Truyện ngắn Chiếc ấm sứt vòi là một câu chuyện quen thuộc, đậm tính nhân văn của tác giả Trần Đức Tiến. Hôm nay, hãy cùng nhau tìm hiểu bài viết Phân tích nghệ thuật tự sự của truyện ngắn Chiếc ấm sứt vòi để xem cách nhà văn truyền tải những thông điệp ý nghĩa đến với độc giả nhé!

Phân tích nghệ thuật tự sự của truyện ngắn Chiếc ấm sứt vòi

Truyện ngắn Chiếc ấm sứt vòi của tác giả Trần Đức Tiến là câu truyện kể thiếu nhi, mang màu sắc trong sáng và thơ ngây nhưng sâu trong đó lại ẩn chứa nhiều bài học và quan điểm về cuộc sống. Trong bài, nhiều chi tiết tạo nên giá trị và thông điệp cho tác phẩm, nhưng đặc biệt hơn cả chính là ở phương thức biểu đạt tự sự được tác giả sử dụng đã làm cho những bài học ẩn chứa bên trong nổi bật và càng dễ đi vào lòng người hơn.

Bằng phương thức tự sự, những tâm tình và suy nghĩ của các nhân vật như ông hang nước, chiếc ấm sứt vòi trở nên khách quan hơn, khiến người đọc dễ nhìn nhận và đánh giá tình huống. Đồng thời, lối tự sự làm cho tác phẩm sinh động hơn bao giờ hết, tất cả các sự việc trong bài đều được kể vô cùng chi tiết, dễ hiểu, mạch văn trôi chảy, từ đó làm cho truyện ngắn trở thành một chuỗi các sự kiện xảy ra lần lượt, các thông điệp cũng được mang đến vô cùng lô-gic.

Với lối kể chuyện đầy hấp dẫn và lôi cuốn của Trần Đức Tiến, người đọc hết lần này đến lần khác có được sự biến thiêng trong cảm xúc. Đầu tiên, tác giả nêu lên hình ảnh chiếc ấm sứt vòi, tưởng chừng nó sẽ sớm được thay thế bằng một chiếc ấm mới tinh lành lặn nhưng không, bằng phương thức biểu đạt tự sự và nghệ thuật xây dựng tình huống truyện bất ngờ, tác giả đã biến chiếc ấm cũ “khuyết tật” trở thành một vật dụng mà ai nấy đều yêu quý, tạo cảm xúc bất ngờ cho độc giả. Không dừng lại ở đó, tình huống ông khách trả giá cao để mua lại chiếc ấm cũ vì ông ta cho rằng đấy là chiếc ấm đã ba trăm năm tuổi cũng tạo bất ngờ không kém, bên cạnh đó còn mang lại thông điệp châm biếm và gây cười cho người đọc về hình ảnh một kẻ trọc phú, một tay ngang về đồ cổ. Cuối cùng, bất ngờ hơn cả, khi ông hang nước được trả cái giá ngất ngưỡng cho một chiếc ấm cũ kĩ, ông lão đã không nhận, bởi ông biết rõ giá trị thật sự của chiếc ấm ấy cũng như ông trân trọng những kỉ niệm với nó, điều này đã tạo nên nét đẹp nhân cách cho nhân vật này. Qua đó, ta nhìn nhận được những nét đặc trưng về nghệ thuật mà phương thức biểu đạt tự sự mang lại cho tác phẩm, chỉ có phương thức tự sự mới có thể làm nên những giá trị nghệ thuật như thế.

Không dừng lại ở đó, tự sự còn giúp cho tác giả biểu đạt mạnh mẽ hơn những quan niệm quý giá về cuộc sống qua những lời đối thoại trực tiếp giữa các nhân vật hay những dòng suy nghĩ của họ. Sáng tạo và độc đáo hơn nữa chính là khi Trần Đức Tiến nhân hóa chiếc ấm, biến nó như trở thành một con người thực thụ, biết làm việc, suy nghĩ và có cảm xúc suy tư. Cũng chính bằng hình tượng ấy, đã giúp tác giả thành công trong việc gửi gắm và truyền tải thông điệp đến mọi người rằng ai cũng có giá trị của riêng mình, cho dù lành lặn hay khiếm khuyết thì khi ta nhận ra được điểm mạnh và phát huy nó đúng cách, đúng nơi, cố gắng để bù đắp những thiếu sót của chính mình thì ta sẽ nhận được sự tín nhiệm và yêu quý từ mọi người. Bất cứ ai cũng nên hiểu rõ giá trị thật sự của mình để đánh giá và tìm đúng nơi mình thuộc về, không nên vì hư danh mà bác bỏ đi những sự thật hiển nhiên về con người mình.

Chiếc ấm sứt vòi thật sự là một truyện ngắn mang đậm tính nhân văn, giáo dục cao. Và nhờ có phương thức biểu đạt tự sự đã góp phần giúp tác giả Trần Đức Tiến thể hiện hết những giá trị của nó, mang đến bài học quý giá cho cuộc sống.

—————————————

Trên đây là bài Phân tích nghệ thuật tự sự của truyện ngắn Chiếc ấm sứt vòi. Hi vọng bài viết trên sẽ giúp ích cho các bạn trong quá trình học tập. Chúc các bạn học tốt môn văn!

By ngocnhu

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *