Phong cách sáng tác của Tô Hoài

Nhà văn Tô Hoài là một trong những cây bút thực lực sáng giá, tài hoa của nền văn học Việt Nam trước và sau cách mạng tháng tám. Nhà văn đã để lại cho đời những tuyệt tác với những câu chuyện khắc họa lại hiện thực tàn nhẫn của xã hội đương thời và cùng với những giá trị nhân văn, xã hội cao cả, tình người trong lúc khó khăn, hoạn nạn. Cùng tìm hiểu về ngòi bút của nhà văn qua bài viết Phong cách sáng tác của Tô Hoài nhé!


1. Tô Hoài là ai?

- Nhà văn Tô Hoài có tên khai sinh là Nguyễn Sen (1920 – 2014) ông sinh ra ở quê nội thôn Cát Đồng, thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông cũ trong một gia đình thợ thủ công. Tuy nhiên ông lớn lên ở quê ngoại là làng Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Ông nổi tiếng với nhiều tác phẩm nổi tiếng thế giới trong đó có Dế mèn phiêu lưu kí. Bút danh Tô Hoài của ông gắn liền với hai địa danh: sông Tô Lịch và phủ Hoài Đức.

- Ở tuổi thiếu niên Tô Hoài tự lập rất sớm, ông đã phải ra ngoài làm việc kiếm sống. Ông lăn lộn đủ nghề từ dạy trẻ, bán hàng, kế toán hiệu buôn,… cũng có những lúc thất nghiệp.

- Cuộc đời của Tô Hoài như bước sang trang mới khi ông bắt đầu viết văn, mở đầu là tác phẩm Dế mèn phiêu lưu kí, sau khi tác phẩm ra đời mặc dù chưa hoàn thành nhưng nó nhận được sự đón nhận rất tích cực từ độc giả.

- Năm 1943, Tô Hoài gia nhập Hội văn hóa cứu quốc, trong cuộc chiến tranh Đông Dương ông chủ yếu hoạt động bên lĩnh vực báo chí.

- Từ năm 1954, ông có thời gian và bắt đầu tập trung nhiều vào sự nghiệp viết. Tính đến nay, với sự đam mê, lòng nhiệt huyết với văn học ông đã có hơn 100 tác phẩm để đời với nhiều thể loại khác nhau: truyện ngắn, hồi ký, tiểu luận, kịch bản phim,…

Phong cách sáng tác của Tô Hoài

2. Phong cách sáng tác của Tô Hoài

* Trước cách mạng tháng 8, văn học của Tô Hoài chủ yếu viết về các loài vật và những câu chuyện về người dân nông thôn sống trong cảnh nghèo khổ.

- Một số tác phẩm tiêu biểu trong giai đoạn này là:

 + Dế Mèn phiêu lưu kí (truyện, 1941)

 + Quê người (1941)

 + O chuột (1942)

 + Giăng thề (1943)

 + Nhà nghèo, Xóm giếng ngày xưa, Cỏ dại (1944)

Trong đó, nổi bật nhất là truyện Dế Mèn phiêu lưu kí – một tác phẩm văn xuôi viết về loài vật miêu tả bức tranh thiên nhiên vô cùng sinh động và thú vị cùng rất nhiều bài học nhân sinh ý nghĩa được tác giả gửi gắm. Đây là một tác phẩm dành cho lứa tuổi thiếu nhi và đã được tái bản nhiều lần, được dịch và xuất bản ở một số nước trên thế giới.

* Sau cách mạng tháng 8, ông có những chuyển biến mạnh mẽ về phong cách và tư tưởng sáng tác với những tác phẩm phản ánh cuộc sống cơ cực của nhân dân dưới ách thống trị tàn bạo của của giặc xâm lược và con đường đến với cách mạng giải phóng của họ.

- Những tác phẩm tiêu biểu trong giai đoạn này là:

 + Vợ chồng A Phủ

 + Núi cứu quốc (1948)

 + Truyện Tây Bắc (1953)

 + Mười năm (1957)

 + Miền Tây (1967)

 + Cát bụi chân ai (1992)

 + Ba người khác (2006)

Quan điểm sáng tác của nhà văn Tô Hoài: “Muốn viết văn, điều quan trọng nhất là chi tiết. Mà chi tiết thì không thể bịa ra được. Phải chịu khó quan sát, ghi chép, đọc và tiếp xúc càng nhiều càng tốt”.

Thuở nhỏ, chúng ta biết đến Tô Hoài với những tác phẩm gối đầu, gần gũi với trẻ thơ ví dụ như truyện Dế Mèn phiêu lưu kí hay những câu chuyện mang đậm giá trị nhân văn, giáo dục trẻ nhỏ thì đến sau cách mạng tháng Tám, nhà văn lại khiến độc giả, hay những người yêu thích văn chương của ông phải thổn thức khi đến với trang văn “Vợ Chồng A Phủ”- là kết quả từ chuyến đi thực tế ở Tây Bắc mà tác giả đã “cùng ăn, cùng ở, cùng làm" với đồng bào dân tộc nơi đây trong suốt 8 tháng năm 1952. Trong suốt hành trình đấy, tác giả đã thả hồn mình vào dòng chảy cảm xúc của một người nghệ sĩ, hòa nhập vào cuộc sống sinh hoạt nơi đây để có thể hiểu được hết những nỗi khó khăn, vất vả của những người dân Tây Bắc lương thiện trước ách thống trị độc ác, tàn bạo không có tình người của bọn thực dân phong kiến. Điều đặc biệt trong tác phẩm chính là xoay quanh cuộc sống của nhân vật Mị - người con gái xinh đẹp, giỏi giang, hiếu thảo với cha mẹ. Vì món nợ từ đời trước đã đẩy nàng đến sự khốn cùng, tuyệt vọng của cuộc sống, nhưng bên trong của người con gái ấy lại mang một sức sống tiềm tàng vô cùng to lớn. Với tác phẩm “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao, nhân vật Chí đã chọn cách tự tử để đi tìm cái gọi là lương thiện cho mình thì đến với tác phẩm “Vợ Chồng A Phủ” bằng bút pháp nghệ thuật tài tình, sự thương xót, đồng cảm dành cho người dân Tây Bắc, tác giả đã viết ra một con đường mới cho người nông dân lương thiện nơi đây, đó chính là ánh sáng của cách mạng Đảng, soi chiếu và dẫn lối họ đến một tương lai tốt đẹp hơn, thoát khỏi tình cảnh tù túng, bị bắt nạt, đe dọa, đàn áp để có được cuộc sống tự do, hạnh phúc, vui vẻ, công bằng, không còn người dân nào phải chịu sự trừng phạt vô lí, bị bức ép, làm việc nặng nhọc giống như những gì mà Mị phải chịu đựng trước khi lựa chọn chạy thoát cùng A Phủ.


3. Nhận định về tác giả Tô Hoài

Nhìn lại toàn bộ cuộc đời văn học của nhà văn Tô Hoài, Giáo sư Phong Lê khẳng định: "Tô Hoài là một trong những tác gia lớn nhất của thế kỉ 20. Ông thuộc thế hệ vàng mà tôi quan niệm thế hệ sinh năm 20, từ năm 1920 ngược

trước. Đó là thế hệ vàng của văn chương hiện đại, làm nên mùa gặt ngoạn mục nhất của văn học thế kỉ 20 - làm nên mùa màng 1930-1945, cùng với Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Xuân Diệu, Huy Cận. Ông cũng là người hiếm hoi nhất còn lại của thế hệ ấy, cùng với nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh".

Quả thật, hơi thở cuộc sống luôn đầy ắp và hiện rõ trên từng trang viết của nhà văn Tô Hoài, đưa ông cùng nhiều nhà văn, nhà thơ tên tuổi khác làm nên "mùa gặt ngoạn mục nhất của văn học Việt Nam thế kỷ 20". Ông đã ra đi, nhưng trong lòng bạn đọc nhiều thế hệ, "chú dế mèn" sẽ trẻ mãi với thời gian.

Tô Hoài từ lâu đã là mảnh ghép tuổi thơ bao thế hệ Việt Nam. Với 95 năm tuổi trời, hơn 60 năm tuổi nghề và hơn 160 đầu sách đã xuất bản, đến nay, Tô Hoài là một trong số ít nhà văn hiện đại Việt Nam đạt được nhiều con số kỷ lục trong sự nghiệp sáng tác. Hằn in trong khoảng trời tuổi thơ của những đứa trẻ Việt Nam là câu chuyện phiêu lưu của chàng dế mèn loắt choắt và khi lớn lên đôi chút ta lại bắt gặp "Vợ chồng A Phủ" với bao tâm tư mà con người sinh ra để viết ấy gửi về với miền Tây Bắc thân thương.


4. Kết luận chung

Tô Hoài là một cây bút thực lực đầy sáng tạo và phong phú của nền văn học Việt Nam cả trước và sau cách mạng tháng tám, viết văn từ khi tuổi đời còn rất trẻ, đồng thời sớm trở nên nổi tiếng với các bộ truyện dành cho thiếu nhi. Phong cách nghệ thuật của Tô Hoài thể hiện ở ngôn ngữ đời thường gần gũi, giản dị nhưng khi được ông kết hợp lại thành một tác phẩm vô cùng độc đáo, phong phú. Mỗi một tác phẩm của ông đều là cái nhìn thực thế, ông luôn hòa mình vào cùng tác phẩm

Đỗ Xuân Quỳnh
2/4/2024
Đánh giá bài viết
icon-make-question icon-make-question