Tìm hiểu về tác giả Đỗ Trung Quân và bài thơ Bài học đầu đời cho con qua đó cho ta thấy được cảm xúc của những người con mỗi khi nhắc tới quê hương.
Tìm hiểu về tác giả Đỗ Trung Quân và bài thơ Bài học đầu đời cho con
Tác giả Đỗ Trung Quân
Tiểu sử:
- Đỗ Trung Quân sinh ngày 19/1/1955
- Nơi sinh: Thành phố Hồ Chí Minh
- Mẹ là bà Đỗ Thị Hảo, mất khi ông 15 tuổi.
- Học vấn: Tốt nghiệp Tú tài, học tại Viện Đại học Vạn Hạnh.
- Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam: Từ năm 1997.
Cuộc đời:
- 1976-1980: Tham gia Thanh niên xung phong Thành phố Hồ Chí Minh.
- Sau đó công tác tại báo Tuổi trẻ.
- Mưu sinh và tự lập sau khi mẹ mất.
Sự nghiệp:
- Sáng tác văn học, trình bày bìa sách, minh họa sách báo.
- Nhiều bài thơ được phổ nhạc và yêu thích như “Hương tràm,” “Quê hương,” “Phượng hồng.”
- Tác phẩm:
- “Cỏ hoa cần gặp” (thơ, NXB Thuận Hoá, 1991)
- “Chân mây cuối trời” (in chung cùng Hoàng Ngọc Biên, 2003)
Bài thơ Bài học đầu đời cho con
Bài đọc:
Bài học đầu đời cho con
Quê hương là gì hở mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu
Quê hương là gì hở mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều
Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay
Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông
Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng che
Là hương hoa đồng cỏ nội
Bay trong giấc ngủ đêm hè
Quê hương là vòng tay ấm
Con nằm ngủ giữa mưa đêm
Quê hương là đêm trăng tỏ
Hoa cau rụng trắng ngoài thềm
Quê hương là vàng hoa bí
Là hồng tím giậu mồng tơi
Là đỏ đôi bờ dâm bụt
Màu hoa sen trắng tinh khôi
Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ…
Nội dung: Bài thơ Bài học đầu đời cho con xoay quanh việc tác giả truyền đạt những bài học quan trọng đầu tiên cho con của mình về quê hương. Từ những câu hỏi đầu tiên “Quê hương là gì hở mẹ mà cô giáo dạy phải yêu? Quê hương là gì hở mẹ ai đi xa cũng nhớ nhiều?” đã khơi dậy sự tò mò và tương tác giữa người đọc và tác giả.
Ý nghĩa: Bài thơ Bài học đầu đời cho con không chỉ mang đến những cảm xúc sâu lắng về quê hương mà còn chứa đựng những thông điệp giáo dục tình yêu quê hương, lòng biết ơn và trách nhiệm của con người đối với quê hương.
Dàn ý đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc đoạn thơ Bài học đầu cho con
a. Mở đoạn:
Giới thiệu tên bài thơ, tác giả và nêu cảm nhận chung về bài thơ, đoạn thơ….
b.Thân đoạn:
– Thể hiện cảm nghĩ về bài thơ thông qua việc lựa chọn các từ ngữ biểu cảm, câu văn cảm thán, câu hỏi tu từ,…
– Thể hiện cảm nghĩ qua các hình ảnh, từ ngữ đặc sắc về nội dung và nghệ thuật được trích dẫn trong bài thơ, đoạn thơ đó.
c. Kết đoạn:
Khẳng định lại cảm nghĩ về bài thơ và ý nghĩa của bài thơ.
Đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc đoạn thơ Bài học đầu cho con
Mẫu 1:
Bài học đầu cho con được đăng trên báo Khăn quàng đỏ năm 1986 và nhanh chóng được đông đảo bạn bè mến mộ. Ban đầu bài thơ được làm trong phạm vi nhỏ hẹp dành để tặng Quỳnh Anh, con của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng là người bạn thân thiết của tác giả Đỗ Trung Quân. Về sau những lời thơ ngọt ngào, da diết đặc biệt là tình yêu quê hương đất nước sâu nặng được tác giả gửi gắm đã khiến Bài học đầu cho con trở thành một trong những bài thơ nổi tiếng được rất nhiều người yêu thích.
Trở đi trở lại trong bài thơ là hình ảnh của quê hương trong thắc mắc của đứa trẻ. Có lẽ hai tiếng quê hương với nhiều người nhất là con trẻ còn rất xa vời, trừu tượng và khó lý giải. Đến với bài thơ này nhà thơ Đỗ Trung Quân đã có những cắt nghĩa, lý giải rất đơn giản và cụ thể về quê hương đất nước của mình. Quê hương không phải điều gì xa vời, trừu tượng, quê hương là những thứ vô cùng đơn giản và bình dị, chính là những thứ xung quanh ta.
Mở đầu bài thơ tác giả sử dụng câu hỏi tu từ đầy ngọt ngào “quê hương là gì hở mẹ; quê hương là gì, mẹ ơi” Câu hỏi được lặp đi lặp lại hai lần nhấn mạnh khát khao và mong mỏi của đứa trẻ, muốn được lý giải về hình ảnh của quê hương đất nước. Quê hương là gì? Quê hương chính là nơi ta sinh ra, khi đi xa ta luôn nhớ về về những kỷ niệm và hình ảnh thân thuộc nhất. Quê hương hiện ra qua tiếng hát, lời ru của bà và của mẹ. Thế nên nhà thơ đã có những lý giải thật đơn giản về quê hương.
Biện pháp tu từ so sánh và điệp ngữ, liệt kê đã lý giải quê hương thân thuộc và bình dị ở xung quanh ta. Quê hương là chùm khế ngọt, quê hương là đường đi học, là con diều biếc, là con đò nhỏ, là vàng hoa bí, dậu mồng tơi, là đôi bờ dâm bụt… trong lý giải của nhà thơ hình ảnh quê hương gần gũi thân quen, là cuộc sống và tuổi thơ của mỗi người, gắn với cuộc đời của mỗi người. Là chùm khế ngọt thơm mát để con trèo hái mỗi ngày; là con đường quen thuộc đưa con tới trường; là cánh diều tuổi thơ chở bao ước mơ của con trẻ; là con đò đưa khách sang sông. Không những thế quê hương còn bình dị đến nỗi là màu hoa của bí, của dậu mồng tơi mẹ trồng, là bông sen trắng tinh khôi ngoài ruộng, trên bờ ao… Đâu có gì trừu tượng đâu, những định nghĩa, so sánh về quê hương khiến người đọc mỗi người cảm nhận được quê hương thân thuộc, gắn bó với cuộc đời của mỗi con người biết bao nhiêu. Thế nên mỗi chúng ta lại càng phải yêu thương, trân trọng và gắn bó với quê hương nhiều hơn
Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước bên sông
Điệp ngữ quê hương là trở đi trở lại trong tất cả các khổ thơ, như muốn khẳng định nhiều nghĩa của nó. Đỗ Trung Quân không thể tóm tắt khái niệm quê hương là gì, vì nó có vô số ý nghĩa. Với mỗi người, quê hương là ký ức, là tâm hồn, là nỗi nhớ, là nỗi nhớ không thể rời xa. gắn bó với quê hương thật tuyệt vời, còn có tình yêu thương, bạn bè, gia đình, thầy cô, … phép điệp ngữ còn nhấn mạnh tình yêu quê hương đất nước tha thiết của tác giả, niềm tự hào về mảnh đất nơi mình đã sinh ra, trưởng thành khôn lớn nên người. Thể hiện với mỗi người quê hương là ký ức, tâm hồn, nỗi nhớ không thể rời xa.
Đoạn thơ cuối giống như một lời nhắc nhở mỗi người hãy luôn nhớ về quê hương yêu dấu của mình. Nhà thơ tiếp tục sử dụng hình ảnh so sánh
Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Nhà thơ ví quê hương như người mẹ luôn dang rộng vòng tay ôm lấy đàn con thơ trở về. Kể cả khi không có nhà thì quê hương vẫn bảo vệ con giống trước những bão tố, mưa giông ngoài kia. Quê hương ở đây cũng chính là hình ảnh người mẹ, luôn luôn hy sinh vì con cái? Quê hương còn là vầng trăng, soi sáng lối đi, dẫn dắt chúng ta đi đến muôn nơi, luôn đồng hành cùng chúng ta trên mọi nẻo đường. Quê hương với mỗi người là duy nhất, cũng như mẹ chúng ta, chỉ có một người mẹ duy nhất trong đời. Đỗ Trung Quân còn nhấn mạnh rằng
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người
Câu thơ cuối giống như một lời nhắc nhở, cảnh tỉnh con người phải luôn biết ơn quê hương, trân trọng quê hương, nếu không biết ơn quê hương, tức là quên đi cội nguồn thì sẽ không bao giờ lớn khôn thành người được.
Bài thơ sử dụng hình ảnh quen thuộc, bình dị nhất, với giọng điệu ngân nga, dạt dào, tha thiết, nhắc nhở mỗi chúng ta về quê hương, gắn bó và thân thuộc đối với mỗi cuộc đời. Biết ơn quê hương mỗi người đều phấn đấu rèn luyện, học hành chăm chỉ để xây dựng quê hương thêm giàu đẹp.
Mẫu 2:
“Quê hương” hai tiếng gọi thân thương và đầy cảm xúc. Có ai đã từng thắc mắc: quê hương là gì chưa vậy ? Tôi thì rồi đó . Cho đến khi đọc bài thơ ”Bài học đầu cho con” thì tôi mới biết quê hương là gì. Quê hương là chùm khế ngọt, là con đường hằng ngày ta đi học tới trường, là con diều ngày ngày thả trên bãi cỏ, là cây cầu nhỏ mà chiều nào cũng ngồi câu cá, là đêm trăng và là mẹ yêu dấu. Tóm lại những gì gần gũi nhất, quen thuộc nhất và quý giá nhất thì đó là quê hương. Qúy giá và gần gũi như vậy thì quê hương là một khung trời cảm xúc là tràn trề sự yêu thương, là ngập tràn tiếng cười. Đọc bài thơ mà tôi bỗng trở nên bồi hồi , một cảm giác nghẹn ngào cay nhẹ nơi khóe mắt. Hóa ra đó là tình yêu quê hương. Tôi yêu những khóm hoa ven đường làng, những thảm cỏ chiều nào cũng ngồi chơi và tôi yêu mẹ. Người đưa tôi đến với thế giới, cho tôi quê hương và dạy tôi trở thành một người biết yêu và trân trọng quê hương.