Soạn văn 11 bài Thuyền và biển ngắn nhất

Hướng dẫn Soạn văn 11 bài Thuyền và biển ngắn nhất. Trả lời toàn bộ câu hỏi trong SGK Ngữ văn 11 Kết nối tri thức chi tiết, đầy đủ bám sát chương trình học.


I. Tác giả, tác phẩm


1. Tác giả

- Xuân Quỳnh (1942 - 1988) tên khai sinh là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh.

- Quê quán: La Khê, thành phố Hà Đông - Hà Tây (nay thuộc Hà Nội).

- Xuất thân trong một gia đình công chức, mẹ mất sớm, bố thường xuyên công tác xa gia đình, bà được bà nội nuôi dạy từ nhỏ đến khi trưởng thành.

- Thơ Xuân Quỳnh giàu cảm xúc với những cung bậc khác nhau như chính tính cách luôn hết mình của Xuân Quỳnh.

- Thơ bà là tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên, vừa chân thành, đằm thắm và luôn da diết trong khát vọng về hạnh phúc đời thường.

- Tác phẩm chính: Hoa dọc chiến hào (1968); Gió Lào cát trắng (1974) ; Tự hát (1984); Hoa cỏ may (1989),...

- Xuân Quỳnh là một trong số những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ các nhà thơ trẻ thời kì chống Mỹ.


2. Tác phẩm

a. Thể loại

Thuyền và biển thuộc thể loại thơ năm chữ.

b. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác

Bài thơ được sáng tác vào tháng 4 năm 1963 và được in trong tập thơ Chồi biếc (1963). Sau này, bài thơ đã được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, Hữu Xuân phổ nhạc thành các bài hát cùng tên.

c. Phương thức biểu đạt

Phương thức biểu đạt: Biểu cảm.

d. Bố cục: 4 phần

- Phần 1: 3 khổ đầu: tình yêu vừa mới chớm

- Phần 2: 2 khổ thơ tiếp: khi cả hai đã yêu nhau

- Phần 3: 2 khổ thơ tiếp: khi tình yêu đã trở nên sâu đậm

- Phần 4: khổ cuối: nếu cuộc tình phải chia xa

e. Giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật

- Giá trị nội dung

Mượn hình ảnh của tự nhiên để thể hiện nỗi niềm, khát khao được một tình yêu của nhà thơ và hứa sẽ sống hết mình với tình yêu ấy. Dù có ra sao vẫn không lìa xa nhau.

- Giá trị nghệ thuật

+ Sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật: so sánh, nhân hóa, các phép điệp từ.

+ Thể thơ 5 chữ, đặc sắc.

+ Hình ảnh gợi hình, gợi cảm.

Soạn văn 11 bài Thuyền và biển ngắn nhất

II. Trả lời câu hỏi sách giáo khoa

1. Trong khi đọc


Câu 1 (trang 110, SGK Ngữ Văn 11, tập một):

Những dấu hiệu hình thức nào chứng tỏ có một câu chuyện được kể trong bài thơ?

Lời giải:

Những dấu hiệu chứng tỏ có một câu chuyện được kể trong bài thơ là:

- Cụm từ: kể anh nghe

- Nhân vật: thuyền và biển


Câu 2 (trang 110, SGK Ngữ Văn 11, tập một):

Theo dõi diễn biến câu chuyện.

Lời giải:

- Diễn biến câu chuyện: Câu chuyện là hình ảnh con thuyền ra khơi ngày đêm qua lăng kính đầy lãng mạn, trữ tình của tác giả.


Câu 3 (trang 111, SGK Ngữ Văn 11, tập một):

Chú ý dấu ngoặc đơn ở hai dòng này.

Lời giải:

- Dấu ngoặc đơn ở hai dòng thơ này có tác dụng giải thích cho hai dòng thơ trước đó: sự xô thuyền của biển giống như sự biến đổi trong tình yêu, luôn thay đổi không ngừng.


Câu 4 (trang 111, SGK Ngữ Văn 11, tập một):

Nhân vật trữ tình rút ra nhận thức gì từ câu chuyện?

Lời giải:

- Nhận thức rút ra từ câu chuyện: Chỉ có những người yêu nhau mới hiểu được nhau, biết nhau sẽ làm gì và muốn làm gì, là sự thấu hiểu của những con người khi yêu.


Câu 5 (trang 111, SGK Ngữ Văn 11, tập một):

Nhân vật trữ tình – người kể chuyện đã đồng nhất mình với nhân vật trong câu chuyện như thế nào?

Lời giải:

- Tác giả sử dụng hình ảnh ẩn dụ: thuyền và biển là người con trai và người con gái. Tác giả thấy mình giống như người con gái trong câu chuyện, nếu thiếu vắng đi người yêu giống như thuyền từ giã biển, cô gái chỉ còn thấy bão tố. Người con gái chỉ luôn muốn ở cạnh người mình yêu, tận hưởng niềm hạnh phúc.

2. Sau khi đọc


Câu 1 (trang 112, SGK Ngữ Văn 11, tập một):

Bạn cảm nhận như thế nào về câu chuyện được nhân vật trữ tình kể lại trong bài thơ?

