Phân tích thân phận người phụ nữ thời phong kiến thông qua bài thơ Làm Lẽ

Hồ Xuân Hương là một trong nữ sĩ nổi tiếng của nền văn học Việt Nam. Hãy cùng Học mãi 360 Phân tích thân phận người phụ nữ thời phong kiến thông qua bài thơ Làm Lẽ nhé!

Dàn ý Phân tích thân phận người phụ nữ thời phong kiến thông qua bài thơ Làm Lẽ

a. Mở bài: Giới thiệu tác giả tác phẩm

b. Thân bài:

– Giới thiệu về tác giả Hồ Xuân Hương

– Sự đau đớn của những người phụ nữ khi cuộc sống hôn nhân đã không hạnh phúc, cuộc sống thường ngày cùng chẳng dễ dàng

– Hai thành ngữ dân gian “năm thì mười họa” và “gặp chăng hay chớ” thành một câu thơ lấp lửng: “Năm thì mười họa hay chăng chớ”

– Càng mong muốn một cuộc sống êm ấm, hạnh phúc thì lại càng nhận lại sự lạnh lùng của chính người mà mang danh là “chồng” của chính mình

– Đây dường như là một sự tự nhận thức, không hình ảnh, không gợi cảm, chỉ phô diễn trực tiếp ý tưởng của một đời làm lẽ

– Đặc điểm nổi bật về nội dung và nghệ thuật

c. Kết bài: Đánh giá và nhận xét về tác phẩm “Làm lẽ”

 

Phân tích thân phận người phụ nữ thời phong kiến thông qua bài thơ Làm Lẽ

Số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa luôn là một đề tài được nhiều tác giả Trung Đại Việt Nam nhắc tới trong các tác phẩm của mình và Hồ Xuân Hương cũng là một trong những tác giả như vậy. Tuy bà có nhiều bài thơ viết về số phận người phụ nữ nhưng có lẽ “Làm lẽ” là tác phẩm thể hiện rõ nhất về đề tài này.

Được nhân dân ưu ái gọi với tên gọi “Bà chúa thơ Nôm”, Hồ Xuân Hương đã không còn là một cái tên xa lạ đối với người dân Việt Nam. Bà là một nữ sĩ sống ở giai đoạn cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX. Những tác phẩm của bà đã xuôi theo dòng chảy chung của những phong cách sáng tác lúc bấy giờ để thoát ra được khỏi các quan niệm sáng tác cố hữu vốn đề cao niêm luật chặt chẽ để bật lên tiếng nói của cá nhân về những vấn đề trong xã hội lúc bấy giờ. Có thể nói, thơ của bà chính là một nét bứt phá để những tác giả sau này học hỏi và thỏa sức khám phá. “Làm lẽ” là bài thơ thể hiện rõ nhất những phẫn uất của bà với chế độ đa thê của xã hội phong kiến.

Là một người phụ nữ cá tính, mạnh mẽ, ấy vậy mà bà lại phải chịu phải tấn bi kịch đau lòng nhất của người phụ nữ: làm lẽ. Ngay từ những câu thơ đầu tiên, chúng ta đã thấy được tiếng nói phẫn uất của người phụ nữ mạnh mẽ đó:

“Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung!”

Chung số phận là người phụ nữ, cùng là vợ của một người đàn ông nhưng hoàn cảnh sống của hai người phụ nữ ấy lại vô cùng khác nhau. Người thì được nằm chăn ấm nệm êm, được chồng cưng chiều, ở nơi tốt đẹp. Còn có người thì lại phải sống trong sự lạnh nhạt, không những thế còn bị người vợ còn lại chèn ép, bị mọi người ngó lơ. Đó chính là sự đau đớn của những người phụ nữ khi cuộc sống hôn nhân đã không hạnh phúc, cuộc sống thường ngày cùng chẳng dễ dàng. Cái lạnh lẽo ấy chẳng những là sự lạnh lẽo về thể chất bên ngoài, mà còn là sự lạnh lẽo về cả tinh thần. Căm phẫn trước tình cảnh ấy của chính mình, cũng như của những người phụ nữ có cùng chung số phận với mình, Hồ Xuân Hương đã phải thốt lên một câu từ tận đáy lòng:

“Chém cha cái kiếp lấy chồng chung!”

Nữ sĩ Xuân Hương, nạn nhân của chế độ đa thê đầy đau đớn của chế độ cũ đã nói thẳng thừng về những bi thảm trong buồng the của “kiếp chồng chung”:

“Năm thì mười họa hay chăng chớ
Một tháng đôi lần có cũng không”.

Nữ sĩ đã dồn hai thành ngữ dân gian “năm thì mười họa” và “gặp chăng hay chớ” thành một câu thơ lấp lửng thật hay: “Năm thì mười họa hay chăng chớ”. Câu thơ Đường giờ đây dường như đã trở thành câu thơ thuần Việt diễn tả sự thưa thớt, họa hoằn của việc chăn gối của chồng và người vợ lẽ. “Có cũng không” dường như để diễn tả cảm xúc của người vợ lẽ. Dù cho rằng có hay không có thì cũng như nhau cả thôi vì sẽ chẳng ảnh hưởng gì đến tình cảm cũng như sự đối đãi giữa chồng với người vợ lẽ cả. “Có cũng không” dường như đang nói rằng người chồng trên danh nghĩa kia cũng chỉ là “chồng hờ” mà thôi.

Tuy rằng bị hắt hủi, phải sống trong cô độc nhưng không bởi vì vậy mà cô không làm tròn bổn phận của một người vợ:

“Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm
Cầm bằng làm mướn, mướn không công,”

Thế nhưng, càng cố gắng biết bao nhiêu thì lại càng thất vọng bấy nhiêu. Càng mong muốn một cuộc sống êm ấm, hạnh phúc thì lại càng nhận lại sự lạnh lùng của chính người mà mang danh là “chồng” của chính mình. Vợ lẽ được cưới về chỉ như là để cho ngôi nhà có thêm người làm, có thêm người san sẻ việc nhà với vợ cả mà thôi. Chính bởi vậy, mà đôi khi vợ lẽ phải làm những công việc chẳng khác nào người ở trong nhà cả, thậm chí còn khổ hơn cả những người ở trong nhà. Không những vậy, còn chẳng được nhận được những điều xứng đáng với công sức mà mình đã bỏ ra.

Đối với xã hội xưa cũ, việc con gái không lấy chồng chính là một vết nhơ đối với cả gia tộc. Thế nhưng, Hồ Xuân Hương lại nguyện ở vậy suốt đời còn hơn là phải chịu cảnh khổ cực khi làm vợ lẽ:

“Thân này ví biết dường này nhỉ
Thà trước thôi đành ở vậy xong. ”

Đây dường như là một sự tự nhận thức, không hình ảnh, không gợi cảm, chỉ phô diễn trực tiếp ý tưởng của một đời làm lẽ. Bà ngậm ngùi mà thầm nghĩ rằng “Thà trước thôi đành ở vậy xong”. Thế mới càng thấy “kiếp lấy chồng chung” cay nghiệt với người phụ nữ đến nhường nào!

Bài thơ “Làm lẽ” hay ở cách nó thể hiện tình cảm chân thành, nồng nàn cũng như tư tưởng và tinh thần phản kháng quyết liệt với những bất công của chế độ đa thê. Nghệ thuật diễn đạt tài tình, ngôn ngữ quen thuộc, bộc lộ cảm xúc một cách chân thực.

“Làm lẽ” chính là một tác phẩm mang đầy dấu ấn thời đại trong mình. Không những mang giá trị trong thời kì xã hội cũ mà cho tới cả bây giờ vẫn còn y nguyên giá trị. “Làm lẽ” của Hồ Xuân Hương sẽ mãi là một ngôi sao sáng trên nền trời văn học Việt Nam.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *