Yếu tố kì ảo trong truyện truyền kì, truyện dân gian

Câu hỏi: Yếu tố kì ảo trong truyện truyền kì, truyện dân gian

Trả lời:

Yếu tố kì ảo là những yếu tố kì lạ, hoang đường thể hiện qua sự kiện, cốt truyện, nhân vật, không gian, thời gian, thủ pháp nghệ thuật,... của truyện kể.

Trong truyện truyền kì, thế giới con người giao thoa và kết nối với thế giới của thánh thần, ma, quỷ. Tuy nhiên, đằng sau những tình tiết kì ảo, phi hiện thực, người đọc có thể tìm thấy những vấn đề cốt lõi của hiện thực cũng như những quan niệm và thái độ của tác giả đối với đời sống đương thời.

Trong truyện dân gian, yếu tố kì ảo được sử dụng nhằm thể hiện quan niệm dân gian về thế giới siêu nhiên hoặc niềm tin vào công lí. Chẳng hạn truyện cổ tích thần kì dùng yếu tố này để thể hiện sức mạnh của các lực lượng siêu nhiên hoặc hiện thực hoá ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp, niềm tin “ở hiền gặp lành".

Quan niệm, mục đích, cách thức sử dụng yếu tố kì ảo trong truyện truyền kì khác với truyện dân gian. Yếu tố kì ảo trong truyện dân gian gắn với niềm tin của tác giả dân gian về sự hiện hữu và vai trò của các thế lực siêu nhiên trong đời sống của con người. Đây cũng là phương tiện giúp người xưa nuôi dưỡng niềm tin và ước mơ về một thế giới tốt đẹp. Thế giới trong truyện truyền kì là một thế giới tưởng tượng. Yếu tố kì ảo trong truyện truyền kì chủ yếu được sử dụng như là phương tiện nghệ thuật, giúp nhà văn dựng nên trong truyện kể một thế giới kì lạ hoang đường, qua đó đề cập đến những vấn đề đáng quan ngại của xã hội đương thời.

Trong truyện hiện đại, khi cần, các nhà văn cũng thường sử dụng yếu tố kì ảo để thực hiện ý đồ nghệ thuật của mình. Các tác phẩm của Nguyễn Tuân như Trên đỉnh non Tản, Xác ngọc lam, Chùa Đàn,... là những ví dụ tiêu biểu.

Đỗ Xuân Quỳnh
22/5/2024
Đánh giá bài viết
icon-make-question icon-make-question