Lời giải:

- Câu chuyện được nhân vật trữ tình kể lại trong bài thơ chính là tâm trạng của những người đang yêu nhau. Nhà thơ mượn hình ảnh thuyền và biển để gửi gắm tâm tư, tình cảm của mình. Tình yêu của nhà thơ cũng rộng lớn, mênh mông thắm thiết như thuyền với biển.


Câu 2 (trang 112, SGK Ngữ Văn 11, tập một):

Trong câu chuyện về thuyền và biển, hai đối tượng này được đặt trong tương quan nào? Những cung bậc tình cảm gì đã được “người kể" soi rọi, khám phá?

Lời giải:

- Trong câu chuyện về thuyền và biển, hai đối tượng được đặt trong tương quan: giữa người con trai và con gái.

- Những cung bậc tình cảm đã được “người kể” soi rọi, khám phá là:

+ Sự thủy chung, lãng mạn của hai người yêu nhau.

+ Sự thấu hiểu chỉ những người yêu nhau

+ Những cung bậc cảm xúc trong tình yêu: khi thì thầm, yên lặng, khi xô bồ, thay đổi

+ Tác giả khẳng định thuyền và biển cũng như anh và em, không thể tách rời bởi khi xa chỉ để lại những nỗi buồn đau, tương tư.


Câu 3 (trang 112, SGK Ngữ Văn 11, tập một):

Từ câu chuyện giữa thuyền và biển, bạn suy nghĩ như thế nào về vấn đề “hiểu”, “biết” và “gặp” trong tình yêu đôi lứa?

Lời giải:

- Từ câu chuyện giữa thuyền và biển, em nghĩ rằng 3 vấn đề cần có trong tình yêu là “hiểu”, “biết”, “gặp”.

+ "Hiểu" là sự thấu hiểu của con người trong tình yêu.

+ "Biết" là sự hiểu biết về những biến đổi trong tình yêu, có khi bình lặng, khi lại xô bồ đề bản thân mỗi người biết cách để tự điều chỉnh.

+ "Gặp" là sự gặp gỡ, trò chuyện thân mật giữa những người mình yêu.

→ Ba yếu tố trên là cách để ta duy trì mối quan hệ tình yêu được tốt đẹp, bền vững theo thời gian.


Câu 4 (trang 112, SGK Ngữ Văn 11, tập một):

Nêu nhận xét về sự lồng ghép hai câu chuyện trong bài thơ. Số dòng thơ được dành cho từng câu chuyện được phân bố theo tỉ lệ nào? Bạn suy nghĩ gì về điều này?

Lời giải:

- Nhận xét về sự lồng ghép hai câu chuyện trong bài thơ: về mặt ý nghĩa, sự lồng ghép giữa câu chuyện của tác giả và câu chuyện của thuyền và biển diễn ra linh hoạt, đan xen với nhau. Đôi khi nó khiến người đọc khó có thể phân biệt được đâu là câu chuyện của tác giả và câu chuyện của thuyền biển bởi sự tương đồng giữa chúng.

- Số dòng thơ được dùng cho thuyền và biển: 26 câu

- Số dòng thơ dùng cho câu chuyện của tác giả: 4 câu

→ Tác giả sử dụng ít những câu thơ nói trực tiếp về câu chuyện của mình như vậy bởi tình yêu của tác giả cũng giống như thuyền và biển, sự tương đồng giữa chúng là rất nhỏ. Bởi vậy, khi nói về thuyền và biển cũng là đang nói đến câu chuyện của tác giả.


Câu 5 (trang 112, SGK Ngữ Văn 11, tập một):

Bài thơ giúp bạn hiểu như thế nào về tâm sự và khát vọng của nhân vật trữ tình?

Lời giải:

- Tâm sự và khát vọng của nhân vật trữ tình trong bài thơ: Nhân vật trữ tình là một người có tâm hồn đa sầu, đa cảm khát khao hạnh phúc, sống hết mình với sự thủy chung son sắt. Nhân vật trữ tình luôn mong tình yêu của mình sẽ đến ngày đơm hoa, kết trái, có kết quả như ý sau những tháng ngày xa cách. Từ đó cũng gửi gắm đến một thông điệp về khát khao hạnh phúc, tình yêu đôi lứa của nhân vật trữ tình.


Câu 6 (trang 112, SGK Ngữ Văn 11, tập một):

Đánh giá chung về vai trò, ý nghĩa của yếu tố tự sự được sử dụng trong bài thơ.

Lời giải:

Vai trò, ý nghĩa của yếu tố tự sự được sử dụng trong bài thơ:

- Giúp cho hai sự vật thuyền và biển tưởng như xa lạ lại trở nên gần gũi hơn, chạm đến sự đồng cảm của người đọc một cách tự nhiên và sâu sắc nhất.

- Làm cho thông điệp về tình yêu được truyền tải một cách tự nhiên và gần gũi hơn.

- Giúp cho người đọc hình dung và cảm nhận được tâm tư, tình cảm của tác giả.

Vũ Hồng Nhung
29/11/2023
Đánh giá bài viết
icon-make-question icon-make-question