Soạn văn 6 bài Chuyện cổ nước mình ngắn nhất

Hướng dẫn Soạn văn 6 bài Chuyện cổ nước mình ngắn nhất. Trả lời toàn bộ câu hỏi trong SGK Ngữ văn 6 chân trời sáng tạo, kết nối tri thức, đầy đủ, ngắn gọn và chi tiết.


Soạn bài Chuyện cổ nước mình - Cánh diều

1. Trước khi đọc 


Câu 1 (trang 93 SGK Ngữ văn 6 tập 1)

Em biết những câu chuyện cổ nào của nước ta?

Lời giải 

Em biết những câu chuyện cổ của nước ta như: Tấm Cám, Sọ Dừa, Thạch Sanh, Bánh chưng bánh giày, Cong rồng cháu tiên,…


Câu 2 (trang 93 SGK Ngữ văn 6 tập 1)

Em thích những nhân vật nào trong những câu chuyện đó? Vì sao?

Lời giải 

- Em thích những nhân vật như: cô Tấm, Sọ Dừa, Thạch Sanh,..

- Vì họ sống trong những hoàn cảnh khó khăn nhưng đều có những phẩm chất cao đẹp của những con người lao động hiền lành, chân thật, sống với lòng hiếu thảo, tình yêu tha thiết, mạnh mẽ đứng lên chống lại cái ác, cái xấu và sự chung thuỷ.  

2. Sau khi đọc 


Câu 1 (trang 95 SGK Ngữ văn 6 tập 1)

Bài thơ được viết theo thể thơ nào? Cho biết dấu hiệu giúp em nhận biết ra thể thơ đó.

Lời giải 

- Bài thơ Chuyện cổ nước mình được viết theo thể thơ lục bát, âm điệu nhẹ nhàng, mang màu sắc ca dao, dân ca.

- Dấu hiệu nhận biết:

+ Bài thơ được cấu tạo từ các cặp thơ lục bát.

+ Từ cuối cùng của câu lục vần với từ thứ 6 của câu bát tiếp theo.


Câu 2 (trang 95 SGK Ngữ văn 6 tập 1)

Qua bài thơ, em nhận ra bóng dáng của những câu chuyện cổ nào? Tìm từ ngữ, hình ảnh gợi liên tưởng đến những câu chuyện đó.

Lời giải

Những từ ngữ, hình ảnh trong bài thơ đã giúp em liên tưởng đến những câu chuyện cổ đó là:

- "Ở hiền thì lại gặp hiền": liên tưởng đến chuyện Cây tre trăm đốt, Cây khế, Thạch Sanh

- "Thị thơm thị giấu người thơm": liên tưởng đến chuyện Tấm Cám

- "Đẽo cày theo ý người ta": liên tưởng đến chuyện Đẽo cày giữa đường.


Câu 3 (trang 95 SGK Ngữ văn 6 tập 1)

Chuyện cổ đã kể với nhà thơ những điều gì về vẻ đẹp của tình người?

Lời giải

Chuyện cổ đã kể với nhà thơ vẻ đẹp và tâm hồn người Việt Nam từ ngàn đời nay. Đó là:

- Tình thương người bao la mênh mông và triết lí về niềm tin “ở hiền gặp lành”, “ác giả, ác báo” của nhân dân ta.

Ví dụ:

+ Anh trai cày hiền lành được Phật trao cho câu thần chú: "Khắc nhập! Khắc xuất" mà lấy được vợ đẹp, vợ hiền (Truyện "Cây tre trăm đốt”).

+ Người em cần cù được con chim phượng hoàng đền đáp "ăn một quả trà cục vàng" mà trở nên giàu có hạnh phúc; người anh tham lam mà chết chìm xuống đáy biển (Truyện "Cây khế").

- Chuyện cổ nước mình còn hàm chứa những bài học quý báu, đó là bài học về đạo lí làm người: sống phải chân thật chân thành, phải chăm làm siêng năng, phải có trí tuệ đừng a dua. Tác giả gợi lên thật khéo truyện "Tấm Cám", truyện "Đẽo cày giữa đường", ...để nói về những bài học do ông cha gửi lại "đời sau".


Câu 4 (trang 95 SGK Ngữ văn 6 tập 1)

Chỉ còn chuyện cổ thiết tha

Cho tôi nhận mặt ông cha của mình

Tình cảm của nhà thơ với những câu chuyện cổ được thể hiện như thế nào qua hai dòng thơ trên?

Lời giải 

Câu thơ trên đã thể hiện thái độ biết ơn, trân quý của tác giả đối với truyện cổ. Nhờ những câu truyện cổ đậm chất dân gian mà tác giả hiểu và thương các cha ông ở thế hệ trước cùng những lời dạy và đạo lí làm người. Đó là những câu chuyện vừa nhân hậu vừa thông minh, chứa đựng những kinh nghiệm sống vô cùng quý báu của cha ông.


Câu 5 (trang 95 SGK Ngữ văn 6 tập 1)

Tôi nghe chuyện cổ thầm thì

Lời cha ông dậy cũng vì đời sau

Hai dòng thơ trên gợi cho em những suy nghĩ gì?

Lời giải

Hai dòng thơ cuối bài thể hiện lòng biết ơn của tác giả đối với những lời dạy có trong truyện cổ của cha ông. Đó là những lời dạy thấm đẫm nghĩa tình, mang đậm dấu ấn của một dân tộc bé nhỏ mà anh hùng, kinh tế chưa phát triển rực rỡ mà lòng người thì bao la nghĩa tình. Truyện cổ chính là lời dạy quý báu của cha ông dành cho con cháu đời sau sống cần nhân hậu, độ lượng, công bằng, thông minh, chăm chỉ.


Câu 6 (trang 95 SGK Ngữ văn 6 tập 1)

Vì sao với nhà thơ, những câu chuyện cổ "Vẫn luôn mới mẻ rạng ngời lương tâm"?

Lời giải 

Với nhà thơ, những câu chuyện cổ "Vẫn luôn mới mẻ rạng ngời lương tâm" vì trải qua bao năm tháng, dù thời đại có phát triển như thế nào thì những lời dạy của cha ông xưa vẫn luôn vẹn nguyên giá trị. Đó là những câu chuyện thấm đẫm tình người, tình đời. Đó cũng là lý do vì sao nhân dân ta từ người trẻ đến người già, ai cũng yêu thích truyện cổ nước mình.

3. Viết kết nối với đọc 

Viết đoạn văn (khoảng 5-7 câu) cảm nhận của em về đoạn thơ sau:

                                                                Đời cha ông với đời tôi

                                                         Như con sông với chân trời đã xa

                                                              Chỉ còn chuyện cổ thiết tha

                                                       Cho tôi nhận mặt ông cha của mình

Lời giải

Thi ca là nơi lưu giữ những giá trị nhân văn, giá trị cốt lõi để trường tồn theo thời gian. Đoạn thơ trên đã nói lên điều đó, nói lên cách mà nhân vật tôi nhớ đến đời ông cha của mình dù cho khoảng cách có bao xa. Ấy là sự so sánh hàm súc giữa “con sông với chấn trời” về khoảng cách thế hệ giữa ông cha và nhân vật tôi.  Khoảng cách thế hệ ấy có thể làm con người khác, con người đổi thay nhưng ở đó, ta vẫn thấy đẹp mãi, đẹp mãi đó là chuyện cổ. Không những thế chuyện cổ như lăng kính quay ngược thời gian để thế hệ chúng ta nói chung và nhân vật “tôi” nói riêng “nhận mặt ông cha”, nhưng sâu hơn thế là khám phá thế giới tâm hồn, tiếp nối những giá trị, nhuwnhx tinh hoa mà cha ông ta đã gây dựng nên.

Soạn văn 6 bài Chuyện cổ nước mình ngắn nhất

Soạn bài Chuyện cổ nước mình - Chân trời sáng tạo


Câu 1 (trang 47 SGK Ngữ văn 6 tập 1)

Tìm những câu thơ cho biết lí do tác giả yêu chuyện cổ nước nhà.

Lời giải 

Những câu thơ cho biết lí do tác giả yêu chuyện cổ nước nhà:

Tôi yêu truyện cổ nước tôi

Vừa nhân hậu lại tuyệt vời sâu xa

Thương người rồi mới thương ta

Yêu nhau dù mấy cách xa cũng tìm

Ở hiền thì lại gặp hiền

Người ngay thì gặp người tiên độ trì.


Câu 2 (trang 47 SGK Ngữ văn 6 tập 1)

Em hiểu thế nào về các câu thơ "Đời cha ông với đời tôi/ Như con sông với chân trời đã xa/ Chỉ còn chuyện cổ thiết tha/ Cho tôi nhận mặt ông cha của mình".

Lời giải

Câu thơ trên có thể hiểu: Đời cha ông đã đi qua từ rất xa và đến thời của chúng ta đã khác biệt rất nhiều. Nhờ vào những áng truyện cổ mà chúng ta mới hiểu và mới biết được đời của cha ông ta thuở xưa có những gì và đã diễn ra như thế nào. Những câu chuyện cổ chính là kho tàng lưu giữ lại lịch sử, truyền thống văn hoá để con cháu đời nay có thể hiểu về đất nước mình, cha ông mình.


Câu 3 (trang 47 SGK Ngữ văn 6 tập 1)

Theo em, cụm từ "người thơm" trong câu "thị thơm thì giấu người thơm" có ý nghĩa gì?

Lời giải 

Cụm từ “người thơm” trong câu "thị thơm thì giấu người thơm" được hiểu là con người hiền lành, nhân hậu, lương thiện, tốt bụng (chính là nàng Tấm trong truyện cổ Tấm Cám).


Câu 4 (trang 47 SGK Ngữ văn 6 tập 1)

Qua câu thơ "Tôi nghe chuyện cổ thầm thì/ Lời cha ông dạy cũng vì đời sau", tác giả muốn gửi gắm đến người đọc thông điệp gì?

Lời giải 

"Tôi nghe chuyện cổ thầm thì

 Lời cha ông dạy cũng vì đời sau"

Thông điệp tác giả muốn gửi gắm đến người đọc về sự trân trọng giá trị của chuyện cổ, bởi chuyện cổ là những bài học sâu sắc, mang ý nghĩa sâu xa, những giá trị đó đã được ông cha ta trải qua biết bao thăng trầm khó khăn để đúc kết lại, với mục đích ăn dạy con cháu phải biết sống đúng đạo lí, gìn giữ những giá trị văn hoá của dân tộc. Vì thế bản thân mỗi chúng ta cần tiếp thu và nhận thức những giá trị đó để xây dựng và gìn giữ được truyền thống quý báu của ông cha ta.

Phan Mỹ Dung
27/11/2023
Đánh giá bài viết
icon-make-question icon-make-question