Anh/chị hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) phân tích và đánh giá nhân vật bà lão lòa trong truyện ngắn Bà lão lòa của Vũ Trọng Phụng.

Tìm hiểu tác giả Vũ Trọng Phụng và truyện ngắn Bà lão lòa

Tác giả Vũ Trọng Phụng

Vũ Trọng Phụng (20/10/1912 – 13/10/1939)

– Là nhà văn, nhà báo nổi tiếng của Việt Nam vào đầu thế kỷ XX.

– Quê ở làng Hảo (nay là thị trấn Bần Yên Nhân), huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên nhưng lớn lên và mất tại Hà Nội.

Sự nghiệp

– Bắt đầu viết văn từ năm 1930 với truyện ngắn “Chống nạng lên đường”.

– Tác phẩm: hơn 30 truyện ngắn, 9 tiểu thuyết, 9 tập phóng sự, 7 vở kịch, 1 bản dịch kịch từ tiếng Pháp, nhiều bài viết phê bình và hàng trăm bài báo về chính trị, xã hội, văn hoá.

– Một số trích đoạn tác phẩm trong “Số đỏ” và “Giông tố” được đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn Việt Nam.

– Nổi tiếng với giọng văn trào phúng châm biếm xã hội, được so sánh như Balzac của Việt Nam.

– Tác phẩm bị cấm in, cấm đọc tại miền Bắc Việt Nam và Việt Nam thống nhất cho đến cuối những năm 1980 vì phong cách “tả chân” và yếu tố tình dục.

Gia đình

– Cha ông là Vũ Văn Lân làm thợ điện, mất khi ông mới 7 tháng tuổi; mẹ ông là bà Phạm Thị Khách tần tảo nuôi con ăn học.

– Sống trong nghèo khổ suốt đời, mắc bệnh lao phổi và mất khi mới 27 tuổi.

– Vợ ông là bà Vũ Mỹ Lương, cưới năm 1938, và có một con gái chưa đầy 1 tuổi tên Vũ Mỹ Hằng khi ông qua đời.

Truyện ngắn Bà lão lòa

– Nội dung: Bà lão lòa của Vũ Trọng Phụng là một truyện ngắn kể về cuộc đời của bà lão  Lòa – một phụ nữ từng giàu có và tốt bụng, nhưng sau đó rơi vào cảnh nghèo đói và bị lãng quên bởi con cháu.

– Ý nghĩa: Thể hiện sự bất công và tàn nhẫn của xã hội đối với những người yếu thế, đồng thời tạo nên một hình ảnh đầy thương tâm về cuộc đời bà lão lòa.

Dàn ý Nghị luận phân tích và đánh giá nhân vật bà lão lòa

Mở bài: Giới thiệu khái quát về nhân vật sẽ phân tích

Thân bài: Phân tích nhân  vật

– Tóm tắt về cuộc đời của bà lão lòa

– Phân tích nhân vật (hành động, lời nói, tâm trạng, tính cách…) qua các tình huống: khi xin cơm bị cháu dâu quát, khi đi ăn xin, …

– Nhận xét, đánh giá về nhân vật (bất hạnh, khốn khổ; có lòng tự trọng, thấm nỗi nhục ăn nhờ ở đậu → kiếp người đáng thương, nhiều biến động, con người không lường hết được) và nghệ thuật xây dựng nhân vật của tác giả (miêu tả tâm lí, đối thoại, độc thoại nội tâm, đan xen hiện thực và hồi ức, hình ảnh và chi tiết đặc sắc…).

Kết bài: Nêu cảm nhận, suy nghĩ của em về nhân vật: xót thương, ngậm ngùi, …

+Nêu khái quát thành công của tác giả qua việc xây dựng nhân vật.

+Từ nhân vật, liên hệ và nêu cảm nghĩ của em về thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm qua tác phẩm.

