Bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá”- Huy Cận mang đến những cảm nhận mới mẻ về thiên nhiên cùng con người lao động trong thời kỳ đất nước đổi mới. Mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây
Dàn ý phân tích đánh giá chủ đề và đặc sắc nghệ thuật bài thơ Đoàn thuyền đánh cá
Mở bài:
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm
– Nêu vấn đề cần nghị luận (Phân tích đánh giá chủ đề và đặc sắc nghệ thuật bài thơ Đoàn thuyền đánh cá)
Thân bài:
Đánh giá chủ đề
– Lấy cảm hứng chủ đề từ tình yêu thiên nhiên, yêu đất nước, yêu con người lao động trong cuộc sống mới.
– Tác phẩm là một khúc ca về thiên nhiên và về lao động.
– là niềm vui, niềm hy vọng vào một tương lai tốt đẹp, chủ đề làm nên giá trị tác phẩm
Nghệ thuật
– Sử dụng các biện pháp nghệ thuật như so sánh, liên tưởng
– Trí tưởng tượng phong phú, đa dạng cùng cái nhìn có chiều sâu
– Giọng điệu thơ khỏe khoắn, hào hùng và sáng tạo
– Nhờ những đặc sắc nghệ thuật trên, hình ảnh con người được nâng lên ngang tầm với vũ trụ bao la rộng lớn
– Đến những dòng câu cuối bài thơ, nhịp điệu chậm rãi, lắng đọng dần
– Bút pháp khoa trương
– Huy Cận đã đem đến cho người đọc một bức tranh tráng lệ của thiên nhiên. Qua đây ta thấy được thiên nhiên đã hòa hợp cùng con người. Hình ảnh con người hiện lên thật đẹp, thể hiện tinh thần lạc quan yêu đời
Kết bài:
– đánh giá chủ đề và đặc sắc nghệ thuật bài thơ Đoàn thuyền đánh cá
– nêu thông điệp
Phân tích đánh giá chủ đề và đặc sắc nghệ thuật bài thơ Đoàn thuyền đánh cá
Huy Cận là một trong những nhà thơ tiêu biểu của phong trào thơ mới. Thơ Huy Cận hàm súc, giàu chất suy tưởng triết lý. Sau cách mạng ông nhanh chóng hòa nhập vào công cuộc kháng chiến vĩ đại trường kỳ của dân tộc. Thơ ông tràn ngập niềm vui, niềm tin yêu vào cuộc sống mới. “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận là một “bài thơ cuộc đời”. Bài thơ được sáng tác ở Hòn Gai năm 1958 nhân một chuyến đi thực tế dài ngày. Huy Cận đã mang đến một bức tranh đẹp đẽ, vừa là khúc ca hào hứng đầy say mê với công việc lao động của những người dân. Đó là những con người làm chủ cuộc sống mới. Điểm nổi bật trong bài thơ là những giá trị mà chủ đề và đặc sắc nghệ thuật mang lại cho tác phẩm:
“Mặt trời xuống biển như hòn lửa,
Sóng đã cài then, đêm sập cửa.
…
Mặt trời đội biển nhô màu mới,
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.”
Lấy cảm hứng chủ đề từ tình yêu thiên nhiên, yêu đất nước, yêu con người lao động trong cuộc sống mới. Thông qua chuyến đi thực tế dài ngày ở vùng biển Hạ Long, Huy Cận đã cảm nhận một cách mạnh mẽ vẻ đẹp lao động đặc biệt là của những người ngư dân đánh cá. Tác phẩm là một khúc ca về thiên nhiên và về lao động. Thể hiện niềm vui, đầy hào hứng say mê của nhà thơ khi đứng trước vẻ đẹp tuyệt mỹ của thiên nhiên hòa cùng tiếng hát của những người lao động. Huy Cận đã thực sự hóa thân, hòa mình vào nhịp sống của người lao động để cảm nhận cuộc sống trên biển. Đây là bài ca ca ngợi những người nông dân cần cù, chăm chỉ, góp phần làm giàu thêm cho Đất Nước. Chính họ đã vẽ lên một bức tranh tràn đầy sức sống, ca ngợi vẻ đẹp của biển, của thiên nhiên. Qua bài thơ, Huy Cận đã mở ra một không gian bao la với biển cả rộng lớn, có mặt trời, có gió,… Đó là dòng chảy tuần hoàn của thời gian, nhà thơ đã thực sự hòa mình vào để cảm nhận vẻ đẹp của vũ trụ ban tặng từ lúc ban đêm đến bình minh rồi tới hoàng hôn. Đó là nhịp sống hối hả, nhưng đầy vui vẻ hào hứng, là điểm nhấn của tạo nên nhịp điệu cho công việc đánh cá của đoàn thuyền. Nếu như chủ đề bài thơ Tràng Giang được Huy Cận viết vào một buổi chiều thu 1939 khi đứng bên bờ sông Hồng mang đến cho người đọc cảm giác cô đơn, lạc lõng trước không gian mênh mông rộng lớn sóng nước. Đó là nỗi nhớ quê hương, nỗi sầu nhân thế trong cảnh nước mất nhà tan. Thì ngay sau khi bước vào công cuộc đổi mới xây dựng Đất Nước, phong cách thơ Huy cận cũng có nhiều chuyển biến. Chủ đề bài “Đoàn thuyền đánh cá” làm nổi bật rõ điều đó, đó là niềm vui, niềm hy vọng vào một tương lai tốt đẹp.
Những nét đặc sắc về nghệ thuật cũng góp phần tô đậm thêm bức tranh của đoàn thuyền đánh cá. Huy Cận đã sử dụng các biện pháp nghệ thuật như so sánh, liên tưởng hết sức độc đáo. Với trí tưởng tượng phong phú, đa dạng cùng cái nhìn có chiều sâu của mình, ông đã đưa bài thơ trở thành khúc tráng ca ca ngợi cuộc sống lao động của những người dân chài. Cùng với giọng điệu thơ khỏe khoắn, hào hùng và sáng tạo tác phẩm thực sự đã chạm đến tim người đọc, bộc lộ niềm vui, niềm tự hào của nhà thơ trước thiên nhiên và con người. Mở đầu bài thơ là nghệ thuật so sánh “mặt trời như hòn lửa” mặt trời đỏ rực đang chìm dần xuống đại dương rộng lớn. Hình ảnh thiên nhiên thật đẹp, thật tráng lệ. Đây là hình ảnh so sánh đầy tính nghệ thuật, gợi trí liên tưởng thú vị. Nhà thơ còn sử dụng nghệ thuật ẩn dụ những con sóng “sóng đã cài then đêm sập cửa” vũ trụ bao la rộng lớn cũng có lúc nghỉ ngơi, mang dáng vẻ con người. Hay đó là hình ảnh hoán dụ “đoàn thuyền đánh cá” để chỉ những người dân lao động cần cù, khi vũ trụ chìm vào trạng thái nghỉ ngơi thì con người bắt đầu với công việc của mình, họ hy sinh cống hiến thầm lặng cho Đất Nước. Với trí tưởng tượng phong phú cùng với ngồi bút đầy lãng mạn bay bổng, kết hợp với cách nói khoa trương Huy Cận đã gợi ra trước mắt người đọc hình ảnh đoàn thuyền đánh cá thật lớn lao, người lao động hiện lên với tư thế hùng dũng, hiên ngang chuẩn bị bước vào một trận lao động mới. Nhờ những đặc sắc nghệ thuật trên, hình ảnh con người được nâng lên ngang tầm với vũ trụ bao la rộng lớn. Đến những dòng câu cuối bài thơ, nhịp điệu chậm rãi, lắng đọng dần. Mang đến cho ta cảm giác vui vẻ, thoải mái khi kết thúc chuyến đánh bắt của đoàn thuyền. Đó là cảm giác của một người chiến thắng, là niềm vui trong lao động. Khi họ đã thu được những kết quả tốt đẹp của chuyến ra khơi. Tóm lại với bút pháp khoa trương cùng các hình ảnh so sánh ẩn dụ liên tưởng đầy thú vị, Huy Cận đã đem đến cho người đọc một bức tranh tráng lệ của thiên nhiên. Qua đây ta thấy được thiên nhiên đã hòa hợp cùng con người. Hình ảnh con người hiện lên thật đẹp, thể hiện tinh thần lạc quan yêu đời vui vẻ trước những thành quả mà họ đạt được sau chuyến ra khơi.
Qua chủ đề cũng như những giá trị đặc sắc về nghệ thuật bức tranh biển cả hiện lên tràn đầy sức sống, thể hiện tinh thần của những người dân lao động trong thời kỳ Đất Nước đổi mới. Qua đây Huy Cận đã thể hiện tình yêu thiên nhiên, yêu con người lao động, cùng góp phần vào công cuộc xây dựng miền Bắc lên chủ nghĩa xã hội.