Soạn văn 11 bài Nhớ đồng ngắn nhất

Hướng dẫn Soạn văn 11 bài Nhớ đồng ngắn nhất. Trả lời toàn bộ câu hỏi trong SGK Ngữ văn 11 Kết nối tri thức chi tiết, đầy đủ bám sát chương trình học.


I. Tác giả, tác phẩm

1. Tác giả

a.Tiểu sử:

+ Tố Hữu sinh năm 1920, mất năm 2000, tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành

+ Quê quán: làng Phù Lai, nay thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế

+ Sinh trưởng trong gia đình nho học ở Huế và yêu văn chương

+ Tố Hữu sớm giác ngộ cách mạng và hăng say hoạt động cách mạng và hăng say hoạt động, kiên cường đấu tranh trong các nhà tù thực dân

+ Tố Hữu đảm nhiệm nhiều cương vị trọng yếu trên mặt trận văn hóa và trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và Nhà nước

b. Đường thơ, đường cách mạng: con đường thơ và con đường hoạt động cách mạng của ông có sự thống nhất, không thể tách rời. Mỗi tập thơ của ông là một chặng đường cách mạng.

+ Tập thơ “Từ ấy” (1937-1946)

+ Tập thơ “Việt Bắc” (1946-1954)

+ Tập thơ “Gió lộng” (1955-1961)

+ Tập thơ “Ra trận” và tập “Máu và hoa”

+ Các tập thơ còn lại: thể hiện những chiêm nghiệm về cuộc đời của tác giả

c. Phong cách thơ Tố Hữu:

+ Thơ Tố Hữu là thơ trữ tình – chính trị

+ Thơ Tố Hữu thiên về khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn

+ Thơ Tố Hữu có giọng tâm tình, ngọt ngào

+ Thơ Tố Hữu mang tính dân tộc đậm đà

⇒ Thơ Tố Hữu là tấm gương phản chiếu tâm hồn một người chiến sĩ cách mạng suốt đời phấn đấu, hi sinh vì tương lai tươi đẹp của dân tộc, cuộc sống hạnh phúc của con người.

2. Tác phẩm

a. Thể loại

Thể loại: thơ bảy chữ

b. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác

- Nhớ đồng được viết trong thời gian tác giả bị thực dân Pháp bắt giam ở nhà lao Thừa Phủ (thuộc Thừa Thiên Huế). Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, bài thơ được đưa vào tập Thơ (tức Từ ấy). Cũng như nhiều bài thơ khác được tác giả sáng tác trong hoàn cảnh tù đày, Nhớ đồng thể hiện rõ tâm sự của một người thanh niên yêu nước giàu nhiệt huyết, khao khát tự do, nôn nóng muốn trở về sát cánh với đồng chí, đồng bào lúc phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc đang phát triển mạnh mẽ.

c. Phương thức biểu đạt

- Phương thức biểu đạt: Biểu cảm.

d. Bố cục văn bản

Bài thơ có bố cục 3 phần

- Phần 1: Từ đầu đến… thiệt thà: Thể hiện nổi nhớ cuộc sống bên ngoài nhà tù

- Phần 2: Tiếp theo đến… ngát trời: Những nhớ nhung về chính mình khi chưa vào vòng lao lí

- Phần 3: còn lại: Quay trở lại hiện tại với nỗi nhớ đến nao lòng.

e. Giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật

- Giá trị nội dung

Tác phẩm đã cho chúng ta thấy một nỗi lòng nhớ thương da diết với cuộc đời, những tự do và chìm đắm trong sự say mê cách mạng của nhân vật trữ tình trong bà thơ. Cũng là điều mà tác giả muốn gửi gắm về một khát vọng tự do, khát vọng hòa bình, yêu quê hương và đất nước sâu nặng.

- Giá trị nghệ thuật

Tố Hữu với câu từ đầy chân thực và mộc mạc đã khắc họa thành công tác phẩm Nhớ đồng, sử dụng các phép điệp từ, so sánh, những hình ảnh thơ đầy màu sắc qua từng chi tiết. Qua đó, cho thấy tài năng của Tố Hữu với sự nghiệp phát triển văn học dân tộc Việt Nam.

Soạn văn 11 bài Nhớ đồng ngắn nhất

II. Trả lời câu hỏi đọc hiểu sách giáo khoa

1. Trong khi đọc


Câu hỏi 1 (trang 56 SGK Ngữ văn 11 Tập 1):

Tiếng hò có mối quan hệ như thế nào với nỗi nhớ?

Lời giải:

- Cảm hứng của nỗi nhớ được gợi lên từ tiếng hò. Tiếng hò được lặp đi lặp lại càng nhiều thể hiện nỗi nhớ của tác giả với xứ Huế càng lớn, càng da diết.


Câu hỏi 2 (trang 56 SGK Ngữ văn 11 Tập 1):

Các hình ảnh hiện lên ở đây có đặc điểm gì?

Lời giải:

- Các hình ảnh: cồn thơm, ruồng tre, ô mạ xanh mơn mởn, nương khoai ngọt sắn bùi, chiều sương phủ bãi đồng, xóm làng, con đường thân thuộc, xóm nhà tranh,…

- Đặc điểm: Đều là những hình ảnh đồng quê đơn sơ, gần gũi quen thuộc hiện lên trong nỗi nhớ của tác giả.


Câu hỏi 3 (trang 56 SGK Ngữ văn 11 Tập 1):

So với khổ thơ thứ nhất, khổ thơ này có điểm gì giống và khác?

Lời giải:

- Giống nhau: Đều chỉ có hai câu thơ và cùng cấu trúc “Gì sâu bằng…!”, đều đề cập đến không gian buổi trưa hiu quạnh.

- Khác nhau:

+ Khổ 1 nhắc tới nỗi nhớ với tiếng hò.

+ Khổ 4 nhắc tới nỗi nhớ với ruộng đồng quê hương. Nỗi nhớ được gắn liền với sự vật cụ thể “những trưa hiu quạnh” và thán từ “ôi” thể hiện nỗi nhớ đã lên đến cực điểm đến nỗi tác giả phải thốt lên.


Câu hỏi 4 (trang 56 SGK Ngữ văn 11 Tập 1):

Hãy tưởng tượng về hình ảnh “bàn tay … vãi giống tung trời”.

Lời giải:

Hình ảnh "bàn tay...vãi giống tung trời" đó là bàn tay của những người nông dân chất phác hồn hậu đang vất vả trên cánh đồng. Đó là bàn tay gieo trồng lên đất sự giống, gieo cho đời những tinh túy yêu thương.


Câu hỏi 5 (trang 57 SGK Ngữ văn 11 Tập 1):

Đối tượng được gọi là “hồn thân” ở đây gồm những ai?

Lời giải:

Đối tượng được gọi là “hồn thân” ở đây gồm: những người nông dân, người mẹ.


Câu hỏi 6 (trang 57 SGK Ngữ văn 11 Tập 1):

“Tôi” ở khổ thơ này có sự phát triển như thế nào so với “tôi” ở khổ thơ trên?

Lời giải:

- “Tôi” ở khổ thơ trên là tác giả trong những ngày lang thang đi tìm chân lý, tìm lý tưởng sống của cuộc đời mình.

- “Tôi” ở khổ thơ này là tác giả đã tìm cho mình một lẽ sống, được chiếu sáng bởi ánh sáng của mặt trời chân lí.


Câu hỏi 7 (trang 57 SGK Ngữ văn 11 Tập 1):

Hình ảnh “cánh chim buồn nhớ gió mây” biểu đạt cảm xúc gì của nhân vật trữ tình?

Lời giải:

Hình ảnh “cánh chim buồn nhớ gió mây” biểu đạt khao khát được giống như cánh chim tung bay với gió mây ngoài trời, được thoát ra bên ngoài cánh cửa nhà lao để về với đồng đội đồng chí. Người chiến sĩ cách mạng với nhiệt huyết căng tràn, ông mong muốn được thoát ra ngoài để làm cách mạng, để được sống với lý tưởng cháy bỏng của mình chứ không phải ngồi trong ngục tù như con chim bị nhốt trong lồng. Khao khát được tự do tung bay như những cách chim giữa mây trời. Qua đó ta thấy được nỗi nhớ của tác giả được chuyển thành nỗi niềm khao khát tự do.

2. Sau khi đọc


Câu 1 (trang 58 SGK Ngữ văn 11 Tập 1):

Theo bạn nhan đề “Nhớ đồng” đã bao quát toàn bộ nội dung cảm xúc của bài thơ hay chưa? Vì sao? Nên hiểu như thế nào về từ “đồng” trong nhan đề?

Lời giải:

- Nhan đề “Nhớ đồng” đã bao quát toàn bộ nội dung cảm xúc của bài thơ. Vì bài thơ là niềm yêu quý thiết tha và nỗi nhớ da diết của nhà thơ với quê hương, đồng bào.


Câu 2 (trang 58 SGK Ngữ văn 11 Tập 1):

Bạn có nhận xét gì về đặc điểm hình thức trong các khổ thơ 1, 4, 7, 13 trong văn bản? Các khổ thơ này được phân bố theo “quy luật” nào?

Lời giải:

- Đặc điểm hình thức:

+ Các đoạn thơ chỉ có 2 dòng thơ.

+ Được mở đầu bằng cụm từ “Gì sâu bằng…”

- Quy luật: Tác giả viết những khổ này khi trở về với thực tại đang bị giam cầm, thể hiện tâm trạng của nhà thơ mang nặng nỗi nhớ quê hương, đồng đội, nhìn lại bản thân hiện tại và khát khao tự do cháy bỏng; rồi nỗi nhớ lại hiện về vòng tròn như thế, kéo dài không nguôi.


Câu 3 (trang 58 SGK Ngữ văn 11 Tập 1):

Hệ thống hình ảnh trong bài thơ đã biểu đạt được những nội dung gì? Bạn hiểu và đánh giá như thế nào về cách tác giả đan cài, phối hợp và sắp xếp các cụm hình ảnh?

Lời giải:

- Hệ thống hình ảnh: bộc lộ tâm trạng của nhà thơ mang nặng nỗi nhớ quê hương, đồng đội, khao khát được tự do.

- Cách tác giả đan cài, phối hợp và sắp xếp các cụm hình ảnh: Đầu tiên là những cụm hình ảnh về bức tranh đồng quê, sau đó là cụm hình ảnh về những người nông dân lao động cần cù, tiếp theo là cụm hình ảnh về những người đồng đội, cuối cùng là tác giả nhớ chính mình ở những ngày xưa đã xa.

→ Tác giả diễn tả nỗi nhớ đi theo trình tự từ bao quát đến cụ thể.


Câu 4 (trang 58 SGK Ngữ văn 11 Tập 1):

Từ “đâu” xuất hiện bao nhiêu lần và đóng vai trò gì trong cấu tứ của bài thơ?

Lời giải:

- Từ “đâu” xuất hiện 10 lần.

- Điệp từ “đâu” lập lại liên tiếp ở các khổ thơ trải ra mênh mông nỗi nhớ của nhà thơ. Nó khơi gợi để nhà thơ hồi tưởng và nhớ thương về tất cả những gì đã gắn bó máu thịt với mình. Đôi chân đã bị cùm, đôi mắt đã bị giam hãm bởi bốn bức tường của nhà lao, nhà thơ chỉ còn có thể nghe và cảm nhận bằng tâm hồn nhạy cảm của mình.


Câu 5 (trang 58 SGK Ngữ văn 11 Tập 1):

Phân tích tác dụng nghệ thuật của việc luân phiên câu hỏi, câu kể và câu cảm trong văn bản.

Lời giải:

Tác dụng nghệ thuật của việc luân phiên câu hỏi, câu kể và câu cảm trong văn bản:

- Gợi ra một sự ám ảnh lớn trong lòng người về nỗi nhớ thương da diết và sự cô đơn tự đáy lòng sâu thẳm của nhà thơ.

- Việc sử dụng thành công luân phiên câu hỏi, câu kể và câu cảm cho thấy sự cảm nhận sâu sắc của nhà thơ trong hoàn cảnh tù đày.


Câu 6 (trang 58 SGK Ngữ văn 11 Tập 1):

Theo bạn, hình ảnh nào trong bài thơ mang tính tượng trưng, rõ nét hơn cả? Hãy làm rõ tính tượng trưng ở hình ảnh ấy?

Lời giải:

Theo em, hình ảnh trong bài thơ mang tính tượng trưng, rõ nét hơn cả là: Hình ảnh tiếng hò quê hương.

- Cảm hứng của nhà thơ được gợi lên từ một thứ âm thanh đặc biệt - tiếng hò quê hương.
- Tiếng hò vang lên lẻ loi, đơn độc giữa trưa tĩnh lặng, sâu lắng→ Gợi lên nỗi buồn, hiu quạnh, đồng điệu với cảnh ngộ tâm trạng người tù.

- Điệu hò gợi nhớ lại làn điệu dân ca xứ Huế mộng mơ, trữ tình.


Câu 7 (trang 58 SGK Ngữ văn 11 Tập 1):

Bài thơ cho thấy điều gì về tâm trạng, phẩm chất, lí tưởng của nhân vật trữ tình? Nêu cảm nhận của bạn về những cảm xúc, tâm tình của tác giả được bộc lộ trong bài thơ.

Lời giải:

- Tâm trạng, phẩm chất, lí tưởng của nhân vật trữ tình: Tác giả thể hiện cảm xúc nhớ thương của nhà thơ về quê hương, về đồng bào. Để rồi từ đó càng dậy lên trong lòng nhà thơ khát khao được tự do, khát khao hành động, khát khao thực hiện lí tưởng hòng đem lại độc lập cho dân tộc, sự no ấm cho quê hương.

- Cảm nhận của em: Đó là là cảm xúc và tâm trạng của một người chiến sĩ cộng sản khát khao tự do hành động. Nỗi nhớ đồng quê, con người, chính mình biểu hiện tình yêu da diết với cuộc sống bên ngoài nhà tù, bao trùm lên là tình yêu Tổ quốc, khát vọng tự do.

Vũ Hồng Nhung
29/11/2023
Đánh giá bài viết
icon-make-question icon-make-question