Phân tích đặc điểm, cách kể chuyện của Nam Cao qua tác phẩm “Cái chết của con mực”

“Cái chết của con mực” là truyện ngắn được in trên báo Hà Nội tân văn, thể hiện đặc trưng nghệ thuật, phong cách kể chuyện Nam Cao. Để hiểu rõ hơn về tác phẩm mời các bạn cùng theo dõi bài Phân tích đặc điểm, cách kể chuyện của Nam Cao qua tác phẩm “Cái chết của con mực” say đây!


Dàn ý Phân tích đặc điểm, cách kể chuyện của Nam Cao qua tác phẩm “Cái chết của con mực” 

1. Mở bài:  

- Giới thiệu tác giả Nam Cao (là nhà văn lớn của Việt Nam, có sở trường viết truyện ngắn, thường viết về số phận của người nông dân Việt Nam trước Cách Mạng Tháng 8...)  

- Giới thiệu tác phẩm “Cái chết của con mực” ( hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ, nội dung chính...)à dẫn dắt đến vấn đề nghị luận: đặc điểm, cách kể chuyện của Nam Cao qua tác phẩm.  

2. Thân bài:  

* Tóm tắt tác phẩm : ...

* Phong cách nghệ thuật, đặc điểm kể chuyện của Nam Cao:

+ Cốt truyện hấp dẫn, xây dựng tình huống truyện đặc sắc (thường đặt nhân vật vào những tình huống truyện đặc biệt, éo le để làm nổi bật tính cách nhân vật...).  

+ Nhân vật được miêu tả một cách tinh tế, sâu sắc, đặc biệt diễn biến tâm lý, nội tâm nhân vật được khắc họa cụ thể, sinh động (ngôn ngữ đối thoại, độc thoại nội tâm, hành động ...)

+ Cách kể chuyện tự nhiên, linh hoạt, ngôn ngữ hàm súc, gần với lời ăn tiếng nói của nhân dân.  

- Lấy chi tiết trong bài, phân tích chứng minh

- Giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo...

3. Kết bài: Khái quát lại giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm  

Phân tích đặc điểm, cách kể chuyện của Nam Cao qua tác phẩm “Cái chết của con mực”

Phân tích đặc điểm, cách kể chuyện của Nam Cao qua tác phẩm “Cái chết của con mực” 

Nam Cao là một trong những nhà văn lớn của trào lưu văn học hiện thực phê phán Việt Nam. Trái ngược với vẻ bề ngoài lạnh lùng, ít nói của ông là tâm hồn nhạy cảm, phong phú, giàu tình yêu thương – chính vì vậy ông đã để lại nhiều tác phẩm vừa phản ánh hiện thực sắc sảo vừa thể hiện giá trị nhân đạo cao cả. “Cái chết của con mực” là truyện ngắn được in trên báo Hà Nội tân văn, thể hiện đặc trưng nghệ thuật, phong cách kể chuyện Nam Cao.  

 Truyện kể về diễn biến tâm lý của nhân vật Du trong quá trình bắt giết con Mực - con chó có nhiều tật xấu. Ban đầu, người ta đã định giết thịt nó, nhưng vì nhiều lí do nên ngày xử con Mực liên tục bị hoãn lại. Cuối cùng, người ta quyết định sẽ giết con Mực để mừng người con trai tên Du xa nhà nhiều năm nay mới trở về. Việc bắt và giết con Mực được giao cho Du. Mặc dù là người có lòng thương con Mực, nhưng vì muốn mình phải mạnh mẽ, phải giống những người xung quanh nên anh cũng đã vào hùa để giết con Mực, để rồi khi con Mực bị bắt giết thì anh lại nghẹn ngào nén khóc.. Nam Cao rất có tài trong xây dựng cốt truyện, từ tình huống truyện đơn giản, Nam Cao đã tạo dựng một cốt truyện hấp dẫn, lôi cuốn. Ông đã đặt nhân vật vào hoàn cảnh đặc biệt, éo le: Du vừa mới về nhà sau nhiều năm, được giao nhiệm vụ giết thịt Mực – chú chó từ thời thơ ấu của mình. Nhân vật phải đứng giữa các mâu thuẫn lòng thương - sự đánh giá của mọi người xung quanh; mong muốn bản thân - ý thức tập thể; con người cá nhân – con người xã hội. Chính tình cảnh chứa đựng nhiều mâu thuẫn này đã làm nổi bật con người Du cũng như tư tưởng, giá trị tác phẩm.  

Không chỉ dừng lại ở việc đặt nhân vật vào những tình huống éo le, chứa đầy mâu thuẫn, Nam Cao còn đi sâu vào miêu tả sinh động nội tâm, diễn biến tâm lý nhân vật. Nhân vật Du mặc dù có tấm lòng yêu thương động vật nhưng khi thấy em gái tủm tỉm cười vì mình để sổng mất Mực, Du hoàn toàn đổ lỗi cho con chó và giận nó. Nhưng sau khi thấy Mực bỏ ăn, Du lại có những cảm xúc lẫm lộn: thương, hối hận hay là thẹn. Du vẫn thương con chó nhưng lòng tự ái đã khiếm Du mất đi chính kiến bản thân, dễ lung lay trước ý kiến đông của mọi người. Ngôn ngữ độc thoại nội tâm được tác giả sử dụng rất thành công để thể hiện sự giằng xé nội tâm nhân vật “Phải dám giết mà không run tay khi cần phải giết. Còn làm được trò gì nữa nếu chỉ giết một con chó mà tim cũng đập?”...và Du quyết tâm giết Mực. Thế nhưng khi thấy điệu bộ đáng thương của con vật khi ngủ, anh lại thay đổi quyết định: Chàng thấy toát mồ hôi và nhất định không giết con chó nữa. Nhưng đó vẫn chưa phải là quyết định cuối cùng bởi khi thấy mọi người xúm lại bắt chó, Du không những không thể hiện tiếng nói bản thân mà lại hùa theo số đông, để rồi chỉ biết nghẹn ngào nén khóc. Như vậy quá trình đấu tranh tâm lý nhân vật được tác giả khắc họa vô cùng tự nhiên, sinh động bằng ngòi bút tinh tế, khả năng hóa thân vào nhận vật một cách tài tình.

Sức hấp dẫn của truyện còn từ cách kể chuyện tự nhiên, linh hoạt, ngôn ngữ kể chuyện gần với lời ăn tiếng nói hằng ngày. Câu chuyện được kể chủ yếu qua điểm nhìn của nhân vật Du do vậy diễn biến câu chuyện được dẫn dắt, tiến triển vô cùng tự nhiên  cuốn hút người đọc. Hình ảnh con Mực hay cậu Vàng (Lão Hạc – Nam Cao) là hiện thân của những thân phận nhỏ bé, bị khinh rẻ, coi thường, mặc dù trung thành với chủ nhưng cuối cùng phải nhận lại cái kết đau đớn. Qua đó, tác giả đã lên án xã hội đương thời chèn ép, đẩy cuộc sống con người vào những lựa chọn khó khăn, không được thế hiện tiếng nói cá nhân, đồng thời tác phẩm cũng là bài học về lòng nhân ái, sự kiên định trong quan điểm, không nên hùa theo đám đông, không có chính kiến của mình.

Tác phẩm “Cái chết của con mực” không chỉ khẳng định tài năng viết truyện ngắn của Nam Cao mà còn chứa đựng những giá trị hiện thực, nhân đạo, giá trị nhân sinh sâu sắc. Tác phẩm luôn là viên ngọc sáng trong kho tàng văn học Việt Nam, để lại nhiều bài học quý báu cho thế hệ hôm nay và mai sau. 

Vũ Hồng Nhung
28/11/2023
Đánh giá bài viết
icon-make-question icon-make-question