Trình bày suy nghĩ của anh/chị về câu nói của Tagore: “Thà làm một bông sen nở khi thấy mặt trời rồi mất hết tinh nhụy còn hơn giữ nguyên hình nụ búp trong sương lạnh vĩnh cửu của mùa đông”.
Suy nghĩ của anh/chị về câu nói trên?

Gợi ý

1. Giải thích ý nghĩa của lời nhận định

– Hoa sen: ủ mầm trong bùn đất, tối khuất, nhơ bẩn nhưng mạnh mẽ vươn lên. Hoa sen là biểu tượng cho phẩm cách thanh sạch, biết vươn lên trong cuộc sống của con người.

– Mặt trời: Đó là ánh sáng vĩnh cửu đem lại sự sống cho vạn vật. Mặt trời tượng trưng cho sức sống mạnh mẽ, sự huy hoàng.

– Nụ búp: ẩn dụ cho cái non nớt, nhút nhát, e sợ của con người.

– Sương lạnh vĩnh cửu: là môi trường lạnh giá, khắc nghiệt, ở đó vạn vật phải ẩn mình, thu mình, không thể sinh sôi phát triển. Vì thế nó tượng trưng cho những khó khăn, thử thách trong cuộc sống.

=> Ý nghĩa câu nói: Ý kiến của Ta- go là một triết lí sống mạnh mẽ, tích cực và tiến bộ. Trong cuộc sống có rất nhiều khó khăn thử thách, nhưng nếu biết sống và cống hiến hết mình ta sẽ nhận được thành quả xứng đáng. Nếu sống nhút nhát, thụ động thì cuộc đời thật nhạt nhẽo, vô nghĩa.

2. Bàn luận, mở rộng vấn đề

a. Tại sao nên chọn cách sống như “bông hoa sen”?

– Cuộc sống rất quý giá nhưng lại ngắn ngủi, và chỉ đến duy nhất một lần. Ta phải sống thế nào cho xứng đáng, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những tháng năm đã sống hoài, sống phí. Ta cần có một trái tim đầy nhiệt huyết để sống hết mình, để cảm nhận từng hơi thở trong khoảnh khắc của đời mình.

– Đã là con người thì cần phải có ước mơ, lý tưởng và khát khao thực hiện những điều đó. Tuy nhiên, cuộc sống luôn ẩn chứa những khó khăn, thử thách và những điều tốt đẹp không bỗng dưng mà có. Thay vì để khó khăn đánh bại, ta hãy đón nhận chúng như một cơ hội để rèn luyện bản lĩnh của chính mình, để ta thêm trưởng thành.

– Khi ta chọn làm “bông hoa sen nở trong ánh mặt trời” đó là lúc ta sống hết mình và cống hiến hết mình. Ta sẽ có cơ hội được toả sáng, được khẳng định, lưu lại dấu chân trên con đường đã đi và tận hưởng những điều tuyệt diệu mà cuộc sống mang lại. Đó cũng chính là cách khiến cuộc sống của ta thêm ý nghĩa và trở nên có ích. Đó mới là cuộc sống đích thực của con người.

b. Tại sao không nên chọn cách sống như “nụ búp”?

– Nếu ta không dám đối mặt trước những khó khăn, thử thách của cuộc sống vì ta sợ sai lầm, sợ sẽ thất bại, sợ bị cười chê… để rồi mãi mãi ta sống trong vỏ bọc hèn nhát của mình. Đó là lối sống mòn, sống thừa, sống vô ích mà không được ai biết đến. Một “cuộc sống đang mòn ra, đang rỉ đi, đang nổi váng.”

– Cuộc sống không mục tiêu, ước mơ, hoài bão thật vô vị. Sống như thế thực chất chỉ là tồn sự tại mà thôi, là chết ngay cả khi đang sống.

c. Nâng cao

– Liệu có phải lúc nào ta cũng sống hết mình? Nếu cứ hết mình như thế sẽ có lúc ta kiệt sức. Vậy ta cần phải biết lượng sức mình, không phải lúc nào cũng nên lao về phía trước. Để đối mặt với mọi thử thách trên đường đời trước tiên ta phải trân trọng chính bản thân ta. Đừng nôn nóng theo đuổi mục đích mà quên mất bản thân mình.

– Có những phút giây ta nên thu mình lại khi đã cảm thấy mỏi mệt. Khi ấy không phải ta đang hèn nhát, chỉ là ta đang tìm kiếm chút bình yên cho tâm hồn, tìm được lại ý chí, lòng quyết tâm để tiếp tục tiến lên phía trước.

3. Bài học nhận thức và hành động

– Phê phán lối sống yếu mền, thụ động, chỉ biết ngồi chờ vận may và sự thuận lợi.

– Cuộc sống của mỗi người được quyết định bởi sự tự nhận thức, bản lĩnh và nghị lực vươn lên không ngừng. Cuộc sống quá ngắn ngủi, hãy cứ cháy hết mình đến tận cùng của khát vọng, ước mơ.

Bài mẫu

Có ai đó đã nói rằng: “Sinh ra trên đời là một việc hết sức đơn giản nhưng sống trên đời lại là một việc rất khó”. Quả thực, mỗi con người đều chọn cho mình một cách sống riêng. Tuy nhiên sống như thế nào để cuộc sống này thực sự có ý nghĩa? Đó là câu hỏi không phải ai cũng trả lời thấu đáo. Nhà thơ Ấn Độ Tagore đã từng khẳng định: “Thà làm một bông hoa sen nở khi thấy mặt trời rồi mất hết tinh nhụy, còn hơn giữ nguyên hình nụ búp trong sương lạnh vĩnh cửu của mùa đông”. “Bông sen nở khi thấy mặt trời” là ẩn dụ về lối sống hết mình cho những mục tiêu, những đam mê để khẳng định giá trị của bản thân, mang đến những điều tốt đẹp cho cuộc đời. “Làm một bông sen nở khi thấy mặt trời rồi mất hết tinh nhụy” bàn về lối sống tích cực, nhiệt huyết để tạo nên những thành quả, ý nghĩa sống rồi chấp nhận lụi tàn cũng không cam chịu cuộc sống nhạt nhòa, vô vị không ý nghĩa. Trong khi đó, “giữ nguyên hình nụ búp trong sương lạnh vĩnh cửu của mùa đông” là lối sống cố thủ hòng mang đến an toàn cho bản thân trước những tác động của cuộc sống. Câu nói “Thà làm một bông sen nở khi thấy mặt trời rồi mất hết tinh nhụy còn hơn giữ nguyên hình nụ búp trong sương lạnh vĩnh cửu của mùa đông” của Tagore đã thể hiện quan niệm sống tích cực: sống hết mình cho những đam mê, lí tưởng sống rồi lụi tàn còn hơn sống mờ nhạt như búp nụ kia dù đẹp nhưng chẳng thể mang đến một ý nghĩa thiết thực. Cuộc sống rất quý giá nhưng lại ngắn ngủi, và chỉ đến duy nhất một lần.

Tuổi xuân của mỗi người là hữu hạn, bởi vậy ta phải sống thế nào cho xứng đáng, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những tháng năm đã sống hoài, sống phí. Ta cần có một trái tim đầy nhiệt huyết để sống hết mình, để cảm nhận từng hơi thở trong khoảnh khắc của đời mình. Khi ta chọn làm “bông hoa sen nở trong ánh mặt trời” đó là lúc ta sống hết mình và cống hiến hết mình. Ta sẽ có cơ hội được toả sáng, được khẳng định, lưu lại dấu chân trên con đường đã đi và tận hưởng những điều tuyệt diệu mà cuộc sống mang lại. Đó cũng chính là cách khiến cuộc sống của ta thêm ý nghĩa và trở nên có ích. Đó mới là cuộc sống đích thực của con người. Nếu chỉ biết sống ích kỉ, sợ những tổn thương, va chạm chúng ta sẽ mãi là những nụ búp nguyên hình không bao giờ nở. Đứng trước những khó khăn nếu ta run sợ trước nó để rồi bỏ cuộc, từ bỏ những mục tiêu ban đầu cũng là lúc ta đặt dấu chấm hết cho những mục tiêu, lí tưởng. Không những thế, lối sống cố thủ, ích kỉ sợ hãi cuộc sống còn giam hãm con người trong vỏ bọc hèn nhát, sự sống của con người vì vậy trở nên nhạt nhòa, thừa thãi và không một ai biết đến. Đúng như trong bài thơ “Giục giã”, nhà thơ Xuân Diệu viết: “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối/ Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”, cuộc sống của mỗi người được quyết định bởi sự tự nhận thức, bản lĩnh và nghị lực vươn lên không ngừng. Cuộc sống quá ngắn ngủi, hãy cứ cháy hết mình đến tận cùng của khát vọng, ước mơ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *