Soạn văn 8 bài Thu điếu ngắn nhất

Hướng dẫn Soạn văn 8 bài Thu điếu ngắn nhất. Trả lời toàn bộ câu hỏi trong SGK Ngữ văn 8 Kết nối tri thức chi tiết, đầy đủ bám sát chương trình học


I. Tìm hiểu chung về tác phẩm


1. Tác giả Nguyễn Khuyến

- Nguyễn Khuyến (1835 – 1909) quê ở xã Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ông đỗ đầu cả ba kì thi nên thường được gọi là Tam Nguyên Yên Đổ.

- Thơ Nguyễn Khuyến thể hiện tình cảm tha thiết gắn bó với quê hương và ẩn chứa tâm sự yêu nước cùng nỗi u uẩn trước thời thế. Đặc biệt Nguyễn Khuyến đã đưa cảnh sắc thiên nhiên và cuộc sống thân thuộc, bình dị của làng quê vào trong thơ một cách tự nhiên tinh tế.

- Ngòi bút tả cảnh của ông vừa chân thực vừa tài hoa; ngôn ngữ thơ giản dị mà điêu luyện.


2. Tìm hiểu tác phẩm Thu điếu

a. Thể loại và xuất xứ

Văn bản Thu điếu thuộc thể thơ thất ngôn bát cú đường luật.

- Bài thơ Thu điếu là một trong chùm ba bài thơ thu của Nguyễn Khuyến được sáng tác vùng quê nơi nhà thơ ở ẩn.

b. Bố cục văn bản Thu điếu

Bố cục: đề – thực – luận – kết.

+ Cảnh thu: 6 câu thơ đầu.

+Tình thu: 2 câu thơ cuối.

c. Nội dung và giá trị của tác phẩm

* Nội dung:

Bài thơ miêu tả vẻ đẹp của bức tranh mùa thu, tình yêu thiên nhiên, đất nước và tâm trạng thời thế của tác giả.

* Giá trị nghệ thuật:

- Cách gieo vần đặc biệt: Vần “eo” (tử vận) khó làm, được tác giả sử dụng một cách thần tình, độc đáo, góp phần diễn tả một không gian vắng lặng, thu nhỏ dần, khép kín, phù hợp với tâm trạng đầy uẩn khúc của nhà thơ.

- Lấy động nói tĩnh- nghệ thuật thơ cổ phương Đông.

- Vận dụng tài tình nghệ thuật đối.


II. Trả lời câu hỏi sách giáo khoa

Soạn văn 8 bài Thu điếu ngắn nhất

Trước khi đọc


Câu 1 trang 40 SGK Ngữ văn 8 tập 1

Em yêu thích mùa nào trong năm? Liệt kê một số từ ngữ em muốn dùng để miêu tả vẻ đẹp của mùa đó.

Lời giải:

Em thích nhất mùa xuân.

Một số từ ngữ em muốn dùng để miêu tả vẻ đẹp của mùa xuân là: rực rỡ, tươi tắn, rộn ràng, ấm áp, trong lành…

Sau khi đọc 


Câu 1 trang 41 SGK Ngữ văn 8 tập 1

Chỉ ra đặc điểm thi luật (bố cục, niêm, luật bằng trắc, vần, nhịp, đối) của thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật được thể hiện trong bài thơ Thu điếu.

Lời giải:

Đặc điểm thi luật (bố cục, niêm, luật bằng trắc, vần, nhịp, đối) của thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật được thể hiện trong bài thơ Thu điếu là:

- Bố cục: 4 phần (đề/ thực/ luận/ kết)

- Niêm: veo - teo, vèo - teo - bèo.

- Vần: eo

- Nhịp: 2/ 2/3 hoặc 4/3

- Đối: nắng xuống - trời lên.


Câu 2 trang 41 SGK Ngữ văn 8 tập 1

Giải thích ý nghĩa của nhan đề bài thơ. Chỉ ra mối liên hệ giữa nhan đề và hai câu đề.

Lời giải:

- Nhan đề bài thơ là Thu điếu hay “Mùa thu câu cá” nhưng không phải miêu tả việc kiếm cá ăn; câu cá mà là để cảm nhận hương sắc mùa thu.

- Nhan đề “Mùa thu câu cá” có mối liên hệ trực tiếp với nội dung của hai câu đề


Câu 3 trang 41 SGK Ngữ văn 8 tập 1

Bức tranh thiên nhiên mùa thu được tái hiện ở những khoảng không gian nào? Nhận xét về trình tự miêu tả những khoảng không gian đó.

Lời giải:

- Bức tranh thiên nhiên được tái hiện ở những khoảng không gian: mặt ao (nước, thuyền câu, sóng), bầu trời (tầng mây, trời), mặt đất (ngõ trúc).

- Trình tự miêu tả không gian: từ gần đến xa, từ xa đến gần; từ thấp đến cao, từ cao xuống thấp.


Câu 4 trang 41 SGK Ngữ văn 8 tập 1

Phân tích các từ ngữ miêu tả hình dáng, màu sắc, âm thanh, chuyển động,… của các sự vật; từ đó hãy khái quát những nét đẹp điển hình của mùa thu vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ được tái hiện trong bài thơ.

Lời giải:

- Lạnh lẽo, trong veo: gợi tiết trời se lạnh, mặt nước phẳng lặng, làn nước trong suốt.

- Bé tẻo teo: chỉ sự bé nhỏ của con thuyền trên mặt ao thu.

- Xanh ngắt: gợi nền trời cao, rộng và không gian trong trẻo của một ngày thu nắng đẹp

- Tầng mây lơ lửng: gợi vẻ bình yên, thanh tĩnh.

- Ngõ trúc: lối ngõ nhỏ, quanh co.


Câu 5 trang 41 SGK Ngữ văn 8 tập 1

Ở hai câu kết, hình ảnh con người hiện lên trong tư thế, trạng thái như thế nào? Qua đó, em cảm nhận được nỗi niềm tâm sự gì của tác giả?

Lời giải:

- Ở hai câu kết, hình ảnh con người hiện lên trong tư thế của người ngồi câu cá “tựa gối, buông cần” với trạng thái trầm tư. Qua đó có thể thấy được cái tĩnh lặng của ngoại cảnh đã góp phần tạo nên khoảnh khắc trầm lặng, suy tư của con người.


Câu 6 trang 41 SGK Ngữ văn 8 tập 1

Nêu chủ đề của bài thơ. Chủ đề ấy giúp em hiểu thêm điều gì về tâm hồn tác giả?

Lời giải:

- Chủ đề: Vẻ đẹp của mùa thu đất Bắc và tình cảm gắn bó thiết tha với quê hương của tác giả; qua đó bày tỏ niềm ưu tư trước thời cuộc.

- Chủ đề ấy giúp em thấy được thêm về tâm hồn tác giả, đó là tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, chan hòa với thiên nhiên; yêu mến và trân trọng cuộc sống bình yên nơi làng quê; tâm sự sâu kín của một con người dẫu tìm về cuộc sống ẩn dật vẫn không nguôi nỗi buồn thời thế,…

Vũ Hồng Nhung
29/11/2023
Đánh giá bài viết
icon-make-question icon-make-question