở đầu bài thơ, tác giả Ngưng Thu đã họa lên trong tâm hồn người đọc một bức tranh thiên nhiên mùa hè rực rỡ và đầy sinh động
– Thế nhưng, ngược lại với khung cảnh rực rỡ, náo nhiệt của mùa hè, thì bóng lưng mẹ tần tảo đi khắp từng ngõ hẻm kiếm sống nuôi con lại hiện lên
– Sau cơn mưa trời sẽ nắng, giờ đây mùa hè và mẹ đều đã tìm thấy điểm chung của mình, đó chính là những tia nắng rực rỡ, soi chiếu vào từng khoảnh khắc của cuộc sống
c. Kết bài: Nêu cảm nhận và đánh giá của em về tác phẩm
Phân tích bài thơ mùa hè và tiếng rao của mẹ
Tình mẫu tử luôn là một đề tài dồi dào cho các thi sĩ, nghệ sĩ thỏa mình sáng tác. Từ văn học, thơ ca cho đến hội họa, ở đâu đâu thì tình mẫu tử cũng luôn được đề cao và tôn vinh. Bài thơ “Mùa hè và tiếng rao của mẹ” của tác giả Ngưng Thu cũng là một bài thơ có nội dung như vậy.
Ngưng Thu là một nữ nhà thơ với những sáng tác hay về tình cảm gia đình, cũng như về cuộc sống thường ngày. Những sáng tác của bà tuy không nổi bật và được đông đảo công chúng biết tới, nhưng vẫn mang một sức hút rất riêng của mình. Không vội vàng ồn ã, yên bình và tĩnh lặng như một mặt hồ mùa thu, đó có lẽ là những miêu tả chính xác nhất khi cảm nhận về thơ của Ngưng Thu. Lấy chủ thể là những sự vật, sự việc quen thuộc trong cuộc sống, qua đó thể hiện tình cảm của chính bản thân mình đối với vấn đề được nhắc tới trong bài thơ. Các tác phẩm của bà có thể kể tới như “Sắc biếc mà chi”, “Cọng cỏ hạt sương”,… nhưng ấn tượng hơn cả là bài thơ “Mùa hè và tiếng rao của mẹ”.
Ngay từ nhan đề, chúng ta đã thấy được những đối tượng được bàn luận tới trong bài thơ, đó là mùa hè và tiếng rao của mẹ. Mùa hè là thời gian mà mọi người được nghỉ ngơi sau một năm học tập và làm việc mệt mỏi, thế nhưng trong lúc ấy, mẹ vẫn tần tảo đi rao hàng rong để kiếm kế sinh nhai. Hai hình ảnh tưởng chừng như đối lập với nhau, chẳng thể tìm thấy bất kì một điểm chung nào, ấy vậy mà tới cuối bài thơ lại xuất hiện một điểm đặc biệt mà chẳng ai ngờ tới.
Mở đầu bài thơ, tác giả Ngưng Thu đã họa lên trong tâm hồn người đọc một bức tranh thiên nhiên mùa hè rực rỡ và đầy sinh động:
Sáng lên hạ chuyền cánh phượng
Ve ran tình khúc mùa hè
Nắng vàng ngẩn ngơ bờ giậu
Dế mèn râu vểnh lắng nghe
Một bức tranh có được tô điểm với đủ loại màu sắc. Từ màu đỏ của hoa phượng, màu vàng của nắng hè, lại được điểm xuyết vào đó là màu xanh của bờ giậu. Không chỉ vậy, bài thơ lại càng được thổi thêm sức sống khi xuất hiện những âm thanh quen thuộc mỗi khi mùa hè tới. Tiếng ve kêu ran trên những tán cây cao vút, cùng với tiếng dế kêu đâu đây bên bờ giậu như mời gọi con người cùng tham gia vào cuộc chơi kì thú của mùa hè. Tất cả dường như càng khiến lòng người trở nên hồ hởi, trở nên háo hức hơn.
Thế nhưng, ngược lại với khung cảnh rực rỡ, náo nhiệt của mùa hè, thì bóng lưng mẹ tần tảo đi khắp từng ngõ hẻm kiếm sống nuôi con lại hiện lên. Hình ảnh ấy như khiến độc giả khựng lại theo nhịp kể của bài thơ. Không nhanh nhẹn, thúc giục như những câu thơ ở trên nữa, giờ đây nhịp kể trở nên thật nhẹ nhàng, sâu lắng:
Gió cõng mưa về ngang lối
Ướt nhòe áo gánh hàng rong
Liêu xiêu dáng gầy bóng mẹ
Tiếng rao thảng thốt chạnh lòng
Dường như cơn mưa mùa hè đã làm tan đi cái nóng như thiêu đốt của mùa hè, nhưng lại khiến cho công việc của mẹ ngay càng trở nên vất vả hơn. Bóng hình nhỏ bé của người mẹ ấy như càng nặng đi hơn vì những giọt mưa thấm ướt tấm lưng gầy. Hình ảnh đó như bị màn mưa trắng xóa che khuất khiến chúng ta lại càng xót xa hơn. Tiếng rao của mẹ như bị cơn mưa hung dữ kia khuất lấp, càng khiến hình bóng mẹ đã nhỏ bé, nay gần như biến mất dưới màn mưa. Cơn mưa kia cũng là đại diện cho những khó khăn, vất vả mà mẹ gặp phải trong cuộc sống. Tuy nó khiến mẹ phải oằn mình chống chọi, thế nhưng mẹ chưa bao giờ từ bỏ hay buông xôi để mặc cho cơn mưa ấy cuốn mình đi cả.
Nhưng sau tất cả, rồi những nỗ lực, cố gắng của mẹ sẽ lại được đền đáp. Đó chính là nụ cười của con, vì con mà mẹ có thể đánh đổi tất cả, không quản ngại gian khó bão bùng. Con chính là nguồn động lực sống lớn nhất giúp mẹ có thể vượt qua hết những khó khăn, gian khổ ngoài kia:
Sáng nay nắng tràn góc phố
Em tung tăng với điểm mười
Trong veo ánh cười mắt mẹ
Gói hành trang tuổi đôi mươi.
Sau cơn mưa trời sẽ nắng, giờ đây mùa hè và mẹ đều đã tìm thấy điểm chung của mình, đó chính là những tia nắng rực rỡ, soi chiếu vào từng khoảnh khắc của cuộc sống. Đối với con, điểm 10 chính là kết quả cho những nỗ lực của con trong thời gian dài học tập và rèn luyện. Còn đối với mẹ, điểm 10 đỏ tươi trên trang giấy kia là sự minh chứng cho việc con mình đã ngày một trưởng thành. Chỉ mai đây thôi, chính những điểm mười nhỏ bé ấy sẽ là bước hành trang vững vàng giúp con vươn tới tương lai sau này của mình.
Bài thơ “Mùa hè và tiếng rao của mẹ” không chỉ có ý nghĩa đối với các em học sinh mầm non, mà ngay cả đối với người lớn chúng ta, đây cũng là một tác phẩm đáng để suy ngẫm. Bài thơ là một sự thành công lớn cho sự nghiệp của tác giả Ngưng Thu cũng như với chúng ta.