Bài thơ “Người đi tìm hình nước” lấy cảm hứng từ cuộc hành trình bôn ba kháng chiến, đi tìm đường cứu nước của vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh, Chế Lan Viên viết nên bài thơ nhằm tri ân, tỏ lòng biết ơn trước tấm lòng cao cả của Người. Sau đây, hãy cùng Hocmai360 Phân tích Người đi tìm hình của nước Chế Lan Viên nhé!

 

Dàn ý Phân tích Người đi tìm hình của nước Chế Lan Viên

1. Mở bài

– Giới thiệu khái quát tác giả Chế Lan Viên

– Giới thiệu nội dung chính tác phẩm Người đi tìm hình của nước

– Nêu vấn đề nghị luận: Phân tích Người đi tìm hình của nước Chế Lan Viên

– Trích thơ

2. Thân bài

a. Giới thiệu phong cách sáng tác của Chế Lan Viên và hoàn cảnh sáng tác tác phẩm Người đi tìm hình của nước

b. Phân tích Người đi tìm hình của nước Chế Lan Viên

– 7 đoạn thơ đầu:

+ Cách ngắt nhịp 5/5 khiến bạn đọc phải thổn thức và xúc động trước khung cảnh Bác rời đi.

+ “hàng tre”, “bờ bãi”, “làng xóm” là những hình ảnh thân thuộc vô cùng, nhưng cũng vì vậy Bác càng quyết tâm ra đi,

+ “Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác”: nỗi đau, nỗi thương xót, lo lắng, lưu luyến của Chế Lan Viên dành cho Người

=> Những dòng thơ đầu tiên, nhà thơ đã khắc họa nên nỗi luyến tiếc không nguôi của Bác khi phải ra đi.

=> Nỗi đau của người con xa xứ và tình cảm chân thành của nhà thơ dành cho Người.

– 11 đoạn thơ tiếp: Những gian nan vất vả Bác phải trải qua

+ Cuộc đời lênh đênh trên biển, đâu đâu cũng là sóng và nước.

+ Bác thao thức, trằn trọc không biết tương lai sẽ đi đâu về đâu.

+ “Xa nước rồi mới hiểu đau thương: Bác thấm thía từng nỗi đau mà dân ta phải chịu

+ “đêm mơ nước ngày thấy hình của nước”: hình nước đi vào trong từng giấc ngủ của Bác

+ Hình ảnh đối lập ăn ngon – đắng lòng : Dù có được bữa ăn ngon, nhưng trong thâm tâm Bác chẳng yên lòng, ăn không ngon, ngủ không yên trước vận mệnh của đất nước

=> Dù đi đâu về đi, tổ quốc luôn nằm sâu trong trái tim, trong thâm tâm của Người

– 2 đoạn thơ cuối: Nỗi niềm sung sướng của Bác khi giác ngộ cách mạng và hành trình quay về tổ quốc

+ Thán từ “Ôi” cho thấy sự sung sướng, hạnh phúc đến vỡ òa của tác giả và Bác.

+ Giọt nước mắt thiêng liêng và đầy cao cả của Người

+ Chủ nghĩa Mác – Lênin đã soi sáng, mở đường cho Bác và tổ quốc thân yêu này

+ “Kìa, bóng Bác đang hôn lên hòn đất / Lắng nghe trong màu hồng, hình đất nước phôi thai” Hai câu thơ cho thấy tình yêu cao cả của Người dành cho đất nước mình

+ “Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười”.

=> Bác yêu từng tấc đất, từng ngôi nhà, hình nước và hình Đảng luôn đậm sâu trong tim Bác.

3. Kết bài

– Khẳng định lại giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm

– Nêu cảm nghĩ của bản thân

 

Phân tích Người đi tìm hình của nước Chế Lan Viên

Chế Lan Viên được biết đến là một trong những nhà thơ tiêu biểu của phong trào thơ ca lãng mạn với xu hướng thoát ly hiện thực, hồn thơ điên loạn, mang đậm chất riêng của mình. Bài thơ “Người đi tìm hình của nước” lấy cảm hứng từ cuộc hành trình bôn ba kháng chiến, đi tìm đường cứu nước của vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh, từ đó mang đến cho bạn đọc nỗi niềm xúc động khôn nguôi, tự hào cũng như tỏ lòng biết ơn trước công lao vĩ đại của Bác.

“Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi

Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác

Khi bờ bãi dần lui làng xóm khuất

Bốn phía nhìn không một bóng hàng tre

Luận cương của Lênin theo Người về quê Việt

Biên giới còn xa. Nhưng Bác thấy đã đến rồi

Kìa, bóng Bác đang hôn lên hòn đất

Lắng nghe trong màu hồng, hình đất nước phôi thai”

“Hãy nhặt lấy chữ của đời mà góp nên trang” – Chế Lan Viên. Suốt sự nghiệp cầm bút của mình, Chế Lan Viên đã để lại cho nền văn học Việt Nam vô số tác phẩm đặc sắc, ấn tượng sâu đậm đến bạn đọc. Dù trải qua bao khó khăn, vất vả, ảnh hưởng từ nhiều giai đoạn của lịch sử tạo nên những biến đổi trong những góc nhìn, quan điểm thẩm mỹ và đặc biệt là tư tưởng nghệ thuật, nhưng điều đó vẫn thống nhất, tồn tại duy nhất một con người – Chế Lan Viên. Quan niệm thơ ca của ông luôn độc đáo và riêng biệt: thơ là một đám cháy trong tâm hồn, thi sĩ phải là người thoát ly triệt để thực tại để tìm giải thoát ở cõi siêu hình bất tận. Đến sau cách mạng, quan niệm ông có phần biến đổi, phù hợp với thời đại, tình hình đất nước: ông hướng đến cuộc sống nhân dân và đất nước, thấm nhuần tư tưởng cách mạng. Hiện thực cuộc sống chính là cội nguồn và nhà thơ phải có trách nhiệm trước cuộc đời, trước tình hình biến động của đất nước. Có thể nói, Chế Lan Viên luôn có cái nhìn và hướng đi rất lạ trong thi đàn Việt Nam, là ngòi bút thông minh, tài hoa, phong phú và đa dạng.

Bác Hồ là nguồn cảm hứng bất tận trong làng văn học nước nhà, “tên Người là cà một niềm thơ”. Bài thơ “Người đi tìm hình của nước” là dấu ấn quan trọng trong hành trình mỹ học của Chế Lan Viên. Lấy cảm hứng cuộc hành trình ba mươi năm bôn ba tìm đường cứu nước của Bác, Chế Lan Viên đã viết nên bài thơ nhằm tri ân, tỏ lòng biết ơn trước tấm lòng cao cả của Người.

Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi

Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác

Khi bờ bãi dần lui làng xóm khuất

Bốn phía nhìn không một bóng hàng tre

Mà hình đất nước hoặc còn hoặc mất

Sắc vàng nghìn xưa, sắc đỏ tương lai

Thế đi đứng của toàn dân tộc

Một cách vin hoa cho hai mươi lăm triệu con người

Những dòng thơ đầu tiên, nhà thơ đã khắc họa nên nỗi luyến tiếc không nguôi của Bác khi phải ra đi. “Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi”, câu thơ với cách ngắt nhịp 5/5 khiến bạn đọc phải thổn thức và xúc động trước khung cảnh Bác rời đi. Đất nước đẹp vô cùng, “hàng tre”, “bờ bãi”, “làng xóm” thân thuộc vô cùng, nhưng cũng vì vậy Bác càng quyết tâm ra đi, ra đi để bảo vệ nơi chôn rau cắt rốn, bảo vệ tổ quốc thân yêu này. “Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác”, câu thơ là nỗi đau, nỗi thương xót, lo lắng, lưu luyến của Chế Lan Viên dành cho Người, đồng thời làm tăng thêm sự thiêng liêng, quý giá trong khoảnh khắc lịch sử của Bác. Mọi thứ dần “lui bóng”, cảm giác hụt hẫng, xót xa và lo lắng của Bác càng dâng cao, Bác cố gắng “nhìn”, lưu lại những hình bóng quen thuộc này. Chế Lan Viên đã khắc họa vô cùng chân thật, sinh động nỗi đau của người con xa xứ và tình cảm chân thành của nhà thơ dành cho Người.

 

Có nhớ chăng hỡi giá rét thành Ba Lê

Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa băng giá

Và sương mù thành Luân Đôn, ngươi có nhớ

Giọt mồ hôi Người nhỏ giữa đêm khuya?

Nước Việt Nam nghìn năm Đinh Lý Trần Lê

Thành nước Việt nhân dân trong mát suối

Mái rạ nghìn năm hồng thay sắc ngói

Những đời thường cũng có bóng hoa che

Cuộc đời lênh đênh trên biển, đâu đâu cũng là sóng và nước. Đêm đầu tiên, Bác không khỏi lo lắng và thổn thức, một phần vì nhớ quê hương, tổ quốc, phần còn lại vì tương lai vô định, Bác thao thức, trằn trọc không biết tương lai sẽ đi đâu về đâu. Đến vùng trời xa lạ, Bác càng thêm nhớ và yêu tổ quốc của mình, “Xa nước rồi mới hiểu đau thương”. Câu thơ nhẹ nhàng mà da diết, Bác thấm thía từng nỗi đau mà dân ta phải chịu, Bác thương và đau lòng vô cùng, “đêm mơ nước ngày thấy hình của nước”.

Bác lo cho dân, Bác thương dân, trằn trọc đến độ chiêm bao, hình nước đi vào trong từng giấc ngủ của Bác, “Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà”, “Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc”. Hình ảnh đối lập ăn ngon – đắng lòng khiến độc giả phải bồi hồi, xúc động vì những gì Bác phải trải qua. Dù có được bữa ăn ngon, nhưng trong thâm tâm Bác chẳng yên lòng, ăn không ngon, ngủ không yên trước vận mệnh của đất nước mình. Dù đi đâu về đi, tổ quốc luôn nằm sâu trong trái tim, trong thâm tâm của Người, bởi vì thế Người càng quyết tâm, mạnh mẽ giữa dòng đời tấp nập, tìm ra chân lý cách mạng, đem lại tự do cho dân tộc.

Ôi! Đường đến với Lênin là đường về Tổ quốc…

Tuyết Mat-xcơ-va sáng ấy lạnh trăm lần

Trong tuyết trắng như đọng nhiều nước mắt

Lênin mất rồi. Nhưng Bác chẳng dừng chân

 

Luận cương của Lênin theo Người về quê Việt

Biên giới còn xa. Nhưng Bác thấy đã đến rồi

Kìa, bóng Bác đang hôn lên hòn đất

Lắng nghe trong màu hồng, hình đất nước phôi thai

May mắn thay, Bác đã thành công tìm ra con đường cứu nước. Thán từ “Ôi” cho thấy sự sung sướng, hạnh phúc đến vỡ òa của tác giả và Bác. “Trong tuyết trắng như đọng nhiều nước mắt”, giọt nước mắt thiêng liêng và đầy cao cả của Người, mọi thành quả đều xứng đáng với công lao của Bác. “Lênin mất rồi. Nhưng Bác chẳng dừng chân”, chủ nghĩa Mác – Lênin đã soi sáng, mở đường cho Bác và tổ quốc thân yêu này, Bác lật từng trang sách, cảm nhận từng dòng chữ, luận cương cùng Bác quay về đất Việt, theo chân Bác giải phóng, mang đến tự do cho đồng bào dân tộc Việt nam. “Kìa, bóng Bác đang hôn lên hòn đất

Lắng nghe trong màu hồng, hình đất nước phôi thai” Hai câu thơ cho thấy tình yêu cao cả của Người dành cho đất nước mình, Bác thương lắm, thương cho dân, thương cho đồng bào đã phải chịu nhiều khổ cực. Bác yêu từng tấc đất, từng ngôi nhà, hình nước và hình Đảng luôn đậm sâu trong tim Bác, “phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười”.

Bài thơ “Người đi tìm hình của nước” của Chế Lan Viên là lòng biết ơn và tự hào của nhà thơ dành cho vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh. Qua đó, thấy được tài năng xuất chúng, lý tưởng cao cả của Chế Lan Viên: một lòng hướng đến cuộc sống nhân dân và đất nước, thấm nhuần tư tưởng cách mạng.

By ngocnhu

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *