Phân tích bài thơ đề đền Sầm Nghi Đống ngắn gọn
Đề đền Sầm Nghi Đống là bài thơ đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác Hồ Xuân Hương. Cùng tôi tham khảo bài phân tích chi tiết tác phẩm dưới đây.
Dàn ý phân tích bài thơ đề đền Sầm Nghi Đống
Mở bài:
– Giới thiệu khái quát về nhà thơ Hồ Xuân Hương
– Giới thiệu khái quát tác phẩm: hoàn cảnh ra đời, vị trí văn học,…
Thân bài:
– Nêu khái quát về hoàn cảnh hình thành nên đền Sầm Nghi Đống
2 câu đầu: cái nhìn thiếu tôn trọng đối với ngôi đền
– “Ghé mát trông ngang” là một cái nhìn bằng nửa con mắt, chỉ thoáng nhìn qua
– Tính từ “cheo leo” thể hiện thế đứng không vững vàng, không có chỗ bấu víu, gây cảm giác nguy hiểm, dễ bị rơi ngã
– “Kìa” là đại từ để chỉ một vị trí từ xa, với hàm ý bất kính.
==> Đây quả thực là một hành động vô nghĩa, nực cười của xã hội thời kỳ đó
2 câu cuối: mỉa mai giễu cợt cái nhân cách tầm thường, hèn hạ của vị hổ tướng thiên triều
– “ví đây đổi phận làm trai được” nói lên nhu cầu đổi thân phận, không im lặng chịu sự áp đặt của xã hội lên thân phận người phụ nữ nữa
– “Đây” là một đại từ nhân xưng, là cách bà tự xưng để sánh ngang hàng với vị tướng họ Sầm
– “sự anh hùng”: tự đem mình ra để sánh ngang với vị tướng thiên triều
– “há bấy nhiêu”: tự đề cao mình
==> chế giễu nhân cách tầm thường của những kẻ mày râu, những bậc quân tử bất tài vô dụng trong xã hội, mỉa mai, dè bỉu đối với sự nghiệp của đấng nam nhi
Kết bài:
– Khái quát giá trị nội dung, nghệ thuật
Phân tích bài thơ đề đền Sầm Nghi Đống
Hồ Xuân Hương là một trong số các nhà thơ nổi tiếng của nền văn học trung đại Việt Nam. Xuân Diệu đã từng nhận xét thơ Hồ Xuân Hương rằng: “Thứ thơ ấy không chịu ở trong khuôn khổ thông thường mà là một thứ thơ muốn lặn sâu về sự vật, vào những thứ đáy rất kín thẳm của tâm tư. Những thứ kín thẳm ấy không phải lạc lõng, cô đơn, cá nhân chủ nghĩa mà trái lại đã được hàng vạn người đồng tình thông cảm”. Bài thơ Đề đền Sầm Nghi Đống là tác phẩm đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác thơ của Hồ Xuân Hương. Tác phẩm nhắc người đọc nhớ đến một sự kiện lịch sử oanh liệt của dân tộc ta. Vào tết Kỷ Dậu 1789, khi vua Quang Trung đại phá quân Thanh, đồn Khương Thượng bị tiêu diệt, tướng giặc Sầm Nghi Đống khiếp sợ đã thắt cổ chết. Nhân một dịp đi qua đây, Hồ Xuân Hương đã sáng tác ra bài thơ này.
“Ghé mát trong ngang thấy bảng treo
Kìa đền thái thú đứng cheo leo
Ví đây đổi phận làm trai được
Sự nghiệp anh hùng há bấy nhiêu”
Sầm Nghi Đống là thái thú đất Diễn Châu, Trung Quốc. Trong cuộc tấn công vào Việt Nam 1789, ông được giao giữ đồn Khương Thượng Đống Đa. Khi bị vua Quang Trung cùng đội quân Tây Sơn đánh, Sầm Nghi Đống không thể chống cự được sức mạnh của nhân dân ta đã thắt cổ tự tử. Để giữ mối quan hệ bang giao hai nước, Quang Trung cho người Hoa lập miếu thờ Sầm Nghi Đống tại phía sau phố Hàng Buồm ngày nay. Mở đầu bài thơ, Hồ Xuân Hương đã đem đến cho đọc giả cái nhìn thiếu tôn trọng đối với ngôi đền:
“Ghé mát trong ngang thấy bảng treo
Kìa đền thái thú đứng cheo leo”
Hồ Xuân Hương chỉ vô tình đi qua đây mà trông thấy đền thái thú Sầm Nghi Đống. Bà đã nhìn đền với một cái nhìn không mấy tôn trọng. Một vị tướng giặc đi sang đất nước Việt Nam để cướp nước lại nhục nhã, hèn hạ thắt cổ tự tử chết. “Ghé mát trông ngang” là một cái nhìn bằng nửa con mắt, chỉ thoáng nhìn qua. Hồ Xuân Hương đã khéo léo lựa chọn từ ngữ làm cho câu văn mang tính khinh rẻ, miệt thị. Mặc dù là một ngôi đền thờ , đáng nhẽ nó phải toát lên vẻ uy nghi, linh thiêng. Là nơi người đời dựng lên để thể hiện thái độ tôn trọng, để ghi nhớ công ơn của những người có công gìn giữ đất nước. Thế nhưng ở đây ngôi đền lại hiện lên là “cái bảng treo”, “thế đứng rất cheo leo”. Tính từ “cheo leo” thể hiện thế đứng không vững vàng, không có chỗ bấu víu, gây cảm giác nguy hiểm, dễ bị rơi ngã. Qua đó, ta thấy rõ được thái độ mỉa mai châm biếm. “Kìa” là đại từ để chỉ một vị trí từ xa, với hàm ý bất kính. Biểu hiện cho sự ngạc nhiên đến khó hiểu. Hồ Xuân Hương không hiểu tại sao một tên tướng giặc xâm lược nước ta Sầm Nghi Đống lại được lập đền thờ như thế kia? Đây quả thực là một hành động vô nghĩa, nực cười của xã hội thời kỳ đó.
Hồ Xuân Hương không chỉ “ghé mát trông ngang”, chỉ trỏ trước ngôi đền, nữ sĩ còn dùng cách nói mỉa mai giễu cợt cái nhân cách tầm thường, hèn hạ của vị hổ tướng thiên triều:
Ví đây đổi phận làm trai được
Sự nghiệp anh hùng há bấy nhiêu
Thơ Hồ Xuân Hương là tiếng lòng của một người phụ nữ đa sầu đa cảm, chịu nhiều thiệt thòi, áp bức trong xã hội. Câu thơ “ví đây đổi phận làm trai được” nói lên nhu cầu đổi thân phận, không im lặng chịu sự áp đặt của xã hội lên thân phận người phụ nữ nữa. “Đây” là một đại từ nhân xưng, là cách bà tự xưng để sánh ngang hàng với vị tướng họ Sầm. Một vị thái thú Sầm Nghi Đống lại bị Hồ Xuân Hương nói là đây. Đó là một thái độ quá coi thường, vị thái thú ấy không có một chút giá trị gì trong mắt bà. Hồ Xuân Hương lại tự đem mình ra để sánh ngang với vị tướng thiên triều về cái “sự anh hùng”. Câu kết “há bấy nhiêu” cho thấy Hồ Xuân Hương đã tự đề cao mình, hơn gấp nhiều lần vị tướng họ Sầm. Qua cách dùng từ độc đáo cùng nghệ thuật so sánh bà đã nói lên thực trạng xã hội đen tối. Qua hai câu thơ trên, Hồ Xuân Hương chế giễu nhân cách tầm thường của những kẻ mày râu, những bậc quân tử bất tài vô dụng trong xã hội. Qua đó thể hiện thái độ mỉa mai, dè bỉu đối với sự nghiệp của đấng nam nhi.
Bằng việc sử dụng các từ ngữ, hình ảnh quen thuộc cùng với các biện pháp nghệ thuật hết sức độc đáo, bài thơ đã thể hiện sự khao khát của người phụ nữ về một xã hội công bằng. Khao khát xây dựng một sự nghiệp vĩ đại cho nước nhà. “Đề đền Sầm Nghi Đống” viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt với giọng điệu, cách nhìn đa chiều cho thấy một lối viết văn trào phúng tài hoa. Hồ Xuân Hương đã đưa những lời thơ hóm hỉnh, đa nghĩa làm nổi bật lên phong cách sáng tác của bà chúa thơ Nôm.