Soạn văn 7 bài Quê hương ngắn nhất

Hướng dẫn Soạn văn 7 bài Quê hương ngắn nhất. Trả lời toàn bộ câu hỏi trong SGK Ngữ văn 7 kết nối tri thức chi tiết, đầy đủ bám sát chương trình học.


I. Tác giả – tác phẩm


1.Tác giả

- Tế Hanh (1921- 2009), tên khai sinh là Trần Tế Hanh

- Quê quán: sinh ra tại một làng chài ven biển tỉnh Quảng Ngãi

- Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác

+ Ông có mặt trong phong trào thơ Mới ở chặng cuối với những bài thơ mang nỗi buồn và tình yêu quê hương

+ Sau năm 1945, Tế Hanh sáng tác phục vụ cách mạng và kháng chiến

+ Ông được nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật

- Phong cách sáng tác: thơ ông chân thực với cách diễn đạt bằng ngôn ngữ giản dị, tự nhiên và rất giàu hình ảnh, bình dị mà tha thiết


2. Tác phẩm

a. Thể loại: Bài “Quê hương”dược viết theo thể thơ 8 tiếng (thơ mới)

b. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác:

- Bài thơ viết năm 1939, khi Tế Hanh đang học tại Huế trong nỗi nhớ quê hương - một làng chài ven biển tha thiết. Bài thơ được rút trong tập Nghẹn ngào (1939) và sau đó được in trong tập Hoa niên (1945)

c. Phương thức biểu đạt :

Bài thơ Quê hương có phương thức biểu đạt là biểu cảm

d. Bố cục:

- 2 câu đầu: Giới thiệu chung về làng quê.

- 6 câu tiếp: Cảnh dân chài bơi thuyền ra khơi đánh cá

- 8 câu tiếp: Cảnh thuyền cá về bến.

- 4 câu tiếp: Nỗi nhớ làng chài, nhớ quê hương

 e. Giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật

  • Giá trị nội dung:

- Bài thơ đã vẽ ra một bức tranh tươi sáng, sinh động về một làng quê miền biển. Trong đó nổi bật lên hình ảnh khỏe khoắn, đầy sức sống của người dân chài và cảnh sinh hoạt lao động chài lưới. Qua đó cho thấy thấy tình cảm quê hương trong sáng, tha thiết của nhà thơ.

  • Giá trị nghệ thuật:

- Giọng thơ mộc mạc, giản dị, ngôn ngữ giàu giá trị biểu cảm.

- Hình ảnh so sánh giàu hình ảnh, có giá trị biểu cảm cao, phép nhân hóa.

- Phép ẩn dụ, đảo trật tự từ trong câu.

- Hàng loạt động từ mạnh, tính từ, phép liệt kê.

- Sử dụng phương pháp biểu đạt tự sự đan xen miêu tả và biểu cảm.

Soạn văn 7 bài Quê hương ngắn nhất

II. Trả lời câu hỏi sách giáo khoa

Sau khi đọc


Câu 1 (trang 74, SGK Ngữ văn 7, tập 1):

Tìm trong bài thơ những chi tiết có thể giúp em nhận biết quê hương của tác giả là một làng chài ven biển

Lời giải 

Trong bài thơ, những chi tiết có thể giúp em nhận biết quê hương của tác giả là:

+ Làng tôi ở làm nghề chài lưới: nước bao vây cách biển nửa ngày sông

+  Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá

+ Tấp nập đón nghe về, dân chài lưới làn da ngăm rám nắng, màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi…


Câu 2 (trang 74, SGK Ngữ văn 7, tập 1):

Chỉ ra hiệu quả của một số biện pháp tu từ được tác giả sử dụng để miêu tả hình ảnh con thuyền lúc ra khơi

Lời giải

Một số biện pháp tu từ được tác giả sử dụng để miêu tả hình ảnh con thuyền lúc ra khơi là:

- Hình ảnh so sánh “Chiếc thuyền nhẹ băng như con tuấn mã/ Phăng mái chèo, mạnh mẽ vượt trường giang => Tác dụng: tái hiện vẻ đẹp của con thuyền lúc ra khơi như một sinh thể sống động, đẹp đẽ, tràn đầy sức mạnh, lướt băng băng vượt qua dòng sông hướng về biển lớn; đồng thời gợi lên vẻ đẹp của con người lao động - hiên ngang, hào hùng như những kĩ sĩ, tráng sĩ.

- Hình ảnh so sánh kết hợp nhân hóa “Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng/ Rướn thân trắng bao la thâu góp gió” => Tác dụng: Giúp hình dung rõ hơn một điều tưởng vô hình là cái hồn, cái chất riêng của làng chài và những con người nơi đây. Gợi tả được vẻ đẹp của người dân làng chài với tình yêu lao động, tâm hồn phóng khoáng, lãng mạn, tình cảm gắn bó sâu nặng với quê hương.


Câu 3 (trang 74, SGK Ngữ văn 7, tập 1):

Em hãy chọn phân tích một số từ ngữ, hình ảnh đặc sắc trong đoạn thơ sau:

"Dân chài lưới, làn da ngăm rám nắng

Cả thân hình nồng thở vị xa xăm

Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm

Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ"

Lời giải

Sau thời gian lao động vất vả, người dân chài lưới phơi nắng phơi gió ngoài biển khơi dưới bút pháp tả thực đặc biệt, đã mang dáng vẻ riêng biệt của mình "làn da ngăm rám nắng". Cùng với đó là "thân hình nồng thở vị xa xăm" thân hình vạm vỡ của người dân chài thấm đẫm hơi thở của biển cả nồng mặn vị muối của đại dương bao la gợi ra dáng vẻ muốn hòa cả linh hồn vào với biển cả quen thuộc. Song song với sự vất vả của con người, con thuyền không giấu giếm vẻ mệt mỏi của mình "Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm". Biện pháp nhân hoá khiến người đọc hình dung rất rõ dáng vẻ nặng nề, thấm mệt của chiếc thuyền khi chậm chạp neo vào bến đỗ, thấm đượm xúc cảm bâng khuâng thương nhớ của người con xa quê hương. Nó lặng im "Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ". Trong câu thơ này, Tế Hanh đã sử dụng biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác một cách một cách tinh tế. "Nghe" là động từ chỉ hoạt động của thính giác, "thấm" lại là cảm nhận của xúc giác. Con thuyền nằm nghỉ đồng thời cảm nhận từng chuyển động tinh vi nhất đang diễn ra trong mình, thuyền như trở nên có hồn hơn, nó không còn là một vật vô tri vô giác nữa mà đã trở thành người bạn của ngư dân. Cách viết ấy vừa gợi sự mệt nhọc thấm thía của con thuyền vừa thể hiện được sự tinh tế tuyệt vời của nhà thơ, tưởng như Tế Hanh đồng cảm sâu sắc với cảm giác, cảm xúc của con thuyền...


Câu 4 (trang 74, SGK Ngữ văn 7, tập 1):

Đọc bài thơ, em cảm nhận được những vẻ đẹp nào của con người và cuộc sống nơi làng chài?

Lời giải 

Đọc bài thơ, em cảm nhận được vẻ đẹp lao động của con người và cuộc sống nơi làng chài:

- Cảnh đánh bắt cá trên biển:

+ Không gian, thời gian: 1 buổi sớm trời trong, gió nhẹ ⇒ điều kiện thuận lợi để ra khơi.

+ Hình ảnh chiếc thuyền đánh cá: dũng mãnh vượt biển, thể hiện qua các động từ mạnh “hăng”, “phăng”, “mạnh mẽ vượt” và phép so sánh “như con tuấn mã”

+ Hình ảnh cánh buồm giữa biển khơi: con thuyền như linh hồn của người dân làng chài, nổi bật trên nền trời bao la rộng lớn ngoài biển khơi.

-> Khung cảnh tuyệt đẹp, trần đầy sức sống, sự tươi mới, hứa hẹn một ngày ra khơi thắng lợi, qua đó ta cũng thấy được hình ảnh bình dị, quen thuộc

- Cảnh con thuyền trở về:

+ Người dân: tấp nập, hớn hở với thành quả của 1 ngày đánh bắt

+ Hình ảnh người dân chài: làn da “ngăm rám nắng” , thân hình “nồng thở vị xa xăm” ⇒ khỏe mạnh, đậm chất miền biển, đầy lãng mạn với “vị xa xăm” – vị của biển khơi, của muối, của gió biển – đặc trưng cho người dân chài.

+ Hình ảnh con thuyền: động từ nhân hóa “mỏi”, “nằm”, “nghe”,… con thuyền như một con người lao động, biết tự cảm nhận thân thể của mình sau một ngày lao động mệt mỏi.

-> Bức tranh tươi sáng, sinh động về một làng quê miền biển và hình ảnh khỏe khoắn, tràn đầy sức sống, tinh thần lao động của người dân làng chài.

=> Con người: khỏe khoắn, cường tráng, yêu lao động, tâm hồn phóng khoáng, lạc quan,...

=> Cuộc sống nơi làng chài: vừa giản dị, bình yên vừa sôi động, tràn trềm sức sống, gắn bó với thiên nhiên


Câu 5 (trang 74, SGK Ngữ văn 7, tập 1):

Tình cảm của tác giả với quê hương được thể hiện như thế nào trong bài thơ?

Lời giải

Tác giả Tế Hanh gửi lòng mình vào với Quê hương để bộc lộ nỗi thương nhớ đối với quê hương tha thiết, một tình yêu thủy chung, gắn bó với nơi đã bao bọc mình, tình yêu to lớn ấy được thể hiện: qua nét qua màu xanh của nước, màu bạc của cá, màu trắng của cánh buồm, con thuyền như những con tuấn mã mạnh mẽ ra khơi… Đó là tất cả những gì thuộc về làng quê ven biển, những đường nét, màu sắc bình dị, thân thuộc và đặc trưng chỉ có vùng biển khơi mới có. Phải là người gắn bó sâu nặng, yêu quê tha thiết thì mới có những cảm nhận chính xác đến vậy, người không dành tình cảm mặn nồng cho quê hương thì sẽ không thể tận hưởng, thương nhớ rõ như nhà thơ Tế Hanh. Ông nâng niu, trân quý, yêu thương làng quê của mình tới mức ngửi được không chỉ có nhìn nhận bằng mắt mà còn được cảm nhận bằng vị giác “mùi nồng mặn”, đó là mùi của biển khơi, cá tôm, mùi của con người, một hương vị đặc trưng của quê hương miền biển.

Vũ Hồng Nhung
29/11/2023
Đánh giá bài viết
icon-make-question icon-make-question