Thơ tình người lính biển của tác giả Nguyễn Đăng Khoa là một trong những bài thơ khắc họa thành công hình tượng người lính lên đường canh giữ bảo vệ tổ quốc  cùng những tâm tư, tình cảm sâu sắc của họ đối với người ở lại cũng như lòng trung thành đối với đất nước. Bài viết dưới đây sẽ phân tích chi tiết hơn về bài thơ để bạn đọc hiểu rõ tác phẩm.

Dàn ý Phân tích Thơ tình người lính biển

1. Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm, khái quát nội dung nghệ thuật của bài thơ

2. Thân bài

– Nêu hoàn cảnh ra đời

– Phân tích:

+ Hình ảnh người lính ra khơi, tái hiện khung cảnh chia tay người yêu thương

+ Hình tượng nhân vật em

+ Hình tượng nhân vật người chiến sĩ

+ Hiện thực về đất nước sau những ngày chiến tranh gian khổ

+ Lời khẳng định của người chiến sĩ về tình yêu tổ quốc, tình yêu đôi lứa.

– Đánh giá nghệ thuật đặc sắc của bài thơ

Kết bài: Khẳng định lại giá trị nội dung, nghệ thuật của bài thơ, thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm.

Phân tích Thơ tình người lính biển ngắn gọn

Đề tài chiến tranh luôn là một đề tài được nhiều tác giả chọn để khai thác, tình yêu cũng là nguồn cảm hứng vô tận của các nhà thơ. Kết hợp cùng với nhau trong tác phẩm “ Thơ tình người lính biển”, tác giả đã khắc hoạ thành công hình tượng người lính biển lên đường canh giữ bảo vệ tổ quốc  cùng những tâm tư, tình cảm sâu sắc của họ đối với người ở lại cũng như lòng trung thành đối với đất nước.

Tác phẩm “ Thơ tình người lính biển” được tác giả Nguyễn Đăng Khoa sáng tác năm 1981 khi ông chính thức thuộc biên chế của Bộ Tư lệnh Hải quân và có dịp đi nhiều vùng biển, đến các đơn vị hải quân. Có cơ hội được tiếp xúc, trò chuyện và chứng kiến những cuộc chia tay đầy lưu luyến của những người lính trẻ đã tạo cảm hứng cho ông sáng tác bài thơ này. Sự song hành của ba hình tượng, Biển – Anh – Em đã thể hiện tư tưởng chủ đạo của bài thơ, người límh vững tay súng bảo vệ biển đảo, một lòng hướng về tổ quốc và em.

Mở đầu bài thơ là khung cảnh chia tay của chàng lính trẻ với người yêu thương, tác giả đã khắc hoạ khung cảnh ấy trên nền của những cánh buồm trắng, mây treo ngang trời, một khung cảnh thiên nhiên thật đẹp, thật đáng nhớ nhưng rất đỗi tự hào, làm cho cảm xúc khi ấy càng lưu luyến, bịn rịn hơn. “ Phút chia tay, anh dạo trên bến cảng”, những giây phút cuối cùng của sự gặp gỡ trước khi chia ly, chàng trai dạo bước trên bến cảng để lưu lại những kỉ niệm cuối cùng với người yêu, đồng thời ở trong tư thế sẵn sàng ra khơi bám biển, giữ vững biển đảo quê hương.

 

Hình ảnh người thiếu nữ được tác giả khắc hoạ đối lập với biển, biển ồn ào còn em lại dịu êm. Biển cả chứa đầy những khó khăn, thách thức đang chờ anh tới, trong khi em là nhà, là nơi bình yên, là hậu phương vững chắc mỗi khi anh nhìn về. Em chỉ nói vài câu cho anh an lòng rồi mỉm cười lặng lẽ, có lẽ sức mạnh tình yêu chính là động lực để nhân vật em chờ đợi người yêu trở về, là niềm hi vọng vào tương lai tươi sáng của đôi mình và tổ quốc. Dáng hình nhỏ bé, dịu dàng của em khi ấy sẽ khắc sâu mãi trong lòng chàng trai, là sức mạnh tinh thần để anh an tâm bám biển.
Ngày mai, khi anh theo tàu đi đến nơi xa lắc. Từ ngày mai được lặp lại hai lần liền tiếp thể hiện tâm thế lạc quan, chắc chắn, vững vàng của người chiến sĩ. Đi tới nơi xa xôi nhưng không hề cô độc, bởi, biển một bên và em một bên. Hai hình ảnh này được tác giả đặt song song tương đồng với nhau, tổ quốc quan trọng và em cũng vậy. Được gần em hay biển đều là khát khao cháy bỏng của người lính đảo, nhưng anh đã nén nỗi nhớ em vì đất nước chưa yên bình. Dẫu sao thì trong lòng anh vẫn luôn có tình yêu tổ quốc và bóng hình em.

Đất nước gian lao ngày ấy đã gây ấn tượng mạnh, ghi dấu ấn trong tâm trí của tất cả con người Việt Nam. Một đất nước nhỏ bé phải chịu biết bao cực nhọc của chiến tranh, một “Đất nước bốn ngàn năm, Vất vả và gian lao” như Thanh Hải từng viết trong bài “ Mùa xuân nho nhỏ”. Những ngày vành tang trắng sẽ còn tiếp diễn, bão táp vẫn sẽ nổi lên, đó là lí do anh lên đường tới nơi biển đảo. Hình ảnh nhân vật anh đứng gác nơi trời khuya đảo vắng gợi cảm giác cô đơn, lạnh lẽo, có bao nguy hiểm đang rình rập, nhưng tình yêu tổ quốc và tình yêu đôi lứa là ngọn lửa sưởi ấm trái tim chàng trai, khiến họ vững vàng hơn trong sự nghiệp bảo vệ tổ quốc. Hình ảnh người lính trẻ nhỏ bé giữa biển cả rộng lớn nhưng mang trong mình trách nhiệm và khát vọng lớn lao đã trở thành nguồn cảm hứng của rất nhiều bài thơ. Tác giả đã khắc hoạ thành công tư thế hiên ngang, hào hùng, kiên cường, dũng cảm, cầm chắc tay súng của người lính trẻ nơi biển xa để bảo vệ cho nền độc lập của nước nhà.

Đoạn thơ cuối đã thể hiện rõ nhất tâm tình của người lính, sẵn sàng hi sinh để bảo vệ tổ quốc, một đức tính tốt đẹp chảy trong máu của mọi người dân Việt Nam lúc bấy giờ. Vòm trời chung ấy có thể sẽ không còn em và biển, chỉ còn anh với cỏ, sẵn sàng hi sinh thân mình cho nền độc lập dân tộc. Chàng chiến sĩ đã có những dự cảm, những sự chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, là anh phải hi sinh thân mình, nhưng cho dù như vậy, tình yêu đối với tổ quốc và đối với em vẫn luôn ngự trị trong tim, tình yêu ấy luôn vĩnh cửa, thường trực trong tâm hồn người chiến sĩ. Câu thơ “ Biển một bên và em một bên” được lặp lại rất nhiều lần như một lời khẳng định, một lời nhắn nhủ rằng, đối với người lính trẻ khi ấy, độc lập của tổ quốc và em đều đóng vai trò quan trọng đối với cuộc đời của người lính, là động lực để người lính vững chắc tay súng nơi phương xa, bảo vệ bình yên cho dân tộc, tổ quốc.

Bài thơ đã khắc hoạ thành công vẻ đẹp của người lính biển, sẵn sàng vượt mọi gian lao vất vả, hi sinh để canh giữ biển trời tổ quốc, một lòng thuỷ chung với quê hương, với hậu phương nơi quê nhà, tình yêu đôi lứa của anh hoà quyện trong tình yêu đất nước. Tác giả cũng rất thành công trong việc thể hiện giá trị nghệ thuật của bài thơ với thể thơ tự do, ngôn ngữ giản dị nhưng đầy cảm xúc, giọng thơ tha thiết, vừa mãnh liệt vừa sâu lắng, dạt dào cảm xúc.

“ Thơ tình người lính biển” đã nói lên được tâm tư, tình cảm chân thành của người lính biển làm nhiệm vụ vì Tổ quốc. Nhà thơ đã khéo léo gửi gắm những giá trị nhân văn sâu sắc, đó là tình yêu thương, sự gắn bó đối với những người thân yêu, niềm kiêu hãnh về nghĩa vụ cao cả bảo vệ quê hương, tổ quốc đồng thời là khát khao một tương lai hoà bình, đoàn viên,  hạnh phúc.

By ngocnhu

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *