Skip to content

Phân tích văn bản “Tiếng chim kêu” của nhà văn Thạch Lam

Post date:
Author:
Number of comments: no comments

Thạch Lam được biết đến là người rất giàu tình cảm và cảm xúc, do đó các tác phẩm của ông cũng thiên về tình cảm và được ghi lại bằng những cảm xúc chân thật của mình. “Tiếng chim kêu” là một trong những tác phẩm nổi bật của ông viết về phẩm chất giàu tình yêu thương và nhân hậu của con người.

Dàn ý Phân tích văn bản “Tiếng chim kêu” của nhà văn Thạch Lam

a. Mở bài

– Giới thiệu khái quát về tác giả và tác phẩm.

b. Thân bài

* Phân tích nội dung của câu chuyện:

– Nội dung: Truyện kể về một câu chuyện hài hước nhưng rất nhân ái của ba chị em khi nghe thấy tiếng động lạ trong đêm mưa gió. Hai anh em cứ khẳng định rằng đó là tiếng chim kêu và muốn mở cửa đưa nó vào vì thương nó nhưng cả hai đều ngại rét. Và sự thật hài hước rằng khi sáng ngủ dậy hai anh em mới biết đó không phải tiếng chim mà là tiếng cây tre ở đầu nhà bị gió lay.

* Ý nghĩa câu chuyện:

– Tác giả muốn đề cập đến phẩm chất tốt đẹp của con người là: giàu tình yêu thương, nhân hậu.

– Qua đó cũng muốn nhắc nhở mỗi chúng ta sống là phải biết yêu thương, chia sẻ, quan tâm đến mọi người và cuộc sống xung quanh.

 

c. Kết bài

– Khẳng định nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.

Phân tích văn bản “Tiếng chim kêu” của nhà văn Thạch Lam

Tuyển tập truyện ngắn của nhà văn Thạch Lam luôn là những câu chuyện đặc sắc và đầy ý nghĩa, thu hút người đọc bởi ông đặt trong nó những tâm tư tình cảm của mình, trong đó “Tiếng chim kêu” là một trong số truyện ngắn đặc sắc và nổi bất nhất.

Câu chuyện mở đầu bằng khung cảnh đêm mưa cuối tháng chạp. Trước cơn mưa bão, mọi thứ diễn ra thật ồn ào với đủ thứ tiếng. Nào là tiếng đồng hồ tí tách đều đều, nào là tiếng ếch nhái kêu ở cánh đồng quanh nhà, nào là tiếng gió thổi lớn làm cho các tàu lá chuối kêu lên khi va vào nhau. Không chỉ có âm thanh, trong cơn giông bão, màn đêm tối còn bị xé toang bởi từng luồng chớp loáng qua cửa sổ. Hai anh em lại rất thích trời mưa bão vì họ thích sự khoan khoái êm ấm khi đắp chăn nằm ngủ nghe tiếng mưa ở ngoài. Trời mưa còn làm cho thời tiết rét hơn, cuộn mình trong chăn cũng thật thích.

 

Tuy nhiên sự thích thú ấy dần bị thay thế bởi những dòng suy nghĩ đầy tình thương người và giàu lòng nhân ái. Nằm trong chăn ấm nói chuyện, hai anh em lại thấy thương những người lữ khách vào giờ này hãy còn trên đường vắng, ướt như chuột lột và run như cầy sấy, đi vội vàng để tìm một chỗ trú thân. Sống trong một căn phòng nhà gạch chắc chắn, hai anh em lại thấy thương cho những người nhà nghèo, mưa gió là dột nhà, điển hình là gia đình hàng xóm bên cạnh, có lẽ giờ này gia đình họ đều phải dậy để chống cái nhà lá mà mỗi cơn gió mạnh làm lung lay và để đem cái chậu thau hứng những chỗ dột nước.

Cắt ngang dòng suy nghĩ ấy là câu hỏi của người anh rằng có nghe thấy tiếng gì không. Hai người lắng tai nghe thì thấy một tiếng chiêm chiếp nhỏ như tiếng của một chú chim. Họ bắt đầu lo lắng, sợ rằng chú chim bị mưa to gió lớn đánh tạt vào, sợ chú chim đó sẽ rất rét và họ còn tưởng tượng ra khung cảnh khi thấy chú chim vào sáng hôm sau với bộ lông ướt át và xù hết lên vì rét. Nhớ lại câu chuyện đã từng đọc làm cho hai anh em thương con chim kia đến vô hạn và muốn cứu nó. Hai anh em bàn nhau muốn đem chú chim vào bằng cách mở cửa sổ dụ nó vào nhưng cả hai đều ngại rét mà không ai chịu đứng dậy ra mở cửa sổ và rồi hai người quyết định mặc kệ nó và đi ngủ.

Đến sáng hôm sau, hai thức dậy, nghe được câu hỏi của chị Hà về chuyện đem qua cãi nhau về con chim thì câu chuyện hài hước mới được ra đời. Hóa ra, tiếng chiêm chiếp mà hai anh em tưởng là con chim bị gió tạt vào tối qua lại là tiếng cây tre ở đầu nhà bị gió lay. Hóa ra lúc hai anh em nghe thấy tiếng chị Hà mê mẩn tưởng chị yếu nên nói lảm nhảm thì lúc đó là do chị nhuộm răng nên không nói được rõ dù biết sự thật mà chỉ ú ớ được trong miệng.

Câu chuyện dù ngắn nhưng đã cho thấy được tình tiết truyện vừa hài hước vừa xúc động. Qua tác phẩm truyện ngắn này, Thạch Lam muốn đề cao lòng nhân ái và giàu tình yêu thương của con người, đồng thời, thông qua đó  cũng muốn gửi đến người đọc những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống. Chúng ta nên biết quan sát cuộc sống và con người xung quanh, để rồi biết yêu thương, chia sẻ và quan tâm đến nó.

Với ngôn từ giản dị cùng tình huống truyện đơn giản, Thạch Lam đã gửi đến chúng ta một câu chuyện thú vị và thông qua đó gửi đến mọi người những thông điệp ý nghĩa.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *