Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) ghi lại cảm xúc của mình sau khi đọc xong bài thơ “Mùa thu đầu tiên” của Nguyễn Bình Phương.

Tìm hiểu tác giả Nguyễn Bình Phương và bài thơ Mùa thu đầu tiên

Tác giả Nguyễn Bình Phương

Tiểu sử:

– Nguyễn Bình Phương sinh ngày 29/12/1965 tại một làng quê ở Thái Nguyên.

– Tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du.

Cuộc đời:

– Nguyễn Bình Phương bắt đầu viết văn từ năm 1986.

– Trải qua thời gian rèn luyện trong quân đội, tích lũy vốn sống phong phú.

– Ngoài viết văn, anh còn làm thơ, tuy nhiên thơ của anh không dễ đọc, mang những vần thơ thoáng buồn.

Sự nghiệp:

– Nguyễn Bình Phương là nhà văn quân đội, không ngừng sáng tác cả văn xuôi và thơ.

– Một số tiểu thuyết nổi tiếng của anh gồm:

+ Vào cõi (NXB Thanh niên, 1991)

+ Những đứa trẻ chết già (NXB Văn học, 1994)

+ Người đi vắng (NXB Văn học, 1999)

+ Trí nhớ suy tàn (NXB Thanh niên, 2000)

+ Thoạt kỳ thuỷ (NXB Hội Nhà văn, 2004).

Bài thơ Mùa thu đầu tiên

Bài đọc

 MÙA THU ĐẦU TIÊN

– Nguyễn Bình Phương

Mang xống áo mùa thu
Làm mùa thu
Nhớ giấc ngủ ngàn thu trong đài sen úa
Nhớ giọng nói mềm mại như bóng râm
Chảy vào căn nhà đổ

Ngày nào về đây xem rùa nổi giữa hồ
Sông Ngân xuống sông Hồng lên tiếng kêu xé ruột
Ngày nào ngó cơn giông trong suốt
Ta cầm tay ta hôn nhau
Tựa hoa nở thật nhẹ nhàng thật chậm

Ngày nào theo em đi lấy rau cần
Gặp mái tóc rũ buồn mệt mỏi
Con diều vàng bén lửa giữa hoàng hôn

Vừa trăng trăng rập rờn
Đã chuông rền loang loáng sóng hồ Tây

Mùa thu len lén ra khỏi cây
Đi nào đi với anh xuống đáy hồ xa thẳm.

Nội dung: Bài thơ Mùa thu đầu tiên là dòng cảm xúc của tác giả về mùa thu Hà Nội. Mượn hình ảnh mùa thu, tác giả cho người đọc thấy gần với bức tranh trừu tượng hơn là một câu chuyện tình yêu.

Dàn ý Cảm xúc sau khi đọc xong bài thơ Mùa xuân đầu tiên

– Dẫn dắt, nêu ấn tượng, cảm xúc ban đầu về bài thơ.

– Trình bày ấn tượng về nội dung của bài thơ (Đối tượng trữ tình “mùa thu đầu tiên” hiện lên có đặc điểm như thế nào? Có những nét gì đặc sắc? => qua đó, nhân vật trữ tình đã bày tỏ tình cảm cảm xúc như thế nào?)

– Trình bày ấn tượng về những nét đặc sắc nghệ thuật (thể thơ, hình ảnh, cách sử dụng từ ngữ, giọng thơ…)

– Kết luận: Ý nghĩa của bài đối với bản thân.

 

Cảm xúc sau khi đọc xong bài thơ Mùa xuân đầu tiên của Nguyễn Bình Phương – Mẫu 1

Mùa thu đầu tiên của Nguyễn Bình Phương là một bài thơ hay, với giai điệu nhẹ nhàng như một bản sonata, nhẹ nhàng như cơn gió mùa thu nhưng làm hồn ta cứ thấy xao xuyên biết bao. Chỉ bằng vài nét chấm phá, cái hồn của mùa thu Hà Nội đã hiện lên trên những địa danh đã trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp lãng mạn của mảnh đất kinh kì ngàn năm văn hiến. Thu trong đất trời, thu trong hồn người, thu mênh mang trên tháp Rùa rêu phong cổ kính, trên sông Hồng sóng hát ngàn năm, trên khói sương Phủ Tây Hồ trong một đêm trăng bạc. Nhà thơ Nguyễn Bình Phương không đi sâu miêu tả cảnh thu, không khí mùa thu, ông chỉ lướt ngòi bút qua những địa danh như để điểm lại, nhưng đối với ai đã từng yêu thu Hà Nội thì mới thấy, chỉ thế thôi nhưng đủ làm sống dậy hồn thu trong lòng người. Và đối với nhân vật trữ tình, với anh và em, thì chính cái điểm lướt qua ấy cũng đủ để đánh thức kí ức ngọt ngào, một cuộc tình lãng mạn mang hương sắc mùa thu. Tình yêu đó trong sáng, ngây thơ bất chấp, mặc kệ giông bão, anh và em vẫn nhẹ nhàng tận hưởng tình yêu ấy trong hương sắc mùa thu. Cái hồn thu mênh mang, dịu dàng, tinh tế đã hòa với tình yêu nồng nàn, trong sáng như pha lê, tất cả đã để lại một kí ức tuyệt đẹp. Tình cảm dành cho mùa thu, dành cho kỉ niệm của nhân vật trữ tình thật đẹp đẽ và nồng ấm biết bao nhiêu. Tình cảm đó, được đặt trong thể thơ tự do, câu thơ mang hơi hướng tượng trưng trừu tượng, các từ láy tạo hình được sử dụng khá nhiều, cùng giọng thơ trong sáng rất phù hợp để làm nên một cảnh thu, tình thu thật đẹp. Tình yêu đã làm cho mùa thu trong anh đẹp hơn, hay mùa thu là chất xúc tác cho tình ta thêm nồng nàn lãng mạn hơn?

Cảm xúc sau khi đọc xong bài thơ Mùa xuân đầu tiên của Nguyễn Bình Phương – Mẫu 2

Mùa thu đầu tiên của Nguyễn Bình Phương không dễ đọc và ám ảnh. Cái hay của bài thơ cũng là cái tài của người viết là ở cách “gọi” ra những tương tự, tương đồng. Sự sâu sắc, tinh tế của Nguyễn Bình Phương đem đến một diện mạo mùa thu thật độc đáo. Nguyễn Bình Phương không tả mà chỉ phác thảo những nét chấm phá về diện mạo của thiếu nữ – tình yêu. Nào là: Nàng thu với áo mùa thu, mang sự bí ẩn của mùa thu và đặc biệt hơn nữa là những hẹn hò bí ẩn của tuổi đang yêu: “Nhớ giọng nói mềm mại như bóng râm/ Chảy vào căn nhà đổ”. Mùa thu đầu tiên là thế đấy, chỉ còn vương lại hương sen, màu sen và bóng sen nhưng sự quả quyết trong tình yêu thì đâu phải ai cũng có được. Thơ Nguyễn Bình Phương có đôi lúc bỏ mặc những dấu phẩy để ngắt và để mặc cho các ý cứ thông suốt với nhau mà làm nên sự trôi chảy, tuần hoàn, kiểu như: “Sông Ngân xuống sông Hồng lên tiếng kêu xé ruột” hay “Ta cầm tay ta hôn nhau”. Những động từ đồng đẳng, những ý nghĩ xô đẩy câu thơ tràn cảm xúc. Tuy nhiên, đọc kỹ ta vẫn nhận ra hai mạch xúc cảm. Một là, trầm tư suy cảm: “Xem rùa nổi giữa hồ”; “ngó cơn giông trong suốt’ hay: “Tựa hoa nở thật nhẹ nhàng thật chậm” và mạch thứ hai là quả quyết, nhanh, gấp như: “Sông Ngân xuống sông Hồng lên tiếng kêu xé ruột” hay “Ta cầm tay ta hôn nhau”. Từ đó, người đọc nhận ra mùa cứ tự nhiên mà chuyển vận, còn tình yêu của đôi trai gái ấy vẫn đương xuân. Bao giờ cũng thế, trước khi vút lên bằng sự da diết của những động từ như: “Chảy”, “kêu xé” và giờ đây là “bén lửa”, nhà thơ vẫn tìm cách kìm nén, hãm chậm bằng những biểu tượng mang nữ tính, dịu dàng như: “Giọng nói mềm mại như bóng râm” và “Gặp mái tóc rũ buồn mệt mỏi”. Có phải, người tình ấy không tha thiết mặn mà không hay đó là một sự ẩn chứa ngọn lửa bên trong. Rõ ràng, “mùa thu” này không chỉ mang dáng dấp, tâm hồn mà cả trái tim của nàng thiếu nữ. Mùa thu vụng trộm hẹn hò, theo nhau đến nơi đẹp nhất của tình yêu. Dù đã biết trước điều ấy mà đọc lại những câu thơ này vẫn thấy hấp dẫn bởi cách sử dụng hình ảnh và dẫn dắt ý tứ của nhà thơ Nguyễn Bình Phương.

By ngocnhu

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *