Soạn văn 8 bài Qua đèo ngang ngắn nhất

Hướng dẫn Soạn văn 8 bài Qua đèo ngang ngắn nhất. Trả lời toàn bộ câu hỏi trong SGK Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo chi tiết, đầy đủ bám sát chương trình học


I. Tìm hiểu chung về tác phẩm


1. Tác giả Bà Huyện Thanh Quan

- Bà Huyện Thanh Quan tên thật là Nguyễn Thị Hinh, sống ở thế kỉ XIX, chưa rõ năm sinh, năm mất, quê ở làng Nghi Tàm, nay thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội.

- Bà Huyện Thanh Quan sáng tác không nhiều nhưng các tác phẩm của Bà Huyện Thanh Quan đều rất nổi tiếng bà là một trong số nữ sĩ tài danh hiếm có trong thời đại ngày xưa, hiện còn để lại sáu bài thơ Đường luật.

- Thơ bà nổi tiếng với sự tài tình trong lối chơi chữ, đối vần điệu đúng luật nhưng vẫn đưa đầy đủ nét nữ tính vào trong thơ ca và trên hết là tấm lòng yêu nước, thương nhà da diết, khôn nguôi của người con đất Việt.

- Hầu hết các tác phẩm của bà được viết bằng chữ Nôm, theo thể Đường luật. Hiện tìm được những bài sau: Thăng Long thành hoài cổ, Qua chùa Trấn Bắc, Qua Đèo Ngang, Chiều hôm nhớ nhà, Tức cảnh chiều thu, Cảnh đền Trấn Võ, Cảnh Hương sơn.

- Phong cách nghệ thuật: bà Huyện Thanh Quan là một cây bút điêu luyện, đầy chất thơ với ngôn ngữ trau chuốt được gọt giũa cẩn thận. Thơ bà thể hiện lòng yêu mến cảnh quan thiên nhiên, đất nước và tâm sự u hoài trước thế sự đổi thay.


2. Tìm hiểu tác phẩm Qua đèo ngang

a. Thể loại và xuất xứ 

Qua đèo ngang thuộc thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật, được sáng tác khi bà từ trên đường từ Bắc Hà vào Huế nhận chức “Cung Trung giáo tập”

b. Bố cục bài Qua đèo ngang

- Phần 1 (hai câu đề): Cái nhìn chung về cảnh vật Đèo Ngang

- Phần 2 (hai câu thực): Cuộc sống của con người ở Đèo Ngang

- Phần 3 (hai câu luận): Tâm trạng của tác giả

- Phần 3 (hai câu kết): Nỗi cô đơn đến tột cùng của tác giả

c. Nội dung và giá trị nghệ thuật

* Nội dung:

- Bài thơ “Qua Đèo Ngang” cho thấy cảnh tượng Đèo Ngang thoáng đãng mà heo hút, thấp thoáng có sự sống của con người nhưng còn hoang sơ, đồng thời, thể hiện nỗi nhớ nước, thương nhà, nỗi buồn thầm lặng, cô đơn của tác giả.

* Giá trị nghệ thuật

- Thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật

- Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình

- Sử dụng từ láy gợi hình gợi cảm và nghệ thuật đối lập, đảo ngữ


II. Trả lời câu hỏi sách giáo khoa

Soạn văn 8 bài Qua đèo ngang ngắn nhất

Suy ngẫm và phản hồi 


Câu 1 trang 10 SGK Ngữ văn 8 tập 2

Xác định bố cục của bài thơ.

Lời giải:

Bố cục bài thơ có bốn phần:

- Phần 1 (câu 1, 2): cái nhìn bao quát về cảnh vật vắng vẻ và đìu hiu, thể hiện tâm trạng cô đơn, buồn bã của tác giả.

- Phần 2 (câu 3, 4): cuộc sống con người ở Đèo Ngang.

- Phần 3 (câu 5, 6): tâm trạng nhớ nước, thương nhà của tác giả.

- Phần 4 (câu 7, 8): tâm sự cô đơn của tác giả.


Câu 2 trang 10 SGK Ngữ văn 8 tập 2

Cho biết bài thơ được làm theo luật bằng hay luật trắc và đã tuân thủ quy định về luật, niêm, vần, đối của một bài thơ thất ngôn bát cú luật Đường như thế nào?

Lời giải:

Đây là bài thơ thất ngôn bát cú luật trắc vần bằng:

- Luật: luật trắc vì tiếng thứ hai của câu 1 là tiếng thanh trắc (tới).

- Niêm: câu 1 niêm với câu 8, câu 2 niêm với câu 3, câu 4 niêm với câu 5, câu 6 niêm với câu 7, câu 8 lại niêm với câu 1.

- Vần: chỉ hiệp theo một vần là vần bằng, gieo ở cuối câu 1 (tà) và các câu chẵn là 2, 4, 6 và 8 (hoa – nhà – gia – ta).

- Nhịp: chủ yếu ngắt nhịp 4/3, hai câu 5 và 6 ngắt nhịp 2/2/4. Đây là cách ngắt nhịp tiêu biểu của thơ thất ngôn bát cú Đường luật, tạo âm điệu nhẹ nhàng, sâu lắng.

- Đối: câu thứ ba đối với câu thứ tư, câu thứ năm đối với câu thứ sáu.


Câu 3 trang 10 SGK Ngữ văn 8 tập 2

Cảnh Đèo Ngang được gợi tả như thế nào trong bốn câu thơ đầu? Cảnh đó góp phần thể hiện tâm trạng gì của tác giả?

Lời giải:

Cảnh Đèo Ngang trong bốn câu thơ đầu hiện lên với khung cảnh hoang vắng nhưng đầy sức sống của thiên nhiên. Hoang vắng được thể hiện ở sự lặng lẽ, đìu hiu của đời sống con người được mô tả bằng những hình ảnh ước lệ mang tính biểu tượng (cỏ cây, đá, lá, hoa), từ láy đặc sắc (lom khom, lác đác), điệp từ (chen). Cảnh vật đó góp phần làm nổi bật tâm trạng cô đơn, rợn ngợp trước thiên nhiên bao la của tác giả.


Câu 4 trang 10 SGK Ngữ văn 8 tập 2

Trong các cặp câu 3 – 4 và 5 – 6, tác giả đã sử dụng những biện pháp tu từ nào? Nêu tác dụng của chúng.

Lời giải:

Trong cặp câu 3 - 4 và 5 - 6, tác giả đã sử dụng những biện pháp tu từ là đảo ngữ và chơi chữ

Tác dụng: Nói lên được cảnh quan thiên nhiên ở đèo ngang đẹp và hoang sơ đồng thời thể hiện sự cô đơn, nỗi nhớ nước thương nhà da diết của tác giả.


Câu 5 trang 10 SGK Ngữ văn 8 tập 2

Cách ngắt nhịp của câu thơ thứ bảy có gì đặc biệt? Cách ngắt nhịp đó giúp em hình dung như thế nào về tâm trạng của tác giả?

Lời giải:

Cách ngắt nhịp của câu thơ thứ bảy là 4/1/1/1. Cách ngắt nhịp đó khiến ta hình dung được tâm trạng ngập ngừng và cô đơn của tác giả.


Câu 6 trang 10 SGK Ngữ văn 8 tập 2

Em hiểu thế nào về nội dung của câu thơ cuối?

Lời giải:

Nội dung của câu thơ cuối là tâm trạng cô đơn của tác giả được miêu tả rõ nét thông qua những từ ngữ đặc sắc như mảnh tình hay cách diễn đạt độc đáo "ta với ta". Không những thế mạch cảm xúc của bài thơ có sự vận động từ nỗi buồn do ngoại cảnh tác động đến tâm trạng nhớ nước, thương nhà và cuối cùng là sự cô đơn khi đối diện chính mình, không có đối tượng để chia sẻ.


Câu 7 trang 10 SGK Ngữ văn 8 tập 2

Xác định cảm hứng chủ đạo của bài thơ.

Lời giải:

Cảm hứng chủ đạo trong bài thơ Qua Đèo Ngang là nỗi buồn, nỗi cô đơn, lẻ loi của nhà thơ khi đứng trước khung cảnh hoang vắng, cô liêu của Đèo Ngang, chạnh lòng nhớ nhà, nhớ nước của một thời quá vãng.

Vũ Hồng Nhung
29/11/2023
Đánh giá bài viết
icon-make-question icon-make-question