“Vợ nhặt” là truyện ngắn xuất sắc của nền văn học hiện thực Việt Nam phản ảnh sự khốc liệt của nạn đói kinh hoàng năm 1945. Bà cụ Tứ là nhân vật tiêu biểu cho sự lạc quan và giàu lòng nhân ái giữa cuộc sống đầy u uất, khó khăn ấy. Sau đây, hãy cùng Hocmai360 Phân tích bà cụ Tứ trong bữa cơm ngày đói nhé!
Dàn ý Phân tích bà cụ Tứ trong bữa cơm ngày đói
1. Mở bài
– Giới thiệu khái quát tác giả Kim Lân
– Giới thiệu nội dung chính tác phẩm “Vợ nhặt”
– Nêu vấn đề nghị luận: Phân tích bà cụ Tứ trong bữa cơm ngày đói
2. Thân bài
a. Giới thiệu phong cách sáng tác của tác giả Kim Lân và hoàn cảnh sáng tác tác phẩm “Vợ nhặt”b. Tóm tắt tác phẩm
Lấy bối cảnh nạn đói kinh hoàng năm 1945, trong xã hội người chết như rạ, người sống dật dờ như những bóng ma, nhân vật Tràng ở xóm ngụ cư hiện lên với vẻ ngoài xấu xí và thô kệch, làm nghề kéo xe bò, cùng người mẹ già sống vật vờ qua ngày. Giữa cuộc sống đầy tối tăm ấy, Tràng lại lấy được vợ. Giữa nạn đói hoành hành nghiêm trọng, Tràng lại dám kiếm thêm một miệng ăn vào nhà. Tuy nhiên, người vợ nhặt ấy đã mang đến cho gia đình Tràng nguồn ánh sáng, một cái nhìn khác, một cuộc sống đầy niềm tin và hy vọng về tương lai tốt đẹp.
c. Phân tích bà cụ Tứ trong bữa cơm ngày đói
– Hai mẹ con Tràng chào đón người vợ nhặt bằng bữa cơm ngày đói đơn giản đến mức thảm hại: “Giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau muống thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo”,…
– Nhưng bà cụ Tứ lại ăn ngon lành, vui vẻ, tận hưởng, chỉ nói toàn chuyện vui và chuyện sung sướng về sau
=> Hành động của bà như một lời động viên, an ủi con trai và con dâu trong cái cảnh cuộc sống lông bông đầy khó khăn
– Các tính từ: vui vẻ, tươi cười, đon đả,…
– “Chè khoán đây, ngon đáo để cơ”, “Xóm ta khối nhà còn chả có cám mà ăn đấy”…
=> Sự cố gắng che lấp mọi khó khăn trước mắt của gia đình
=> Bà không muốn con trai và con dâu phải u sầu trước cái cảnh đói kém, hy vọng hai vợ chồng sẽ đồng lòng vượt qua, xây dựng gia đình hạnh phúc ấm no.
=> Bà cụ Tứ là nhân vật tiêu biểu cho hình ảnh người mẹ với tấm lòng cao cả, đồng thời là nhân vật đại diện cho tài năng và sự độc đáo trong ngòi bút của Kim Lân.
3. Kết bài
– Khẳng định lại giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm
– Nêu cảm nghĩ của bản thân
Phân tích bà cụ Tứ trong bữa cơm ngày đói
“Vợ nhặt” là truyện ngắn xuất sắc của nền văn học hiện thực Việt Nam phản ảnh sự khốc liệt của nạn đói kinh hoàng năm 1945. Giữa không khí đầy tăm tối và ngột ngạt, qua ngòi bút tài hoa của Kim Lân câu chuyện trở nên đầy tình người và sức sống, cho thấy niềm khao khát cuộc sống mãnh liệt của mỗi con người. Thông qua chi tiết bữa cơm ngày đói đầy thiếu thốn, bà cụ Tứ là nhân vật tiêu biểu cho sự lạc quan và giàu lòng nhân ái giữa cuộc sống đầy u uất, khó khăn.
Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam – Hữu Thỉnh đã từng nhận định rằng: “Trong văn chương “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, điều đó hoàn toàn đúng với nhà văn Kim Lân”. Thật vậy, sự nghiệp văn chương của nhà văn Kim Lân tuy không đồ sộ, nhưng mỗi tác phẩm đều ẩn chứa “viên ngọc sáng”. Ông sáng tác bằng cả tấm lòng, tâm hồn, tình cảm của một người con lớn lên từ đồng ruộng, lúa nước. Vì thế, ông là ngòi bút chuyên viết truyện ngắn về nông thôn và người nông dân. Người nông dân trong sáng tác của Kim Lân tuy nghèo khổ, thiếu thốn nhưng vẫn lạc quan, trong sáng, yêu đời và tài hoa.
“Vợ nhặt” là một tác phẩm đặc sắc, chứa đựng những tâm tư, chiêm nghiệm sâu sắc, góc nhìn mới lạ của Kim Lân: “Khi viết về nạn đói người ta thường viết về sự khốn cùng và bi thảm. Khi viết về con người năm đói người ta hay nghĩ đến những con người chỉ nghĩ đến cái chết. Tôi muốn viết một truyện ngắn với ý khác. Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hi vọng, tin tưởng ở tương lai. Họ vẫn muốn sống, sống cho ra con người”.
Lấy bối cảnh nạn đói kinh hoàng năm 1945, trong xã hội người chết như rạ, người sống dật dờ như những bóng ma, nhân vật Tràng ở xóm ngụ cư hiện lên với vẻ ngoài xấu xí và thô kệch, làm nghề kéo xe bò, cùng người mẹ già sống vật vờ qua ngày. Giữa cuộc sống đầy tối tăm ấy, Tràng lại lấy được vợ. Giữa nạn đói hoành hành nghiêm trọng, Tràng lại dám kiếm thêm một miệng ăn vào nhà. Tuy nhiên, người vợ nhặt ấy đã mang đến cho gia đình Tràng nguồn ánh sáng, một cái nhìn khác, một cuộc sống đầy niềm tin và hy vọng về tương lai tốt đẹp.
Vào buổi sáng đầu tiên, hình bóng người vợ nhặt như mang đến một nguồn sinh khí mới cho ngôi nhà và cả gia đình Tràng. Bà cụ Tứ mất đi cái vẻ lọng khọng, ốm yếu của một cụ già, bà trở nên khỏe mạnh và tràn đầy sức sống, bà hạnh phúc trước cái cảnh gia đình ấm no, con trai có được một gia đình hạnh phúc. Buổi sáng hôm ấy, bà tất bật dậy sớm, rạng rỡ, tươi tỉnh khác thường, bà cùng nàng dâu mới thu quét, dọn dẹp nhà cửa tươm tất. Tràng cũng trở nên tươi tỉnh và yêu đời hơn. Không khí gia đình trong buổi sáng sớm đầy ấm áp và tình thương.
Hai mẹ con Tràng chào đón người vợ nhặt bằng bữa cơm ngày đói đơn giản đến mức thảm hại: “Giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau muống thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo”, “niêu cháo long bõng, mỗi người được có lưng lưng hai bát đã hết nhẵn”. Nhưng đối lập với sự bần cùng ấy, bà cụ Tứ lại ăn rất ngon lành. Hành động vui vẻ, tận hưởng, chỉ nói toàn chuyện vui và chuyện sung sướng về sau của bà như một lời động viên, an ủi con trai và con dâu trong cái cảnh cuộc sống lông bông như đứng giữa ranh giới giữa sự sống và cái chết. Các hành động của bà cụ Tứ trong bữa ăn kết hợp với các tính từ: vui vẻ, tươi cười, đon đả,… , “Chè khoán đây, ngon đáo để cơ”, “Xóm ta khối nhà còn chả có cám mà ăn đấy”… cho thấy sự cố gắng che lấp mọi khó khăn trước mắt của gia đình. Bà không muốn con trai và con dâu phải u sầu trước cái cảnh đói kém, cuộc sống tương lai tuy còn nhiều khó khăn, nhưng bà hy vọng hai vợ chồng sẽ đồng lòng vượt qua, xây dựng gia đình hạnh phúc ấm no.
Hình ảnh bà cụ Tứ trong bữa cơm ngày đói là hình ảnh thể hiện rõ nhất tấm lòng cao cả của người mẹ dành cho con và con dâu của mình. Bà tuy nghèo khó nhưng vẫn luôn muốn dành mọi điều tốt nhất cho con, muốn con có thể yên bề gia thất, gia đình hạnh phúc, ấm no. Bên cạnh đó, tác phẩm còn thể hiện rõ tư tưởng: “Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hi vọng, tin tưởng ở tương lai…”. Bà cụ Tứ là nhân vật đại diện cho tài năng và sự độc đáo trong ngòi bút của Kim Lân. Khác với những nhà văn cùng thời khi viết về chủ nghĩa hiện thực, viết về người nông dân, họ luôn vẽ nên một khung cảnh nghèo khổ, tăm tối, nhân vật không có lối thoát. Nhưng Kim Lân lại khác, các sáng tác của ông luôn có ánh sáng, đó là ánh sáng của tình người, ánh sáng của chủ nghĩa nhân đạo tha thiết và cảm động.
Với tài năng xây dựng tình huống truyện độc đáo, ngòi bút đầy nhân văn và chủ nghĩa nhân đạo, Kim Lân đã thành công lên án sự tàn bạo của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Qua đó thể hiện niềm cảm thương, xót xa của nhà văn dành cho số phận của nhân dân trong nạn đói kinh hoàng năm 1945. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh khốn cùng nhất, nhân dân ta vẫn luôn yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, hướng đến một tương lai tươi sáng tốt đẹp nhất.