Nghị luận phân tích và đánh giá nhân vật bà lão lòa

Truyện ngắn Bà lão lòa tái hiện cho ta ngay từ đầu thời khắc tăm tối, ê chề trong phận sống nhờ của nhân vật cùng tên  – là người cô họ của bác đánh giậm. Lần hồi sau đó, tác giả đưa ta trở về với quá khứ khi bà lão còn giàu có, bà đã “giúp đỡ kẻ nghèo khó; trong họ ngoài làng, nhiều người đã được nhờ bà” thế nhưng “đến khi gặp bà bước khốn cùng thì chẳng ai thương cả”. Tác giả cũng cho ta biết rằng ngày trước bác đánh giậm “đã nhiều phen ngửa tay nhận lấy đồng tiền cứu giúp của bà” nên bây giờ “đành cắn răng, vuốt bụng, nhắm mắt” nuôi bà trong lúc hoạn nạn với nỗi niềm biết bao “xót ruột khi bà lão lòa lò rò ngồi vào mâm, cướp cơm của vợ, của con nhà bác”. Quay ngược thời gian như vậy, nhà văn đã cho ta một cái nhìn toàn diện hơn về cuộc đời bà lão lòa; đồng thời ông cũng nhấn mạnh thái độ lên án, phê phán đối với cuộc đời này. Một quá khứ tử tế, ăn ở phúc đức nhưng đổi lại chỉ là một hiện thực cay đắng : con trai ăn chơi, phá của đến nỗi “bán ruộng, cầm nhà” khiến bà thành tật nguyền, nghèo khổ và đứa cháu họ vô ơn bạc nghĩa đối xử với ân nhân của mình không ra gì. Hiện tại bà cụ chẳng gặp lành dù ngày trước đã ăn ở rất hiền lành, hiện tại người ta vong ân dù quá khứ vốn chịu nhiều ơn cứu giúp của bà – những đối nghịch thời gian đi kèm với nghịch lí cuộc đời khiến câu chuyện cứ ám ảnh chúng ta mãi.

Trong diễn tiến cuộc đời cơ cực của bà lão tội nghiệp chịu cảnh tật nguyền sống nhờ nhục nhã bỗng xuất hiện ba câu chuyện nhỏ về những hành động nhân đức của một người phụ nữ : thấy người ăn mày lụ khụ đến xin ăn bị mấy con chó “nhảy xổ ra cắn xa xả”, bà đã “quát thằng nhỏ ra mắng chó, dắt ông ăn mày vào thết một lưng cơm”; trước gia cảnh bác nhiêu B. vợ chết, nhà bị hỏa hoạn, đàn con nheo nhóc, đói kém, bà đã “cởi hầu bao, lấy ra một cuộn giấy bạc” đem cho; và cuối cùng trước cảnh đau xót của một người phụ nữ phải bán con để mong cứu chồng bệnh liệt giường liệt chiếu đã hơn nửa tháng, bà cũng đã cho năm đồng về lo thuốc men cho chồng mà không phải bán con. Đến cuối cùng Vũ Trọng Phụng mới cho ta biết hóa ra đó chính là bà lão lòa tội nghiệp bây giờ. Ba câu chuyện nhỏ về sự phúc đức để góp phần làm rõ một nghịch lí : bà đã từng rất tử tế với người không ruột thịt thân thích, bà đã từng động lòng trắc ẩn trước bao số phận vật vờ tận đáy cuộc đời; song giờ đây, người thân thích ruột rà không mảy may động lòng xót xa cho thân già tật nguyền cô độc của bà, nhẫn tâm tàn tệ với bà hơn cả với người dưng nước lã, đay nghiến chà đạp lên thân phận sống nhờ đầy nghịch cảnh bà đang phải chịu. Trần thuật với kết cấu “truyện lồng trong truyện”, Vũ Trọng Phụng đã dựng lên sự đối lập gay gắt giữa quá khứ và thực tại, giữa thiện tâm và ác tâm, giữa vị tha và ích kỉ để phê phán sự bội bạc, bất nhân của người đời và tố cáo cái nghèo làm nhân cách con người dần thảm hại như nó.

By ngocnhu

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *