Đề bài: Bạn hãy viết bài văn nghị luận phân tích tâm trạng của nhân vật Thị Kính trong đoạn trích dưới đây trong tác phẩm Quan Âm Thị Kính.

Bạch vân kìa nẻo xa xa,
Song thân ta đấy là nhà phải không?
Bể, non chưa chút đền công,
Bấy lâu nay những nặng lòng vì con.
Ngỡ đà qua nạn Cự môn,
Ai hay Thái tuế hãy còn theo đây.
Tiền sinh nghiệp chướng còn đầy,
Cho nên trời mới đem đày nhân gian.
Mắt phàm khôn tỏ ngay gian,
Hai phen đem buộc tiếng oan tày trời.
Châu kinh tụng mấy muôn lời,
Tai ương hay cũng rụng rời như tro.
Sá thù chi đứa dâm ô,
Nước tùy duyên rửa đi cho kẻo mà!
Chữ rằng: “Nhẫn nhục nhiệm hòa,
Nhẫn điều khó nhẫn mới là chân tu”.
Lọc vàng nào quản công phu,
Mắt ngừng trên vách, mấy thu đã chầy.

(Trích Quan Âm Thị Kính, in trong Tổng tập Văn học Việt Nam,
Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, Nxb Khoa học Xã hội, H.2000)

Phân tích tâm trạng của nhân vật Thị Kính trong đoạn trích trong tác phẩm Quan Âm Thị Kính

“Quan Âm Thị Kính” là một truyện thơ Nôm đặc sắc trong kho tàng văn học Việt Nam về chủ đề đạo đức thế sự. Đoạn trích đã cho ở phần Đọc hiểu là một trong những đoạn trích tiêu biểu, nói về tâm trạng của Thị Kính lúc ở chùa, sau khi phải chịu hai nỗi hàm oan. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng đi vào phân tích tâm trạng của nhân vật Thị Kính được thể hiện qua đoạn trích.

Mở đầu tác phẩm là nỗi lòng của Thị Kính đối với cha mẹ:

Bạch vân kìa nẻo xa xa,
Song thân ta đấy là nhà phải không?
Bể, non chưa chút đền công,
Bấy lâu nay những nặng lòng vì con.

Thị Kính phải vào chùa đi tu vì những nỗi oan ức không thể giãi bày, Thị Kính nặng lòng thương nhớ quê nhà, thương nhớ cha mẹ. Nàng bày tỏ nỗi day dứt khi chưa báo đáp được công ơn dưỡng dục sinh thành, lại còn để cha mẹ phải bận lòng vì những nỗi khổ của mình. Điều đó cho thấy Thị Kính là một người con hiếu thảo.

Đến sáu câu tiếp theo, nàng giãi bày về những nỗi oan ức:

Ngỡ đà qua nạn Cự môn,
Ai hay Thái tuế hãy còn theo đây.
Tiền sinh nghiệp chướng còn đầy,
Cho nên trời mới đem đày nhân gian.
Mắt phàm khôn tỏ ngay gian,
Hai phen đem buộc tiếng oan tày trời.

Những nỗi oan ức tiếp nối, đến khi vào cửa Phật rồi mà tai ương vẫn còn theo đuổi. Tuy nhiên ở đây ta thấy Thị Kính không than trời trách đất, cũng không đổ lỗi cho ai, mà chỉ cho rằng vì nghiệp chướng kiếp trước của chính mình, nên kiếp này mình mới bị đày ải trong nhân gian, để trả món nợ tiền kiếp ấy.

 

Những câu còn lại là tấm lòng vị tha của Thị Kính:

– Thị Kính lánh mình cửa Phật, tìm đến kinh kệ để nguôi ngoai tâm sự của mình, để hóa giải nghiệp chướng của chính bản thân mình.

– Thấm nhuần đạo lí nhà Phật, lại sẵn có tấm lòng vị tha, nên Thị Kính không oán thù Thị Mầu, mà chỉ coi đó là nhân duyên tiền kiếp mình mắc nợ, kiếp này phải trả. Bằng cách tu tập, Thị Kính không chỉ muốn rửa oan cho mình, mà còn muốn hồi hướng công đức đến cho Thị Mầu, để Thị Mầu thay đổi bản tính.

– Những câu kết nói lên một triết lí của nhà Phật mà Thị Kính lấy đó làm kim chỉ nam cho cuộc sống của mình: phải biết nhẫn điều khó nhẫn, phải biết chịu đựng, không oán thù, sân hận.

Quả thật, chỉ qua một đoạn trích ngắn, nhưng ta đã thấy được vẻ đẹp tâm hồn của Thị Kính: một con người giàu tình cảm, giàu lòng vị tha, thấu hiểu đạo lí nhà Phật. Đó là tấm lòng, là hình ảnh của một vị Quan Âm trong tương lai.

Với sự kết hợp của các yếu tố nghệ thuật đặc sắc, đoạn trích đã cho ta thấy được những diễn biến tâm trạng của nhân vật Thị Kính, qua đó làm toát lên vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật này. Đoạn trích là lời nhắc nhở mỗi chúng ta hãy biết sống vị tha, biết bao dung với những lỗi lầm của người khác, bởi mọi thứ đều có nguyên do của nó. Nó cũng cổ vũ ta hãy biết xoay chuyển tâm thế, nhận thức của mình để có được cuộc sống nhẹ nhàng, thanh thản.

By ngocnhu

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *