Dựa vào đoạn thơ trích trong bài “Dạ khúc cho vầng trăng” làm sáng tỏ ý kiến Tiêu chuẩn vĩnh cửu của thơ ca là cảm xúc
Hocmai360 giới thiệu bài văn mẫu Dựa vào đoạn thơ trích trong bài “Dạ khúc cho vầng trăng” làm sáng tỏ ý kiến Tiêu chuẩn vĩnh cửu của thơ ca là cảm xúc đây là câu hỏi nằm trong tuyển tập 50 đề thi học sinh giỏi ngữ văn lớp 7 năm 2022-2023.
Đề bài:
Nhà thơ Bằng Việt cho rằng: “Tiêu chuẩn vĩnh cửu của thơ ca là cảm xúc”. Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Dựa vào đoạn thơ trích trong bài “Dạ khúc cho vầng trăng” (Duy Thông) em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên?
Trăng non ngoài cửa sổ
Mảnh mai như lá lúa
Thổi nhẹ thôi là bay
Con ơi ngủ cho say
Để trăng thành chiếc lược
Chải nhẹ lên mái tóc
Để trăng thành lưỡi cày
Rạch bầu trời khuya nay
Trăng thấp thoáng cành cây
Tìm con ngoài của sổ
Cửa nhà mình bé quá
Trăng lặn trước mọi nhà
Vai mẹ thành võng đưa
Theo con vào giấc ngủ
Trăng thành con thuyền nhỏ
Đến bến bờ tình yêu…
( Trích “ Dạ khúc cho vầng trăng” – Duy Thông)
* Chú thích: Vũ Duy Thông (1944-2021), quê Phúc Yên, Vĩnh Phúc, tốt nghiệp khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, rồi làm báo, từng là biên tập viên, phó phòng, uỷ viên biên tập Bản tin trong nước của Thông tấn xã Việt Nam. Ông từng là Tổng biên tập tạp chí Diễn đàn Văn nghệ dù chỉ trong một thời gian ngắn. Ông là nhà thơ, nhà báo sắc sảo, một thi sỹ tài hoa và yêu thương tha thiết với cuộc đời. Tiếng thơ của ông cất lên từ cuộc sống chiến đấu nóng bỏng của quân và dân ta ở tuyến lửa chống Mỹ. Ông được đánh giá là nhà thơ nổi tiếng của thế hệ các nhà thơ thời kỳ chống Mỹ.
Gợi ý
1. Yêu cầu về kỹ năng:
+ Hiểu đúng yêu cầu của đề, có kỹ năng làm bài nghị luận văn học. biết kết hợp nhuần nhuyễn các phép lập luận giải thích, chứng minh đã học.
+ Có kỹ năng xây dựng luận điểm đúng đắn, sáng tỏ, dẫn chứng chọn lọc, lý lẽ thuyết phục, không mắc lỗi chính tả, diễn đạt.
+ Văn viết trong sáng, có cảm xúc, thể hiện được năng lực cảm nhận sâu sắc.
2. Yêu cầu về kiến thức:
Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:
a. Mở bài:
– Dẫn dắt vấn đề nghị luận…
– Trích dẫn ý kiến của nhà thơ Bằng Việt…
b. Thân bài:
b.1. Giải thích ý kiến:
– Thơ: Là hình thức sáng tác văn học phản ánh cuộc sống nghiêng về sự thể hiện tình cảm, cảm xúc bằng ngôn ngữ hàm súc, giàu nhạc tính, giàu hình ảnh gợi cảm…
– Tiêu chuẩn vĩnh cửu: thước đo, chuẩn mực có giá trị bất biến, đúng với mọi thời đại.
– Cảm xúc: Là những cung bậc tình cảm, tâm trạng con người…
-> Câu nói của Bằng Việt khẳng định: Thước đo để đánh giá giá trị tác phẩm thơ ca ở mọi thời đại là cảm xúc; đề cao vai trò của cảm xúc trong thơ.
* Lưu ý: Nếu HS không giải thích, cắt nghĩa từ, cụm từ trong nhận định mà chỉ khái quát chung ý hiểu của mình về nhận định, có ý đúng, GV chỉ cho tối đa 0,25 điểm
b.2. Đoạn thơ “Dạ khúc cho vầng trăng” (Vũ Duy Thông) chứa chan cảm xúc về vẻ đẹp của vầng trăng qua lời ru của mẹ và tình mẹ dành cho con:
* Khái quát chung:
– Vũ Duy Thông là nhà thơ nổi tiếng của thế hệ các nhà thơ thời kỳ chống Mỹ. Ông được đánh giá là một thi sỹ tài hoa và yêu thương tha thiết với cuộc đời…
– Bài thơ “Dạ khúc cho vầng trăng” mà tiêu biểu là đoạn thơ trong đề bài là khúc ca tha thiết, ngọt ngào về vẻ đẹp của vầng trăng non qua lời ru của mẹ và tình yêu thương con vô bờ bến của người mẹ.
* Chứng minh
+ Luận điểm 1: Cảm xúc của nhà thơ trước vẻ đẹp của vầng trăng qua lời ru của mẹ
– Mở đầu bài thơ nhà thơ Duy Thông đã đưa ta đến khúc hát ru con ngọt ngào, êm ái của người mẹ. Lời ru ân tình của người mẹ đưa con vào giấc ngủ bình yên. Trăng non theo lời hát ru của mẹ đi vào giấc mơ của con một cách nhẹ nhàng, sâu lắng.
“Trăng non ngoài cửa sổ
Mảnh mai như lá lúa”
– Biện pháp so sánh, nhân hóa trăng non với lá lúa – vật gần gũi, quen thuộc với cuộc sống thường nhật của mẹ khiến trăng trở nên vô cùng đáng yêu, duyên dáng, thanh khiết. Từ đó mẹ muốn ghi dấu trong lòng con về về tình yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp, cái giản dị trong cuộc sống…
“ Để trăng thành chiếc lược
Chải nhẹ lên mái tóc
Để trăng thành lưỡi cày
Rạch bầu trời khuya nay ”
– Phép so sánh, liệt kê kết hợp các động từ “ chải”,“rạch”, trăng non qua lời ru của mẹ còn có những hình dạng khác nhau như chiếc lược, lưỡi cày. Trăng non không có gì xa lạ mà rất gần gũi thân quen trong cuộc sống của con và mẹ. Mẹ mong con khi lớn lên biết yêu thương, biết trân quý những gì bình dị…
“Trăng thấp thoáng cành cây
Tìm con ngoài của sổ
Cửa nhà mình bé quá
Trăng lặn trước mọi nhà ”
-> Phép nhân hóa kết hợp với các từ ngữ chỉ hoạt động của con người “tìm con ngoài cửa sổ” khiến trăng như một bạn nhỏ rất đáng yêu đang tìm con để bầu bạn, vui chơi, hòa nhịp vào thế giới tâm hồn của trẻ thơ.
– Hình ảnh “ Trăng thành con thuyền nhỏ” có lẽ là hình ảnh đẹp nhất tượng trưng cho ước mơ, khát vọng của người con, đồng thời cũng chở đầy tình yêu và niềm tin của người mẹ dành cho đứa con bé bỏng đang ngủ say trên đôi vai gầy. Trăng không chỉ là con thuyền nhỏ mà còn là nhịp cầu nối giúp cho con và mẹ “ Đến bến bờ tình yêu ”…
+ Luận điểm 2: Cảm xúc của nhà thơ trước tình yêu của mẹ dành cho con
– Tình yêu của mẹ dành cho con thật lớn lao, vĩ đại không có thứ gì có thể đong đếm được. Mẹ luôn cầu mong cho con được yên bình ”Con ơi ngủ cho say ”, mong con được hạnh phúc “ Đến bến bờ tình yêu”. Mẹ yêu thương, hi sinh “Vai mẹ thành võng đưa./Theo con vào giấc ngủ”, mẹ có thể làm tất cả vì con…
* Lưu ý: Trong quá trình cảm nhận đoạn thơ, HS biết liên hệ, so sánh với các bài thơ khác cùng đề tài: À ơi tay mẹ (Bình Nguyên), Con cò (Chế Lan Viên), Mẹ và quả ( Nguyễn Khoa Điềm),Trăng ơi…từ đâu đến (Trần Đăng Khoa), …
b.3. Để thể hiện được cảm xúc, rung động đoạn thơ rất thành công trong việc sử dụng các hình thức nghệ thuật
+ Thể thơ năm chữ với hình ảnh thơ trong sáng, bình dị phù hợp với thế giới tâm hồn trẻ thơ, dễ nhớ dễ thuộc.
+ Cấu trúc thơ độc đáo, ngôn ngữ giàu chất nhạc
+ Bên cạnh đó, nhà thơ sử dụng các biện pháp nghệ thuật phép so sánh, nhân hóa, điệp ngữ, liệt kê…khiến đoạn thơ trở nên sinh động, diễn tả sâu sắc tình mẫu tử thiêng liêng.
+ Qua đoạn thơ tác giả đã gửi đến bạn đọc thông điệp vô cùng sâu sắc: con lớn lên phải biết sống nghĩa tình, biết trân quý những gì bình dị trong cuộc sống; biết yêu thương và kính trọng mẹ…
b.4. Mở rộng, liên hệ, nâng cao
– Qua đoạn thơ, Bằng Việt đề cao cảm xúc chứ không tuyệt đối hóa cảm xúc, coi nhẹ vai trò tài năng người cầm bút. Cần kết hợp tài năng và cảm xúc mới có tác phẩm thành công.
– Người tiếp nhận và người sáng tác cần có cảm xúc thì mới phản ánh chân thực cuộc sống, hiểu hết cái hay cái đẹp của tác phẩm văn học.
c. Kết bài:
– Khẳng định lại ý kiến…
– Liên hệ bản thân