Skip to content

Phân tích bài thơ Nhớ cơn mưa quê hương

Post date:
Author:
Number of comments: no comments

Bài thơ “Nhớ cơn mưa quê hương” của tác giả Lê Anh Xuân là bài thơ thể hiện nỗi nhớ, tình yêu tha thiết của ông đối với mảnh đất quê nhà. Sau đây mời các bạn cùng Hocmai360 tham khảo bài Phân tích bài thơ “Nhớ cơn mưa quê hương”.

Dàn ý Phân tích bài thơ “Nhớ cơn mưa quê hương”

Mở bài:

• Giới thiệu tác giả Lê Anh Xuân

• Giới thiệu bài thơ “Nhớ cơn mưa quê hương”, khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật.

Thân bài: 

• Khổ thơ 1: Tiếng mưa là khởi nguồn cho nỗi nhớ quê hương da diết.

• Khổ thơ thứ 2: Cơn mưa quê hương gắn liền với cảnh sắc quê hương.

• Khổ thơ thứ ba: Cơn mưa quê hương mang theo bao kỉ niệm thơ ấu.

• Hai khổ thơ tiếp theo: Âm thanh vừa em ái vừa dữ dội của cơn mưa.

• Hai khổ thơ cuối: Cảnh sắc tươi đẹp của quê hương sau cơn mưa và tình yêu quê hương sâu sắc của tác giả.

Kết bài: Khái quát lại giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.

 

Bài mẫu Phân tích bài thơ “Nhớ cơn mưa quê hương”

Lê Anh Xuân là nhà thơ trẻ vừa cầm bút vừa cầm súng, ông là một trong những nhà thơ “đứng tầm chiến lũy”. Mặc dù cuộc đời ngắn ngủi nhưng nhà thơ ấy đã để lại nhiều bài thơ ý nghĩa và xúc động người đọc. Bài thơ “Nhớ cơn mưa quê hương” là bài thơ thể hiện nỗi nhớ, tình yêu tha thiết của tác giả đổi với mảnh đất quê nhà.

Mở đầu bài thơ là tiếng lòng da diết của người con xa quê lâu năm:

Quê nội ơi
Mấy năm trời xa cách
Đêm nay, ta nằm nghe mưa rơi
Nghe tiếng trời gầm xa lắc…
Cớ sao lòng thấy nhớ thương.

Từ tiếng mưa rơi, tác giả nhớ quê hương sâu sắc, tiếng mưa “gầm xa lắc” như hoàn cảnh hiện tại của nhân vật trữ tình. Khoảng cách địa lý xa xôi khiến tâm hồn người con xa quê thổn thức, đau đớn, mong ngóng ngày trở về.
Cơn mưa quê hương dội về bao kí ức thân thương thuở bé, từ những điều giản dị nhất như tàu chuối, bẹ dừa hay ánh mặt trời lên sau mỗi cơn mưa đều là những hạt mầm tình yêu cứ lớn dần theo năm tháng. Mặc dù những hình ảnh quê hương ấy đã quá đối gần gũi, quen thuộc nhưng đối với tác giả, cảm xúc dài dạt vẫn như ngày đầu,không thay đổi:

Ta yêu quá như lần đầu mới biết
Ta yêu mưa như yêu gì thân thiết

Chính vì cơn mưa là cội nguồn cảm xúc nên “ta” yêu mưa như yêu cảnh vật và con người quê hương vậy. Cơn mưa ấy là mảnh ghép khởi đầu cho bức tranh quê trong nỗi nhớ tác giả. Ở đó, tuổi thơ thân thương từ việc tắm dưới mưa, lội tung tăng trên mặt nước dưới sông hay những trò chơi tuổi trẻ:vui đùa ở các chòi, mo cau gấp thuyền, đều lần lượt hiện về.

Mưa cuốn đi rồi.
Mưa chảy xuống dòng sông quê nội
Sóng nước quê hương dào dạt chảy về khơi,
Chở những kỷ niệm xưa, chìm lắng bốn phương trời.

Thời gian cứ thế trôi đi như cơn mưa cuốn mất những chiếc thuyền cau theo dòng nước. Quá trình nước mưa chảy từ sông quê nội ra biển khơi và bốn phương trời như hành trình lớn lên, ra đi, trưởng thành của nhân vật trữ tình. Và những kí ức tươi đẹp của tuổi thơ sẽ luôn hiện hữu, trở thành hành trang quý giá đi theo con phiêu dạt bốn phương trời. Khi lớn lên, những kí ức ấy không chỉ hóa thành tình yêu quê hương mà còn hòa vào tình yêu đất nước.

Ôi cơn mưa quê hương.
Mưa là khúc nhạc của bài ca êm mát.
Những đêm ta nằm nghe mưa hát mưa ơi
Nghe mưa đập cành tre, nghe mưa rơi tàu lá,
Thầm thì rào rạt vang xa…

Tiếng mưa như bản nhạc êm ái, nhẹ nhàng mà hào hùng của dân tộc. Nghe mưa đập trên các cành tre, tàu lá mà tác giả ngỡ như tiếng mưa đang thì thầm, kể lại những trang lịch sử biến động, chói lọi, vang xa của nước nhà:

…Trang sử nhỏ nhà trường bỗng hoá mưa giông.
Nghe như tiếng của Cha Ông dựng nước,
Truyền con cháu phải ngẩng cao mà bước
Nghe như lời cây cỏ gió mưa.
Đang hát tiếp bài ca bất khuất ngàn xưa…

Tiếng mưa đi từ tuổi thơ đến chiến trường, từ quê hương ra đất nước như một hành trình dài đầy gian nan, thử thách. Trong tiếng mưa, âm thanh Cha Ông dựng nước, căn dặn thế hệ sau cứ vang vọng như lời thúc dục, cổ vũ tinh thần đấu tranh, bất khuất cho các chiến sĩ. Để giữ hòa bình, thống nhất nước nhà, không chỉ thế hệ ngày nay mà mai sau đều phải luôn luôn ngẩng cao đầu tiến lên phía trước, noi gương những tấm gương kiên cường bất khuất ngàn xưa.

Mưa tạnh rồi, như mùa xuân nhẹ trổi
Thấy sánh xanh trên những cành xanh nắng rọi
Mưa ơi mưa, mưa gội sạch những cành non
Mang đến mùa xuân những quả ngọt tươi ngon.
Ôi vui quá không thấy chim đâu cả
Mà bờ tre nghe giọng hót trong lành.
Nhà ai đấy nhịp chày ba rộn rã,
Làm hạt mưa trên cành lá rung rinh.

Sau cơn mưa, bầu trời lại rực sáng và màu xanh của bầu trời cùng các cành cây ánh lên như mùa xuân đã về. Cơn mưa đã gột sạch những cành non, mang đến những quả ngọt, rộn ràng tiếng chim trong lành cùng không khí rộn ràng, rộn rã của lao động sản xuất. Trải qua những cơn sấm hãi hùng, dòng nước xối xả, vạn vật như được hồi sinh, tràn đầy sức sống. Đó dường như cũng là sự hồi sinh, đứng lên của dân tộc sau chiến tranh đau thương, mất mát. Tương lai đất nước như mùa xuân “đầy những quả ngọt”, không ngừng phát triển và vươn lên.

Hình ảnh con người sinh hoạt, quê hương yên bình là hình ảnh chủ đạo trong khổ  thơ cuối. Hình tượng “Mấy cô gái bên kia sông giặt áo” hiện lên thật thơ mộng, trữ tình. Hành động “rẩy nước” những bộ áo như tạo những cơn mưa rào nho nhỏ, cánh tay cô nhẹ nhàng, uyển chuyển như cơn gió nhẹ rung cành tre. Những cô gái ấy như con người Việt Nam đứng lên sau chiến tranh, là tâm điểm của bức tranh và khiến bức tranh thêm yên bình, xúc động lòng người.

Tình cảm của người con xa quê đối với quê hương không chỉ luôn da diết, dạt dào như cảm xúc ban đầu mà nó còn ngày càng mãnh liệt và thắm thiết hơn. Càng nghe tiếng mưa, con càng muốn về quê nội, muốn trở lại tuổi thơ cùng mảnh đất hào hùng tiếng ông cha:

Ta muốn về quê nội
Ta muốn trở lại tuổi thơ
Ta muốn nằm trên mảnh đất ông cha
Nghe mưa đập cành tre, nghe mưa rơi tàu  lá…
Ôi tiếng sấm từ xa, bỗng gầm vang rộn rã…

Cũng là tiếng mưa đập cành tre, nghe mưa rơi trên tàu lá ấy cùng tiếng sấm từ xa gần kên rộn rã nhưng tác giả muốn được nghe nó tại mảnh đất quê hương mà không phải nơi đất khách quê người. Nỗi nhớ quê hương luôn thường trực, gào xé nội tâm nhân vật trữ tình như tiếng mưa, tiếng sấm triền miên, hiện hữu.

Bài thơ là dòng cảm xúc vừa tha thiết vừa dạt dào của người con xa quê đối với quê hương. Với thể thơ tự do, ngôn ngữ giản dị, hình ảnh thơ gần gũi , quen thuộc, giọng điệu thơ linh hoạt,… tác giả đã thể hiện nỗi lòng của mình một cách sâu sắc, chân thành, xúc động bao độc giả ở mọi thế hệ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *